Cách thức thờ phượng—Có quan trọng không?
Cách thức thờ phượng—Có quan trọng không?
“Nhu cầu thờ phượng luôn tiềm ẩn trong tâm thức của con người”. Giáo sư Alister Hardy nói như thế trong cuốn The Spiritual Nature of Man (Bản chất tâm linh của con người). Một cuộc khảo sát gần đây dường như đã xác nhận lời kết luận trên. Kết quả cuộc khảo sát này cho thấy khoảng 86% dân số thế giới đều có đạo.
Theo cuộc khảo sát đó, số người này thuộc 19 tôn giáo lớn. Chỉ riêng những người thuộc khối Ki-tô giáo thì phân ra đến 37.000 hệ phái khác nhau. Những con số ấy hẳn khiến bạn thắc mắc không biết tất cả những cách thức thờ phượng này có được Thượng Đế chấp nhận không. Cách chúng ta thờ phượng Ngài có quan trọng không?
Trong vấn đề quan trọng này, chúng ta không nên quyết định theo suy nghĩ hoặc cảm xúc riêng. Điều hợp lý là chúng ta nên tìm hiểu ý muốn của Thượng Đế, hay Đức Chúa Trời. Muốn thế, chúng ta cần phải tìm đến Lời của Ngài là Kinh Thánh. Tại sao? Vì chính Chúa Giê-su từng nói trong lời cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Lời Cha tức là lẽ thật” (Giăng 17:17). Ông Phao-lô, một sứ đồ trung thành của ngài, cũng xác nhận: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn, có ích cho sự dạy-dỗ, bẻ-trách, sửa-trị”.—2 Ti-mô-thê 3:16.
Kinh Thánh cho thấy không phải cách thờ phượng nào cũng làm hài lòng Đức Chúa Trời. Một số trường hợp cụ thể trong sách này cho thấy Ngài chấp nhận một số cách thờ phượng nhưng lại lên án một số khác. Khi đọc kỹ những lời tường thuật đó, chúng ta sẽ biết mình phải làm gì và tránh những gì để Ngài chấp nhận sự thờ phượng của chúng ta.
Một trường hợp thời xưa
Qua nhà tiên tri Môi-se, Đức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên xưa một bộ luật để dạy họ cách thờ phượng theo ý Ngài. Bộ luật ấy sau đó được gọi là Luật Pháp Môi-se. Khi tuân thủ bộ luật đó, họ được làm dân riêng của Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Mặc dù được ân phước như thế nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã không giữ trọn cách thức thờ phượng mà Đức Chúa Trời hài lòng. Nhiều lần, họ đã bất trung với Ngài và bắt chước những nghi thức tôn giáo của các dân tộc chung quanh.
Đến thời nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên và Giê-rê-mi vào thế kỷ thứ bảy TCN, nhiều người Y-sơ-ra-ên đã lờ đi bộ luật đó và giao kết với những dân tộc chung quanh. Họ theo phong tục cũng như lễ hội của những dân ấy và vì thế cách thờ phượng của họ trở nên lai tạp. Họ nói: “Chúng ta muốn nên như các dân-tộc và các họ-hàng ở các nước, thờ gỗ và đá” (Ê-xê-chi-ên 20:32; Giê-rê-mi 2:28). Họ xưng là thờ Đức Giê-hô-va nhưng đồng thời lại thờ những thần tượng gớm ghiếc, thậm chí còn tế con cho những tà thần ấy.—Ê-xê-chi-ên 23:37-39; Giê-rê-mi 19:3-5.
