Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc
Đối xử với bạn đời một cách tôn trọng
Anh Vũ * nói: “Những lúc Dung buồn bực, cô ấy khóc rất lâu. Khi chúng tôi bắt đầu nói chuyện với nhau, cô ấy cáu lên hoặc thậm chí làm thinh. Chẳng làm được gì cả. Tôi thấy muốn bỏ cuộc cho rồi”.
Chị Dung nói: “Lúc anh Vũ về nhà thì tôi đang khóc. Tôi cố giải thích tại sao mình khóc nhưng anh ấy cắt lời tôi. Anh nói tôi nên quên đi vì chuyện có gì đâu. Điều đó càng làm tôi bực hơn”.
Bạn có bao giờ cảm thấy như anh Vũ hay chị Dung không? Cả hai đều muốn nói chuyện nhưng rốt cuộc chỉ bực bội hơn. Tại sao?
Nam và nữ có sự khác nhau trong giao tiếp và có những nhu cầu riêng. Có thể phụ nữ muốn bộc lộ cảm xúc một cách thoải mái và thường xuyên. Ngược lại, nhiều người đàn ông cố gắng giữ hòa khí bằng cách giải quyết vấn đề cho nhanh và tránh nói những chuyện phức tạp. Vậy, làm sao bạn có thể vượt qua những khác biệt này để trò chuyện với người hôn phối của mình? Bằng cách đối xử với người ấy một cách tôn trọng.
Người biết tôn trọng thì quý trọng người khác và cố gắng hiểu cảm xúc của họ. Có thể từ nhỏ, bạn được học phải tôn trọng người có quyền hành hoặc kinh nghiệm hơn mình. Tuy nhiên, vì xem bạn đời như một người ngang hàng với mình nên có thể bạn thấy khó tôn trọng người ấy. Chị Lý, đã kết hôn tám năm, nói: “Tôi biết anh Phú sẽ kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu khi bất cứ ai khác nói chuyện với anh. Tôi chỉ mong anh đối xử với tôi giống như vậy”. Rất có thể bạn kiên nhẫn lắng nghe và nói chuyện cách tôn trọng với bạn bè, thậm chí với người lạ. Thế nhưng, bạn có quan tâm đến người hôn phối của mình như vậy không?
Sự thiếu tôn trọng làm cho bầu không khí trong gia đình căng thẳng và dẫn đến xung đột gay gắt. Một vị vua khôn ngoan nói: “Thà một miếng bánh khô mà hòa-thuận, còn hơn là nhà đầy thịt tế-lễ lại cãi-lộn nhau” (Châm-ngôn 17:1). Kinh Thánh khuyên người chồng phải “kính-nể” hay tôn trọng vợ (1 Phi-e-rơ 3:7). “Còn vợ thì phải kính chồng”.—Ê-phê-sô 5:33.
Làm sao bạn có thể nói chuyện cách tôn trọng? Hãy xem xét vài lời khuyên thực tế trong Kinh Thánh.
Khi người hôn phối có điều muốn nói
Thử thách:
Nhiều người thích nói hơn là lắng nghe. Bạn có như thế không? Kinh Thánh miêu tả người ngu dại là người “trả lời trước khi nghe” (Châm-ngôn 18:13). Vì thế, trước khi nói, bạn hãy lắng nghe. Tại sao? Chị Tuyền, kết hôn 26 năm, nói: “Nếu chồng tôi đừng cố giúp giải quyết vấn đề của tôi ngay thì tôi thích hơn. Thậm chí, anh không cần đồng ý hay tìm nguyên nhân của vấn đề. Tôi chỉ muốn anh lắng nghe và hiểu nỗi lòng của tôi mà thôi”.
Ngược lại, một số người, cả nam và nữ, ngại bày tỏ cảm xúc và cảm thấy không thoải mái khi người hôn phối thúc ép mình làm thế. Chị Loan, mới kết hôn, nhận ra rằng chồng chị cần một thời gian khá lâu mới có thể thổ lộ nỗi lòng. Chị nói: “Tôi phải kiên nhẫn và đợi đến khi anh sẵn sàng mở lòng”.
