Nghe tiếng của Đức Giê-hô-va dù bạn ở đâu
“Tai các ngươi sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây”.—Ê-SAI 30:21.
1, 2. Đức Giê-hô-va thông tri với các tôi tớ ngài bằng cách nào?
Trong suốt lịch sử của Kinh Thánh, nhiều người nhận được sự hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va qua nhiều cách. Đối với một số người, Đức Chúa Trời nói qua thiên sứ, qua sự hiện thấy hoặc giấc mơ, nên họ được tiết lộ về những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Đức Giê-hô-va cũng giao cho họ nhiệm vụ cụ thể (Dân 7:89; Ê-xê 1:1; Đa 2:19). Người khác nhận được sự hướng dẫn qua những người đại diện của Đức Giê-hô-va mà phụng sự trong phần tổ chức trên đất. Dù dân của Đức Giê-hô-va nhận được Lời ngài bằng cách nào đi nữa, thì những người làm theo chỉ dẫn của ngài đều được ban phước.
2 Ngày nay, Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài qua Kinh Thánh, thần khí và hội thánh (Công 9:31; 15:28; 2 Ti 3:16, 17). Sự hướng dẫn chúng ta nhận được quá rõ ràng đến mức như thể ‘tai chúng ta sẽ nghe có tiếng đằng sau mình rằng: Nầy là đường đây, hãy noi theo!’ (Ê-sai 30:21). Chúa Giê-su cũng truyền đạt tiếng Đức Giê-hô-va nói với chúng ta khi ngài hướng dẫn hội thánh qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Chúng ta cần xem trọng sự hướng dẫn này vì sự sống vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào việc vâng lời.—Hê 5:9.
3. Điều gì có thể gây trở ngại cho việc chúng ta nghe theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va? (Xem hình nơi đầu bài).
3 Sa-tan biết sự hướng dẫn mà chúng ta nhận được từ Đức Giê-hô-va sẽ cứu chúng ta nên hắn cố làm chúng ta bị phân tâm, không nghe tiếng ngài. Hơn nữa, ‘lòng dối-trá’ có thể gây trở ngại cho việc chúng ta nghe theo chỉ thị của Đức Giê-hô-va (Giê 17:9). Vì vậy, hãy xem làm sao chúng ta có thể vượt qua những thách đố gây khó khăn cho việc mình lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng thảo luận làm sao việc nói chuyện mật thiết với Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ mối quan hệ với ngài dù gặp hoàn cảnh nào.
TRÁNH MƯU KẾ SA-TAN
4. Sa-tan cố tác động đến lối suy nghĩ của con người như thế nào?
4 Sa-tan cố tác động đến lối suy nghĩ của con người qua việc cung cấp những thông tin sai lệch và lời tuyên truyền dối trá. (Đọc 1 Giăng 5:19). Bên cạnh tài liệu in ấn, thế giới (kể cả những vùng xa xôi của trái đất) đầy dẫy những thông tin qua radio, truyền hình và Internet. Có lẽ những nguồn như thế đôi khi cung cấp những đề tài hay, nhưng chúng thường cổ vũ những hành vi và tiêu chuẩn đi ngược lại các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (Giê 2:13). Chẳng hạn, ngành tin tức và giải trí cho rằng hôn nhân đồng tính là điều bình thường, và nhiều người cảm thấy Kinh Thánh khắt khe khi nói về đồng tính luyến ái.—1 Cô 6:9, 10.
5. Làm thế nào chúng ta có thể tránh bị cuốn theo lời tuyên truyền của Sa-tan?
5 Làm thế nào những người yêu mến sự công chính của Đức Chúa Trời tránh bị cuốn theo làn sóng tuyên truyền của Sa-tan? Làm sao họ có thể phân biệt điều đúng, điều sai? Qua việc “cẩn-thận theo lời [Đức Chúa Trời]” (Thi 119:9). Kinh Thánh ghi lại sự hướng dẫn cần thiết hầu giúp chúng ta nhận ra thông tin có thật và lời tuyên truyền dối trá (Châm 23:23). Khi trích Kinh Thánh, Chúa Giê-su nói “loài người sống... nhờ mọi lời phán ra từ miệng Đức Giê-hô-va” (Mat 4:4). Chúng ta cần học cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Chẳng hạn, rất lâu trước khi Môi-se nhận được luật pháp của Đức Giê-hô-va về sự gian dâm, chàng thanh niên Giô-sép hiểu rằng nếu quan hệ với vợ của Phô-ti-pha, thì ông phạm tội với Đức Chúa Trời. Giô-sép không bao giờ nghĩ đến việc bất tuân với Đức Giê-hô-va. (Đọc Sáng-thế Ký 39:7-9). Dù bị vợ Phô-ti-pha gây áp lực trong một thời gian, nhưng Giô-sép đã không để tiếng của bà khiến ông không nghe tiếng Đức Chúa Trời. Điều thiết yếu để phân biệt điều đúng, điều sai là lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va và bịt tai trước lời tuyên truyền giả dối liên tục của Sa-tan.
