Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Vợ chồng cùng nhau vun đắp về tâm linh

Vợ chồng cùng nhau vun đắp về tâm linh

Frederick *: “Lúc mới cưới, tôi một mực muốn tôi và vợ cùng học Kinh Thánh với nhau. Tôi nhất quyết cô ấy phải chú tâm trong các buổi học. Tuy nhiên, Leanne không thể ngồi yên. Khi tôi đặt câu hỏi thì cô ấy chỉ trả lời có hoặc không. Phản ứng của cô ấy không như những gì tôi mong đợi nơi buổi học Kinh Thánh”.

Leanne: “Tôi lấy anh Frederick lúc 18 tuổi. Chúng tôi thường xuyên học Kinh Thánh chung nhưng trong mỗi buổi học, anh Frederick luôn moi ra tất cả lỗi lầm của tôi và đưa ra những cách tôi cần cải thiện trong vai trò người vợ. Tôi cảm thấy quá chán nản và đau lòng!”.

Bạn nghĩ có vấn đề gì trong mối quan hệ của anh Frederick và chị Leanne? Họ có ý tốt. Cả hai đều yêu mến Đức Chúa Trời. Họ đều thấy cần phải học Kinh Thánh chung với nhau. Nhưng chính điều có thể giúp họ gắn bó nhau dường như lại phản tác dụng. Đúng là họ đã học Kinh Thánh chung nhưng lại không cùng nhau vun đắp về tâm linh.

Vậy, tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có thái độ nào? Tại sao các cặp vợ chồng nên cố gắng vun đắp về tâm linh? Họ có thể gặp những khó khăn nào và làm sao vượt qua?

Tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có thái độ nào?

Kinh Thánh mô tả những thái độ hoặc cách người ta đối phó với cuộc sống (Giu-đe 18, 19). Chẳng hạn, người viết Kinh Thánh là ông Phao-lô nêu bật sự khác biệt giữa người quý trọng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và người sống theo xác thịt. Như Phao-lô đề cập, những người có khuynh hướng xác thịt chú trọng vào bản thân hơn là người khác. Họ làm điều đúng theo quan điểm riêng của họ, thay vì cố gắng sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 2:14; Ga-la-ti 5:19, 20.

Trái lại, những ai có nhu cầu tâm linh thì quý trọng tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Họ xem Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Bạn và cố gắng bắt chước các đức tính của ngài (Ê-phê-sô 5:1). Thế nên, họ yêu thương, tử tế và hòa nhã trong cách đối xử với người khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6). Họ vâng lời Đức Chúa Trời, ngay cả khi làm thế không thuận lợi cho họ (Thi-thiên 15:1, 4). Anh Darren, sống ở Canada và đã lập gia đình được 35 năm, nói: “Theo tôi hiểu, một người thiên về tâm linh luôn nghĩ về lời nói và hành động của mình sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của người đó với Đức Chúa Trời”. Vợ anh là chị Jane cho biết thêm: “Tôi nghĩ rằng một phụ nữ có nhu cầu tâm linh là người mỗi ngày đều cố gắng để bông trái của thần khí trở thành một phần trong nhân cách của người đó”.—Ga-la-ti 5:22, 23.

Dĩ nhiên, không nhất thiết một người phải kết hôn mới có thể vun đắp về tâm linh. Thật ra, Kinh Thánh dạy rằng mỗi người có trách nhiệm học biết về Đức Chúa Trời và noi gương ngài.—Công vụ 17:26, 27.

Tại sao cùng nhau vun đắp về tâm linh?

Vậy thì tại sao cặp vợ chồng nên cố gắng cùng nhau vun đắp về tâm linh? Hãy xem minh họa này: Hai người đồng sở hữu một mảnh vườn và muốn trồng rau. Một người quyết định gieo hạt vào một thời điểm trong năm, còn người kia thì nghĩ nên gieo hạt sau đó. Một người muốn dùng phân bón, nhưng người kia hoàn toàn không đồng ý và nghĩ rằng không cần bón phân cho rau. Một người muốn chăm sóc vườn mỗi ngày. Người kia thì chỉ ngồi đó và chờ thu hoạch chứ không làm việc. Như vậy, sản lượng của vườn rau chỉ ở một mức độ nhất định, chứ không nhiều bằng khi cả hai người đều thống nhất phải làm gì và rồi hợp tác để thực hiện mục tiêu.

