Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy dùng quyền lực của lưỡi một cách đúng đắn

Hãy dùng quyền lực của lưỡi một cách đúng đắn

‘Hỡi Đức Giê-hô-va, nguyện lời nói của miệng tôi được đẹp ý Ngài!’.—THI 19:14.

BÀI HÁT: 82, 77

1, 2. Tại sao lửa là một minh họa thích hợp về quyền lực của lưỡi?

Vào đầu tháng 10 năm 1871, một vụ cháy rừng được mô tả là gây chết người nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ đã bao trùm những cánh rừng khô ở phía đông bắc tiểu bang Wisconsin. Khi đám cháy tiếp tục diễn ra, ngọn lửa và sức nóng khủng khiếp của nó đã làm hơn 1.200 người chết và thiêu rụi khoảng hai tỉ cây. Vụ cháy kinh hoàng này có lẽ đã bắt đầu chỉ với các tia lửa phát ra từ những chiếc tàu hỏa đi ngang qua. Những lời được viết nơi Gia-cơ 3:5 thật đúng làm sao: “Hãy xem, chỉ cần một ngọn lửa nhỏ thôi là có thể làm bốc cháy cả cánh rừng lớn!”. Tại sao người viết Kinh Thánh lại nhận xét như thế?

2 Ý chính của minh họa này được Gia-cơ nêu lên trong câu 6: “Cái lưỡi là một ngọn lửa”. Lưỡi tượng trưng cho khả năng nói của chúng ta. Giống như lửa, lời nói của chúng ta có khả năng gây ra tai hại. Thậm chí Kinh Thánh viết rằng “sống chết ở nơi quyền của lưỡi” (Châm 18:21). Dĩ nhiên, chúng ta không quyết định sẽ ngừng nói chỉ vì lo mình có thể nói điều gì đó gây hại, cũng như ngưng dùng lửa chỉ vì sợ sự hủy phá mà lửa có thể gây ra. Bí quyết là sự kiểm soát. Nếu kiểm soát được lửa, chúng ta có thể dùng nó để nấu ăn, sưởi ấm cơ thể và thắp sáng trong đêm tối. Nếu làm chủ được lưỡi mình, chúng ta có thể dùng quyền lực của lưỡi để tôn vinh Đức Chúa Trời và mang lại lợi ích cho người khác.—Thi 19:14.

3. Chúng ta sẽ xem xét ba khía cạnh nào liên quan đến lời nói?

3 Dù chúng ta sử dụng lời nói hay ra dấu bằng tay, khả năng truyền đạt suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta là một món quà tuyệt diệu đến từ Đức Chúa Trời. Làm thế nào chúng ta có thể dùng món quà này để xây dựng thay vì phá đổ? (Đọc Gia-cơ 3:9, 10). Hãy xem xét ba khía cạnh quan trọng liên quan đến lời nói: nói khi nào, nói điều gì và nói như thế nào.

NÓI KHI NÀO?

4. Nêu ví dụ về việc “có kỳ nín-lặng”.

4 Lời nói là một phần trong đời sống hằng ngày nhưng chúng ta không nhất thiết phải nói mọi lúc. Kinh Thánh viết rằng “có kỳ nín-lặng” (Truyền 3:7). Giữ im lặng khi người khác đang nói là một biểu hiện của sự tôn trọng (Gióp 6:24). Kiểm soát lưỡi mình để không nói ra một vấn đề cần giữ kín cho thấy sự thận trọng và sáng suốt (Châm 20:19). Việc chúng ta kiềm chế miệng lưỡi khi bị khiêu khích là điều khôn ngoan.—1 Phi 3:10, 11.

5. Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn Đức Chúa Trời về món quà lời nói mà ngài ban?

