Hỡi các bậc cha mẹ —Hãy “chăn” con mình
“Hãy ráng biết cảnh-trạng bầy chiên con”.—CHÂM 27:23.
1, 2. (a) Vào thời Y-sơ-ra-ên, người chăn cừu có một số trách nhiệm nào? (b) Cha mẹ giống người chăn như thế nào?
Nghề chăn cừu vào thời Y-sơ-ra-ên xưa là một công việc nặng nhọc. Người chăn không chỉ đương đầu với cái nóng, cái lạnh mà còn phải bảo vệ bầy cừu khỏi thú dữ và kẻ trộm. Họ thường xuyên kiểm tra bầy và chữa lành những con mắc bệnh hoặc bị thương. Họ đặc biệt chú ý đến những con cừu non vì chúng yếu ớt và không có sức như những con trưởng thành.—Sáng 33:13.
2 Theo khía cạnh nào đó, các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô giống như những người chăn. Họ thể hiện những phẩm chất đáng quý của người chăn. Họ có trách nhiệm “dùng sự sửa dạy và răn bảo của Đức Giê-hô-va mà nuôi dạy” các con (Ê-phê 6:4). Trách nhiệm này có dễ dàng không? Không! Các em trẻ đang đối mặt với sự tấn công dữ dội từ những lời tuyên truyền của Sa-tan cũng như sự bất toàn của chính mình (2 Ti 2:22; 1 Giăng 2:16). Bạn có thể giúp con như thế nào? Hãy cùng xem ba điều bạn có thể làm để “chăn” con mình, đó là hiểu rõ, nuôi dưỡng và hướng dẫn con.
HIỂU RÕ CON
3. “Biết cảnh-trạng” của con bao hàm điều gì?
3 Người chăn giỏi sẽ cẩn thận xem xét từng con cừu để biết chắc nó khỏe mạnh. Theo nghĩa bóng, bạn cũng có thể làm thế với con mình. Kinh Thánh nói: “Hãy ráng biết cảnh-trạng bầy chiên con” (Châm 27:23). Để làm được điều này, bạn cần xem xét hành động cũng như suy nghĩ và cảm xúc của con. Bằng cách nào? Một trong những cách tốt nhất là thường xuyên nói chuyện với con.
4, 5. (a) Có những cách thực tiễn nào để giúp con cái trò chuyện cởi mở với cha mẹ? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Bạn đã làm gì để giúp con dễ nói chuyện với mình?
4 Một số bậc cha mẹ nhận thấy việc trò chuyện trở nên khó khăn hơn khi con bước vào tuổi thiếu niên. Các em có khuynh hướng sống khép kín hoặc cảm thấy ngượng khi thổ lộ suy nghĩ và cảm xúc. Nếu con bạn ở trong trường hợp đó, bạn có thể làm gì? Thay vì ép con nói chuyện lâu và tỏ vẻ quá nghiêm trọng, hãy cố tận dụng những hoạt động thường ngày (Phục 6:6, 7). Có thể bạn cần phải nỗ lực hơn để có những hoạt động chung với con, chẳng hạn như đi bộ với con, chở con đi dạo, chơi trò chơi hoặc cùng con làm việc nhà. Những dịp thông thường như thế có thể giúp người trẻ cảm thấy thoải mái và cởi mở hơn.
5 Nếu con vẫn ngại nói chuyện thì sao? Khi đó, bạn có thể thử một cách khác. Thí dụ, thay vì hỏi con: “Hôm nay có gì vui không?”, hãy cho biết hôm nay bạn cảm thấy thế nào. Rồi có thể con sẽ kể về ngày của mình. Để biết con nghĩ gì về một đề tài nào đó, hãy dùng những câu hỏi không trực tiếp nhắm đến con. Bạn có thể hỏi: “Bạn của con nghĩ gì về đề tài ấy?”. Sau đó, hãy hỏi xem con sẽ khuyên người bạn ấy thế nào.