Giải pháp:
Nếu bạn cần nói với người hôn phối về một vấn đề có thể gây bất đồng, hãy nói ra khi cả hai bình tĩnh và thoải mái. Nếu người hôn phối chưa sẵn lòng nói chuyện thì sao? Hãy nhớ rằng: “Ý định trong lòng người như nước sâu, nhưng người sáng suốt sẽ múc lấy” (Châm-ngôn 20:5, Bản Dịch Mới). Nếu kéo nhanh một gàu nước lên khỏi giếng, bạn sẽ làm đổ nhiều nước. Tương tự, nếu bạn cứ thúc ép người hôn phối thì người ấy dễ rơi vào thế phòng thủ và bạn sẽ mất cơ hội biết tâm tư của người ấy. Vì thế, hãy hỏi một cách nhẹ nhàng, tôn trọng, và kiên nhẫn nếu người hôn phối không giãi bày nỗi niềm nhanh như bạn muốn.
Khi người hôn phối chịu nói ra, bạn “phải mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Người biết lắng nghe thì không chỉ nghe bằng tai mà còn bằng tấm lòng. Khi người hôn phối nói chuyện, hãy cố gắng hiểu cảm xúc của người ấy. Bạn đời sẽ cảm nhận được mức độ tôn trọng hay thiếu tôn trọng của bạn qua cách bạn lắng nghe.
Chúa Giê-su dạy chúng ta cách lắng nghe. Chẳng hạn, khi một người bị bệnh đến xin ngài giúp, Chúa Giê-su không giải quyết vấn đề của ông ngay lập tức. Trước tiên, ngài lắng nghe lời ông nài xin. Sau đó, ngài đồng cảm với ông. Cuối cùng, ngài chữa lành cho ông (Mác 1:40-42). Khi người hôn phối nói, bạn hãy làm như thế. Hãy nhớ rằng rất có thể chồng hay vợ bạn muốn được đồng cảm, chứ không phải một giải pháp nhanh chóng. Vì thế, hãy lắng nghe kỹ. Sau đó, cố gắng có cùng cảm xúc với người ấy. Cuối cùng, bạn mới có thể làm gì đó để giúp người hôn phối. Bằng cách này, bạn cho thấy mình tôn trọng bạn đời.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Lần sau, khi người hôn phối bắt đầu nói chuyện với bạn, tránh hấp tấp đáp lại. Hãy chờ cho người ấy nói xong và bạn đã thấu hiểu. Sau đó, hỏi xem người hôn phối có thấy bạn thật sự lắng nghe không.
Khi bạn có điều muốn nói
Thử thách:
Chị Lý, người được nhắc đến ở trên, thấy: “Chương trình hài kịch khiến người ta xem việc xúc phạm, mỉa mai và nói xấu người hôn phối là chuyện bình thường”. Một số người lớn lên trong gia đình thường nói chuyện thiếu tôn trọng nhau. Về sau, khi kết hôn, họ thấy khó bỏ thói quen này trong gia đình riêng của mình. Chị Ivy, sống ở Canada, kể: “Tôi lớn lên trong một môi trường mà việc châm chích, la lối và dùng những lời nhục mạ là bình thường”.
Giải pháp:
Khi nói chuyện với người khác về bạn đời, “hãy nói một vài lời lành giúp ơn cho và có ích-lợi cho kẻ nghe đến” (Ê-phê-sô ). Hãy nói sao cho người khác tôn trọng bạn đời của bạn. 4:29
Ngay cả những lúc chỉ có bạn và người hôn phối, hãy tránh dùng những lời mỉa mai hay nhục mạ. Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, bà Mi-canh đã tức giận chồng là vua Đa-vít. Bà mỉa mai và nói ông hành động “như một kẻ không ra gì”. Lời của bà không những xúc phạm Đa-vít mà còn làm buồn lòng Đức Chúa Trời (2 Sa-mu-ên 6:20-23). Bài học là gì? Khi nói chuyện với người hôn phối, bạn phải cẩn thận chọn lựa ngôn từ (Cô-lô-se 4:6). Anh Phú, đã kết hôn tám năm, thừa nhận rằng vợ chồng anh vẫn còn bất đồng. Anh để ý là đôi khi, điều anh nói càng làm cho tình hình tồi tệ hơn. Anh cho biết: “Với thời gian, tôi nhận ra rằng chiến thắng trong cuộc đấu khẩu thật ra là thất bại. Tôi thấy vợ chồng được thỏa nguyện và lợi ích hơn khi cùng xây dựng lẫn nhau”.