5 Mặt khác, Kinh Thánh cũng viết rằng “có kỳ nói ra” (Truyền 3:7). Nếu một người bạn tặng cho anh chị một món quà đẹp, chắc hẳn anh chị sẽ biểu lộ lòng biết ơn qua việc sử dụng tốt món quà ấy. Cũng vậy, chúng ta cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va về món quà lời nói qua việc sử dụng món quà này một cách khôn ngoan. Điều đó có lẽ bao hàm việc nói ra cảm xúc, cho biết nhu cầu của mình, chia sẻ những lời khích lệ và ngợi khen Đức Chúa Trời (Thi 51:15). Làm thế nào chúng ta có thể xác định khi nào là “kỳ nói ra” tốt nhất?

6. Kinh Thánh minh họa ra sao về tầm quan trọng của việc chọn thời điểm thích hợp để nói?

6 Những lời nơi Châm-ngôn 25:11 minh họa về tầm quan trọng của việc chọn thời điểm thích hợp để nói. Câu đó viết: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời khác chi táo vàng trên đĩa bạc chạm trổ” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Tự thân trái táo bằng vàng đã rất đẹp. Đặt những trái này trên đĩa bạc chạm trổ sẽ làm tăng thêm vẻ đẹp của chúng. Tương tự, cẩn thận chọn thời điểm thích hợp để nói có thể làm cho lời nói của chúng ta thu hút và hiệu quả hơn. Như thế nào?

7, 8. Các anh em của chúng ta ở Nhật Bản đã noi gương Chúa Giê-su ra sao qua việc chọn thời điểm thích hợp để nói về sự sống lại?

7 Có thể những lời của chúng ta chính là điều người nghe thật sự cần, nhưng nếu không sáng suốt nhận ra khi nào là thời điểm tốt nhất để nói thì những lời ấy có thể mất đi ý nghĩa. (Đọc Châm-ngôn 15:23). Chẳng hạn, vào tháng 3 năm 2011, một trận động đất đi kèm với sóng thần đã tàn phá các khu vực thuộc miền đông Nhật Bản, khiến nhiều thành phố trong vùng bị hủy phá. Hơn 15.000 người đã thiệt mạng. Dù Nhân Chứng Giê-hô-va trong khu vực ấy cũng chịu ảnh hưởng chung với những người xung quanh, nhưng họ đã tận dụng mọi cơ hội để dùng Kinh Thánh an ủi những người đang đau buồn. Tuy nhiên, nhiều người địa phương có niềm tin nơi đạo Phật đã ăn sâu vào lòng và chỉ biết rất ít hoặc không biết đến những sự dạy dỗ của Kinh Thánh. Các anh em của chúng ta đã nhận ra rằng ngay sau trận sóng thần không hẳn là thời điểm tốt nhất để nói về hy vọng sống lại với những nạn nhân đang sầu não. Thay vì thế, họ đã sử dụng món quà lời nói để tập trung vào việc hỗ trợ về tinh thần, cũng như dùng Kinh Thánh để giải thích tại sao những chuyện tồi tệ như thế lại xảy ra cho những người vô tội.

8 Chúa Giê-su biết khi nào cần im lặng, nhưng ngài cũng biết lúc nào là thời điểm thích hợp để nói ra (Giăng 18:33-37; 19:8-11). Ngài từng nói với môn đồ: “Tôi còn nhiều điều để nói với anh em, nhưng hiện nay anh em không thể hiểu được” (Giăng 16:12). Các Nhân Chứng ở miền đông Nhật Bản đã noi gương Chúa Giê-su. Hai năm rưỡi sau trận sóng thần, họ đã tham gia một đợt phân phát toàn cầu để mời nhận tờ Tin Tức Nước Trời số 38 với tựa đề “Người chết sẽ được sống lại không?”. Vào thời điểm đó, có nhiều người hơn sẵn sàng lắng nghe thông điệp ấm lòng về sự sống lại, và nhiều chủ nhà đã nhận tờ chuyên đề ấy. Dĩ nhiên, văn hóa và niềm tin tôn giáo mỗi nơi mỗi khác. Vì thế, chúng ta cần sáng suốt lựa chọn thời điểm thích hợp để nói.

