Đi đến nội dung

Anh Gyeong-chan Park là một trong 140 anh bị MMAO thông báo sai là người trốn nghĩa vụ quân sự

NGÀY 9-6-2017
HÀN QUỐC

Tòa án Hàn Quốc công nhận nhân quyền của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm

Tòa án Hàn Quốc công nhận nhân quyền của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm

Vào ngày 1-5-2017, Tòa án Hành chính Seoul phán quyết rằng việc Cơ quan Quản lý Nhân lực Quân đội (MMAO) công khai sỉ nhục những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm bằng cách gọi họ là những người trốn nghĩa vụ có thể gây ra hậu quả khôn lường cho họ. Tòa án này ra lệnh cho MMAO phải chấm dứt việc tiết lộ thông tin cá nhân của những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm trên trang web chính thức của cơ quan ấy trong khi chờ đợi phán quyết từ vụ kiện hành chính khiếu nại hành động của MMAO. MMAO đã tuân theo lệnh này.

Không phải là những người trốn nghĩa vụ

Vào đầu năm 2015, các ủy viên của MMAO thông báo cho những người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm là MMAO sẽ công khai thông tin cá nhân của họ với biệt danh là người trốn nghĩa vụ. MMAO biết những người nam này vì tất cả họ đã viết đơn cho MMAO trước ngày nhập ngũ để cho biết là họ từ chối tham gia nghĩa vụ quân sự vì cớ lương tâm nhưng sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ dân sự thay thế. Dù vậy, vào ngày 20-12-2016, MMAO vẫn công khai trên trang web chính thức về tên tuổi, địa chỉ và các thông tin khác của những người nam này với biệt danh là người trốn nghĩa vụ.

Anh Gyeong-chan Park, người từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm và là Nhân Chứng Giê-hô-va, đã bị sốc khi thấy tên mình trong danh sách 237 người trốn nghĩa vụ đăng trên trang web ấy. Anh nói: “Tôi quyết tâm từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm và biết là một số người sẽ chỉ trích lập trường của mình. Dù vậy, tôi không ngờ là chính quyền lại xem tôi là một người ‘trốn nghĩa vụ’. MMAO chắc chắn biết đủ về Nhân Chứng Giê-hô-va và động cơ của chúng tôi để nhận ra là việc chúng tôi từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm không phải là ích kỷ trốn tránh nghĩa vụ của công dân”. Anh nói thêm: “Khi thấy tên và địa chỉ của mình trong danh sách công khai này, phải thừa nhận là tôi lo sợ rằng sẽ có người đến nhà quấy rối và gây hại cho mình”.

Trong đơn xin chấm dứt việc tiết lộ thông tin, 140 nam Nhân Chứng bị công khai danh tính trên trang web ấy lập luận là theo Luật nghĩa vụ quân sự, người trốn nghĩa vụ là người từ chối lệnh triệu tập mà “không có lý do chính đáng”. Những người nam này lập luận rằng họ không trốn nghĩa vụ, và việc họ từ chối nhập ngũ không phải là “không có lý do chính đáng”, vì theo luật Hàn Quốc và các nghĩa vụ quốc tế thì nước này phải công nhận là một người có quyền từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Phán quyết liên quan đến việc công nhận quyền này tại Hàn Quốc đang chờ Tòa án Hiến pháp của nước này đưa ra.

Lạm quyền để tự ý thêm hình phạt

Những nam Nhân Chứng này cũng lý luận rằng sự chỉ trích mạnh mẽ của xã hội, dù khiến họ mệt mỏi về tinh thần và bị mất danh dự, cũng không thể thay đổi lòng quyết tâm của Nhân Chứng Giê-hô-va trong việc từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm. Tại Hàn Quốc, hơn 19.000 Nhân Chứng Giê-hô-va phải chịu áp lực này và họ phải chịu đựng tổng cộng hơn 36.000 năm tù đày trong 60 năm qua. Những người nam này xem việc bị công khai thông tin là dạng hình phạt khác và gây ra bất lợi cho họ chẳng khác gì tiền án mà chính phủ Hàn Quốc buộc họ phải chịu vì làm theo lương tâm.

Trông mong đến ngày được xét xử tại tòa

Nhân Chứng Giê-hô-va ở Hàn Quốc biết ơn vì tòa án đã công nhận là vấn đề này vi phạm nhân quyền và mong rằng phán quyết này sẽ có tác động tích cực đến vụ kiện hành chính, là vụ sẽ sớm được xem xét tại tòa. Họ cũng chuẩn bị gửi đơn xin Ủy ban Quốc gia về Nhân quyền của Hàn Quốc đưa ra quan điểm chính thức của họ về vấn đề này với tòa án. Vụ kiện ấy sẽ được xét xử vào ngày 28-6-2017.