Suy ngẫm về tình yêu thương không lay chuyển của Đức Giê-hô-va
‘Tôi sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa’.—THI 77:12.
BÀI HÁT: 18, 61
1, 2. (a) Tại sao anh chị tin chắc rằng Đức Giê-hô-va yêu thương dân của ngài? (b) Con người được tạo ra với nhu cầu nào?
Tại sao anh chị tin chắc rằng Đức Giê-hô-va yêu thương dân của ngài? Trước khi trả lời câu hỏi này, hãy xem xét những trường hợp sau: Trong một vài năm, anh em đồng đạo đã ân cần khuyến khích một chị tên là Taylene có quan điểm thăng bằng và không nên kỳ vọng quá nhiều nơi bản thân. Chị Taylene bày tỏ: “Nếu Đức Giê-hô-va không yêu thương tôi thì ngài đã không khuyên nhủ tôi nhiều như thế”. Chị Brigitte, người phải một mình nuôi hai con sau khi chồng qua đời, cho biết: “Nuôi dạy con trong thế gian của Sa-tan là một trong những thử thách khó nhất, đặc biệt đối với người cha hoặc mẹ đơn thân. Nhưng tôi tin chắc vào tình yêu thương của Đức Giê-hô-va vì ngài đã hướng dẫn khi tôi trải qua những đau thương và nước mắt, và ngài không bao giờ để tôi chịu đựng quá sức” (1 Cô 10:13). Trường hợp khác là của chị Sandra, người phải chống chọi với một chứng bệnh nan y. Tại một hội nghị, chị nhận được sự quan tâm từ vợ của một anh được nhiều người biết đến. Chồng của chị Sandra nói: “Mặc dù chúng tôi không quen biết chị ấy nhưng sự quan tâm sâu sắc của chị khiến lòng chúng tôi rất vui mừng. Những hành động bày tỏ tình yêu thương đến từ anh em đồng đạo dù là nhỏ cũng cho tôi thấy Đức Giê-hô-va yêu thương chúng tôi dường bao”.
2 Con người được tạo ra với nhu cầu yêu thương và được yêu thương. Nhưng nhu cầu này có thể không được thỏa mãn khi có những việc xảy ra ngoài ý muốn, khi bị thất vọng, gặp vấn đề về sức khỏe, khó khăn về tài chính hay không có kết quả trong thánh chức, và điều này dễ dẫn đến sự nản lòng. Nếu bắt đầu cảm thấy Đức Giê-hô-va không còn yêu thương chúng ta nữa, hãy nhớ rằng chúng ta quý giá trước mắt ngài và ngài vẫn ở bên, “nắm tay hữu” và giúp đỡ chúng ta. Ngài sẽ không bao giờ quên chúng ta nếu chúng ta trung thành với ngài.—3. Điều gì có thể giúp chúng ta càng tin chắc nơi tình yêu thương không lay chuyển của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta?
3 Những anh chị được đề cập ở trên tin chắc Đức Chúa Trời ở cùng họ trong những lúc khó khăn. Chúng ta cũng có thể tin chắc ngài ở bên chúng ta (Thi 118:6, 7). Bài này cho thấy tình yêu thương của Đức Chúa Trời được thể hiện như thế nào qua (1) công trình sáng tạo, (2) Lời được ngài soi dẫn, (3) cầu nguyện và (4) giá chuộc. Suy ngẫm những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm có thể giúp chúng ta gia tăng lòng biết ơn đối với tình yêu thương không lay chuyển của ngài.—Đọc Thi-thiên 77:11, 12.
SUY NGẪM VỀ CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
4. Chúng ta học được gì khi suy ngẫm về công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va?
4 Chúng ta có thể thấy tình yêu thương không lay chuyển của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta qua những gì ngài tạo ra không? Quả thật, chúng ta có thể thấy được vì chính sự sáng tạo là một biểu hiện về tình yêu thương của ngài (Rô 1:20). Ngài đã thiết kế trái đất theo cách để chúng ta có thể sống an toàn và phát triển. Tuy nhiên, ngài muốn chúng ta làm nhiều hơn là chỉ tồn tại. Chúng ta cần ăn để duy trì sự sống. Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng trái đất có khả năng sản sinh vô số các loại rau quả mà con người có thể dùng để chuẩn bị những món ăn bổ dưỡng. Ngài ban cho chúng ta sự thích thú và thỏa nguyện ngay cả trong việc ăn uống! (Truyền 9:7). Một chị tên là Catherine rất vui thích khi quan sát công trình sáng tạo, đặc biệt là vào mùa xuân ở Canada. Chị nhận xét: “Thật kinh ngạc về cách mọi thứ hồi sinh, những bông hoa được lập trình để vươn lên khỏi mặt đất và những chú chim trở về từ nơi chúng di trú, có cả những con chim ruồi nhỏ xíu biết tìm đến dụng cụ chứa thức ăn bên ngoài cửa sổ phòng bếp. Đức Giê-hô-va hẳn rất yêu thương chúng ta nên ngài mới ban cho chúng ta nhiều niềm vui như thế”. Cha yêu thương ở trên trời yêu thích công trình sáng tạo của ngài, và ngài cũng muốn chúng ta vui thích nơi những gì ngài tạo ra.—Công 14:16, 17.
5. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va được thể hiện thế nào trong cách ngài tạo ra con người?
5 Đức Giê-hô-va tạo ra chúng ta với khả năng làm những việc hữu ích và ý nghĩa, nhờ thế cuộc sống của chúng ta thêm phần thích thú (Truyền 2:24). Ý định của ngài là loài người sinh sản cho đầy dẫy đất, làm cho đất phục tùng và quản trị loài cá, loài chim cùng các sinh vật khác (Sáng 1:26-28). Đức Giê-hô-va cũng rất yêu thương khi ban cho chúng ta những đức tính để chúng ta có thể bắt chước ngài.—Ê-phê 5:1.
QUÝ TRỌNG LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI
6. Tại sao chúng ta nên quý trọng Lời Đức Chúa Trời một cách sâu xa?
6 Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương lớn lao khi ban cho chúng ta Lời ngài là Kinh Thánh. Sách này tiết lộ những điều chúng ta cần biết về ngài và cách ngài đối xử với nhân loại. Chẳng hạn, Kinh Thánh cho chúng ta biết cách Đức Giê-hô-va đối xử với Y-sơ-ra-ên, dân tộc mà thường bất tuân với ngài. Thi-thiên 78:38 nói: “Ngài, vì lòng thương-xót, tha tội-ác cho, chẳng hủy-diệt chúng nó: Thật, nhiều khi Ngài xây cơn giận Ngài khỏi, chẳng nổi giận đến cực kì”. Suy ngẫm câu Kinh Thánh này có thể giúp anh chị thấy rõ Đức Giê-hô-va yêu thương và quan tâm anh chị đến mức nào. Hãy chắc chắn rằng ngài quan tâm sâu xa đến anh chị.—Đọc 1 Phi-e-rơ 5:6, 7.
7. Chúng ta nên quý trọng sâu xa Kinh Thánh vì lý do nào?
7 Chúng ta nên quý trọng sâu xa Kinh Thánh vì Đức Chúa Trời liên lạc với chúng ta chủ yếu qua sách này. Để cha mẹ và con cái có thể vun đắp tình yêu thương và lòng tin cậy lẫn nhau thì điều thiết yếu là trò chuyện cách ý nghĩa và với lòng thấu cảm. Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương. Dù chúng ta chưa bao giờ thấy ngài hoặc nghe giọng nói của ngài, nhưng ngài “nói” với chúng ta qua Kinh Thánh, và chúng ta cần lắng nghe (Ê-sai 30:20, 21). Đức Giê-hô-va muốn chỉ dẫn chúng ta, những người đã dâng mình cho ngài, và bảo vệ chúng ta khỏi những mối nguy hại. Ngài cũng muốn chúng ta biết và đặt niềm tin cậy nơi ngài.—Đọc Thi-thiên 19:7-11; Châm-ngôn 1:33.
8, 9. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết về điều gì? Hãy minh họa điều đó qua một trường hợp trong Kinh Thánh.
8 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta biết rằng ngài yêu thương chúng ta và nhìn xa hơn sự bất toàn của con người. Ngài tìm điểm tốt nơi chúng ta (2 Sử 16:9). Chẳng hạn, ngài đã làm thế trong trường hợp của Giô-sa-phát, vua xứ Giu-đa. Vào một dịp, Giô-sa-phát đã có quyết định thiếu khôn ngoan là đồng ý đi cùng vua A-háp của Y-sơ-ra-ên để chiến đấu giành lại Ra-mốt tại Ga-la-át từ tay người Sy-ri. Dù 400 nhà tiên tri giả đảm bảo rằng A-háp gian ác sẽ thành công, nhưng nhà tiên tri thật của Đức Giê-hô-va là Mi-chê báo trước rằng vua ấy chắc chắn sẽ bại trận. Kết quả là A-háp đã chết trong trận chiến, còn Giô-sa-phát thì suýt mất mạng. Khi trở lại Giê-ru-sa-lem, Giô-sa-phát đã bị khiển trách vì liên minh với A-háp. Dù vậy, con trai của đấng tiên kiến Ha-na-ni là Giê-hu đã nói với Giô-sa-phát rằng “trong vua có điều lành”.—2 Sử 18:4, 5, 18-22, 33, 34; 19:1-3.
