Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | PHẢI CHĂNG KHOA HỌC ĐÃ THAY THẾ KINH THÁNH?

Khoa học ảnh hưởng thế nào đến đời sống bạn?

Khoa học ảnh hưởng thế nào đến đời sống bạn?

Một từ điển cho biết khoa học là “hệ thống tri thức về bản chất và cách vận hành của vũ trụ vật chất dựa vào việc quan sát, thử nghiệm và đo lường”. Làm những điều này là rất khó, thường gây nhiều hoang mang. Các nhà khoa học nỗ lực để tiến hành thử nghiệm và quan sát trong nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đôi khi công sức của họ chẳng đi đến đâu. Nhưng trong nhiều trường hợp, công sức ấy cũng mang lại lợi ích cho cả nhân loại. Hãy xem vài thí dụ.

Một công ty ở châu Âu đã kết hợp nhựa cứng với những bộ lọc tân tiến để tạo ra một thiết bị giúp người ta có thể tránh mắc bệnh do uống nước nhiễm khuẩn. Những thiết bị này được dùng khi xảy ra các thảm họa thiên nhiên, chẳng hạn như trận động đất năm 2010 tại Haiti.

Bên ngoài trái đất, các mạng vệ tinh tạo thành Hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Ban đầu GPS được thiết kế để dùng trong quân đội. Giờ đây GPS giúp cho tài xế, phi công, người đi biển và ngay cả những thợ săn cũng như người đi bộ đường dài định vị hướng đi của họ. Nhờ các nhà khoa học phát minh ra GPS mà bạn có thể đến được nơi mình muốn dễ dàng hơn.

Bạn có dùng điện thoại di động, máy vi tính hoặc Internet không? Bạn có thấy sức khỏe của mình được cải thiện hoặc được phục hồi nhờ tiến bộ của y khoa? Bạn có đi lại bằng máy bay không? Nếu có, bạn đang hưởng lợi ích từ khoa học. Quả thật, khoa học ảnh hưởng thiết thực đến đời sống bạn cũng như cả nhân loại.

NHỮNG GIỚI HẠN CỦA KHOA HỌC HIỆN ĐẠI

Trong nỗ lực khám phá, các nhà khoa học hiện đại đang nghiên cứu chuyên sâu về thế giới tự nhiên. Các nhà vật lý hạt nhân tìm tòi chức năng bên trong của nguyên tử, còn các nhà vật lý thiên văn thì truy nguyên đến hàng tỉ năm với nỗ lực tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ. Khi càng nghiên cứu tỉ mỉ, ngay cả đào sâu trong những lĩnh vực vô hình và không thể chạm được, một số nhà khoa học nghĩ rằng nếu Thượng Đế hay Đức Chúa Trời hiện hữu thì lẽ ra họ phải tìm được ngài.

Một số nhà khoa học và triết gia lỗi lạc đi xa hơn nữa. Họ thực thi điều mà tác giả viết về khoa học tên Amir D. Aczel cho rằng thay vì qua khoa học, người ta cố gắng tìm thấy Đức Chúa Trời, nhưng họ làm ngược lại. Họ cố phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, nhà vật lý nổi tiếng thế giới tuyên bố rằng “không có bằng chứng cho thấy có một Đức Chúa Trời đóng vai trò quan trọng trong vũ trụ. Chắc chắn không có Đức Chúa Trời”. Những người khác thì cho rằng hoạt động của Đức Chúa Trời được miêu tả trong Kinh Thánh là “trò ảo thuật” và “sự lừa dối siêu nhiên”. *

Tuy nhiên, một câu hỏi phải được nêu lên: Liệu khoa học có hiểu biết hết về thế giới tự nhiên để đưa ra những kết luận chắc chắn không? Câu trả lời đơn giản là không. Dù khoa học đã đạt những bước tiến đáng kể, nhưng nhiều nhà khoa học công nhận rằng có nhiều điều họ chưa biết và có lẽ không bao giờ biết được. Nhà vật lý am hiểu về thiên nhiên và đoạt giải Nobel là Steven Weinberg đã nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ khám phá hết sự thật”. Giáo sư Martin Rees, nhà thiên văn Hoàng gia Anh, viết: “Có nhiều điều con người sẽ không bao giờ hiểu được”. Thực tế là hầu hết trong thiên nhiên, từ một tế bào nhỏ xíu đến vũ trụ bao la, sự hiểu biết vẫn còn ngoài tầm tay của khoa học hiện đại. Hãy xem những thí dụ sau đây:

  • Các nhà sinh học không hiểu hết tiến trình diễn ra trong các tế bào sống. Cách tế bào tiêu thụ năng lượng, cách chúng phân chia và sản xuất protein vẫn còn là dấu chấm hỏi mà khoa học chưa thể lý giải rõ ràng.

  • Trọng lực ảnh hưởng đến chúng ta từng giây mỗi ngày. Tuy nhiên, điều này vẫn còn bí ẩn đối với các nhà vật lý. Họ không hiểu rõ tại sao mỗi khi bạn nhảy lên, trọng lực lại kéo bạn xuống mặt đất hoặc tại sao trọng lực giữ cho mặt trăng chuyển động theo quỹ đạo quanh trái đất.

  • Nhà vũ trụ học ước lượng có khoảng 95% vật chất tạo thành vũ trụ là vô hình và các bộ thiết bị khoa học không thể phát hiện. Họ chia những vật thể kỳ lạ này thành hai loại: vật chất tối và năng lượng tối. Thực chất về hai loại này vẫn còn bí ẩn.

Có nhiều bí ẩn khác khiến các nhà khoa học phải hoang mang. Tại sao điều này lại quan trọng? Một tác giả nổi tiếng viết về khoa học cho biết: “So với những điều chưa biết thì sự hiểu biết của chúng ta vô cùng hạn hẹp. Đối với tôi, khoa học khiến bạn kinh ngạc và muốn tìm tòi nhiều hơn thay vì võ đoán”.

Nếu bạn thắc mắc không biết khoa học có thay thế Kinh Thánh và loại bỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời hay không thì hãy xem điều này: Nếu các nhà khoa học tài ba và các bộ thiết bị khoa học có thể giúp con người chỉ đạt được sự hiểu biết ít ỏi về thế giới tự nhiên, thì có hợp lý không khi gạt bỏ những điều mà khoa học không thể khám phá? Cuối bài viết về lịch sử và sự phát triển của thiên văn học, Bách khoa từ điển Anh Quốc (Encyclopedia Britannica) đã kết luận một cách thẳng thắn: “Sau gần 4.000 năm nghiên cứu thiên văn học, vũ trụ dường như không có gì mới lạ so với thời Ba-by-lôn xưa”.

Nhân Chứng Giê-hô-va tôn trọng quyết định của mỗi người trong vấn đề này. Chúng tôi cố gắng làm theo lời hướng dẫn của Kinh Thánh: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em” (Phi-líp 4:5). Với tinh thần ấy, chúng tôi mời bạn xem khoa học và Kinh Thánh hòa hợp và bổ sung cho nhau như thế nào.

^ Những dạy dỗ của nhà thờ vào thời xưa và ngày nay, như trái đất là trung tâm của vũ trụ hoặc Đức Chúa Trời tạo ra thế giới trong sáu ngày dài 24 giờ, đã khiến nhiều người chối bỏ Kinh Thánh.—Xem khung “ Kinh Thánh và những dữ kiện khoa học”.