Người chồng và người vợ cũng giống như hai người làm vườn này. Nếu chỉ có một người vun đắp về tâm linh thì mối quan hệ của họ cũng có thể cải thiện (1 Phi-e-rơ 3:1, 2). Tuy nhiên, khi cả hai vợ chồng cùng nhất trí sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và cố gắng hợp tác với nhau hầu phụng sự ngài thì thật tốt hơn biết bao! Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Hai người hơn một”. Tại sao thế? “Vì làm việc chung có lợi cho cả hai. Nếu một người ngã, có người kia đỡ”.—Truyền-đạo 4:9, 10, Bản Dịch Mới.

Có lẽ bạn mong muốn cùng người hôn phối vun đắp về tâm linh. Nhưng cũng như việc chăm vườn rau, chỉ có mong muốn thôi thì sẽ không gặt được thành quả. Hãy xem xét hai khó khăn mà bạn có thể gặp phải và làm sao bạn khắc phục chúng.

KHÓ KHĂN 1: Chúng tôi không có thời gian.

Chị Sue, kết hôn cách đây không lâu, cho biết: “Chồng đến đón tôi tại sở làm lúc 7 giờ tối. Khi về tới nhà, chúng tôi có cả đống việc lặt vặt phải làm. Thế là có một cuộc giằng co giữa trí óc và thể xác chúng tôi. Trí óc bảo chúng tôi cần dành thời gian để cùng nhau học biết về Đức Chúa Trời, nhưng thể xác lại muốn được nghỉ ngơi”.

Giải pháp khả thi: Hãy thích ứng và hợp tác. Chị Sue nói: “Vợ chồng tôi quyết định dậy sớm hơn để đọc và thảo luận một phần Kinh Thánh trước khi đi làm. Anh cũng giúp tôi làm một số việc nhà để tôi có thời gian dành cho anh”. Khi cả hai cố gắng hơn thì kết quả ra sao? Anh Ed, chồng chị Sue, bộc bạch: “Tôi nhận thấy khi tôi và Sue thường xuyên cùng nhau thảo luận về tâm linh, chúng tôi đối phó với các vấn đề tốt hơn và dễ kiểm soát được nỗi lo lắng hơn trước”.

Ngoài việc trò chuyện cùng nhau, việc bạn dành ra vài phút mỗi ngày để cầu nguyện chung cũng rất quan trọng. Điều này có thể giúp ích như thế nào? Anh Ryan, đã lập gia đình được khoảng 16 năm, cho biết: “Cách đây không lâu, mối quan hệ giữa vợ chồng tôi vô cùng căng thẳng. Nhưng mỗi tối, chúng tôi dành thời gian cầu nguyện chung, bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi với Đức Chúa Trời. Tôi cảm nhận việc cầu nguyện chung đã giúp chúng tôi giải quyết được các vấn đề và khôi phục niềm vui trong mái ấm của mình”.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Vào cuối mỗi ngày, hãy dành ra vài phút để thảo luận những điều tốt đẹp đến với vợ chồng bạn hôm đó, những điều hai bạn có thể cảm tạ Đức Chúa Trời. Cũng hãy nói về những vấn đề mà hai bạn gặp phải, những điều mà các bạn đặc biệt cần Đức Chúa Trời giúp sức để đối phó. Lưu ý: Đừng dùng dịp này để liệt kê các lỗi lầm của người hôn phối. Thay vì thế, khi cầu nguyện chung, chỉ nên đề cập đến những vấn đề mà hai bạn cần hợp tác với nhau để thực hiện. Ngày hôm sau, hãy hành động phù hợp với những gì hai bạn đã cầu xin.

KHÓ KHĂN 2: Chúng tôi có khả năng khác nhau.

Anh Tony nói: “Tôi không phải là người thích đọc sách”. Vợ anh là chị Natalie cho biết: “Tôi rất thích đọc và thích nói về những gì mình học được. Đôi khi tôi nghĩ anh Tony hơi e dè tôi khi chúng tôi cùng thảo luận các tài liệu dựa trên Kinh Thánh”.

