KINH NGHIỆM
Anh Jairo phụng sự Đức Chúa Trời bằng đôi mắt của mình
Hãy tưởng tượng cả cơ thể bạn đều bất động, chỉ còn đôi mắt cử động mà thôi! Chính anh trai của tôi trong tình trạng hiểm nghèo ấy. Tuy nhiên, anh vẫn sống cuộc đời đầy ý nghĩa. Trước khi giải thích lý do anh Jairo cảm thấy cuộc đời đáng sống, tôi xin kể lại câu chuyện của anh mình.
Anh Jairo bị mắc một loại bệnh bại não bẩm sinh gọi là chứng liệt cứng tứ chi *. Vì thế, anh hầu như không kiểm soát được cơ thể mình. Vì não không thể chuyển tín hiệu rõ ràng đến cơ bắp nên các khuỷu tay chân của anh bị mất kiểm soát, vặn vẹo cách đau đớn. Đôi khi, anh tự làm mình bị thương vì những cơn co giật bất thình lình. Người ở bên cạnh cũng có thể bị thương nếu không để ý. Thật đáng buồn, tay chân của anh thường phải bị buộc vào xe lăn để những sự cố ấy không xảy ra.
CƠN ĐAU KÉO DÀI ĐẾN TUỔI TRƯỞNG THÀNH
Khi cơ thể phát triển, anh Jairo vô cùng đau đớn. Lúc ba tháng tuổi, những cơn co giật khiến anh bất tỉnh. Nhiều lần mẹ ôm chặt anh lại rồi đưa đến bệnh viện, nghĩ rằng anh đã chết.
Vì các cơ bị căng ra và co rút lại nên dần dần xương của anh Jairo cũng bị biến dạng. Đến khi 16 tuổi, anh bị trật khớp hông, phải đại phẫu để nối đùi, hông và khớp hông lại. Tôi còn nhớ, mỗi đêm anh Jairo đều khóc thét lên vì đau đớn tột độ trong giai đoạn bình phục.
Vì tàn tật nặng nên anh phải hoàn toàn lệ thuộc người khác trong các sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, mặc đồ và đi ngủ. Cha mẹ tôi thường làm những việc này. Dù anh Jairo luôn cần sự giúp đỡ, nhưng cha mẹ thường xuyên nhắc anh nhớ là sự sống của anh không những phụ thuộc nơi con người mà còn phụ thuộc nơi Đức Chúa Trời.
CƠ HỘI GIAO TIẾP ĐƯỢC MỞ RA
Cha mẹ chúng tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va nên họ đọc các câu chuyện Kinh Thánh cho anh Jairo nghe từ lúc anh còn nhỏ. Họ luôn ý thức rằng đời sống của một người trở nên ý nghĩa hơn nếu có mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Anh Jairo bị bó buộc trong cơ thể yếu ớt hay bị co giật liên tục, nhưng anh vẫn ấp ủ một hy vọng tươi sáng, vững chắc về tương lai. Dù vậy, cả nhà băn khoăn không biết anh Jairo có hiểu Kinh Thánh hay không.
Một ngày nọ, khi anh Jairo còn nhỏ, cha đã nói: “Jairo, nói chuyện với cha đi con! Nếu con thật lòng thương cha, thì con sẽ nói được!”. Khi cha năn nỉ anh nói ra chỉ một từ thôi, anh đã ứa lệ. Dù cố diễn tả cảm xúc bằng lời, nhưng anh chỉ thì
thầm trong cổ họng. Cha cảm thấy buồn khi làm anh Jairo khóc. Nhưng phản ứng đó cho thấy anh Jairo hiểu những gì cha nói. Vấn đề ở đây là anh không nói được.Không lâu sau, cha mẹ để ý thấy thỉnh thoảng anh Jairo liếc mắt qua lại liên tục để cố gắng cho cả nhà hiểu suy nghĩ lẫn cảm xúc của mình. Jairo bối rối vì không phải lúc nào mình cũng làm được điều này. Nhưng khi cha mẹ tập đoán ý qua dấu hiệu qua đôi mắt của anh và đáp ứng đúng nhu cầu thì nét mặt anh Jairo tươi rói. Đó là dấu hiệu anh muốn nói lời cảm ơn.
Một chuyên gia âm ngữ trị liệu gợi ý là để giao tiếp tốt hơn, chúng tôi nên giơ hai tay lên cao khi hỏi những câu hỏi “có” hay “không”. Tay phải nghĩa là “có”, tay trái là “không”. Vì thế, anh có thể bày tỏ mong muốn của mình bằng cách nhìn vào cánh tay thích hợp.
BƯỚC NGOẶT TRONG ĐỜI ANH JAIRO
Nhân Chứng Giê-hô-va tổ chức hội nghị mỗi năm ba lần. Tại đây, đông đúc cử tọa được nghe các bài giảng về Kinh Thánh. Anh Jairo luôn háo hức khi nghe bài giảng dành cho các ứng viên báp-têm. Một ngày nọ, khi được 16 tuổi, cha hỏi: “Jairo ơi, con có muốn làm báp-têm không?”. Ngay lập tức, anh nhìn vào cánh tay phải của cha, điều này cho thấy anh rất muốn. Rồi cha hỏi tiếp: “Trong lời cầu nguyện, con đã hứa với Đức Chúa Trời là con sẽ phụng sự ngài mãi mãi chưa?”. Một lần nữa, anh Jairo nhìn thẳng vào tay phải của cha. Rõ ràng, anh Jairo đã cống hiến đời mình cho Đức Giê-hô-va.
