Ngài yêu thương con người
“Sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”.—CHÂM 8:31.
1, 2. Hãy nêu một bằng chứng cho thấy tình yêu thương sâu đậm của Chúa Giê-su dành cho loài người.
Ngay từ lúc ban đầu của sự sáng tạo, Đức Giê-hô-va đã thể hiện trọn vẹn nhất sự khôn ngoan vô tận của ngài qua Con đầu lòng. Chúa Giê-su là hiện thân của sự khôn ngoan, là “thợ cái” bên cạnh Cha ngài. Chúng ta chỉ có thể hình dung được niềm vui và sự thỏa nguyện của ngài khi Cha ngài “lập các từng trời” và “lập nên trái đất”. Nhưng dù quý trọng các vật vô tri này, Con đầu lòng của Đức Chúa Trời đặc biệt ‘vui-thích nơi con-cái loài người’ (Châm 8:22-31). Đúng thế, Chúa Giê-su vui thích và rất yêu thương con người, và điều này đã có từ trước khi ngài xuống thế.
2 Sau này, Con đầu lòng đã chứng tỏ lòng trung thành và tình yêu thương dành cho Cha cũng như tình yêu thương sâu đậm đối với “con-cái loài người” khi ngài sẵn sàng “từ bỏ tất cả” và trở thành con người. Ngài làm thế để cung cấp “giá chuộc cho nhiều người” (Phi-líp 2:5-8; Mat 20:28). Ngài yêu thương gia đình nhân loại biết bao! Khi Chúa Giê-su còn ở trên đất, Đức Chúa Trời ban cho ngài quyền năng để thực hiện nhiều phép lạ. Các phép lạ này chứng tỏ Chúa Giê-su yêu thương con người nhiều đến mức nào. Qua đó, ngài cũng cho thấy những điều kỳ diệu mà không bao lâu nữa sẽ xảy ra trên khắp đất.
3. Bây giờ chúng ta sẽ chú ý đến điều gì?
3 Khi xuống thế, Chúa Giê-su còn có thể “rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu 4:43). Chúa Giê-su biết rằng Nước Trời sẽ làm thánh danh Cha ngài và là giải pháp lâu dài cho mọi vấn đề của loài người. Trong quá trình rao giảng, Chúa Giê-su cũng làm nhiều phép lạ. Các phép lạ này cho thấy lòng quan tâm chân thành của ngài dành cho gia đình nhân loại. Tại sao điều này lại quan trọng với chúng ta? Vì những bài học rút ra được sẽ mang lại cho chúng ta niềm hy vọng và sự tin tưởng vào tương lai. Hãy xem xét bốn phép lạ của Chúa Giê-su.
‘NGÀI CÓ QUYỀN NĂNG ĐỂ CHỮA BỆNH’
4. Hãy mô tả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và một người bị phong cùi.
4 Chúa Giê-su đã thi hành thánh chức được một thời gian, và khu vực hiện thời của ngài là Ga-li-lê. Tại một thành ở vùng đó, Chúa Giê-su gặp một cảnh tượng đáng thương (Mác 1:39, 40). Trước mặt ngài là một người đàn ông mang căn bệnh đáng sợ—bệnh phong cùi. Thầy thuốc Lu-ca xác nhận ông bị bệnh nặng khi mô tả ông “bị phong cùi đầy mình” (Lu 5:12). Khi thấy Chúa Giê-su, người bị phong cùi “bèn sấp mình xuống nài xin: ‘Thưa ngài, nếu muốn, ngài có thể làm cho tôi được sạch’”. Người đàn ông đó không hề nghi ngờ việc Chúa Giê-su có đủ quyền năng để chữa lành cho ông, nhưng điều ông cần biết là Chúa Giê-su có muốn làm thế không? Chúa Giê-su sẽ đáp lại lời khẩn cầu từ đáy lòng đó như thế nào? Ngài nghĩ gì khi nhìn thấy người đàn ông với gương mặt có lẽ đã bị biến dạng? Liệu Chúa Giê-su có giống như người Pha-ri-si, những người có cái nhìn vô cảm đối với những ai mắc phải căn bệnh này? Bạn sẽ làm gì trong trường hợp đó?
5. Điều gì thôi thúc Chúa Giê-su nói “Tôi muốn” khi chữa lành người bị phong cùi?