6. Làm sao cha mẹ cho thấy mình là người dễ gặp và dễ đến gần?
6 Dĩ nhiên, để con cởi mở với mình, bạn cần trở thành một người dễ gặp và dễ đến gần. Khi cha mẹ luôn tỏ ra quá bận rộn và không thể nói chuyện với con thì rất có thể các em sẽ giữ vấn đề trong lòng. Còn việc dễ đến gần thì sao? Bạn không thể chỉ nói: “Con nói chuyện với cha mẹ lúc nào cũng được”. Con cái ở tuổi thanh thiếu niên cần cảm thấy bạn sẽ không xem nhẹ vấn đề của chúng hoặc phản ứng thái quá. Nhiều bậc cha mẹ nêu gương tốt về phương diện này. Một em 19 tuổi tên Kayla cho biết: “Em có thể nói với cha bất cứ chuyện gì. Cha không ngắt lời cũng không xét đoán, mà chỉ lắng nghe. Sau đó, cha luôn cho em lời khuyên hay nhất”.
7. (a) Làm sao cha mẹ có thể tỏ ra thăng bằng khi nói về những đề tài chẳng hạn như hẹn hò? (b) Làm thế nào cha mẹ có thể vô tình “làm cho con bực tức”?
7 Ngay cả khi nói về những đề tài tế nhị chẳng hạn như hẹn hò, hãy cẩn thận, đừng quá tập trung vào những lời cảnh báo đến nỗi lờ đi việc dạy con phương pháp thích hợp để đối phó với vấn đề. Để minh họa: Giả sử bạn vào một nhà hàng và thấy thực đơn toàn những lời cảnh báo về ngộ độc thực phẩm. Hẳn bạn sẽ rời nơi đó và tìm một nhà hàng khác. Có lẽ con bạn cũng phản ứng tương tự nếu chúng đến tâm sự mà bạn chỉ đưa ra một “thực đơn” toàn những lời cảnh báo nghiêm khắc. (Đọc Cô-lô-se 3:21). Thay vì thế, hãy thăng bằng. Một chị trẻ tên Emily cho biết: “Khi nói với tôi về việc hẹn hò, cha mẹ không xem đó là đề tài tiêu cực nhưng tập trung vào niềm vui của việc tìm hiểu một người và tìm bạn đời. Điều đó giúp tôi cảm thấy thoải mái khi nói với cha mẹ về đề tài này. Thật vậy, tôi muốn cho cha mẹ biết về mọi mối quan hệ của mình chứ không giấu giếm điều gì”.
8, 9. (a) Việc lắng nghe mà không ngắt lời mang lại lợi ích nào? (b) Trong việc lắng nghe con, bạn đã đạt được gì?
8 Như lời em Kayla nói, bạn có thể chứng tỏ là một người dễ đến gần bằng cách kiên nhẫn lắng nghe con. (Đọc Gia-cơ 1:19). Một người mẹ đơn chiếc tên Katia thừa nhận: “Trước kia tôi rất dễ nổi cáu với con gái mình. Tôi chẳng cho cháu cơ hội nói hết chuyện vì không còn sức để nghe hoặc chỉ vì không muốn bị làm phiền. Nay tôi đã thay đổi cách cư xử nên con gái tôi cũng thay đổi. Cháu trở nên hợp tác hơn”.
9 Một người cha tên Ronald cũng có kinh nghiệm như thế với cô con gái ở tuổi thiếu niên. Anh kể: “Khi cháu thổ lộ mình yêu một bạn trai cùng trường, thoạt đầu tôi rất giận dữ. Nhưng khi nhớ lại Đức Giê-hô-va đã kiên nhẫn và phải lẽ thế nào với các tôi tớ ngài, tôi nghĩ tốt hơn là nên cho cháu cơ hội nói lên cảm xúc trước khi cố gắng sửa dạy cháu. Tôi mừng vì mình đã làm thế! Đây là lần đầu tiên tôi hiểu được cảm xúc của con gái. Khi cháu nói xong, tôi thấy dễ dàng nói chuyện với cháu một cách yêu thương. Thật ngạc nhiên, cháu sẵn sàng nghe theo lời khuyên của tôi và cho thấy mình thật sự muốn thay đổi thái độ”. Thường xuyên nói chuyện với con sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn để hiểu lối suy nghĩ và cảm xúc của con. Điều này giúp bạn có ảnh hưởng lớn hơn trong những quyết định của con. *
NUÔI DƯỠNG CON
10, 11. Làm thế nào bạn có thể giúp con không bị lạc lối?