6, 7. Chúng ta phải làm gì để tránh lời xúi giục xảo trá của Sa-tan?
6 Thế gian tràn ngập nhiều giáo lý mâu thuẫn khiến nhiều người cảm thấy việc tìm tôn giáo thật là điều vô ích. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự hướng dẫn rất rõ ràng cho những ai sẵn sàng nghe theo những dạy dỗ ấy. Chúng ta phải quyết định mình sẽ lắng nghe ai. Vì không thể nghe hai tiếng nói cùng một lúc, nên chúng ta cần “quen tiếng” của Chúa Giê-su và lắng nghe ngài. Chúa Giê-su là đấng mà Đức Giê-hô-va giao cho việc chăm sóc bầy của ngài.—Đọc Giăng 10:3-5.
7 Chúa Giê-su nói: “Hãy chú ý đến những gì anh em nghe” (Mác 4:24). Lời khuyên của Đức Giê-hô-va rõ ràng và đúng đắn, nhưng chúng ta phải chú ý và lắng nghe bằng cách chuẩn bị lòng để đón nhận. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể nghe theo lời xúi giục xảo trá của Sa-tan, thay vì lời khuyên yêu thương của Đức Chúa Trời. Đừng bao giờ để âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình, sách báo, những người mình giao tiếp, giáo viên, hoặc những chuyên gia của thế gian này kiểm soát đời sống bạn.—Cô 2:8.
8. (a) Tại sao lòng lại khiến chúng ta dễ rơi vào mưu kế Sa-tan? (b) Nếu lờ đi dấu hiệu cảnh báo, điều gì có thể xảy ra với chúng ta?
8 Sa-tan biết chúng ta có khuynh hướng tội lỗi và hắn cố dụ dỗ chúng ta chiều theo khuynh hướng ấy. Khi Sa-tan nhắm đến chúng ta theo cách này, việc giữ được lòng trung kiên là điều rất khó khăn (Giăng 8:44-47). Làm thế nào chúng ta có thể đối phó với thách đố này cách thành công? Hãy xem trường hợp của một người chìm đắm trong thú vui phút chốc để rồi cuối cùng làm điều sai trái mà chính mình nghĩ rằng sẽ không bao giờ làm thế (Rô 7:15). Điều gì dẫn đến tình trạng đáng buồn ấy? Rất có thể người này dần dần mất đi sự nhạy bén trong việc nghe tiếng Đức Giê-hô-va. Có thể người này không chú ý đến những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến sự việc đang diễn tiến trong lòng hoặc quyết định lờ đi những dấu hiệu ấy. Chẳng hạn, có lẽ người này ngưng cầu nguyện, ít tham gia thánh chức hoặc bắt đầu bỏ các buổi nhóm họp. Cuối cùng, người ấy nhượng bộ trước những ham muốn và làm điều mình biết là sai. Nếu luôn cảnh giác trước bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào và hành động ngay để sửa chữa vấn đề, chúng ta có thể tránh sự sai lầm tai hại như thế. Và nếu nghe tiếng của Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không bao giờ nghe bất cứ ý tưởng bội đạo nào.—Châm 11:9.
9. Tại sao việc sớm phát hiện những khuynh hướng tội lỗi là điều rất quan trọng?
9 Nếu bệnh tình được phát hiện sớm, một người có thể được cứu sống. Tương tự thế, nếu sớm nhận ra khuynh hướng có thể dẫn chúng ta rơi vào cám dỗ, chúng ta có thể tránh được thảm họa. Ngay khi nhận ra khuynh hướng như thế, điều khôn ngoan là hãy hành động ngay lập tức, trước khi bị Sa-tan ‘bắt sống để làm theo ý hắn’ (2 Ti 2:26). Chúng ta nên làm gì nếu nhận ra mình để cho tư tưởng và ước muốn khiến mình chệch khỏi những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi? Hãy nhanh chóng khiêm nhường quay trở lại với ngài, lắng nghe lời khuyên của ngài với cả tấm lòng (Ê-sai 44:22). Chúng ta nên nhận ra rằng một quyết định sai có lẽ để lại vết sẹo hằn sâu đến nỗi chúng ta phải chịu hậu quả đau thương trong thế gian này. Để tránh bị trôi giạt, việc hành động tức thì nhằm ngăn chặn những lỗi lầm nghiêm trọng là điều tốt biết bao!
VƯỢT QUA SỰ KIÊU NGẠO VÀ THAM LAM
10, 11. (a) Tính kiêu ngạo có thể được thể hiện như thế nào? (b) Chúng ta rút ra bài học nào qua đường lối xấu của Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram?