5 Dường như người bị phong cùi đã không la lên “Ô-uế! Ô-uế!” như Luật pháp Môi-se quy định. Chúa Giê-su đã không nhắc đến việc này. Thay vì vậy ngài tập trung vào người đó và nhu cầu của ông (Lê 13:43-46). Chúng ta không biết chính xác Chúa Giê-su đã nghĩ gì, nhưng chúng ta biết trong lòng ngài cảm thấy thế nào. Lòng thương xót đã thôi thúc Chúa Giê-su làm một điều khó mà tưởng tượng. Ngài giơ tay ra sờ người bị phong cùi, rồi nói với một giọng vừa mạnh mẽ nhưng cũng rất mềm mại: “Tôi muốn, hãy sạch đi”. Thế là ‘bệnh phong cùi biến mất’ (Lu 5:13). Rõ ràng, quyền năng của Chúa Giê-su đến từ Đức Giê-hô-va. Quyền năng đó không chỉ giúp Đấng Ki-tô làm được phép lạ như thế mà còn giúp ngài chứng tỏ tình yêu thương sâu đậm dành cho con người.—Lu 5:17.
6. Có điều gì đáng chú ý trong các phép lạ của Chúa Giê-su, và những phép lạ đó cho thấy gì?
6 Nhờ quyền năng của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Ki-tô có thể thực hiện được nhiều loại phép lạ đáng kinh ngạc. Ngài không chỉ chữa bệnh phong cùi mà còn chữa mọi thứ bệnh tật trong dân chúng. Lời tường thuật trong Kinh Thánh cho biết: “Thấy người câm nói được, người què đi được và người mù thấy được, dân chúng đều kinh ngạc” (Mat 15:31). Để thực hiện được những hành động đầy thương xót như thế, Chúa Giê-su không cần có người hiến các cơ quan nội tạng để cấy ghép. Ngài chữa lành chính các bộ phận cơ thể bị hư hại! Ngài có thể chữa lành người ta ngay lập tức, thậm chí trong một số trường hợp ngài làm thế từ xa (Giăng 4:46-54). Những ví dụ đáng kinh ngạc này cho thấy gì? Đó là Chúa Giê-su, hiện đã lên ngôi Vua ở trên trời, không chỉ có quyền năng mà còn có ước muốn chữa lành vĩnh viễn mọi bệnh tật. Việc tìm hiểu về cách Chúa Giê-su đối xử với con người giúp chúng ta tin rằng trong thế giới mới, lời tiên tri sau sẽ được ứng nghiệm: “Người sẽ thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn” (Thi 72:13). Đúng thế, khi đó Chúa Giê-su sẽ hành động theo điều lòng ngài mong muốn để giúp đỡ tất cả những người đau bệnh.
“ÔNG HÃY ĐỨNG DẬY, VÁC CÁNG MÀ ĐI”
7, 8. Hãy kể lại những sự kiện dẫn đến việc Chúa Giê-su gặp một người bại liệt ở hồ Bết-da-tha.
7 Vài tháng đã trôi qua kể từ lúc Chúa Giê-su gặp người bị phong cùi ở Ga-li-lê. Trong hành trình của ngài, Chúa Giê-su đã đi từ Ga-li-lê đến Giu-đa để rao giảng và công bố tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Thông điệp và nhân cách của ngài hẳn đã động đến lòng của hàng ngàn người. Ngài thật sự mong muốn loan báo tin mừng cho người nghèo, rao sự giải thoát cho người bị giam cầm và rịt những kẻ vỡ lòng.—Ê-sai 61:1, 2; Lu 4:18-21.
8 Rồi tháng Ni-san đến. Vâng theo mệnh lệnh của Cha ngài, Chúa Giê-su đi đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua. Thành phố trở nên nhộn nhịp khi mọi người đổ về tham dự kỳ lễ thánh này. Gần phía bắc đền thờ có một cái hồ gọi là Bết-da-tha, và tại đó Chúa Giê-su gặp một người bị bệnh.
9, 10. (a) Điều gì thu hút người dân đến hồ Bết-da-tha? (b) Chúa Giê-su đã làm gì ở hồ Bết-da-tha, và trường hợp này dạy chúng ta điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).
9 Có rất đông người ốm yếu bệnh tật tụ tập ở hồ Bết-da-tha. Điều gì thu hút họ đến địa điểm này? Vì lý do nào đó không rõ, họ tin rằng nếu một người bệnh bước xuống hồ khi nước động, người đó sẽ được lành bệnh một cách mầu nhiệm. Hãy tưởng tượng tâm trạng ở đó! Cảm giác tuyệt vọng và lo lắng bao trùm hẳn đã khiến không khí trở nên nặng nề. Nhưng điều gì đã kéo Chúa Giê-su đến đó dù ngài là người hoàn hảo không bị khuyết tật nào? Lòng thương xót đã thôi thúc Chúa Giê-su lại gần một người đã bị bệnh lâu hơn cả thời gian ngài sống trên đất.—Đọc Giăng 5:5-9.
