BÍ QUYẾT GIÚP GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Trò chuyện với con ở tuổi thanh thiếu niên—Không tranh cãi
“Khi con gái tôi 14 tuổi, cháu bắt đầu trả treo với tôi. Nếu tôi bảo ‘Đến giờ ăn tối rồi’, cháu đáp ‘Khi nào con muốn thì con ăn’. Nếu tôi hỏi là cháu làm xong việc nhà chưa, cháu sẽ nói ‘Đừng cằn nhằn con nữa!’. Nhiều lần hai mẹ con lớn tiếng và la lối om sòm”.—CHỊ MAKI *, NHẬT BẢN.
Nếu có con trong tuổi thanh thiếu niên, cuộc xung đột có thể thử thách kỹ năng làm cha mẹ và lòng kiên nhẫn của bạn. Chị Maria ở Brazil là mẹ của cô con gái 14 tuổi, cho biết: “Khi con thách thức uy quyền của tôi, tôi tức điên lên. Hai mẹ con bực mình đến nỗi la hét nhau”. Chị Carmela sống ở Ý cũng gặp tình huống tương tự. Chị nói: “Cuộc tranh cãi với con trai luôn căng thẳng và chấm dứt khi cháu tự nhốt mình trong phòng”.
Tại sao một số thanh thiếu niên dễ nổi cáu? Có phải vì bạn bè đồng lứa? Có lẽ thế. Kinh Thánh cho biết bạn bè có thể ảnh hưởng nhiều đến một người, dù tốt hay xấu (Châm-ngôn 13:20; 1 Cô-rinh-tô 15:33). Ngoài ra, đa số loại hình giải trí cho giới trẻ ngày nay cổ vũ tinh thần phản kháng và bất phục tùng.
Nhưng cũng cần xem xét những yếu tố khác, những yếu tố không quá khó để giải quyết khi bạn hiểu tại sao chúng ảnh hưởng đến tuổi thanh thiếu niên. Hãy xem một số trường hợp.
PHÁT HUY “LÝ TRÍ”
Sứ đồ Phao-lô viết: “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, suy nghĩ như con trẻ, suy luận như con trẻ; nhưng nay là người trưởng thành, tôi đã bỏ những đặc tính của con trẻ” (1 Cô-rinh-tô 13:11). Lời của Phao-lô cho thấy, con trẻ và người lớn có lối suy nghĩ khác nhau. Như thế nào?
Con trẻ có khuynh hướng suy nghĩ cụ thể, trắng đen rõ ràng. Ngược lại, về những vấn đề chưa rõ ràng, người lớn có thể lý luận và nghĩ xa hơn trước khi đi đến kết luận hoặc quyết định. Chẳng hạn, rất có thể người lớn xem xét tiêu chuẩn đạo đức ẩn sau vấn đề và suy nghĩ về hành động của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến người khác. Có lẽ họ quen suy nghĩ như thế. Trái lại, đối với thanh thiếu niên, điều này là mới mẻ.
Kinh Thánh khuyến khích giới trẻ vun trồng “sự dẽ-dặt, [“thận trọng”, Bản Diễn Ý] (Châm-ngôn 1:4). Thật ra, Kinh Thánh khuyên giục tất cả các tín đồ đạo Đấng Ki-tô vận dụng “lý trí” (Rô-ma 12:1, 2; Hê-bơ-rơ 5:14). Nhưng, đôi khi khả năng lý luận của người trẻ khiến chúng tranh cãi với bạn, thậm chí trong những chuyện có vẻ nhỏ nhặt. Hoặc có lẽ con sẽ nói ra quan điểm mà rõ ràng là không đúng (Châm-ngôn 14:12). Trong tình huống như thế, làm sao bạn có thể lý luận với con thay vì tranh cãi?