10 Chúng ta phải thừa nhận là lòng có thể khiến mình bị trôi giạt. Quả thật khuynh hướng tội lỗi ảnh hưởng mạnh mẽ đến chúng ta! Chẳng hạn, hãy xem sự kiêu ngạo và tham lam. Xem mỗi đặc tính này có thể gây trở ngại thế nào trong việc lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va và có thể đưa chúng ta vào đường lối bi thảm. Một người kiêu ngạo sẽ có quan điểm quá cao về mình. Người này có lẽ cảm thấy mình có quyền làm bất cứ điều gì mình muốn và không ai có thể bảo người ấy phải làm gì. Thế nên người này có lẽ cảm thấy mình không cần sự hướng dẫn và lời khuyên của anh em đồng đạo, trưởng lão và ngay cả tổ chức của Đức Chúa Trời. Đối với người như thế, tiếng của Đức Giê-hô-va trở nên rất nhỏ.
11 Trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên ở đồng vắng, Cô-rê, Đa-than và A-bi-ram đã chống lại quyền hành của Môi-se và A-rôn. Vì kiêu ngạo, những kẻ phản nghịch đã có sắp đặt riêng về sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào? Ngài hủy diệt họ (Dân 26:8-10). Quả là một bài học lịch sử quan trọng cho chúng ta! Cuộc phản nghịch chống lại Đức Giê-hô-va dẫn đến thảm họa. Chúng ta cũng nhớ rằng “sự kiêu-ngạo đi trước, sự bại-hoại theo sau”.—Châm 16:18; Ê-sai 13:11.
12, 13. (a) Hãy nêu ví dụ cho thấy làm thế nào sự tham lam có thể dẫn đến tai họa. (b) Hãy giải thích lòng tham có thể tiến triển nhanh đến thế nào nếu không được kiểm soát.
12 Cũng hãy xem xét vấn đề tham lam. Một người tham lam thường quá trớn và vượt qua giới hạn của những hành vi đúng đắn. Sau khi quan tổng binh Sy-ri là Na-a-man được chữa lành bệnh phong cùi, ông tặng quà cho nhà tiên tri Ê-li-sê nhưng đã bị từ chối. Tuy nhiên, tôi tớ của Ê-li-sê là Ghê-ha-xi tham muốn các món quà ấy. Ghê-ha-xi nói thầm: “Ta chỉ Đức Giê-hô-va hằng-sống mà thề, ta sẽ chạy theo [Na-a-man] và lãnh lấy vật chi nơi người”. Lén Ê-li-sê, ông chạy theo Na-a-man và đã nói dối cách trắng trợn để xin “một ta-lâng bạc, và hai bộ áo”. Vì Ghê-ha-xi đã làm điều này và nói dối với nhà tiên tri của Đức Giê-hô-va nên chuyện gì đã xảy ra? Bệnh phong cùi của Na-a-man chuyển sang kẻ tham lam Ghê-ha-xi!—2 Vua 5:20-27.
13 Có lẽ sự tham lam bắt đầu từ điều nhỏ, nhưng nếu không kiểm soát, nó có thể phát triển nhanh chóng và chế ngự một người. Lời tường thuật của Kinh Thánh về A-can minh họa sức mạnh của sự tham lam. Hãy lưu ý lòng tham của A-can đã tiến triển nhanh đến thế nào. Ông nói: “Tôi có thấy trong của-cướp một cái áo choàng Si-nê-a tốt-đẹp, hai trăm siếc-lơ bạc, và một nén vàng nặng năm mươi siếc-lơ; tôi tham muốn các món đó, và lấy nó”. Thay vì chống cự lại ham muốn xấu ấy, A-can đã tham lam ăn cắp những thứ ấy và giấu chúng trong trại mình. Khi hành động của A-can bị đưa ra ánh sáng, Giô-suê bảo với ông rằng Đức Giê-hô-va sẽ giáng họa cho ông. A-can và gia đình ông bị ném đá cho đến chết trong ngày hôm đó (Giô-suê 7:11, 21, 24, 25). Lòng tham luôn là mối hiểm họa có thể kiểm soát chúng ta. Thế nên chúng ta hãy “tránh mọi hình thức tham lam” (Lu 12:15). Đôi khi, chúng ta có những tư tưởng sai trái hoặc tưởng tượng đến điều vô luân, điều trọng yếu là phải kiểm soát tư tưởng mình và không để sự ham muốn dẫn đến việc phạm tội.—Đọc Gia-cơ 1:14, 15.
