Hãy kính trọng người lớn tuổi trong anh em
‘Ngươi hãy kính người già-cả’.—LÊ 19:32.
1. Con người đối mặt với tình trạng đáng buồn nào?
Đức Giê-hô-va không bao giờ có ý định cho con người phải chịu những ảnh hưởng của tuổi già. Trái lại, ý định của ngài là loài người, cả nam lẫn nữ, hưởng sức khỏe hoàn hảo trong địa đàng. Nhưng hiện nay “mọi tạo vật vẫn cùng nhau than thở và chịu đau đớn” (Rô 8:22). Bạn nghĩ Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi chứng kiến tội lỗi đang tàn phá sức khỏe của con người? Đáng buồn hơn là nhiều người lớn tuổi bị bỏ rơi trong lúc cần sự giúp đỡ.—Thi 39:5; 2 Ti 3:3.
2. Tại sao tín đồ đạo Đấng Ki-tô rất biết ơn vì có những anh chị lớn tuổi trong hội thánh?
2 Dân của Đức Giê-hô-va biết ơn vì có những anh chị lớn tuổi trong hội thánh. Chúng ta được lợi ích từ sự khôn ngoan của họ và được khích lệ từ gương trung thành của họ. Nhiều anh chị lớn tuổi là người thân của chúng ta. Nhưng dù có như vậy hay không, chúng ta cũng quan tâm đến họ (Ga 6:10; 1 Phi 1:22). Tất cả chúng ta đều nhận được lợi ích khi xem xét quan điểm của Đức Chúa Trời về anh chị lớn tuổi. Cũng hãy xem các thành viên trong gia đình và hội thánh có trách nhiệm nào với những anh chị yêu quý đó.
“XIN CHÚA CHỚ TỪ-BỎ TÔI”
3, 4. (a) Người viết bài Thi-thiên 71 cầu xin Đức Giê-hô-va một điều đáng chú ý nào? (b) Những anh chị lớn tuổi trong hội thánh có thể cầu xin Đức Giê-hô-va điều gì?
3 Người viết Thi-thiên 71:9 cầu khẩn Đức Chúa Trời: “Xin Chúa chớ từ-bỏ tôi trong thì già-cả; cũng đừng lìa-khỏi tôi khi sức tôi hao-mòn”. Dường như bài Thi-thiên này nối tiếp bài Thi-thiên 70, và lời ghi chú ở đầu bài 70 cho biết là “thơ Đa-vít làm”. Vì thế, hẳn Đa-vít là người đã cầu khẩn những lời trong Thi-thiên 71:9. Ông phụng sự Đức Chúa Trời từ lúc trẻ cho đến khi về già, và Đức Giê-hô-va đã dùng ông làm những việc phi thường (1 Sa 17:33-37, 50; 1 Vua 2:1-3, 10). Dù vậy, Đa-vít thấy cần cầu xin Đức Giê-hô-va tiếp tục quan tâm chăm sóc ông.—Đọc Thi-thiên 71:17, 18.
4 Nhiều anh chị ngày nay giống như Đa-vít. Dù phải đối mặt với tuổi già và “những ngày gian-nan”, họ vẫn dùng hết khả năng để ngợi khen Đức Chúa Trời (Truyền 12:1-7). Có lẽ nhiều người trong số họ không còn làm được nhiều, ngay cả trong thánh chức. Nhưng họ cũng có thể cầu xin Đức Giê-hô-va luôn hài lòng về họ và chăm sóc họ. Những tôi tớ lớn tuổi trung thành ấy có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lời cầu nguyện của họ. Suy cho cùng, lời cầu nguyện của các anh chị ấy có điểm tương đồng với lời Đa-vít bày tỏ dưới sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.
5. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về người lớn tuổi trung thành?
5 Kinh Thánh cho biết rõ Đức Giê-hô-va quý trọng người lớn tuổi trung thành, và ngài đòi hỏi tôi tớ của ngài kính trọng họ (Thi 22:24-26; Châm 16:31; 20:29). Lê-vi Ký 19:32 nói: “Trước mặt người tóc bạc, ngươi hãy đứng dậy, kính người già-cả, và kính-sợ Đức Chúa Trời ngươi. Ta là Đức Giê-hô-va”. Vào thời những lời này được viết ra thì việc kính trọng người lớn tuổi trong hội chúng là điều rất quan trọng, và ngày nay cũng vậy. Nhưng nói sao về việc chăm sóc họ? Ai có trách nhiệm đó?
