Tại sao họ chối bỏ Đấng Mê-si?
Tại sao họ chối bỏ Đấng Mê-si?
Khi Chúa Giê-su còn trên đất, người ta được thu hút bởi những điều ngài nói, và ngạc nhiên trước các phép lạ ngài làm. Kết quả là ‘nhiều người tin ngài’ và chấp nhận ngài là Đấng Mê-si hay Đấng Christ được báo trước. Họ nói: “Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng?”.—Giăng 7:31.
Dù có rất nhiều bằng chứng cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, phần lớn những người thấy và nghe Chúa Giê-su không trở thành người tin đạo. Đáng buồn thay, thậm chí có những người ban đầu tin nhưng sau đó lại từ bỏ ngài. Tại sao có nhiều người không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si dù có nhiều bằng chứng chắc chắn như thế? Chúng ta hãy xem những lý do, và tự hỏi: “Ngày nay tôi có nguy cơ mắc phải lỗi lầm như họ không?”.
Không như mong đợi
Khi Chúa Giê-su sinh ra, nhiều người Do Thái mong đợi sự xuất hiện của Đấng Mê-si. Khi con trẻ Giê-su được mang đến đền thờ, ngài gặp những người đang “trông-đợi sự giải-cứu của thành Giê-ru-sa-lem” qua Đấng Mê-si được hứa trước (Lu-ca 2:38). Sau này, nhiều người đã chứng kiến công việc của Giăng Báp-tít thắc mắc: “Giăng phải là Đấng Christ chăng” (Lu-ca 3:15). Tuy nhiên, những người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất mong đợi Đấng Mê-si sẽ làm gì?
Vào thời đó, người Do Thái tin rằng Đấng Mê-si sẽ đến giải phóng họ khỏi ách áp bức của La Mã và khôi phục lại nước Y-sơ-ra-ên trên đất. Trước khi Chúa Giê-su bắt đầu thánh chức, một số nhà lãnh đạo có uy thế đã nổi lên và cổ vũ sự phản kháng bạo động với sự cai trị thời bấy giờ. Dường như hành động của những người này đã tác động đến những gì người dân mong đợi nơi Đấng Mê-si.
Chúa Giê-su hoàn toàn tương phản với các Mê-si giả. Ngài không cổ vũ sự bạo động nhưng dạy người nghe yêu kẻ thù mình và vâng phục nhà cầm quyền (Ma-thi-ơ 5:41-44). Ngài từ chối khi người ta cố tôn ngài làm vua. Trái lại, ngài dạy rằng nước của ngài “chẳng phải thuộc về thế-gian nầy” (Giăng 6:15; 18:36). Dù vậy, định kiến về Đấng Mê-si vẫn ảnh hưởng rất mạnh mẽ trên người dân.
Chính Giăng Báp-tít đã thấy và nghe những phép lạ chứng tỏ Chúa Giê-su là con Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi bị tù, Giăng sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giê-su: “Thầy có phải là Đấng phải đến, hay là chúng tôi còn phải đợi đấng khác chăng?” (Ma-thi-ơ 11:3). Có lẽ Giăng thắc mắc Chúa Giê-su có thật là Đấng Giải Cứu được hứa trước, người sẽ đáp ứng mong đợi của người Do Thái.
Các sứ đồ của Chúa Giê-su thấy khó hiểu việc ngài bị giết và rồi sống lại. Một dịp khi Chúa Giê-su giải thích rằng việc Đấng Mê-si chịu khổ và chết là điều cần thiết, Phi-e-rơ đã “đem Ngài riêng ra, mà can-gián Ngài” (Mác 8:31, 32). Phi-e-rơ chưa thấy được tại sao Chúa Giê-su phải chết với tư cách là Đấng Mê-si.
Khi vào thành Giê-ru-sa-lem không lâu trước Lễ Vượt Qua năm 33 công nguyên, Chúa Giê-su được đám đông nhiệt tình chào đón và tôn vinh ngài là vua (Giăng 12:12, 13). Tình thế thay đổi nhanh biết bao! Trong một tuần, Chúa Giê-su bị bắt và hành hình. Sau khi Chúa Giê-su chết, hai môn đồ của ngài đã than khóc: “Chúng tôi trông-mong Ngài sẽ cứu lấy dân Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 24:21). Thậm chí khi Chúa Giê-su sống lại và hiện ra cho các môn đồ, họ vẫn nghĩ rằng Đấng Mê-si sẽ thiết lập một nước trên đất. Họ hỏi ngài: “Lạy Chúa, có phải trong lúc nầy Chúa sẽ lập lại nước Y-sơ-ra-ên chăng?”. Rõ ràng, những mong đợi sai lầm về Đấng Mê-si đã ăn sâu vào lòng và trí của những người nghe Chúa Giê-su.—Công-vụ 1:6.
