Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tin mừng được giảng ra các đảo cực bắc nước Úc

Tin mừng được giảng ra các đảo cực bắc nước Úc

Tin mừng được giảng ra các đảo cực bắc nước Úc

Chúa Giê-su nói: ‘Tin mừng nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất’ (Ma-thi-ơ 24:14). Nhân Chứng Giê-hô-va vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su và cố gắng nói cho mọi người nghe thông điệp trong Kinh Thánh, cho dù người ta sống ở đâu (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Đây là công việc tình nguyện, dù đôi khi có nhiều khó khăn và phải tự trang trải chi phí.

Chẳng hạn, anh Nathan và chị Carly đã sắp xếp lại đời sống để rao giảng cho những người sống ở quần đảo xa xôi thuộc eo biển Torres. Vào năm 2003, một người đại diện cho chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Úc đã mời họ dọn đến đảo Thursday để cộng tác với hội thánh địa phương. Đảo này nằm trong một chuỗi gồm các đảo nhỏ như những viên ngọc màu xanh lá cây trên biển Đại Tây Dương xanh biếc, nằm giữa nước Úc và New Guinea.

Vào năm 2007, cha mẹ anh Nathan và cả gia đình anh đã mua một chiếc tàu cũ dùng để đánh bắt trai, mang tên Teisan-Y. Bằng chi phí riêng, họ tân trang chiếc tàu và bắt đầu thực hiện các chuyến truyền giáo tại mười hòn đảo xa xôi nhất. Họ dùng đảo Thursday làm nơi dừng chân trong các chuyến đi. Những câu chuyện dưới đây nằm trong nhật ký “thuyền trưởng”, kể lại một số chuyến đi của họ.

Tháng Giêng năm 2008: Hôm nay, tôi đi xuồng đến thị trấn Bamaga (quãng đường cả đi lẫn về dài 80km) để đón sáu Nhân Chứng địa phương. Bây giờ chúng tôi đang ở trên tàu Teisan-Y để đi tới đảo Warraber và Poruma. Bình xăng đã đổ đầy, chứa được 5.500 lít với giá khoảng 2 đô la một lít. Tàu chạy rất chậm, vận tốc trung bình chỉ 10km/giờ. Nhưng thời tiết rất tốt, không có ngọn sóng nào trên đại dương.

Khi đến nơi, chúng tôi thả neo ở ngoài khơi, dùng chiếc xuồng nhỏ để vài anh chị đi thăm thân nhân trên đảo Warraber. Ngoài ra, họ cũng đến gặp người có quyền trên đảo để xin phép được rao giảng. Tuy là mục sư của một giáo hội tại địa phương nhưng ông cho phép chúng tôi nói chuyện với người dân. Tại đảo Poruma, chúng tôi cũng làm như thế nên cũng được phép giảng đạo. Người dân tại đây rất thân thiện và háo hức đọc ấn phẩm của chúng tôi. Thế nên, chúng tôi bắt đầu có nhiều học hỏi Kinh Thánh.

Tháng 4 năm 2008: Chúng tôi vẽ đường đi đến ba đảo xa nhất là Dauan, Saibai và Boigu, nằm gần biên giới Papua New Guinea (PNG). Nhưng thời tiết bắt đầu xấu hơn nên chúng tôi phải đi đến đảo Mabuiag thay vì đến ba đảo kia. Mabuiag chỉ cách đảo Thursday 70km nhưng chúng tôi sẽ đi 140km vì phải chạy ngoằn ngoèo để băng qua dải đá ngầm.

Một con sóng lớn đánh bật chiếc xuồng ra khỏi tàu Teisan-Y, nên chúng tôi phải quay tàu vào giữa bức tường nước để lấy lại chiếc xuồng. Hầu hết mọi người trên tàu đều say sóng.

Tại đảo Mabuiag, chúng tôi được phép rao giảng và người dân địa phương chào đón chúng tôi nồng nhiệt đến nỗi chúng tôi quên hết mọi khó nhọc. Một phụ nữ rất đỗi vui mừng khi nghe thông điệp chúng tôi giảng đến mức bà nhận thêm ấn phẩm để trưng tại thư viện nơi bà làm việc.

Tháng 5 đến tháng 10 năm 2008: Vì thời tiết không thuận lợi nên chúng tôi không thể đến các đảo ấy. Do đó, chúng tôi tận dụng thời gian để rao giảng, làm việc và bảo trì chiếc tàu tại đây.

Con tàu cần sửa chữa nhiều chỗ, do đó chúng tôi vào cảng Weipa và kéo con tàu lên một chiếc xe moóc lớn. Nói thì dễ hơn làm! Các Nhân Chứng từ một hội thánh địa phương tình nguyện giúp chúng tôi trong những công việc như: làm gỗ, ống nước và sơn. Có những anh chị đem thức ăn đến. Còn các anh chị khác thì cho chúng tôi những thứ cần thiết cho chuyến truyền giáo kế tiếp. Lòng hiếu khách và sự giúp đỡ của họ quả là vô giá.

Tháng 12 năm 2008: Chúng tôi lại vẽ đường đến ba đảo Dauan, Saibai và Boigu. Chúng tôi tránh được bão nhiệt đới nhờ sử dụng radar và luồn qua được đá ngầm nhờ một bản đồ điện tử. Chúng tôi phải đi thuyền mất 12 tiếng mới đến Dauan, nhưng đây là đảo đẹp nhất mà chúng tôi từng thấy. Đảo này có những ngọn đồi đá cao chót vót được mây bao phủ. Người dân ở đây háo hức lắng nghe chúng tôi và chúng tôi sắp xếp để tiếp tục thảo luận với họ về Kinh Thánh qua điện thoại sau khi chúng tôi trở về.