Giải pháp khả thi: Hãy cảm thông, đừng cạnh tranh hay đoán xét. Hãy khuyến khích và cho người hôn phối biết bạn quý trọng những điểm mạnh của người ấy. Anh Tony bày tỏ: “Việc vợ tôi hăng hái thảo luận các đề tài dựa trên Kinh Thánh đôi khi khiến tôi hơi ‘ngộp’. Trước đây, tôi ngại thảo luận các đề tài về tâm linh với cô ấy. Tuy nhiên, Natalie là người rất cảm thông. Và hiện nay, chúng tôi thường xuyên thảo luận các vấn đề tâm linh với nhau, tôi phát hiện rằng chẳng có gì phải sợ. Tôi thích nói với cô ấy về những đề tài này. Điều đó giúp vợ chồng tôi cảm thấy thoải mái và bình an”.

Nhiều cặp vợ chồng nhận thấy hôn nhân của họ được cải thiện khi họ dành ra thời gian mỗi tuần để đọc và học Kinh Thánh chung với nhau. Dù vậy, cần lưu ý: Chỉ áp dụng các lời khuyên trong Kinh Thánh cho bản thân mình, không nên áp dụng cho người hôn phối (Ga-la-ti 6:4). Hãy thảo luận về những bất đồng trong hôn nhân vào lúc khác, không phải lúc vợ chồng bạn học chung. Tại sao thế?

Hãy xem xét điều này: Nếu dùng bữa với gia đình, liệu bạn có chọn thời điểm đó để rửa một vết thương đang mưng mủ không? Chắc là không. Bạn sẽ khiến mọi người chẳng muốn ăn nữa. Chúa Giê-su ví việc học và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời như thức ăn (Ma-thi-ơ 4:4; Giăng 4:34). Nếu mỗi khi mở Kinh Thánh ra, bạn đều nói về các vết thương trong lòng thì điều đó có thể khiến người hôn phối không còn muốn thảo luận về điều tâm linh nữa. Chắc chắn bạn cần bàn bạc về các vấn đề. Nhưng những vấn đề này nên thảo luận vào lúc khác, lúc dành riêng cho việc giải quyết chúng.—Châm-ngôn 10:19; 15:23.

HÃY THỬ CÁCH NÀY: Hãy viết ra hai hoặc ba đức tính mà bạn quý trọng nhất nơi người hôn phối. Lần sau trong buổi thảo luận liên quan đến những đức tính này, hãy cho người hôn phối biết bạn quý cách người hôn phối biểu lộ các đức tính ấy đến mức nào.

Gặt những gì bạn gieo

Nếu vợ chồng bạn cùng nhau gieo, hay vun đắp về tâm linh, điều các bạn sẽ gặt đó là sự bình an và mãn nguyện. Thật vậy, Lời Đức Chúa Trời bảo đảm: “Ai gieo gì sẽ gặt nấy”.—Ga-la-ti 6:7.

Anh Frederick và chị Leanne, được trích lời ở đầu bài, đã thấy nguyên tắc ấy là đúng. Đến nay, họ đã chung sống khoảng 45 năm và biết rằng tính kiên trì dẫn đến thành công. Anh Frederick nói: “Tôi thường đỗ lỗi cho vợ là ít trò chuyện. Nhưng với thời gian, tôi nhận ra rằng mình cũng phải cố gắng”. Chị Leanne cho biết: “Điều thật sự giúp chúng tôi trong lúc khó khăn đó là cả hai chúng tôi đều yêu mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Trong những năm qua, chúng tôi thường xuyên học và cầu nguyện chung. Khi thấy anh Frederick cố gắng tiến bộ trong việc thể hiện các đức tính cần có nơi môn đồ của Chúa Giê-su, tôi yêu anh nhiều hơn”.

^ đ. 3 Các tên đã đổi.

HÃY TỰ HỎI:

  • Lần gần đây nhất vợ chồng tôi cầu nguyện chung là khi nào?

  • Tôi có thể làm gì để khuyến khích người hôn phối cởi mở hơn trong việc thảo luận những điều tâm linh với tôi?