TRÁCH NHIỆM CỦA GIA ĐÌNH
6. Chúa Giê-su đã nêu gương thế nào về việc chăm sóc cha mẹ?
6 Lời Đức Chúa Trời nói: “Hãy hiếu-kính cha mẹ ngươi” (Xuất 20:12; Ê-phê 6:2). Chúa Giê-su nhấn mạnh mệnh lệnh này khi lên án những người Pha-ri-si và thầy kinh luật không chịu phụng dưỡng cha mẹ (Mác 7:5, 10-13). Chính Chúa Giê-su đã nêu gương tốt về việc chăm sóc cha mẹ. Chẳng hạn, khi sắp phải chết trên cây khổ hình, ngài đã giao mẹ mình, dường như lúc đó là góa phụ, cho môn đồ mà ngài yêu thương là Giăng chăm sóc.—Giăng 19:26, 27.
7. (a) Sứ đồ Phao-lô đưa ra nguyên tắc nào về việc chu cấp cho cha mẹ? (b) Những lời của Phao-lô được viết trong văn cảnh nào?
7 Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết rằng những người tin đạo nên chu cấp cho người nhà mình. (Đọc 1 Ti-mô-thê 5:4, 8, 16). Hãy xem văn cảnh của những lời Phao-lô viết cho Ti-mô-thê. Phao-lô đề cập đến những người hội đủ điều kiện nhận sự hỗ trợ tài chính từ hội thánh. Ông nói rõ rằng con cháu và người thân phải là những người có trách nhiệm chính chu cấp cho các góa phụ lớn tuổi. Điều này sẽ giúp hội thánh tránh được gánh nặng không cần thiết về tài chính. Ngày nay cũng vậy, một trong những cách mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô thể hiện “lòng sùng kính” là chu cấp cho người thân cần sự giúp đỡ.
8. Về việc chăm sóc cha mẹ lớn tuổi, tại sao là khôn ngoan khi Kinh Thánh không đưa ra chỉ dẫn cụ thể?
8 Nói đơn giản, những tín đồ trưởng thành có trách nhiệm chăm lo nhu cầu thiết yếu về vật chất cho cha mẹ. Dù Phao-lô đang đề cập đến ‘người thân tin đạo’, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ bê cha mẹ không phải là tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Mỗi nhà mỗi cảnh nên con cái cũng chăm sóc cha mẹ theo cách khác nhau. Nhu cầu, quan điểm và sức khỏe của những người trong cuộc cũng khác nhau. Một số người lớn tuổi có nhiều con, số khác chỉ có một con. Một số có thể được chính phủ hỗ trợ, số khác thì không. Mỗi người cần được chăm sóc cũng có sở thích riêng. Vì vậy, thật thiếu khôn ngoan và yêu thương nếu chỉ trích cách một người đang chăm sóc cho người thân lớn tuổi. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va có thể ban phước cho bất cứ quyết định nào dựa trên Kinh Thánh và khiến cho quyết định ấy được thành công, như ngài đã làm kể từ thời Môi-se.—Dân 11:23.
9-11. (a) Có thể một số anh chị đối mặt với tình huống khó khăn nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao những tín đồ có cha mẹ lớn tuổi không nên vội từ bỏ thánh chức trọn thời gian? Hãy cho ví dụ.
9 Khi con cái sống xa cha mẹ thì việc chăm sóc cha mẹ lớn tuổi vào những lúc cần có thể là một thử thách. Có lẽ cha mẹ bất ngờ gặp vấn đề về sức khỏe do bị ngã, gãy xương hoặc một số bệnh khác nên con cái phải thăm cha mẹ gấp. Sau đó, có thể cha mẹ cần được giúp đỡ một thời gian ngắn hoặc lâu dài. *
10 Các tôi tớ phụng sự trọn thời gian nhận nhiệm sở xa nhà có thể đối mặt với những quyết định khó khăn. Những thành viên nhà Bê-tên, giáo sĩ và giám thị lưu động xem nhiệm vụ của mình là điều quý giá, một ân phước đến từ Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, nếu cha mẹ họ bị bệnh thì có lẽ điều đầu tiên họ nghĩ đến là: “Mình phải rời nhiệm sở để về nhà trông nom cha mẹ”. Nhưng điều khôn ngoan là cầu nguyện và xem xét điều cha mẹ thật sự cần hoặc muốn. Chúng ta không nên vội từ bỏ đặc ân phụng sự, và có thể không phải lúc nào cũng cần làm thế. Có lẽ vấn đề sức khỏe của cha mẹ chỉ là tạm thời và một số anh chị trong hội thánh của họ sẵn lòng giúp đỡ.—Châm 21:5.