Thời xưa, một bà góa lớn tuổi đã mong hai con dâu mình tìm được “bình-yên ở nơi nhà chồng mới!” (Ru-tơ 1:9). Khi hai vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, họ làm cho nhà của mình trở thành chốn “bình-yên”.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Dành thời gian thảo luận những đề nghị trong các phần “Hãy thử cách này” cùng người hôn phối. Ví dụ, chồng có thể hỏi vợ: “Khi anh nói về em trước mặt người khác, em cảm thấy được tôn trọng hay bị xem thường? Anh nên điều chỉnh như thế nào để tốt hơn?”. Hãy thật sự lắng nghe khi người hôn phối bày tỏ cảm nghĩ. Sau đó, cố gắng làm theo những đề nghị của người ấy.
Chấp nhận sự khác biệt
Thử thách:
Một số người mới kết hôn lầm tưởng rằng Kinh Thánh nói vợ chồng là “một thịt” có nghĩa là hai người phải có cùng quan điểm hay tính cách (Ma-thi-ơ 19:5). Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra đó chỉ là mơ mộng hão huyền vì những khác biệt giữa họ thường dẫn đến tranh cãi. Chị Lý nói: “Một khác biệt lớn giữa chúng tôi là anh Phú ít lo lắng hơn tôi. Thỉnh thoảng, anh ung dung trong khi tôi đang lo lắng. Điều đó làm tôi bực mình vì dường như anh chẳng bận tâm đến chuyện mà tôi đang lo”.
Giải pháp:
Hãy chấp nhận nhau và tôn trọng sự khác biệt của bạn đời. Để minh họa: Mắt và tai của bạn làm việc khác nhau nhưng chúng phối hợp với nhau. Nhờ đó, bạn có thể băng qua đường an toàn. Chị Ánh, đã kết hôn gần 30 năm, nói: “Khi một điều không trái với Kinh Thánh, vợ chồng tôi để mỗi người có ý kiến riêng. Suy cho cùng, chúng tôi kết hôn với nhau chứ không phải là bản sao của nhau”.
Khi người hôn phối có quan điểm hay phản ứng khác với bạn, bạn đừng chỉ quan tâm đến lợi ích riêng của mình. Hãy nghĩ đến cảm xúc của người hôn phối (Phi-líp 2:4). Anh Khôi, chồng chị Ánh, thừa nhận: “Không phải lúc nào tôi cũng hiểu hay đồng ý với quan điểm của vợ. Nhưng tôi tự nhủ rằng tôi yêu cô ấy nhiều hơn là quan điểm của tôi. Cô ấy vui là tôi vui rồi”.
HÃY THỬ CÁCH NÀY: Lập một danh sách những điều cho thấy làm sao quan điểm của bạn đời hay cách người ấy đối phó với vấn đề là tốt hơn mình.—Phi-líp 2:3.
Sự tôn trọng là một bí quyết để có hôn nhân hạnh phúc và vững bền. Chị Lý cho biết: “Sự tôn trọng mang lại cảm giác thỏa nguyện và an tâm trong hôn nhân. Chắc chắn đó là một phẩm chất đáng trau dồi”.
^ đ. 3 Các tên đã đổi.
HÃY TỰ HỎI:
-
Làm sao sự khác biệt của bạn đời làm cuộc sống gia đình thú vị hơn?
-
Tại sao điều tốt là chiều theo ước muốn của bạn đời khi điều đó không trái với nguyên tắc Kinh Thánh?