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Nghĩ xem, con bạn ở tuổi thanh thiếu niên chỉ đang thử cách lý luận mới và chưa chắc chắn về quan điểm của mình. Để hiểu rõ con, trước tiên hãy khen con vì đã vận dụng kỹ năng lý luận (“Cha/Mẹ hiểu lý luận của con dù không đồng ý mọi quan điểm”). Rồi, giúp con xem xét quan điểm của mình (“Con nghĩ những điều con nói có áp dụng trong mọi tình huống không?”). Bạn có thể ngạc nhiên khi thấy con xem lại quan điểm và làm cho tốt hơn như thế nào.
Hãy lưu ý rằng khi lý luận với con, đừng chứng tỏ là mình đúng. Dù lời bạn nói như nước đổ lá môn, có lẽ con chưa thừa nhận lý luận của bạn nhưng rất có thể con đã rút ra bài học qua cuộc thảo luận hơn là bạn mong đợi. Rất có thể trong vài ngày, con có cùng quan điểm với bạn, thậm chí còn cho rằng đó là quan điểm của mình.
“Đôi khi con trai và tôi cãi nhau về những điều nhỏ nhặt, chẳng hạn việc đừng lãng phí hoặc chọc ghẹo em gái. Nhưng trong nhiều trường hợp, dường như con muốn tôi hỏi con đang nghĩ gì, và cho thấy tôi hiểu con phần nào khi nói, ‘Vấn đề là vậy hả’, hoặc ‘Con nghĩ như thế à’. Nhìn lại, tôi thấy rằng nếu chỉ nói điều gì đó giống như vậy, hẳn chúng tôi tránh được nhiều cuộc tranh cãi’’.—Anh Kenji, Nhật Bản.
TẠO LÒNG TIN CHẮC
Một phần quan trọng trong việc nuôi dạy con ở tuổi thanh thiếu niên là chuẩn bị cho ngày con rời mái ấm gia đình và sống như một người có trách nhiệm (Sáng-thế Ký 2:24). Điều này bao hàm việc hình thành nhân cách, tức tính cách, niềm tin và đạo đức, cho thấy con là loại người nào. Khi gặp áp lực làm điều sai trái, thanh thiếu niên nào biết rõ nhân cách của mình thì không những nghĩ đến hậu quả mà còn làm nhiều hơn thế nữa. Con cũng sẽ tự hỏi: “Mình thuộc loại người nào? Mình theo tiêu chuẩn đạo đức nào? Một người có các tiêu chuẩn ấy sẽ làm gì trước tình huống này?”.—2 Phi-e-rơ 3:11.
Kinh Thánh cho chúng ta biết về Giô-sép, một thanh niên biết rõ mình có nhân cách nào. Chẳng hạn, khi vợ của Phô-ti-pha nài nỉ Giô-sép quan hệ với bà, Giô-sép trả lời: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế Ký 39:9). Dù luật cấm phạm tội ngoại tình chưa được ban cho dân Y-sơ-ra-ên, Giô-sép nhận biết quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề này. Hơn thế nữa, cụm từ “thế nào tôi dám” cho thấy Giô-sép xem quan điểm của Đức Chúa Trời như là quan điểm của mình, một phần trong chính nhân cách của ông.—Ê-phê-sô 5:1.
Con của bạn ở tuổi thanh thiếu niên cũng đang hình thành nhân cách. Đây là điều tốt, vì lòng tin chắc sẽ giúp con bạn đối phó và kháng cự áp lực của bạn đồng lứa (Châm-ngôn 1:10-15). Mặt khác, biết mình có nhân cách nào có thể khiến con chống lại bạn. Nếu chuyện đó xảy ra, bạn có thể làm gì?