11 Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của hai anh em phụng sự xa nhà. Một anh làm giáo sĩ ở Nam Mỹ, còn anh kia phụng sự tại trụ sở trung ương, Brooklyn, New York. Cha mẹ họ lớn tuổi và cần được chăm sóc. Hai anh cùng vợ họ về Nhật Bản để thăm cha mẹ và xem cách nào là tốt nhất để chăm sóc cha mẹ. Với thời gian, cặp vợ chồng ở Nam Mỹ nghĩ đến chuyện rời nhiệm sở để trở về nhà. Sau đó, họ nhận được một cuộc điện thoại của giám thị điều phối trong hội thánh của cha mẹ. Các trưởng lão đã cùng thảo luận về trường hợp này và muốn vợ chồng họ tiếp tục làm giáo sĩ càng lâu càng tốt. Các trưởng lão quý trọng việc phụng sự của cặp vợ chồng này và quyết định làm mọi điều có thể để giúp họ chăm sóc cha mẹ. Mọi thành viên trong gia đình ấy đều cảm kích sự quan tâm đầy yêu thương đó.
12. Gia đình đạo Đấng Ki-tô nên lưu ý điều gì khi đưa ra quyết định về việc chăm sóc cha mẹ?
12 Dù gia đình chọn cách nào để chăm sóc cha mẹ, tất cả những người trong cuộc nên đảm bảo rằng cách đó tôn vinh danh Đức Chúa Trời. Hẳn chúng ta không bao giờ muốn giống những nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su (Mat 15:3-6). Chúng ta muốn những quyết định của mình tôn vinh Đức Chúa Trời và tạo tiếng tốt cho hội thánh.—2 Cô 6:3.
TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI THÁNH
13, 14. Qua Kinh Thánh, tại sao chúng ta có thể kết luận rằng hội thánh quan tâm đến việc chăm sóc thành viên lớn tuổi?
13 Không phải mọi người đều có thể giúp đỡ những anh chị phụng sự trọn thời gian như trường hợp ở trên. Tuy nhiên, một trường hợp xảy ra vào thế kỷ thứ nhất cho thấy rõ là hội thánh quan tâm đến việc chăm sóc những anh chị lớn tuổi gương mẫu. Kinh Thánh nói rằng ‘không có một ai thiếu thốn trong vòng’ hội thánh Giê-ru-sa-lem. Điều này không có nghĩa là mọi người đều khá giả. Dường như có một số tín đồ nghèo, nhưng hội thánh hỗ trợ họ tùy theo nhu cầu của mỗi người (Công 4:34, 35). Về sau, có một vấn đề phát sinh trong hội thánh địa phương, đó là một số ‘góa phụ không được cấp phát lương thực hằng ngày’. Vì vậy, các sứ đồ đã bổ nhiệm những người nam hội đủ điều kiện để lo liệu sao cho các góa phụ được đáp ứng nhu cầu một cách thỏa đáng và công bằng (Công 6:1-5). Cấp phát lương thực hằng ngày chỉ là sắp đặt tạm thời nhằm đáp ứng nhu cầu của những người trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, và cần ở lại Giê-ru-sa-lem một thời gian để củng cố về thiêng liêng. Dù vậy, quyết định của các sứ đồ cho thấy hội thánh có thể giúp đỡ những thành viên đang có nhu cầu.
14 Phao-lô cho Ti-mô-thê biết những góa phụ có hoàn cảnh nào mới được nhận sự trợ giúp của hội thánh (1 Ti 5:3-16). Được Đức Chúa Trời soi dẫn, Gia-cơ cũng viết rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô có trách nhiệm chăm sóc trẻ mồ côi, người góa bụa và người khác khi họ gặp hoạn nạn hoặc cần sự trợ giúp (Gia 1:27; 2:15-17). Sứ đồ Giăng cũng lập luận: “Nếu ai có của cải trong thế gian này và thấy anh em mình thiếu thốn mà từ chối tỏ lòng trắc ẩn với người thì làm sao có tình yêu thương với Đức Chúa Trời được?” (1 Giăng 3:17). Nếu mỗi tín đồ có trách nhiệm giúp đỡ người thiếu thốn thì chẳng phải hội thánh cũng có trách nhiệm đó sao?