Sau khi Chúa Giê-su lên trời và đổ thánh linh xuống, các môn đồ của ngài mới hiểu rõ rằng Đấng Mê-si sẽ cai trị với tư cách là Vua trên trời (Công-vụ 2:1-4, 32-36). Sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng dạn dĩ rao giảng về sự sống lại của Chúa Giê-su, và chứng tỏ Đức Chúa Trời hỗ trợ họ qua việc thực hiện các phép lạ (Công-vụ 3:1-9, 13-15). Hàng ngàn người ở Giê-ru-sa-lem đã hưởng ứng và trở thành người tin đạo. Tuy nhiên, các nhà cầm quyền Do Thái không thích điều này. Họ đã chống đối Chúa Giê-su và bây giờ chống đối các sứ đồ và môn đồ của ngài. Tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái lại kịch liệt chối bỏ Chúa Giê-su?
Bị các nhà lãnh đạo tôn giáo chối bỏ
Khi Chúa Giê-su sống trên đất, lối suy nghĩ và thực hành của Do Thái giáo đã hoàn toàn trệch khỏi những dạy dỗ trong Kinh Thánh. Những nhà lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ—người Sa-đu-sê, Pha-ri-si và các thầy thông giáo—đã giữ theo các truyền thống của loài người, đặt chúng lên trên Lời Đức Chúa Trời. Nhiều lần họ buộc tội Chúa Giê-su vi phạm Luật pháp vì ngài thực hiện các phép lạ chữa bệnh trong ngày Sa-bát. Qua việc lên án mạnh mẽ những dạy dỗ không dựa trên Kinh Thánh, Chúa Giê-su đặt nghi vấn về quyền của họ và việc họ tự xưng mình được Đức Chúa Trời chấp nhận. Ngược lại, Chúa Giê-su có hoàn cảnh xuất thân bình thường và không được qua các trường lớp về tôn giáo như họ. Không ngạc nhiên gì khi những người kiêu ngạo này khó mà chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si! Sự đối đầu ấy khiến họ giận dữ Ma-thi-ơ 12:1-8, 14; 15:1-9.
đến độ “bàn với nhau, lập mưu đặng giết [Chúa Giê-su]”.—Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo tôn giáo giải thích thế nào về khả năng làm phép lạ của Chúa Giê-su? Họ không phủ nhận các phép lạ đó đã xảy ra. Nhưng họ cố làm suy yếu đức tin của người khác nơi Chúa Giê-su bằng cách quy quyền năng của ngài cho Sa-tan, phạm thượng nói rằng: “Người nầy chỉ nhờ Bê-ên-xê-bun là chúa quỉ mà trừ quỉ đó thôi”.—Ma-thi-ơ 12:24.
Có một lý do khác khiến họ chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Sau khi Chúa Giê-su làm La-xa-rơ sống lại, những nhà lãnh đạo của các phe phái tôn giáo đã bàn luận với nhau: “Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào? Nếu chúng ta để cho người làm, thì thiên-hạ tin người, rồi dân Rô-ma sẽ đến diệt nơi nầy và cả nước chúng ta nữa”. Vì sợ mất quyền lực và địa vị, các nhà lãnh đạo tôn giáo đã âm mưu giết Chúa Giê-su và La-xa-rơ!—Giăng 11:45-53; 12:9-11.
Bị cộng đồng thành kiến và bắt bớ
Thái độ của những nhà lãnh đạo Do Thái vào thế kỷ thứ nhất đã tạo ra một xã hội chống nghịch bất cứ người nào chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Tự hào về địa vị nổi bật của mình, họ xem thường những người thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su. Họ nói: “Có một người nào trong các quan hay là trong những người Pha-ri-si tin đến người đó chăng?” (Giăng 7:13, 48). Một số nhà lãnh đạo Do Thái, như Ni-cô-đem và Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê, đã trở thành môn đồ Chúa Giê-su, nhưng họ giấu điều này vì sợ (Giăng 3:1, 2; 12:42; 19:38, 39). Các nhà lãnh đạo Do Thái đã ra lệnh rằng “hễ ai xưng Đức Chúa Jêsus là Đấng Christ, thì phải bị đuổi ra khỏi nhà hội” (Giăng 9:22). Người như thế sẽ bị xa lánh và khinh rẻ như một người bị xã hội ruồng bỏ.
