Hãy thờ phượng Ðức Giê-hô-va, Vua muôn đời
‘Nguyện Vua muôn đời được tôn vinh và vinh hiển đời đời’.—1 TI 1:17.
1, 2. (a) Ai là “Vua muôn đời”, và tại sao tước vị này thích hợp? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Tại sao cách cai trị của Ðức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến gần ngài?
Vua Sobhuza II cai trị nước Swaziland gần 61 năm. Ðây là một thành tích đáng nể phục đối với một vị vua đương đại. Có lẽ chúng ta ấn tượng về số năm cai trị của vua Sobhuza. Tuy nhiên, có một vị vua mà vương triều không bị giới hạn bởi cuộc đời ngắn ngủi của con người. Kinh Thánh miêu tả ngài là “Vua muôn đời” (1 Ti 1:17). Một người viết Thi-thiên cho biết đích danh của Vua ấy: “Ðức Giê-hô-va làm Vua đến đời đời vô-cùng”.—Thi 10:16.
2 Thời gian Ðức Chúa Trời trị vì làm cho sự cai trị của ngài nổi bật so với sự cai trị của bất cứ vị vua nào trên đất. Tuy nhiên, điều thu hút chúng ta đến gần Ðức Giê-hô-va là cách ngài cai trị. Một vị vua trị vì nước Y-sơ-ra-ên 40 năm đã ca tụng ngài như sau: “Ðức Giê-hô-va có lòng thương-xót, hay làm ơn, chậm nóng-giận, và đầy sự nhân-từ. Ðức Giê-hô-va đã lập ngôi Ngài trên các từng trời, Nước Ngài cai-trị trên muôn vật” (Thi 103:8, 19). Ðức Giê-hô-va không chỉ là Vua mà còn là Cha chúng ta—Cha trên trời đầy lòng yêu thương. Ðiều này đưa đến hai câu hỏi: “Ðức Giê-hô-va chứng tỏ là người Cha qua cách nào? Ngài thực hiện quyền cai trị như thế nào kể từ khi có cuộc phản nghịch trong vườn Ê-đen?”. Lời giải đáp cho những câu hỏi này sẽ thôi thúc chúng ta đến gần Ðức Giê-hô-va hơn và thờ phượng ngài với cả tấm lòng.
VUA MUÔN ÐỜI TẠO LẬP MỘT GIA ÐÌNH HOÀN VŨ
3. Ai là thành viên đầu tiên trong gia đình hoàn vũ của Ðức Giê-hô-va, và những ai cũng được tạo ra với tư cách là “các con trai” của Ðức Chúa Trời?
3 Hãy hình dung Ðức Giê-hô-va vui mừng biết bao khi tạo ra Con một! Ngài không đối xử với người Con ấy như một thần dân hèn mọn. Thay vì thế, ngài yêu thương Con với tình thương của người cha và mời Con cùng tham gia công việc lý thú là tạo ra các thần dân hoàn hảo khác (Cô 1:15-17). Những thần dân này bao gồm muôn vàn thiên sứ. Là những ‘tôi-tớ làm theo ý-chỉ Ðức Chúa Trời’, các thiên sứ vui mừng phụng sự ngài, và ngài xem trọng họ bằng cách gọi họ là “các con trai”. Họ được thuộc về gia đình hoàn vũ của Ðức Giê-hô-va.—Thi 103:20-22; Gióp 38:7.
4. Con người được thêm vào gia đình hoàn vũ của Ðức Giê-hô-va ra sao?
4 Khi tạo dựng xong trời và đất, Ðức Giê-hô-va tiếp tục mở rộng gia đình hoàn vũ của ngài. Sau khi làm cho ngôi nhà trái đất trở nên xinh đẹp, Ðức Giê-hô-va tạo ra người đàn ông đầu tiên là A-đam, theo hình ảnh của ngài (Sáng 1:26-28). Là Ðấng Tạo Hóa, Ðức Giê-hô-va có quyền đòi hỏi A-đam vâng lời. Là Cha, ngài truyền cho ông mọi chỉ thị một cách yêu thương và ân cần. Những chỉ thị này không hề hạn chế quá mức sự tự do của ông.—Ðọc Sáng-thế Ký 2:15-17.
5. Ðức Giê-hô-va có sắp đặt nào để khắp đất có con cái của ngài?