Các nhà khảo cổ học gọi cách thờ phượng này là tạp giáo, tức hình thức tôn giáo thờ hỗn hợp các thần từ nhiều đạo khác nhau. Đôi khi họ cũng gọi đó là tín ngưỡng dân gian hoặc tôn giáo bản địa. Nhiều người cảm thấy rằng trong xã hội tự do như ngày nay, chúng ta phải có tư tưởng phóng khoáng trong mọi lĩnh vực, kể cả tôn giáo. Vì vậy, họ nghĩ rằng không có gì sai khi mỗi người thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mình thích. Điều đó có đúng
không? Phải chăng chỉ cần cởi mở và hòa đồng là đủ? Hãy xem vài đặc điểm của tạp giáo mà những người Y-sơ-ra-ên bất trung đã theo và hậu quả khi họ làm thế.Tạp giáo của dân Y-sơ-ra-ên
Nơi hành đạo của những người Y-sơ-ra-ên bất trung là “các nơi cao”, hoặc những miếu đền được xây dựng trên những khu đất cao, có bàn thờ, lư hương, trụ đá thánh và cột thờ bằng gỗ tượng trưng cho thần A-sê-ra, tức nữ thần sinh sản của người Ca-na-an sống chung quanh họ. Những miếu đền này mọc lên khắp nơi trong xứ Giu-đa. Sách 2 Các Vua 23:5, 8 cho biết có “các nơi cao trong những thành Giu-đa và tại các nơi chung-quanh Giê-ru-sa-lem. . . từ Ghê-ba [biên giới phía bắc] cho đến Bê-e-Sê-ba [biên giới phía nam]”.
Trên những khu đất cao này, dân Y-sơ-ra-ên “dâng hương cho [thần] Ba-anh, cho mặt trời, mặt trăng, huỳnh-đạo, và cả cơ-binh trên trời”. Trong đền thờ của Đức Giê-hô-va, họ xây những nhà chứa của bọn đàn ông làm điếm và còn thiêu con để tế cho thần Mo-lóc.—2 Các Vua 23:4-10.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở thành Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đa hàng trăm bức tượng nhỏ bằng đất nung, đa số được khai quật từ di tích của những ngôi nhà riêng. Hầu hết là tượng một phụ nữ khỏa thân với bộ ngực thật lớn. Theo các học giả thì đó là những bức tượng nữ thần sinh sản A-sê-ra và Át-tạt-tê. Họ tin rằng những tượng này là “bùa phù hộ cho sự thụ thai và sinh sản”.
Người Y-sơ-ra-ên quan niệm thế nào về những nơi thờ tự này? Giáo sư Ephraim Stern (thuộc Hebrew University) nhận xét rằng nhiều nơi thờ tự có lẽ cũng được “dâng cho Yahweh [Giê-hô-va]”. Một số dòng chữ được phát hiện tại những nơi khai quật dường như xác nhận điều này. Chẳng hạn có một câu nói như sau “Nhân danh Yahweh xứ Sa-ma-ri và A-sê-ra của Ngài, ta chúc phước cho ngươi”, và một câu khác là “Nhân danh Yahweh xứ Thê-man và A-sê-ra của Ngài, xin chúc phước cho đức ngài!”.
Như vậy, lời tường thuật của Kinh Thánh cho thấy dân Y-sơ-ra-ên đã pha tạp cách thức thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Giê-hô-va với những nghi thức ghê tởm của ngoại giáo. Hậu quả là tình trạng đạo đức của toàn dân suy đồi và cách thờ phượng của họ bị ô uế. Đức Chúa Trời nghĩ sao về hình thức thờ phượng lai tạp này?
Thái độ của Đức Chúa Trời đối với tạp giáo
Qua nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên, Đức Giê-hô-va cho biết rõ sự phẫn nộ của Ngài và lên án hình thức thờ phượng đồi bại của dân Y-sơ-ra-ên: “Hễ nơi nào các ngươi ở, thì thành-ấp sẽ bị hủy-hoại, các nơi cao sẽ bị hoang-vu, đến nỗi bàn-thờ các ngươi bị hủy-hoại hoang-vu, Ê-xê-chi-ên 6:6). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va xem cách thờ phượng này là ô uế, và không hề chấp nhận nó.