Sau vài lần thảo luận Kinh Thánh, anh Jairo chứng tỏ mình hiểu tầm quan trọng của phép báp-têm của tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Thế nên, vào năm 2004, anh đã trả lời câu hỏi quan trọng nhất trong đời mình: “Anh có dâng mình cho Đức Chúa Trời để làm theo ý muốn của ngài không?”. Anh trả lời bằng cách nhướng mắt lên. Đây là cách sắp đặt trước để biết anh trả lời “có”. Vậy là ở tuổi 17, anh đã làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.
ĐÔI MẮT TẬP TRUNG VÀO Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Năm 2011, cơ hội giao tiếp mới được mở ra cho anh Jairo, đó là máy vi tính điều khiển bằng mắt. Thiết bị này theo dõi các chuyển động của tròng đen để anh có thể kích hoạt vào các biểu tượng trên màn hình. Việc chớp mắt hoặc nhìn lâu vào một biểu tượng cũng giống như nhấp chuột trên máy vi tính. Một bảng gồm các hình biểu tượng của những từ, cụm từ được tạo ra để giúp anh
Jairo có thể giao tiếp. Khi anh chớp mắt vào một hình nào đó, thì phần mềm cài đặt sẵn trong máy sẽ chuyển văn bản thành giọng nói điện tử.Khi càng hiểu Kinh Thánh nhiều hơn, anh Jairo càng khao khát được giúp đỡ người khác về tâm linh. Trong buổi học Kinh Thánh với gia đình hàng tuần, anh thường liếc mắt qua lại giữa tôi và chiếc máy vi tính của anh. Đây là dấu hiệu anh nhắc tôi nên viết ra lời bình luận, để anh có thể trả lời trong các phần thảo luận theo lối vấn đáp tại các buổi nhóm họp của hội thánh đạo Đấng Ki-tô.
Tại buổi nhóm họp, anh kiên nhẫn tra các biểu tượng trên màn hình để nhấp vào hình nào thích hợp rồi tiếng nói điện tử được phát ra để mọi người nghe. Mỗi lần như thế, anh cười thật tươi và các thành viên trong hội thánh được khích lệ rất nhiều. Một người bạn của anh Jairo là Alex đã nhận xét: “Tôi luôn ấn tượng mỗi khi nghe lời bình luận của Jairo về một đề tài trong Kinh Thánh”.
Anh Jairo cũng dùng đôi mắt để nói cho người khác biết về niềm tin của mình. Chẳng hạn, anh chớp mắt vào các bức hình địa đàng có thú vật và con người thuộc mọi chủng tộc sống hòa thuận với nhau. Khi kích hoạt hình này, tiếng nói phát ra: “Hy vọng đến từ Kinh Thánh cho biết trái đất sẽ thành địa đàng, nơi đây sẽ không còn bệnh tật và cái chết nữa, Khải huyền 21:4”. Nếu người nghe tỏ ra chú ý, anh chớp mắt tiếp để máy tính nói: “Quý vị có muốn tìm hiểu Kinh Thánh với tôi không?”. Ngạc nhiên thay, ông ngoại của chúng tôi nhận lời mời này. Thật vui khi thấy anh Jairo, với sự giúp đỡ của một Nhân Chứng khác, từng bước giúp ông ngoại tìm hiểu Kinh Thánh! Hạnh phúc thay, vào tháng 8 năm 2014, ông ngoại đã làm báp-têm tại hội nghị vùng ở Madrid.
Giáo viên trong trường cũng chú ý đến lòng tận tâm mà anh Jairo dành cho Đức Chúa Trời. Một chuyên viên ngữ âm trị liệu tên Rosario có lần thừa nhận: “Nếu nghĩ đến việc theo một tôn giáo nào đó, tôi sẽ chọn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Tôi nhận thấy đức tin của Jairo đã giúp đời sống anh thật sự có mục đích như thế nào, dù trải qua tình cảnh ngặt nghèo”.
Đôi mắt của Jairo luôn sáng ngời khi tôi đọc cho anh nghe lời hứa của Kinh Thánh: “Kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát” (Ê-sai 35:6). Dù đôi lúc cũng nản lòng nhưng nói chung anh luôn lạc quan nhờ đời sống anh xoay quanh việc phụng sự Đức Chúa Trời và các bạn tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Quan điểm tích cực cùng đức tin mạnh mẽ của anh là minh chứng cho thấy việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm cho đời sống đầy ý nghĩa, dù trải qua gian nan.
^ đ. 5 Bại não là thuật ngữ chung dùng để miêu tả sự tổn hại của não bộ ảnh hưởng đến việc cử động. Căn bệnh có thể gây ra co giật, rối loạn về ăn uống và khó nói. Chứng liệt cứng tứ chi là loại bệnh trầm trọng nhất của bại não. Bệnh có thể làm cho tứ chi bị tê cứng, còn cổ thì bị cụp thỏng xuống.