5 Khác với nhiều vị vua loài người, Ðức Giê-hô-va vui lòng ủy thác trách nhiệm cho thần dân. Ngài tin cậy và xem họ là thành viên trong gia đình của ngài. Chẳng hạn, ngài cho A-đam quyền quản trị các loài vật, thậm chí giao cho ông một nhiệm vụ khó nhưng thích thú, đó là đặt tên cho các con vật (Sáng 1:26; 2:19, 20). Ðức Chúa Trời không làm đầy mặt đất bằng cách tạo ra hàng triệu người hoàn hảo. Thay vì thế, ngài tạo ra một người nữ hoàn hảo để bổ trợ cho A-đam, đó là Ê-va (Sáng 2:21, 22). Rồi ngài ban cho cặp vợ chồng này cơ hội làm đầy trái đất qua việc sinh con cái. Sống trong điều kiện lý tưởng, loài người có thể nới rộng ranh giới Ðịa Ðàng ra khắp đất. Cùng với những thiên sứ trên trời, họ có thể thờ phượng Ðức Giê-hô-va và mãi mãi thuộc về gia đình hoàn vũ của ngài. Quả thật, khi ban cho A-đam và Ê-va triển vọng tuyệt diệu này, Ðức Giê-hô-va chứng tỏ là người Cha yêu thương.
NHỮNG NGHỊCH TỬ CHỐNG LẠI QUYỀN CAI TRỊ CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI
6. (a) Sự phản nghịch trong gia đình của Ðức Chúa Trời bắt đầu như thế nào? (b) Làm thế nào chúng ta biết mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ðức Giê-hô-va?
6 Ðáng buồn thay, A-đam và Ê-va đã không thỏa lòng với việc Ðức Giê-hô-va là Ðấng Cai Trị của mình. Họ đã chọn nghe theo Sa-tan, một con thần linh phản nghịch (Sáng 3:1-6). Vì tách khỏi sự cai trị của Ðức Chúa Trời, nên họ và con cháu phải chịu đau đớn, khổ sở và sự chết (Sáng 3:16-19; Rô 5:12). Trên đất, không còn thần dân nào vâng lời Ðức Chúa Trời nữa. Phải chăng điều này có nghĩa là ngài mất kiểm soát? Có phải ngài từ bỏ quyền cai trị trái đất và những người sống trên đó? Hoàn toàn không! Ngài thực hiện quyền đó bằng cách đuổi người nam và người nữ đầu tiên ra khỏi vườn. Ðể ngăn cản họ quay trở lại, ngài đã giao cho các chê-ru-bim nhiệm vụ canh giữ lối vào vườn Ê-đen (Sáng 3:23, 24). Cùng lúc đó, Ðức Chúa Trời chứng tỏ là Cha yêu thương bằng cách khẳng định rằng ý định về một gia đình hoàn vũ gồm các con trung thành, cả thần linh lẫn loài người, sẽ thành hiện thực. Ngài hứa sẽ có một “dòng-dõi” đến để hủy diệt Sa-tan và xóa bỏ những ảnh hưởng do tội lỗi của A-đam gây ra.—Ðọc Sáng-thế Ký 3:15.
7, 8. (a) Tình trạng trên đất tồi tệ đến mức nào vào thời Nô-ê? (b) Ðức Giê-hô-va có những sắp đặt nào để làm sạch trái đất và bảo tồn gia đình nhân loại?
7 Trong những thế kỷ sau, một số người đã chọn trung thành với Ðức Giê-hô-va, trong đó có A-bên và Hê-nóc. Tuy nhiên, phần lớn loài người không nhìn nhận Ðức Giê-hô-va là Cha và Vua của họ. Vào thời Nô-ê, trái đất “đầy-dẫy sự hung-ác” (Sáng 6:11). Phải chăng điều này có nghĩa là Ðức Giê-hô-va không còn kiểm soát trái đất nữa? Lịch sử cho thấy gì?
8 Hãy xem lời tường thuật về Nô-ê. Ðức Giê-hô-va cho ông những chỉ dẫn cụ thể để đóng một con tàu khổng lồ hầu cứu sống ông và gia đình. Ngài cũng thể hiện tình yêu thương với loài người khi giao cho Nô-ê nhiệm vụ “rao giảng sự công chính” (2 Phi 2:5). Hẳn thông điệp của Nô-ê bao gồm lời kêu gọi mọi người ăn năn và lời cảnh báo về sự hủy diệt sắp đến, nhưng người ta bỏ ngoài tai. Trong nhiều thập niên, Nô-ê và gia đình sống giữa một thế gian hung bạo và đầy dẫy sự vô luân. Là người Cha đầy lòng quan tâm, Ðức Giê-hô-va đã che chở và ban phước cho tám người trung thành trong gia đình Nô-ê. Qua trận Ðại Hồng Thủy, ngài đã thực hiện quyền cai trị bằng cách hủy diệt những kẻ bất tuân và buộc các thiên sứ gian ác trở về cõi thần linh. Thật vậy, mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của ngài.—Sáng 7:17-24.