9. Trong những tình huống nào, việc lựa chọn thời điểm thích hợp để nói sẽ giúp lời nói của chúng ta hiệu quả hơn?

9 Chắc chắn có những lúc chúng ta cần sáng suốt nhận ra khi nào là thời điểm thích hợp để nói. Chẳng hạn, có lẽ một người nào đó làm chúng ta tổn thương ngay cả khi lời nói của họ có ý tốt. Điều khôn ngoan là chúng ta dành thời gian để suy nghĩ xem liệu vấn đề có nghiêm trọng đến mức phải nói với người ấy không. Nếu phải nói ra, sẽ là thiếu khôn ngoan khi đến gặp người đó lúc mình đang bực tức và có thể nói những lời không hay. (Đọc Châm-ngôn 15:28). Tương tự thế, chúng ta cần nhận ra khi nào là thời điểm để nói về sự thật với những người thân không tin đạo. Dù muốn họ biết đến Đức Giê-hô-va nhưng chúng ta phải kiên nhẫn và tinh ý. Nói những lời phù hợp và vào lúc thích hợp có thể giúp mở lòng của họ.

NÓI ĐIỀU GÌ?

10. (a) Tại sao chúng ta cần thận trọng lựa chọn những lời phù hợp? (b) Nêu ví dụ về lời nói gây hại.

10 Lời nói có quyền lực để gây tổn thương cũng như có quyền lực để chữa lành. (Đọc Châm-ngôn 12:18). Việc dùng lời nói để gây tổn thương và làm buồn lòng người khác là điều phổ biến trong thế gian của Sa-tan. Ngành giải trí kích thích nhiều người “mài lưỡi mình như thanh gươm” và “nhắm mũi tên mình, tức là lời cay-đắng” (Thi 64:3). Một tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần tránh nói những điều gây hại như thế. Một ví dụ của “lời cay-đắng” là những lời châm biếm mỉa mai, tức lời châm chọc với mục đích hạ thấp và chê trách người khác. Lời châm biếm thường có ý gây cười nhưng nó có thể nhanh chóng biến đổi thành lời nói xúc phạm và thiếu tôn trọng. Lời mỉa mai độc ác là một dạng của những lời lăng mạ mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần “từ bỏ”. Sự khôi hài có thể thêm gia vị cho lời nói, nhưng chúng ta cần tránh cạm bẫy của việc cố gây cười bằng cách dùng những lời mỉa mai, xúc phạm khiến người khác bị tổn thương hoặc bẽ mặt. Kinh Thánh khuyên: “Chớ để lời tục tĩu nào ra khỏi miệng anh em, nhưng chỉ nói những lời tốt lành để làm vững mạnh người nghe, tùy theo hoàn cảnh, hầu mang lại lợi ích cho họ”.—Ê-phê 4:29, 31.

11. Lòng của chúng ta có liên quan thế nào đến việc lựa chọn lời lẽ thích hợp?

11 Chúa Giê-su dạy rằng “lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra” (Mat 12:34). Do đó, việc chọn những lời thích hợp bắt đầu từ trong lòng. Lời nói thường phản ánh cảm nghĩ thật sự của chúng ta về người khác. Nếu lòng tràn đầy tình yêu thương và trắc ẩn, lời nói của chúng ta hẳn sẽ tích cực và xây dựng.