10 Người chăn giỏi biết rằng bất cứ con cừu nào cũng có thể bị lạc khỏi bầy. Có lẽ nó bị thu hút bởi một đồng cỏ gần đó rồi đi xa hơn một chút và tự tách khỏi bầy. Tương tự, một em trẻ cũng có thể dần dần bị lạc vào con đường nguy hiểm về thiêng liêng, bị cám dỗ bởi các mối giao tiếp tai hại và những hoạt động giải trí không lành mạnh (Châm 13:20). Bạn có thể làm gì để không xảy ra tình trạng như thế?
11 Khi dạy con, hãy nhanh chóng hành động nếu nhận ra con có những điểm yếu tiềm ẩn. Hãy tập trung giúp con trau giồi những đức tính của tín đồ 2 Phi 1:5-8). Buổi thờ phượng đều đặn của gia đình là thời điểm lý tưởng để làm thế. Liên quan đến sự sắp đặt này, Thánh Chức Nước Trời tháng 10 năm 2008 nói: “Người chủ gia đình được khuyến khích làm tròn trách nhiệm trước mắt Đức Chúa Trời là hướng dẫn gia đình qua chương trình học Kinh Thánh đều đặn và bổ ích”. Bạn có tận dụng sự sắp đặt đầy yêu thương này để “chăn” các con mình không? Hãy tin chắc rằng con cái sẽ biết ơn sâu xa khi bạn ưu tiên chăm sóc nhu cầu thiêng liêng cho chúng.—Mat 5:3; Phi-líp 1:10.
đạo Đấng Ki-tô (12. (a) Người trẻ được lợi ích nào từ buổi thờ phượng đều đặn của gia đình? (Cũng xem khung “ Họ thật sự biết ơn”). (b) Cá nhân bạn nhận được lợi ích nào từ Buổi thờ phượng của gia đình?
12 Một em thiếu niên tên là Carissa nói về những lợi ích đến từ Buổi thờ phượng của gia đình: “Em thích cả nhà cùng ngồi nói chuyện với nhau. Nhờ thế, gia đình em càng gắn bó và có những kỷ niệm đẹp. Cha luôn giữ Buổi thờ phượng của gia đình được đều đặn. Thật khích lệ khi thấy cha xem trọng buổi học này, điều đó khiến em cũng xem trọng buổi học. Em cũng có thêm lý do để kính trọng cha trong vai trò người dẫn đầu về thiêng liêng”. Một chị trẻ tên Brittney cho biết: “Buổi thờ phượng của gia đình giúp tôi đến gần cha mẹ hơn. Buổi học này cho tôi thấy cha mẹ muốn lắng nghe và thật sự quan tâm đến những vấn đề của tôi. Nó cũng giúp gia đình tôi trở nên vững mạnh và hợp nhất”. Rõ ràng, việc nuôi dưỡng con về thiêng liêng, đặc biệt qua Buổi thờ phượng của gia đình, là một cách chính yếu để trở thành một người chăn giỏi. *
HƯỚNG DẪN CON
13. Làm thế nào một em trẻ có thể được thúc đẩy để phụng sự Đức Giê-hô-va?
13 Người chăn giỏi dùng gậy để dẫn dắt và bảo vệ bầy cừu. Một trong những mục tiêu chính của ông là dẫn bầy đến “đồng cỏ tốt” (Ê-xê 34:13, 14). Là bậc cha mẹ, chẳng phải bạn cũng có mục tiêu thiêng liêng tương tự như thế sao? Hẳn bạn muốn hướng dẫn con cái để chúng phụng sự Đức Giê-hô-va. Bạn muốn con cảm thấy như người viết Thi-thiên: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi” (Thi 40:8). Những người trẻ vun trồng lòng quý trọng như thế sẽ dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp-têm. Dĩ nhiên, họ nên thực hiện bước này khi đã đủ chín chắn để tự quyết định và chân thành có ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va.
14, 15. (a) Cha mẹ đạo Đấng Ki-tô nên đặt mục tiêu nào? (b) Một thiếu niên tỏ ra nghi ngờ sự thờ phượng thật có thể vì những lý do nào?
14 Nhưng nếu con có vẻ không tiến bộ về thiêng liêng, thậm chí đặt nghi vấn về đức tin của mình thì sao? Hãy cố gắng khắc ghi vào lòng con tình yêu thương đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và lòng biết ơn về mọi điều ngài đã làm (Khải 4:11). Khi đã sẵn sàng, con có thể tự quyết định thờ phượng Đức Chúa Trời.