SỰ CAI TRỊ CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA SAU TRẬN ÐẠI HỒNG THỦY
9. Sau trận Ðại Hồng Thủy, Ðức Giê-hô-va cho nhân loại cơ hội nào?
9 Khi Nô-ê và gia đình ra khỏi tàu, chắc chắn họ vô cùng biết ơn Ðức Giê-hô-va vì đã chăm sóc và che chở họ. Nô-ê liền dựng một bàn thờ và dâng vật tế lễ để thờ phượng ngài. Ðức Giê-hô-va đã ban phước cho Nô-ê cùng gia đình và bảo họ “sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy trên mặt đất” (Sáng 8:20–9:1). Một lần nữa, nhân loại có cơ hội hợp nhất thờ phượng Ðức Giê-hô-va và sinh sản làm cho đầy mặt đất.
10. (a) Sau trận Ðại Hồng Thủy, sự cai trị của Ðức Giê-hô-va bị công kích như thế nào và ở đâu? (b) Ðức Giê-hô-va đã làm gì để đảm bảo rằng ý định của ngài sẽ được thực hiện?
10 Tuy nhiên, trận Ðại Hồng Thủy không xóa đi sự bất toàn, và loài người vẫn phải chịu ảnh hưởng vô hình đến từ Sa-tan và các thiên sứ phản nghịch. Không lâu sau, sự cai trị nhân từ của Ðức Giê-hô-va tiếp tục bị công kích. Chẳng hạn, chắt nội của Nô-ê là Nim-rốt đã chống lại quyền cai trị của ngài ở tầm mức chưa từng thấy. Nim-rốt được miêu tả là “một tay thợ săn cường bạo chống lại Ðức Giê-hô-va”. Hắn xây những thành lớn, chẳng hạn như Ba-bên, và tự tôn mình làm vua “xứ Si-nê-a” (Sáng 10:8-12; NW). Vua muôn đời đã đối phó thế nào với vua phản loạn này và những nỗ lực của hắn nhằm cản trở ý định của ngài là “làm cho đầy-dẫy trên mặt đất”? Ngài đã làm lộn xộn ngôn ngữ của loài người khiến những kẻ theo Nim-rốt nản chí và tản ra “khắp trên mặt đất”. Họ mang theo sự thờ phượng sai lầm và mô hình cai trị của con người đến nơi họ sinh sống.—Sáng 11:1-9.
11. Ðức Giê-hô-va đã tỏ lòng thành tín như thế nào với bạn ngài là Áp-ra-ham?
11 Sau trận Ðại Hồng Thủy có nhiều người thờ thần giả, nhưng vẫn có một số người trung thành thờ phượng Ðức Giê-hô-va. Trong đó có Áp-ra-ham, người đã vâng lời ngài và từ bỏ cuộc sống thoải mái ở thành U-rơ để cư ngụ trong lều nhiều năm (Sáng 11:31; Hê 11:8, 9). Trong suốt quãng đời du mục, Áp-ra-ham thường sống giữa những vua loài người, trong đó có nhiều vua sống trong thành có tường bao quanh. Nhưng Ðức Giê-hô-va đã bảo vệ ông và gia đình như người cha yêu thương bảo vệ con cái. Người viết Thi-thiên nói: “[Ðức Chúa Trời] không cho ai hà-hiếp họ; Ngài trách các vua vì cớ họ” (Thi 105:13, 14). Vì thành tín với bạn ngài là Áp-ra-ham, Ðức Giê-hô-va đã hứa với ông: “Các vua sẽ do nơi ngươi mà ra”.—Sáng 17:6; Gia 2:23.
12. Ðức Giê-hô-va chứng tỏ ngài có quyền trên Ai Cập như thế nào, và điều này tác động ra sao đến dân ngài?