12. Làm thế nào chúng ta có thể cải thiện khả năng của mình trong việc chọn lời lẽ thích hợp?

12 Để có thể lựa chọn lời lẽ thích hợp, chúng ta cũng cần nỗ lực và suy xét. Ngay cả vị vua Sa-lô-môn khôn ngoan “đã cân-nhắc, tra-soát” để “tìm-kiếm những câu luận tốt-đẹp; và các lời đã viết ra đều là chánh-trực và chân-thật” (Truyền 12:9, 10). Anh chị có thấy rằng việc nghĩ ra “những câu luận tốt-đẹp” thường là một điều khó với mình không? Nếu vậy, có lẽ anh chị cần gia tăng vốn từ của mình. Anh chị có thể làm điều đó qua việc chú ý cách mà từ ngữ được dùng trong Kinh Thánh và trong các ấn phẩm của tổ chức. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của những từ ngữ mà anh chị chưa quen thuộc. Quan trọng hơn, hãy học cách dùng từ ngữ như thế nào để giúp người khác. Kinh Thánh viết về mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Con đầu lòng của ngài như sau: “Chúa Giê-hô-va đã ban cho ta [Chúa Giê-su] cái lưỡi của người được dạy-dỗ, hầu cho ta biết dùng lời nói nâng-đỡ kẻ mệt-mỏi” (Ê-sai 50:4). Việc dành thời gian suy ngẫm về những gì mình định nói có thể giúp chúng ta tìm được những lời thích hợp (Gia 1:19). Hãy tự hỏi: “Những lời này sẽ thật sự truyền đạt ý mà mình muốn nói không? Những lời mình định nói sẽ tác động thế nào đến người nghe?”.

13. Tại sao lời nói dễ hiểu là điều quan trọng?

13 Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, những chiếc kèn được dùng để tập hợp và giải tán trại quân cũng như giục lòng đạo binh để chiến đấu. Thật thích hợp khi Kinh Thánh dùng tiếng kèn để minh họa việc cần thiết phải nói năng một cách dễ hiểu. Một tiếng kèn không trổi tín hiệu rõ ràng thì có thể gây tai hại cho một đạo binh đang tiến lên. Tương tự thế, nếu lời nói của chúng ta quá mơ hồ hoặc vòng vo thì rất có thể sẽ gây bối rối hoặc hiểu lầm. Dĩ nhiên, dù cố gắng nói năng rõ ràng, chúng ta không muốn quá thẳng thừng hoặc thiếu tế nhị.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 14:8, 9.

14. Nêu ví dụ cho thấy Chúa Giê-su dùng lời nói một cách dễ hiểu.

14 Chúa Giê-su nêu gương mẫu tốt nhất về việc lựa chọn lời lẽ thích hợp. Hãy xem xét bài giảng ngắn gọn nhưng đầy hiệu quả của ngài được ghi nơi Ma-thi-ơ chương 5 đến chương 7. Chúa Giê-su không dùng những lời nói dài dòng hoặc phức tạp, ngài cũng không dùng ngôn từ gây tổn thương hoặc cay nghiệt. Thay vì thế, ngài chọn những từ ngữ đơn giản, rõ ràng để động đến lòng người nghe. Chẳng hạn, để giảm đi nỗi lo âu của người ta về nhu cầu ăn uống hằng ngày, Chúa Giê-su nói về cách Đức Giê-hô-va cung cấp đồ ăn cho các loài chim trời. Sau đó, ngài so sánh những người nghe với các loài chim và hỏi họ: “Chẳng lẽ anh em không quý hơn chúng hay sao?” (Mat 6:26). Quả là một lời dạy đầy yêu thương với ngôn từ giản dị, dễ hiểu và động đến lòng! Giờ đây, hãy xem xét khía cạnh quan trọng thứ ba liên quan đến lời nói của chúng ta.

NÓI NHƯ THẾ NÀO?