15. Một số yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến việc giúp đỡ anh chị lớn tuổi?
15 Tại một số nước, chính phủ trợ cấp tiền, cung cấp các chương trình phúc lợi và người chăm sóc cho những công dân lớn tuổi (Rô 13:6). Một số nước khác thì không có những trợ giúp ấy. Do đó, sự trợ giúp của người thân và hội thánh dành cho anh chị lớn tuổi ở mỗi nơi mỗi khác. Nếu phụng sự xa nhà, có lẽ một tín đồ không giúp đỡ cha mẹ được nhiều. Anh chị ấy có thể nói chuyện cởi mở với các trưởng lão trong hội thánh của cha mẹ để mọi người hiểu rõ hoàn cảnh của gia đình. Chẳng hạn, các trưởng lão có thể giúp cha mẹ tìm hiểu và nhận lợi ích từ những chương trình phúc lợi của chính quyền địa phương. Các anh cũng có thể để ý đến những yếu tố như hóa đơn chưa thanh toán hoặc dùng thuốc không đúng và nhắc con cái lưu ý đến điều này. Việc trao đổi thông tin cách tử tế và cởi mở như vậy có thể ngăn chặn tình huống diễn tiến xấu hơn và giúp tìm ra những giải pháp thiết thực. Nhờ có những người giúp đỡ và tư vấn ở gần cha mẹ, như con cái quan tâm đến cha mẹ, gia đình có thể bớt lo lắng.
16. Một số tín đồ giúp đỡ anh chị lớn tuổi trong hội thánh như thế nào?
16 Vì yêu mến anh chị lớn tuổi, một số tín đồ tình nguyện dành thời gian và sức lực để đáp ứng nhu cầu của các anh chị ấy trong khả năng của mình. Họ đặt mục tiêu quan tâm nhiều hơn đến những anh chị lớn tuổi trong hội thánh. Một số tín đồ tình nguyện chia việc với anh chị khác trong hội thánh và thay phiên chăm sóc anh chị lớn tuổi. Dù hoàn cảnh cá nhân không cho phép họ tham gia thánh chức trọn thời gian, nhưng họ vui lòng trợ giúp cha mẹ của những anh chị phụng sự trọn thời gian để họ tiếp tục sự nghiệp thần quyền càng lâu càng tốt. Những anh chị ấy thể hiện tinh thần hy sinh tuyệt vời biết bao! Dĩ nhiên, lòng rộng rãi của họ không miễn cho con cái trách nhiệm làm những gì có thể cho cha mẹ.
KÍNH TRỌNG NGƯỜI LỚN TUỔI QUA LỜI KHÍCH LỆ
17, 18. Liên quan đến việc chăm sóc người lớn tuổi, thái độ quan trọng như thế nào?
17 Những người chăm sóc người lớn tuổi có thể cố gắng để mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nếu bạn có trách nhiệm này, hãy nỗ lực duy trì quan điểm tích cực. Trong một số trường hợp, tuổi già có thể gây ra nản lòng, thậm chí trầm cảm. Vì thế, có lẽ bạn cần hết sức cố gắng để tỏ lòng kính trọng và khuyến khích anh chị lớn tuổi bằng cách giữ cho các cuộc trò chuyện mang tính xây dựng. Những anh chị đã trung thành phụng sự nhiều năm đáng được khen. Đức Giê-hô-va không quên những gì họ làm cho ngài, và anh em đồng đạo cũng thế.—Đọc Ma-la-chi 3:16; Hê-bơ-rơ 6:10.
18 Ngoài ra, người lớn tuổi và người chăm sóc sẽ dễ đương đầu với những khó khăn mỗi ngày nếu thể hiện tính khôi hài vào những lúc thích hợp (Truyền 3:1, 4). Nhiều tín đồ lớn tuổi cố gắng không đòi hỏi quá đáng. Họ nhận thấy tính tình của mình có thể tác động đến các anh chị chăm sóc hoặc đến thăm. Không ít người thăm viếng đã nhận xét: “Tôi đến khích lệ một anh chị lớn tuổi, nhưng khi ra về thì chính tôi được khích lệ”.—Châm 15:13; 17:22.
19. Cả tín đồ trẻ và lớn tuổi có quan điểm nào về tương lai?
19 Chúng ta mong chờ ngày mà tuổi già, đau khổ và sự bất toàn sẽ không còn. Từ nay cho đến lúc đó, tôi tớ của Đức Chúa Trời phải giữ hy vọng về những ân phước vĩnh cửu. Chúng ta biết rằng đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời là cái neo trong thời kỳ gian truân. Nhờ đức tin đó, “chúng ta không bỏ cuộc, dù bề ngoài ngày càng suy yếu nhưng chắc chắn con người bề trong đang được thêm sức mỗi ngày” (2 Cô 4:16-18; Hê 6:18, 19). Điều gì khác có thể giúp bạn làm tròn các trách nhiệm chăm sóc người lớn tuổi? Một số đề nghị thiết thực sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.
^ đ. 9 Bài kế tiếp đưa ra một số đề nghị về việc chăm sóc người lớn tuổi để cha mẹ và con cái có thể xem xét.