Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Có thể làm gì để giúp đỡ những anh chị bị dị ứng nặng với mùi hương?

Những người nhạy cảm với mùi hương gặp phải một khó khăn. Người ấy hầu như không thể hoàn toàn tránh tiếp xúc với mùi hương khi giao tiếp với người lạ trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, một số người muốn biết là liệu có thể đề nghị anh chị em không dùng nước hoa trong các buổi nhóm họp và hội nghị không.

Dĩ nhiên không tín đồ nào muốn cố tình gây khó khăn cho người khác khi họ tham dự các buổi nhóm họp. Tất cả chúng ta đều cần sự khích lệ từ các buổi nhóm (Hê 10:24, 25). Do đó, bất cứ ai bị dị ứng nặng với mùi hương nào đó đến mức cản trở việc tham dự nhóm họp có lẽ nên nói chuyện với những anh có trách nhiệm. Trưởng lão trong hội thánh không nên tự đặt ra luật lệ liên quan đến việc dùng nước hoa vì điều này không thích hợp và cũng không phù hợp với Kinh Thánh. Tuy vậy, trưởng lão có thể cung cấp thông tin để giúp các thành viên trong hội thánh hiểu vấn đề mà một số anh chị gặp phải. Tùy hoàn cảnh, các trưởng lão có thể quyết định dùng thông tin trong những ấn phẩm trước đây để xem xét trong phần nhu cầu địa phương của Buổi họp công tác, hoặc đọc một thông báo tế nhị liên quan đến vấn đề này *. Tuy nhiên, các trưởng lão không thể liên tục thông báo về điều đó. Tại các buổi nhóm họp luôn có người mới và khách đến tham dự. Họ không biết về vấn đề và chúng ta muốn họ cảm thấy thoải mái. Không nên khiến bất cứ ai cảm thấy ngượng vì dùng nước hoa cách vừa phải.

Nếu hội thánh nào có vấn đề và hoàn cảnh địa phương cho phép, hội đồng trưởng lão có thể sắp đặt cho những ai bị nhạy cảm với mùi hương ngồi ở một khu riêng biệt trong Phòng Nước Trời. Chẳng hạn như phòng họp phụ có trang bị hệ thống âm thanh để họ có thể ngồi và nhận lợi ích từ buổi nhóm họp. Nếu không có cách giải quyết thích hợp và một số người vẫn bị dị ứng nặng, hội thánh có thể thu âm chương trình nhóm họp hoặc sắp đặt để họ nghe qua điện thoại, như đã được thực hiện đối với những anh chị không thể ra khỏi nhà.

Những năm gần đây, Thánh Chức Nước Trời khuyến khích anh chị em đặc biệt cân nhắc vấn đề này khi tham dự hội nghị vùng. Đa số các hội nghị được tổ chức tại những nơi sử dụng hệ thống thông gió trong phòng kín, nên người tham dự được đề nghị hạn chế dùng nước hoa và những sản phẩm có mùi hương nồng nặc. Đề nghị này đặc biệt dành cho hội nghị vùng vì gần như không thể dành riêng một khu cho những người bị dị ứng. Tuy nhiên, khi đưa ra chỉ dẫn này, tổ chức không hề có ý áp dụng luật lệ chung cho các buổi nhóm họp của hội thánh, và không ai nên suy diễn như thế.

Ngày nào còn sống trong thế gian này thì ngày đó tất cả chúng ta còn phải chịu đựng hậu quả của sự bất toàn di truyền. Chúng ta biết ơn xiết bao trước nỗ lực của những anh chị giúp chúng ta đối phó với vấn đề! Có lẽ một số anh chị phải hy sinh không dùng nước hoa để một anh chị khác dễ dàng đến tham dự nhóm họp. Tuy nhiên, tình yêu thương có thể thôi thúc chúng ta làm thế.

Các nguồn tài liệu thế tục có chứng tỏ Bôn-xơ Phi-lát có thật không?

Bia đá có khắc tên của Phi-lát bằng tiếng La-tinh

Bôn-xơ Phi-lát được độc giả Kinh Thánh biết đến vì vai trò của ông trong vụ xét xử và hành hình Chúa Giê-su (Mat 27:1, 2, 24-26). Tuy nhiên, tên của ông cũng xuất hiện một số lần trong tài liệu lịch sử thời đó. Theo từ điển The Anchor Bible Dictionary, hồ sơ gồm những tài liệu đề cập đến ông “dày hơn và chi tiết hơn bất cứ hồ sơ nào của quan tổng đốc La Mã xứ Giu-đa”.

Tên của Phi-lát thường xuất hiện trong các tác phẩm của một sử gia Do Thái tên là Josephus. Ông đã ghi chép ba sự kiện cụ thể liên quan đến những khó khăn mà Phi-lát trải nghiệm trong thời gian làm quan tổng đốc xứ Giu-đa, và sự kiện thứ tư là do sử gia Do Thái tên Philo ghi chép. Nhà văn La Mã tên Tacitus, người ghi lại lịch sử của các hoàng đế La Mã, xác nhận rằng Bôn-xơ Phi-lát là người đã ra lệnh xử tử Chúa Giê-su dưới triều đại của Ti-be-rơ.

Năm 1961, khi đang làm việc tại một nhà hát La Mã cổ đại ở Caesarea thuộc nước Israel, các nhà khảo cổ tìm thấy một bia đá được sử dụng lại có ghi rõ tên của Phi-lát bằng tiếng La-tinh. Lời khắc trong bia đá này (hình dưới) bị chắp vá nhưng người ta cho rằng những lời ấy có nội dung: “Tổng đốc của Giu-đa là Bôn-xơ Phi-lát hiến dâng Tiberieum cho các thần đáng kính”. Dường như Tiberieum này ám chỉ đền thờ để tôn vinh hoàng đế La Mã là Ti-be-rơ.

Một chị công bố có cần trùm đầu nếu điều khiển học hỏi Kinh Thánh trong lúc có mặt một anh công bố không?

Mục “Độc giả thắc mắc” được đăng trong Tháp Canh ngày 15-7-2002 nói rằng một chị cần trùm đầu nếu điều khiển học hỏi Kinh Thánh trong lúc có mặt một anh công bố, dù anh báp-têm hay chưa. Khi xem xét thêm về đề tài này, chúng tôi nhận thấy chỉ dẫn này cần được điều chỉnh.

Đối với một cuộc học hỏi Kinh Thánh chính thức, nếu anh công bố tham dự chung là người đã báp-têm thì hẳn chị muốn trùm đầu khi điều khiển buổi học. Khi làm thế, chị cho thấy mình tôn trọng sắp đặt của Đức Giê-hô-va về quyền làm đầu trong hội thánh, vì chị đang thực hiện vai trò thường là trách nhiệm của anh Nhân Chứng (1 Cô 11:5, 6, 10). Một lựa chọn khác là chị nhờ anh Nhân Chứng điều khiển nếu anh hội đủ điều kiện và có thể hướng dẫn.

Mặt khác, trong một cuộc học hỏi Kinh Thánh chính thức, nếu anh công bố tham dự là người chưa báp-têm và không phải là chồng chị, Kinh Thánh không đòi hỏi chị phải trùm đầu. Tuy nhiên, lương tâm của một số chị có thể thôi thúc họ trùm đầu ngay cả trong những hoàn cảnh như vậy.

^ đ. 4 Để biết thêm thông tin về đề tài này, xin xem bài “Trợ giúp những người dị ứng với các hóa chất” trong Tỉnh Thức! ngày 8-8-2000, trang 8-10 (Anh ngữ).