thần-tượng bị đập bể và không còn nữa, tượng mặt trời nát ra từng mảnh, và mọi công-việc của các ngươi thành ra hư-không” (Đức Giê-hô-va cho biết trước là Ngài sẽ trừng phạt họ như thế nào: “Ta sẽ sai đòi. . . đầy-tớ ta là Nê-bu-cát-nết-sa, vua Ba-by-lôn, đến nghịch cùng đất nầy, nghịch cùng dân-cư nó, và các nước ở chung-quanh. Ta sẽ diệt hết chúng nó. . . Cả đất nầy sẽ trở nên hoang-vu” (Giê-rê-mi 25:9-11). Đúng như lời Ngài đã phán, vào năm 607 TCN, quân Ba-by-lôn kéo đến Giê-ru-sa-lem và tàn phá cả thành phố lẫn đền thờ.
Về biến cố này, giáo sư Stern được đề cập ở trên cho biết là các di tích khảo cổ “đã phản ánh đúng như những lời miêu tả của Kinh Thánh (nơi 2 Các Vua 25:8; 2 Sử-ký 36:18, 19) nói về sự tàn phá, thiêu hủy, cũng như sự sụp đổ của những ngôi nhà và vách thành”. Ông cho biết thêm: “Bằng chứng khảo cổ về thời kỳ này trong lịch sử của thành Giê-ru-sa-lem. . . là một trong những di tích ấn tượng nhất trong tất cả những nơi khai quật liên quan đến Kinh Thánh”.
Chúng ta học được gì?
Bài học chính cho chúng ta là Đức Chúa Trời không chấp nhận cách thờ phượng pha tạp lời dạy của Kinh Thánh với những giáo lý, phong tục hoặc nghi lễ của các tôn giáo khác. Đó là điều mà sứ đồ Phao-lô đã hiểu ra nên ông thay đổi cách thờ phượng. Từ nhỏ, ông theo phái Pha-ri-si của đạo Do Thái và được giáo dục theo luật của phái này. Tuy nhiên, khi biết và tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế được hứa từ trước, ông làm gì? Ông nói: “Vì cớ [Chúa Giê-su], tôi đã coi sự lời cho tôi như là sự lỗ vậy”. Ông đã từ bỏ con đường mà trước kia ông xem là có lợi để một lòng theo Chúa Giê-su.—Phi-líp 3:5-7.
Là nhà truyền giáo đã đi nhiều nơi, sứ đồ Phao-lô biết rõ những nghi thức tôn giáo của nhiều dân tộc cũng như triết lý ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ. Vì thế, ông viết cho anh em đồng đạo ở thành Cô-rinh-tô: “Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng? Đấng Christ và Bê-li-an nào có hòa-hiệp chi, hay là kẻ tin có phần gì với kẻ chẳng tin? Có thể nào hiệp đền-thờ Đức Chúa Trời lại với hình-tượng tà-thần?. . . Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân-rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá-động đến đồ ô-uế, thì ta sẽ tiếp-nhận các ngươi”.—2 Cô-rinh-tô 6:14-17.
Khi đã hiểu rằng cách chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời rất quan trọng đối với Ngài, chúng ta nên tự hỏi: “Đức Chúa Trời chấp nhận cách thờ phượng nào? Làm sao tôi có thể đến gần Ngài? Cá nhân tôi nên làm gì để thờ phượng phù hợp với ý Ngài?”.
Nhân Chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn tìm lời giải đáp cho những câu hỏi này và những thắc mắc của bạn về Kinh Thánh. Mời bạn đến nơi hội họp của chúng tôi ở địa phương bạn, hoặc gửi thư về nhà xuất bản tạp chí này để được tìm hiểu Kinh Thánh miễn phí vào giờ và địa điểm thuận lợi cho bạn.
[Hình nơi trang 10]
Một ngôi miếu cổ để thờ tượng, ở Tel Arad, Israel
[Nguồn tư liệu]
Garo Nalbandian
[Hình nơi trang 10]
Tượng thần Á-tạt-tê được khai quật trong những ngôi nhà cổ ở miền Giu-đê
[Nguồn tư liệu]
Photograph © Israel Museum, Jerusalem; courtesy of Israel Antiquities Authority