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Thay vì để mình vướng vào cuộc tranh cãi, chỉ cần nói lại quan điểm của con (“Để cha/mẹ hiểu quan điểm của con. Con đang nói là...”). Rồi đặt những câu hỏi (“Điều gì khiến con cảm thấy như thế?” hoặc “Điều gì khiến con kết luận như vậy?”). Nên khơi chuyện với con và
để con trình bày lòng tin chắc của mình. Nếu sự khác biệt giữa hai quan điểm chỉ là vấn đề sở thích chứ không phải vấn đề đúng sai, hãy cho con thấy bạn tôn trọng quan điểm của con, dù bạn không hoàn toàn đồng ý.Hình thành nhân cách đi đôi với lòng tin chắc không chỉ là việc bình thường mà còn mang lại lợi ích. Suy cho cùng, Kinh Thánh nói tín đồ đạo Đấng Ki-tô không nên giống con trẻ “chao đảo như bị sóng đánh và bị mọi sự dạy dỗ đưa đi đây đó như gió thổi” (Ê-phê-sô 4:14). Thế nên, hãy cho phép, ngay cả khuyến khích con hình thành nhân cách cùng với lòng tin vững chắc.
“Khi tôi cho các con gái thấy mình sẵn sàng lắng nghe thì chúng dễ cân nhắc quan điểm của tôi hơn, dù quan điểm của chúng tôi khác nhau. Tôi thận trọng, không ép chúng suy nghĩ giống mình nhưng để chúng tự tạo lòng tin chắc”.—Chị Ivana, Cộng hòa Séc.
KIÊN ĐỊNH NHƯNG LINH ĐỘNG
Như con trẻ, một số thanh thiếu niên dùng “chiến lược vòi vĩnh” để cố làm cha mẹ nhượng bộ. Nếu việc này thường xảy ra trong gia đình, hãy thận trọng. Dù việc nhượng bộ có lẽ mang lại cảm giác nhẹ nhõm tạm thời, nhưng con bạn xem đây là cách để chúng có được điều mình muốn. Giải pháp? Hãy làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Anh em nói ‘có’ thì phải là có, ‘không’ thì phải là không” (Ma-thi-ơ 5:37). Thanh thiếu niên ít khi tranh cãi nếu biết bạn kiên định.
Đồng thời cũng nên phải lẽ. Hãy để con giải thích, chẳng hạn, tại sao con cảm thấy nên điều chỉnh việc ấn định giờ giấc trong một tình huống đặc biệt. Trong trường hợp ấy, không phải bạn nhượng bộ trước sức ép, nhưng chỉ làm theo lời khuyên sau đây của Kinh Thánh: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”.—Phi-líp 4:5.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Họp mặt để bàn bạc về việc ấn định giờ giấc và các quy tắc khác trong gia đình. Cho con thấy bạn sẵn sàng lắng nghe và cân nhắc mọi yếu tố liên quan trước khi quyết định. Anh Roberto, một người cha ở Brazil, khuyên: “Con cái ở tuổi thanh thiếu niên nên thấy cha mẹ sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nếu không vi phạm nguyên tắc Kinh Thánh”.
Dĩ nhiên không có cha mẹ nào hoàn hảo. Kinh Thánh cho biết: “Hết thảy chúng ta đều vấp ngã nhiều lần” (Gia-cơ 3:2). Nếu thấy mình cũng có lỗi trong cuộc tranh cãi, đừng ngần ngại xin lỗi con. Qua việc thừa nhận lỗi lầm, bạn nêu gương khiêm nhường và con sẽ bắt chước bạn.
“Sau một cuộc tranh cãi, khi đã bình tĩnh, tôi xin lỗi con trai vì mình nổi nóng. Điều này cũng giúp con dịu lại và dễ nghe lời tôi hơn”.—Anh Kenji, Nhật Bản.
^ đ. 3 Các tên trong bài này đã được thay đổi.
HÃY TỰ HỎI:
-
Tôi cũng góp phần gây ra cuộc tranh cãi với con tuổi thanh thiếu niên qua những cách nào?
-
Làm sao tôi có thể áp dụng những lời khuyên trong bài này để hiểu con rõ hơn?
-
Làm thế nào tôi có thể trò chuyện với con tuổi thanh thiếu niên mà không tranh cãi?