9 Nhiều năm về trước, Giô-sa-phát đã lệnh cho các quan trưởng, người Lê-vi và những thầy tế lễ đi khắp các thành của xứ Giu-đa để dạy dân chúng về Luật pháp của Đức Giê-hô-va. Sắp đặt này hữu hiệu đến mức dân của những nước xung quanh bắt đầu “kinh-hãi” Đức Giê-hô-va (2 Sử 17:3-10). Đúng là Giô-sa-phát đã có một hành động dại dột, nhưng Đức Chúa Trời không quên những điều tốt mà vua đã làm. Lời tường thuật này nhắc chúng ta nhớ rằng dù chúng ta bất toàn nhưng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho chúng ta sẽ luôn bền vững nếu chúng ta gắng hết sức để làm ngài vui lòng.
QUÝ TRỌNG ĐẶC ÂN CẦU NGUYỆN
10, 11. (a) Tại sao cầu nguyện là một sự cung cấp đặc biệt đến từ Đức Giê-hô-va? (b) Đức Chúa Trời có thể đáp lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào? (Xem hình nơi đầu bài).
10 Một người cha yêu thương sẽ dành thời gian để lắng nghe khi con muốn nói chuyện. Người cha ấy muốn biết những mối lo lắng của con vì ông quan tâm đến suy nghĩ trong lòng chúng. Cha yêu thương ở trên trời, Đức Giê-hô-va, lắng nghe khi chúng ta đến với ngài qua đặc ân quý giá là cầu nguyện.
11 Chúng ta có thể đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện vào bất cứ khi nào. Ngài không đặt ra giới hạn đối với chúng ta. Ngài là Bạn của chúng ta và luôn sẵn sàng lắng nghe chúng ta. Chị Taylene, người được đề cập nơi đầu bài, nói: “Anh chị có thể nói với ngài bất cứ điều gì”. Khi chúng ta giãi bày với Đức Chúa Trời những suy nghĩ thầm kín qua lời cầu nguyện, ngài có thể đáp lời qua một đoạn Kinh Thánh, một bài viết trong tạp chí hoặc một lời khích lệ từ anh em đồng đạo. Đức Giê-hô-va nghe những lời khẩn cầu của chúng ta, và ngài hiểu chúng ta, ngay cả khi không ai hiểu được. Việc ngài đáp lại lời cầu nguyện là bằng chứng cho thấy tình yêu thương không lay chuyển của ngài dành cho chúng ta.
12. Tại sao chúng ta nên chú ý đến những lời cầu nguyện được ghi lại trong Kinh Thánh? Hãy cho ví dụ.
12 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ những lời cầu nguyện được ghi lại trong Lời Đức Chúa Trời. Vì thế, sẽ hữu ích khi thỉnh thoảng xem xét những lời cầu nguyện như thế trong buổi thờ phượng của gia đình. Suy ngẫm về cách những tôi tớ của Đức Giê-hô-va trong quá khứ bày tỏ các ý tưởng sâu kín với ngài có thể giúp chúng ta làm cho lời cầu nguyện của mình trở nên phong phú. Chẳng hạn, hãy xem xét lời cầu nguyện hối lỗi của Giô-na khi ông ở trong bụng một con cá lớn (Giô-na 2:1-11). Chúng ta có thể xem lại lời cầu nguyện chân thành của Sa-lô-môn dâng cho Đức Giê-hô-va tại lễ khánh thành đền thờ (1 Vua 8:22-53). Hoặc suy ngẫm về lời cầu nguyện mẫu mà Chúa Giê-su đã dâng vì lợi ích của chúng ta (Mat 6:9-13). Trên hết, hãy thường xuyên “trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời”. Kết quả là “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”. Hơn nữa, lòng biết ơn của chúng ta đối với tình yêu thương không lay chuyển của Đức Chúa Trời sẽ tiếp tục gia tăng.—Phi-líp 4:6, 7.
THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN ĐỐI VỚI GIÁ CHUỘC
13. Giá chuộc đã mở ra cho nhân loại cơ hội nào?
13 Đức Giê-hô-va đã nhân từ ban cho chúng ta món quà giá chuộc là Chúa Giê-su để “chúng ta có sự sống” (1 Giăng 4:9). Nói về hành động yêu thương cao cả này của Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô viết: “Vào thời điểm được ấn định, Đấng Ki-tô đã chết cho loài người không tin kính. Hiếm có ai chết cho người công chính, còn người tốt thì có thể có người dám chết cho. Nhưng Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương với chúng ta qua cách này: Trong khi chúng ta vẫn còn là người tội lỗi, Đấng Ki-tô đã chết cho chúng ta” (Rô 5:6-8). Đây là biểu hiện vĩ đại nhất về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và mở ra cho nhân loại triển vọng có được vị thế tốt trước mắt ngài.
14, 15. Giá chuộc có ý nghĩa gì đối với (a) những tín đồ được xức dầu? (b) những người có hy vọng sống trên đất?
14 Một số người cảm nhận tình yêu thương không lay chuyển của Đức Giê-hô-va qua một cách rất đặc biệt (Giăng 1:12, 13; 3:5-7). Nhờ được xức dầu bởi thần khí, những người này trở thành “con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:15, 16). Phao-lô nói rằng những tín đồ được xức dầu được ‘sống và đặt ngồi trên trời cùng với Đấng Ki-tô vì họ hợp nhất với Đấng Ki-tô’ (Ê-phê 2:6). Họ nhận được vị thế thiêng liêng này nhờ ‘được đóng dấu bằng thần khí đã hứa, tức dấu bảo đảm về sản nghiệp của họ’, là ‘niềm hy vọng dành sẵn cho họ ở trên trời’.—Ê-phê 1:13, 14; Cô 1:5.
15 Còn phần lớn nhân loại thể hiện đức tin nơi giá chuộc có cơ hội trở thành bạn của Đức Giê-hô-va. Họ có triển vọng được nhận làm con cái của ngài và sống mãi mãi trong địa đàng đã được hứa trước. Qua giá chuộc, Đức Giê-hô-va cho thấy tình yêu thương của ngài dành cho toàn thể nhân loại (Giăng 3:16). Nếu chúng ta mong muốn sống mãi trên đất và tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban cho mình một đời sống tốt nhất trong thế giới mới. Vậy thật thích hợp khi chúng ta xem giá chuộc là bằng chứng cao cả nhất cho thấy tình yêu thương không lay chuyển của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta.
ĐÁP LẠI TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
16. Chúng ta được thôi thúc làm gì khi suy ngẫm về nhiều cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương của ngài?
16 Chúng ta không thể kể hết những cách mà Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương không lay chuyển đối với chúng ta. Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Hỡi Đức Chúa Trời, các tư-tưởng Chúa quí-báu cho tôi thay! Số các tư-tưởng ấy thật lớn thay! Nếu tôi muốn đếm các tư-tưởng ấy, thì nhiều hơn cát” (Thi 139:17, 18). Suy ngẫm những điều này sẽ thôi thúc chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va sâu đậm vì muốn đáp lại sự chăm sóc yêu thương của ngài dành cho chúng ta. Vậy hãy dâng cho ngài những gì tốt nhất.
17, 18. Chúng ta có thể bày tỏ tình yêu thương với Đức Chúa Trời qua một số cách nào?
17 Có nhiều cách để chúng ta bày tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, chúng ta thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận bằng cách sốt sắng rao giảng về Nước Trời (Mat 24:14; 28:19, 20). Chúng ta bày tỏ tình yêu thương chân thành với Đức Giê-hô-va qua việc chịu đựng những thử thách về lòng trung kiên. (Đọc Thi-thiên 84:11; Gia-cơ 1:2-5). Nếu những thử thách của chúng ta trở nên khắc nghiệt, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời biết rõ sự đau khổ của chúng ta và ngài sẽ giúp đỡ vì chúng ta quý giá trước mắt ngài.—Thi 56:8.
18 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta suy ngẫm về công trình sáng tạo và những công việc kỳ diệu khác của ngài. Chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Chúa Trời và quý trọng sâu xa Lời ngài bằng cách siêng năng học hỏi Kinh Thánh. Chúng ta thường xuyên cầu nguyện với Đức Giê-hô-va vì yêu mến ngài và muốn củng cố mối quan hệ với ngài. Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va sẽ ngày thêm sâu đậm khi chúng ta suy ngẫm về giá chuộc mà ngài đã cung cấp vì tội của chúng ta (1 Giăng 2:1, 2). Đây chỉ là một vài trong số nhiều cách mà chúng ta cho thấy mình yêu mến Đức Giê-hô-va và đáp lại tình yêu thương không lay chuyển của ngài dành cho chúng ta.