10 Bạn có thể hình dung ánh mắt tuyệt vọng của người đó khi Chúa Giê-su hỏi ông có muốn được khỏe mạnh? Ông trả lời ngay lập tức. Ông muốn được lành bệnh nhưng không biết phải làm sao vì không có ai giúp đưa ông xuống hồ. Rồi Chúa Giê-su ra lệnh cho ông làm một điều không thể, đó là vác cáng mà đi. Tin lời Chúa Giê-su, người đàn ông vác cáng lên và bắt đầu bước đi. Thật là một tia sáng ấm lòng cho thấy trước những gì Chúa Giê-su sẽ làm trong thế giới mới! Phép lạ này cũng cho thấy lòng thương xót của Chúa Giê-su. Ngài tìm kiếm những người cần sự giúp đỡ. Gương của Chúa Giê-su nên thôi thúc chúng ta tiếp tục tìm kiếm những người trong khu vực đang buồn nản về những điều tồi tệ xảy ra trong thế gian này.
“AI VỪA SỜ ÁO TÔI?”
11. Mác 5:25-34 làm nổi bật như thế nào lòng thương xót của Chúa Giê-su dành cho những người bệnh?
11 Đọc Mác 5:25-34. Suốt 12 năm, người phụ nữ ấy phải sống trong sự xấu hổ. Bệnh tình đã ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong đời sống của bà, kể cả sự thờ phượng. Dù “chịu khổ sở vì chạy chữa nhiều thầy thuốc và tốn hết tiền của” nhưng bệnh của bà còn nặng hơn. Rồi đến ngày nọ, bà có một cách khác để chữa bệnh. Bà cố gắng đến gần một người tên là Giê-su. Bà chen vào giữa một đám đông và sờ áo khoác của ngài (Lê 15:19, 25). Chúa Giê-su nhận biết có lực ra khỏi ngài, nên đã hỏi ai sờ vào ngài. Người phụ nữ “sợ hãi run rẩy... quỳ trước mặt ngài kể lại hết sự thật”. Nhận thấy chính Cha ngài là Đức Giê-hô-va đã chữa lành người phụ nữ này, Chúa Giê-su đối xử với bà một cách nhân từ. Ngài nói: “Con gái ơi, đức tin của con đã chữa lành con. Hãy ra về bình an và khỏe mạnh, không phải khổ sở vì căn bệnh này nữa”.
12. (a) Qua những gì đã xem xét cho đến đoạn này, bạn mô tả thế nào về Chúa Giê-su? (b) Chúa Giê-su đã nêu gương nào cho chúng ta?
12 Chúa Giê-su thật nhân từ biết bao! Chúng ta thấy ngài luôn dành tình cảm nồng ấm cho những người bệnh. Sa-tan muốn chúng ta tin rằng mình là người vô giá trị và không được yêu thương. Nhưng qua những phép lạ, Chúa Giê-su đã chứng tỏ ngài thật sự quan tâm đến chúng ta cũng như các vấn đề của chúng ta. Thật là một vị Vua và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng cảm thông! (Hê 4:15). Có lẽ không dễ để chúng ta hiểu được cảm xúc của những người đang mắc một chứng bệnh kinh niên, nhất là khi mình chưa bao giờ bị bệnh như thế. Hãy nhớ rằng Chúa Giê-su đồng cảm với những người bệnh dù chính ngài chưa từng bị bệnh. Mong rằng gương của Chúa Giê-su sẽ thôi thúc chúng ta cố gắng hết khả năng để làm thế.—1 Phi 3:8.
“CHÚA GIÊ-SU KHÓC”
13. Sự sống lại của La-xa-rơ cho biết gì về nhân cách của Chúa Giê-su?
13 Chúa Giê-su xúc động trước nỗi đau của người khác. Khi chứng kiến cảnh người khác đau buồn trước cái chết của bạn ngài là La-xa-rơ, Chúa Giê-su “vô cùng xúc động và đau xót”. Ngài vẫn cảm thấy như thế dù biết mình sắp làm cho La-xa-rơ sống lại. (Đọc Giăng 11:33-36). Chúa Giê-su không xấu hổ khi bày tỏ cảm xúc mạnh mẽ. Những người xung quanh có thể thấy được lòng yêu mến của Chúa Giê-su dành cho La-xa-rơ và gia đình ông. Chúa Giê-su đã thể hiện lòng trắc ẩn lớn lao khi dùng quyền năng do Đức Chúa Trời ban để làm cho người bạn của ngài sống lại!—Giăng 11:43, 44.