Sự chống đối các sứ đồ và môn đồ của Chúa Giê-su cuối cùng đã gây ra sự bắt bớ dữ dội. Vì rao giảng dạn dĩ, các sứ đồ đã chịu sự bắt bớ của Tòa Công Luận, là tòa án Do Thái tối cao (Công-vụ 5:39, 40). Những kẻ chống đối đã ghép tội phạm thượng cho môn đồ Ê-tiên. Ông đã bị Tòa Công Luận kết án và ném đá đến chết. Rồi “Hội-thánh ở thành Giê-ru-sa-lem gặp cơn bắt bớ dữ-tợn; trừ ra các sứ-đồ, còn hết thảy tín-đồ đều phải chạy tan-lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri” (Công-vụ 6:8-14; 7:54–8:1). Sau-lơ, người sau này trở thành sứ đồ Phao-lô, đã tham gia trong chiến dịch bắt bớ mà thầy tế lễ thượng phẩm và “cả hội-đồng trưởng-lão” chính thức ủng hộ.—Công-vụ 9:1, 2; 22:4, 5.
Tuy trong hoàn cảnh khó khăn như thế nhưng đạo của Chúa Giê-su gia tăng nhanh chóng trong những năm sau khi ngài chết. Tuy nhiên, dù có hàng ngàn người trở thành người tin đạo, các môn đồ vẫn là thiểu số ở Pha-lê-tin vào thế kỷ thứ nhất. Công khai xưng mình là môn đồ Chúa Giê-su đồng nghĩa với việc có nguy cơ bị tẩy chay và thậm chí bị bạo hành.
Bài học từ những người chối bỏ Chúa Giê-su
Như chúng ta đã thấy, quan niệm sai lầm, áp lực cộng đồng và sự bắt bớ đã ngăn cản nhiều người vào thế kỷ thứ nhất đặt đức tin nơi Chúa Giê-su. Ngày nay, những ý tưởng sai lầm về Chúa Giê-su và sự dạy dỗ của ngài cũng có ảnh hưởng tương tự. Chẳng hạn, nhiều người được dạy rằng Nước Đức Chúa Trời ở trong lòng hoặc sẽ đến do sự nỗ lực của con người. Những người khác thì tin vào việc hướng đến khoa học và kỹ thuật để tìm giải pháp cho các vấn đề của con người, vì thế không cần đặt đức tin nơi Đấng Mê-si. Nhiều nhà phê bình hiện nay xác nhận rằng những sự kiện về thánh chức của Chúa Giê-su được
ghi lại trong Kinh Thánh không có thật trong lịch sử và do đó, họ làm giảm đức tin của người ta về việc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si.Vì những ý tưởng và học thuyết đó, nhiều người bối rối trước vai trò của Đấng Mê-si và thấy không cần thiết để xem xét vấn đề này. Tuy nhiên, đối với những người sẵn sàng xem xét bằng chứng, thật ra so với thế kỷ thứ nhất, ngày nay có nhiều chứng cứ hơn cho thấy Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Chúng ta đã có toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ bao hàm nhiều lời tiên tri về điều Đấng Mê-si sẽ làm, và những lời tường thuật được ghi trong bốn sách Phúc âm về việc Chúa Giê-su đã làm để ứng nghiệm các lời tiên tri này *.
Mỗi người chúng ta không thiếu bằng chứng và thông tin để có thể quyết định về vấn đề này. Quyết định này là cấp bách. Tại sao? Vì Kinh Thánh cho biết rằng với tư cách là Vua Mê-si của Nước Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su chẳng bao lâu nữa sẽ ra tay loại trừ những kẻ hủy phá trái đất và mang lại sự cai trị công bình—sự cai trị sẽ đem đến đời sống vĩnh cửu trong địa đàng cho thần dân biết vâng lời (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 11:15, 18; 21:3-5). Bạn có thể có tương lai tuyệt diệu như thế nếu nỗ lực học biết về Chúa Giê-su và thể hiện đức tin nơi ngài ngay bây giờ. Hãy ghi nhớ lời của Chúa Giê-su: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16.
[Chú thích]
^ đ. 22 Xin xem khung “Những lời tiên tri về Đấng Mê-si” nơi trang 200 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Câu nổi bật nơi trang 20]
Nếu sống vào thời của Chúa Giê-su, bạn có nhận ra Đấng Mê-si không?
[Hình nơi trang 21]
Đừng để những định kiến cản trở bạn học biết sự thật về Chúa Giê-su