14. Nếu để ý lòng mình có khuynh hướng tham lam và kiêu ngạo thì chúng ta nên làm gì?
14 Sự kiêu ngạo lẫn lòng tham có thể dẫn đến thảm họa. Việc nghĩ đến hậu quả của việc theo đuổi đường lối sai trái nào đó sẽ giúp chúng ta không để những khuynh hướng như thế ngăn chặn tiếng nói của Đức Giê-hô-va (Phục 32:29). Trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời không những cho chúng ta biết đường lối nào là đúng mà còn giải thích những lợi ích khi làm theo cũng như hậu quả của việc đi theo đường lối sai lầm. Nếu lòng thôi thúc chúng ta nghĩ đến việc làm điều gì đó bắt nguồn từ sự tham lam hoặc kiêu ngạo, thì việc nghĩ đến hậu quả là điều khôn ngoan biết bao! Chúng ta nên xem hành động sai trái ảnh hưởng thế nào đến bản thân, người thân yêu của mình, và nhất là mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va.
DUY TRÌ VIỆC NÓI CHUYỆN MẬT THIẾT VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
15. Về việc nói chuyện với Đức Giê-hô-va, chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su?
15 Đức Giê-hô-va muốn điều tốt nhất cho chúng ta (Thi 1:1-3). Ngài cung cấp nhiều sự hướng dẫn đúng lúc chúng ta cần. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:16). Dù hoàn hảo, nhưng Chúa Giê-su xem trọng việc thường xuyên nói chuyện với Đức Giê-hô-va. Ngài không ngừng cầu nguyện. Đức Giê-hô-va hỗ trợ và hướng dẫn Chúa Giê-su qua nhiều cách tuyệt diệu. Ngài phái thiên sứ đến hỗ trợ Chúa Giê-su, ban thần khí để giúp và hướng dẫn Con ngài chọn 12 sứ đồ. Tiếng của Đức Giê-hô-va vang lên từ trời, cho thấy ngài hỗ trợ và chấp nhận Chúa Giê-su (Mat 3:17; 17:5; Mác 1:12, 13; Lu 6:12, 13; Giăng 12:28). Như Chúa Giê-su, chúng ta cần dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện (Thi 62:7, 8; Hê 5:7). Qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể duy trì việc nói chuyện mật thiết với Đức Giê-hô-va và theo lối sống mang lại vinh hiển cho ngài.
16. Làm sao Đức Giê-hô-va giúp chúng ta nghe tiếng ngài?
16 Dù lời khuyên của Đức Giê-hô-va luôn có sẵn, nhưng ngài không ép buộc ai phải theo lời khuyên ấy. Chúng ta cần cầu xin thần khí của ngài và ngài sẽ ban điều đó cho chúng ta cách rộng rãi. (Đọc Lu-ca 11:10-13). Tuy nhiên, điều trọng yếu là chúng ta ‘hãy để ý đến cách mình nghe’ (Lu 8:18). Chẳng hạn, thật giả hình nếu cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để vượt qua một khuynh hướng vô luân trong khi tiếp tục nhìn vào hình ảnh khiêu dâm hoặc xem phim vô luân. Chúng ta cần có mặt ở những nơi chốn hoặc tình huống có thần khí của Đức Giê-hô-va, như tại các buổi nhóm họp. Nhiều tôi tớ của Đức Giê-hô-va đã tránh được hậu quả đau thương nhờ lắng nghe ngài trong các buổi nhóm họp. Nhờ thế họ nhận ra những ham muốn sai trái đang tiến triển trong lòng và sửa chữa đường lối của mình.—Thi 73:12-17; 143:10.
TIẾP TỤC CHĂM CHÚ LẮNG NGHE TIẾNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
17. Tại sao việc dựa vào bản thân là điều nguy hiểm?
17 Hãy xem trường hợp của vua Đa-vít vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa. Khi còn là thiếu niên, ông đánh bại tên khổng lồ Gô-li-át của người Phi-li-tin. Đa-vít trở thành chiến binh, vua, người bảo vệ và người quyết định cho một dân tộc. Nhưng khi Đa-vít dựa vào bản thân, lòng đã lừa dối ông và ông đã phạm tội trọng với Bát-Sê-ba, thậm chí sắp đặt để giết chồng bà là U-ri. Khi bị khiển trách, Đa-vít khiêm nhường thừa nhận lỗi lầm và xây đắp lại mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.—Thi 51:4, 6, 10, 11.
18. Điều gì có thể giúp chúng ta tiếp tục lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va?
18 Chúng ta hãy làm theo lời khuyên nơi 1 Cô-rinh-tô 10:12 và không trở nên quá tự tin. Vì không thể “dẫn-đưa bước của mình”, rốt cuộc chúng ta sẽ nghe tiếng của Đức Giê-hô-va hoặc tiếng của kẻ thù ngài (Giê 10:23). Mong sao chúng ta không ngừng cầu nguyện, làm theo sự hướng dẫn của thần khí và luôn chăm chú lắng nghe tiếng của Đức Giê-hô-va.