14, 15. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va tha thiết mong muốn xóa bỏ mọi đau khổ của nhân loại? (b) Tại sao từ Hy Lạp được dịch là “mồ mả” đáng chú ý?
14 Kinh Thánh mô tả Chúa Giê-su “có bản tính hoàn toàn giống với [Đấng Tạo Hóa]” (Hê 1:3). Vì vậy qua các phép lạ, Chúa Giê-su chứng tỏ rằng ngài và Cha ngài mong muốn xóa bỏ sự đau đớn gây ra bởi bệnh tật và cái chết. Mong muốn đó không chỉ giới hạn trong một vài trường hợp sống lại được ghi trong Kinh Thánh, mà còn vượt xa hơn thế. Chúa Giê-su nói: “Giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ mả... ra khỏi”.—Giăng 5:28, 29.
15 Từ Hy Lạp được dịch là “mồ mả” bắt nguồn từ một động từ Hy Lạp có nghĩa là “làm nhớ lại”. Chúa Giê-su dùng từ này thật thích hợp vì Đức Chúa Trời Toàn Năng, đấng đã tạo ra vũ trụ bao la này, có thể nhớ từng chi tiết của tất cả những người thân yêu của chúng ta đã qua đời, cả những đặc điểm tự nhiên cũng như những tính cách của người đó được hình thành theo thời gian (Ê-sai 40:26). Hơn thế nữa, Đức Chúa Trời không chỉ có thể nhớ mà ngài và Con ngài cũng muốn nhớ đến họ. Sự sống lại của La-xa-rơ và những người khác được ghi lại trong Kinh Thánh là một dấu hiệu cho biết điều sẽ xảy ra trên phạm vi toàn cầu trong thế giới mới.
CÁC PHÉP LẠ CỦA CHÚA GIÊ-SU VÀ BÀI HỌC CHO BẠN
16. Nhiều tín đồ thời nay giữ được lòng trung kiên sẽ có đặc ân nào?
16 Nếu giữ lòng trung kiên, chúng ta có thể chứng kiến một trong những phép lạ vĩ đại nhất từ xưa đến nay, đó là được sống sót qua hoạn nạn lớn. Không lâu sau cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn, nhiều phép lạ khác sẽ diễn ra và nhân loại sẽ có lại được sức khỏe hoàn hảo (Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Khải 21:4). Hãy tưởng tượng cảnh mọi người vứt bỏ mắt kính, gậy, nạng, xe lăn, máy trợ thính và những thứ tương tự. Đức Giê-hô-va biết những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn cần có sức khỏe tốt, vì họ sẽ có nhiều việc để làm. Họ sẽ thích thú làm cho hành tinh của chúng ta, một món quà của Đức Chúa Trời, trở thành địa đàng.—Thi 115:16.
17, 18. (a) Tại sao Chúa Giê-su làm các phép lạ? (b) Tại sao bạn nên nỗ lực để được sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời?
17 Việc Chúa Giê-su chữa lành bệnh trong quá khứ khích lệ “đám đông” ngày nay và củng cố triển vọng đầy vui mừng của họ là được chữa lành mọi bệnh tật (Khải 7:9). Các phép lạ đó phản chiếu những cảm xúc sâu kín trong lòng ngài và cho thấy Con đầu lòng của Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại nhiều đến mức nào (Giăng 10:11; 15:12, 13). Lòng trắc ẩn của Chúa Giê-su vẽ nên một bức tranh cảm động về sự quan tâm của Đức Giê-hô-va dành cho mỗi tôi tớ ngài.—Giăng 5:19.
18 Nhân loại đang than thở, chịu đầy dẫy đau đớn và đang hấp hối (Rô 8:22). Chúng ta cần thế giới mới của Đức Chúa Trời, nơi đó sẽ có sự chữa lành hoàn toàn về thể chất mà ngài đã hứa. Ma-la-chi 4:2 cho chúng ta lý do để tin rằng những người được chữa lành sẽ “đi ra và nhảy-nhót như bò tơ của chuồng”. Họ sẽ hào hứng và vui mừng được giải thoát khỏi tình trạng bị giam cầm bởi sự bất toàn. Mong rằng lòng biết ơn chân thành đối với Đức Chúa Trời cùng với đức tin vững chắc nơi những lời ngài hứa sẽ thôi thúc chúng ta làm mọi điều cần thiết ngay bây giờ để hội đủ điều kiện sống trong thế giới mới. Thật khích lệ khi biết rằng những phép lạ Chúa Giê-su thực hiện khi còn trên đất cho thấy trước về sự giải thoát vĩnh viễn mà nhân loại sắp được hưởng dưới sự cai trị của ngài!