15 Còn nếu con bạn tỏ ra nghi ngờ thì sao? Làm thế nào bạn có thể “chăn” và giúp con thấy rằng việc phụng sự Đức Giê-hô-va thật sự là lối sống tốt nhất và sẽ mang lại hạnh phúc lâu dài cho con? Hãy cố xác định nguyên nhân thật sự của mối nghi ngờ ấy. Thí dụ, có thật là con không đồng ý với những dạy dỗ trong Kinh Thánh hay chỉ vì thiếu tự tin khi bênh vực những dạy dỗ ấy trước mặt bạn bè? Có thật là con không đồng ý với sự khôn ngoan trong các tiêu
chuẩn của Đức Chúa Trời hay chỉ vì cảm thấy cô đơn hoặc bị người khác xa lánh?16, 17. Cha mẹ có thể giúp con cái tự chọn sự thật bằng những cách nào?
16 Bất kể nguyên nhân là gì, bạn cũng có thể giúp con vượt qua những mối nghi ngờ về thiêng liêng. Như thế nào? Một cách mà nhiều bậc cha mẹ thấy thực tế và hiệu quả là đặt câu hỏi để con bộc lộ suy nghĩ. Bạn có thể hỏi: “Con cảm thấy thế nào khi được làm tín đồ đạo Đấng Ki-tô? Bản thân con nhận thấy những lợi ích nào? Con phải hy sinh những gì? Con có nhận thấy những điều mình phải hy sinh không thể sánh được với những lợi ích hiện tại và trong tương lai không? Không sánh được ở điểm nào?”. Dĩ nhiên, bạn nên hỏi những câu như thế bằng lời lẽ riêng, với thái độ trìu mến và quan tâm chứ không như đang hỏi cung. Khi trò chuyện, bạn có thể thảo luận Mác 10:29, 30. Một số người trẻ có thể muốn viết ra suy nghĩ của mình thành hai cột: một bên là những điều phải hy sinh, bên kia là những lợi ích nhận được. Nhìn thấy bảng đánh giá này trên giấy có thể giúp họ nhận ra vấn đề và tìm được hướng giải quyết. Nếu với người chú ý mà chúng ta còn phải thảo luận sách Kinh Thánh dạy và Hãy giữ mình, thì huống chi là với con mình! Bạn có đang làm thế không?
17 Với thời gian, con bạn phải tự quyết định sẽ phụng sự ai. Đừng nghĩ rằng chúng sẽ tự động thấm nhuần đức tin của bạn. Con bạn phải tự chọn sự thật cho chính mình (Châm 3:1, 2). Nếu có gì cản trở con bạn làm thế, sao không giúp con ôn lại những điều căn bản? Hãy giúp con lý luận dựa trên những câu hỏi như: “Làm sao tôi biết Đức Chúa Trời hiện hữu? Điều gì khiến tôi tin chắc Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật sự quý trọng tôi? Tại sao tôi tin rằng các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va thật sự mang lại lợi ích cho tôi?”. Hãy cho thấy bạn là người chăn giỏi bằng cách kiên nhẫn hướng dẫn con chứng minh rằng sống theo đường lối của Đức Giê-hô-va là tốt nhất *.—Rô 12:2.
18. Làm thế nào cha mẹ có thể noi gương Đấng Chăn Chiên Tối Cao là Đức Giê-hô-va?
18 Mọi tín đồ chân chính của Đấng Ki-tô đều muốn noi theo Đấng Chăn Chiên Tối Cao (Ê-phê 5:1; 1 Phi 2:25). Đặc biệt các bậc cha mẹ cần phải biết “cảnh-trạng bầy chiên” mình, tức những người con yêu quý của họ, và làm hết sức để hướng dẫn con đến với ân phước của Đức Giê-hô-va. Vì thế, hãy nỗ lực “chăn” các con mình bằng cách tiếp tục nuôi dạy chúng trong đường lối của sự thật!
^ đ. 9 Để biết thêm một số đề nghị, xin xem Tháp Canh ngày 1-8-2008, trang 10-12.
^ đ. 12 Để biết thêm thông tin, xin xem bài “Buổi thờ phượng của gia đình—Điều trọng yếu để sống sót!” trong Tháp Canh ngày 15-10-2009, trang 29-31.
^ đ. 17 Khía cạnh này được nói rõ hơn trong Tháp Canh ngày 1-2-2012, trang 18-21.