15. Tại sao chúng ta phải tử tế trong cách nói năng?

15 Cách chúng ta nói cũng có thể quan trọng như điều chúng ta nói. Khi Chúa Giê-su giảng trong nhà hội tại Na-xa-rét, người ta “thán phục trước những lời tử tế của ngài” (Lu 4:22). Lời nói tử tế tác động đến lòng và không hề làm giảm đi quyền lực của lưỡi. Thật vậy, sự tử tế và mềm dịu có thể khiến lời nói của chúng ta thuyết phục hơn (Châm 25:15). Chúng ta có thể bắt chước lời nói tử tế của Chúa Giê-su qua việc biểu lộ lòng nhân từ, lịch sự và để ý đến cảm xúc của người khác. Chúa Giê-su thấy được nỗ lực mà một đoàn dân đông đã bỏ ra để được nghe ngài giảng, nên ngài động lòng thương xót và “bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mác 6:34). Ngay cả khi bị nhục mạ, ngài cũng không dùng những lời nói cay nghiệt.—1 Phi 2:23.

16, 17. (a) Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su ra sao khi nói chuyện với các thành viên trong gia đình và những người bạn thân trong hội thánh? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Nêu ví dụ cho thấy lợi ích của lời nói tử tế.

16 Nói năng một cách mềm mại và tế nhị có thể là một điều khó khi người nghe là người mà chúng ta biết rất rõ, chẳng hạn như một thành viên trong gia đình hoặc một người bạn thân trong hội thánh. Có lẽ chúng ta cảm thấy mình được phép nói với người ấy một cách thẳng thừng. Chúa Giê-su có cảm thấy rằng tình bạn thân thiết với các môn đồ cho phép ngài nói chuyện với họ một cách gay gắt không? Không hề! Khi những môn đồ thân nhất của ngài tiếp tục tranh cãi xem ai là người lớn hơn trong vòng họ, Chúa Giê-su đã sửa sai họ bằng những lời tử tế và bằng việc dùng gương của một em nhỏ để minh họa (Mác 9:33-37). Các trưởng lão có thể noi gương Chúa Giê-su qua việc khuyên bảo “với tinh thần mềm mại”.—Ga 6:1.

17 Ngay cả khi một người nói điều gì đó làm chúng ta tổn thương, việc đáp lại bằng những lời tử tế có thể mang lại kết quả tích cực (Châm 15:1). Chẳng hạn, một người mẹ đơn thân có con trai ở tuổi thanh thiếu niên và người con này đang sống hai mặt. Một chị Nhân Chứng có thiện ý nói với người mẹ ấy rằng: “Thật buồn là chị đã thất bại trong việc dạy bảo con”. Người mẹ suy nghĩ trong giây lát và đáp lại: “Đúng là mọi thứ không ổn lắm vào lúc này, nhưng cháu vẫn đang tiếp tục được dạy bảo. Hãy nói về chuyện ấy sau Ha-ma-ghê-đôn, lúc đó chúng ta mới biết chắc”. Lời đáp mềm mại này giúp duy trì sự hòa thuận giữa hai chị, đồng thời khích lệ người con trai đã tình cờ nghe được cuộc nói chuyện của mẹ. Cậu nhận ra rằng mẹ vẫn tin là mình có thể thay đổi. Điều này thúc đẩy cậu ngưng kết hợp với bạn bè xấu. Với thời gian, cậu làm báp-têm và sau này đã phụng sự tại nhà Bê-tên. Dù nói với anh em đồng đạo, gia đình hay người lạ, lời nói của chúng ta phải luôn “tử tế, được nêm thêm muối”.—Cô 4:6.

18. Làm thế nào việc noi gương Chúa Giê-su trong cách nói năng sẽ giúp chúng ta dùng quyền lực của lưỡi một cách đúng đắn?

18 Khả năng biểu đạt suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta bằng lời nói quả là một điều kỳ diệu. Mong sao chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su qua việc chọn thời điểm thích hợp, cố gắng lựa chọn những lời lẽ phù hợp và nỗ lực biểu lộ sự tử tế. Khi đó, quyền lực của lưỡi sẽ có tác dụng chữa lành cho những người nghe chúng ta đồng thời làm đẹp ý Đức Giê-hô-va, đấng ban cho chúng ta món quà quý giá ấy.