Một phụ nữ trên đảo tên là Lettie, bằng cách nào đó bà đã nhận được các ấn phẩm của chúng tôi và gửi phiếu đăng ở trang cuối tạp chí để xin thêm ấn phẩm. Chi nhánh Úc đã gửi cho bà các ấn phẩm và cũng gửi cho hội thánh chúng tôi một lá thư nhờ chúng tôi liên lạc với bà, nếu có thể. Cuối cùng chúng tôi gặp được bà Lettie. Chúng tôi rất hạnh phúc khi góp một phần nhỏ sức lực của mình để giúp bà thỏa mãn nhu cầu tâm linh.

Tại hòn đảo Saibai, người có quyền trên đảo này không muốn chúng tôi rao giảng cho người dân. Tuy nhiên, những ai có thân nhân trên đảo thì được phép đi thăm và rao giảng cho họ. Tôi ký hợp đồng với chính phủ Úc để sơn nhà cho các hộ dân trên đảo Saibai, nhờ thế chúng tôi có thêm tiền để trang trải một số chi phí.

Một chị Nhân Chứng có tên Tassie đến từ một ngôi làng tại PNG, cách đảo Saibai khoảng 4km. Theo một thỏa thuận với chính phủ Úc, người dân ở PNG có thể đến Saibai để buôn bán. Nhờ thế, chị Tassie gặp được nhiều người cùng làng và không có đủ ấn phẩm để phát cho họ. Từ khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, đây là lần đầu tiên chị Tassie gặp những người cùng làng với mình. Chúng tôi trở lại tàu để đem cho chị một thùng ấn phẩm, hầu hết là tiếng Tok Pisin. Chị Tassie giải thích thông điệp trong Kinh Thánh cho một nhóm gồm hơn 30 người đến từ PNG, và những người chú ý đến Kinh Thánh đã lấy hết ấn phẩm trong thùng. Ngôi làng nơi họ sinh sống chỉ có thể vào được bằng thuyền và có lẽ Nhân Chứng Giê-hô-va chưa bao giờ đến đấy.

Để đến hòn đảo cuối cùng, đảo Boigu, là cả một thử thách. Chúng tôi ở cách bờ khoảng 4km mà mực nước chỉ vỏn vẹn 2,5m. Đáy tàu ngập trong nước biển khoảng 1,8m. Tôi và một anh dùng chiếc xuồng để do thám vùng này hầu tìm lối đi đến hòn đảo ấy. Mưa như trút nước và chúng tôi bị ướt đẫm! Phải mất hai tiếng chúng tôi mới tìm được đường đến đảo.

Khi đến nơi, người dân trên đảo ngạc nhiên nói với chúng tôi rằng bản đồ của tôi không chính xác. Họ còn cho biết ngay cả lực lượng tuần duyên hoặc hải quân cũng không vào được vùng này. Người có quyền trên đảo không cho chúng tôi rao giảng nhưng anh chị nào có thân nhân trên đảo được phép đi thăm và nói Kinh Thánh cho họ. Chúng tôi tôn trọng ý kiến của ông và chỉ đi thăm người nhà. Một người đàn ông nhận sách Kinh Thánh thật sự dạy gì? *, đọc ngay lập tức và viết những câu hỏi ra phía sau cuốn Kinh Thánh của ông. Sau này, ông gặp được Nhân Chứng khi đến đảo Thursday.

Tháng Giêng năm 2009: Chúng tôi trở lại đảo Moa và Mabuiag để gặp lại những người chú ý đến Kinh Thánh. Trên hai đảo này, chúng tôi được tiếp đón rất nồng hậu. Nhiều người ở làng St. Paul trên đảo Moa bảo chúng tôi sớm trở lại thăm họ. Người có quyền trên đảo nói là chúng tôi có thể đến đây rao giảng bất cứ lúc nào.

Tại eo biển Torres, có 17 hòn đảo có dân cư sinh sống. Chúng tôi không biết mình sẽ gặp được mọi người trên các đảo đó hay không. Nhưng tất cả chúng tôi ở trong cùng một hội thánh tại đây, các đảo xa xôi ở cực bắc nước Úc, đều cảm thấy hạnh phúc khi làm hết sức mình để ca ngợi Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, Đức Giê-hô-va.

[Chú thích]

^ đ. 17 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Bản đồ nơi trang 23]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

ÚC

Weipa

Bamaga

QUẦN ĐẢO THUỘC EO BIỂN TORRES

PAPUA NEW GUINEA

[Nguồn tư liệu]

Based on NASA/Visible Earth imagery

[Bản đồ nơi trang 24, 25]

Bamaga

Đảo Thursday

Đảo Moa

Đảo Warraber

Đảo Poruma

Đảo Mabuiag

Đảo Saibai

Đảo Dauan

Đảo Boigu

PAPUA NEW GUINEA

[Nguồn tư liệu]

Based on NASA/Visible Earth imagery

[Hình nơi trang 24]

Đến đảo Thursday

[Hình nơi trang 24]

Đi thăm người dân trên đảo Saibai

[Hình nơi trang 25]

Chia sẻ tin mừng bằng tiếng Tok Pisin