12 Ðức Chúa Trời lặp lại lời hứa với con trai Áp-ra-ham là Y-sác và cháu nội ông là Gia-cốp rằng ngài sẽ ban phước cho họ, bao gồm việc hậu duệ của họ sẽ sản sinh các vua (Sáng 26:3-5; 35:11). Tuy nhiên, trước khi sinh ra các vua, hậu duệ của Gia-cốp bị làm nô lệ ở Ai Cập. Phải chăng điều này có nghĩa là Ðức Giê-hô-va sẽ không thực hiện lời hứa hoặc ngài đã từ bỏ quyền cai trị trái đất? Tuyệt nhiên không! Vào đúng thời điểm, Ðức Giê-hô-va đã thể hiện quyền năng phi thường và chứng tỏ uy quyền của ngài trên Pha-ra-ôn ngạo mạn. Dân Y-sơ-ra-ên đặt đức tin nơi Ðức Giê-hô-va và ngài đã giải cứu họ bằng phép lạ là dẫn họ qua Biển Ðỏ. Rõ ràng, ngài vẫn là Ðấng Cai Trị Hoàn Vũ. Ngoài ra, việc Ðức Giê-hô-va dùng quyền năng vô song để bảo vệ dân sự cũng chứng tỏ ngài là Cha yêu thương.—Ðọc Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13, 14.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA TRỞ THÀNH VUA CỦA Y-SƠ-RA-ÊN
13, 14. (a) Trong bài hát, dân Y-sơ-ra-ên đã nói gì về sự cai trị của Ðức Giê-hô-va? (b) Ðức Chúa Trời đã hứa gì với Ða-vít?
13 Ngay sau khi được giải cứu khỏi Ai Cập, dân Y-sơ-ra-ên hát một bài ca chiến thắng để ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Bài hát này được ghi lại nơi Xuất Ê-díp-tô Ký chương 15, trong đó có lời tuyên bố nơi câu 18: “Ðức Giê-hô-va sẽ cai-trị đời-đời kiếp-kiếp”. Quả thật, Ðức Giê-hô-va đã trở thành Vua của dân tộc mới này (Phục 33:5). Tuy nhiên, dân Y-sơ-ra-ên không thỏa lòng với việc Ðức Giê-hô-va là Ðấng Cai Trị vô hình của họ. Khoảng 400 năm sau khi rời Ai Cập, họ đòi ngài lập một vua loài người giống như những nước ngoại giáo xung quanh (1 Sa 8:5). Dù chiều theo ý của họ, nhưng Ðức Giê-hô-va vẫn là Vua, và điều này được thấy rõ trong triều đại của Ða-vít, vị vua loài người thứ hai của dân Y-sơ-ra-ên.
14 Ða-vít mang hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem. Trong dịp vui mừng này, người Lê-vi đã hát chúc tụng Ðức Giê-hô-va, trong bài hát đó có những lời đáng chú ý được ghi lại nơi 1 Sử-ký 16:31: “Trong các nước người ta đáng nói: Ðức Giê-hô-va quản-trị [“trở thành Vua”, NW]!”. Một người có lẽ thắc mắc: “Ðức Giê-hô-va là Vua muôn đời rồi, thì tại sao lúc đó ngài lại trở thành Vua?”. Ðức Giê-hô-va trở thành Vua theo nghĩa ngài thực hiện quyền cai trị hoặc lập một phương tiện đại diện cho ngài vào thời điểm nào đó, hay để xử lý một tình huống cụ thể. Việc hiểu cách Ðức Giê-hô-va trở thành vua là điều rất quan trọng. Trước khi Ða-vít qua đời, Ðức Giê-hô-va hứa với ông là vương quyền của ông sẽ mãi trường tồn. Ngài nói: “Ta sẽ lập dòng-giống ngươi kế-vị ngươi, là dòng-giống do ngươi sanh ra, và ta sẽ khiến cho nước nó bền-vững” (2 Sa 7:12, 13). Lời hứa này trở thành hiện thực khi “dòng-giống” của Ða-vít xuất hiện sau đó hơn 1.000 năm. Ðó là ai, và khi nào người ấy trở thành Vua?
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA BỔ NHIỆM MỘT VUA MỚI
15, 16. Khi nào Chúa Giê-su được bổ nhiệm làm Vua tương lai? Khi còn sống trên đất, Chúa Giê-su đã làm gì để chuẩn bị cho sự cai trị của ngài?
15 Vào năm 29 CN, Giăng Báp-tít bắt đầu rao giảng rằng “Nước Trời đã đến gần” (Mat 3:2). Khi Giăng làm báp-têm cho Chúa Giê-su, Ðức Giê-hô-va bổ nhiệm Chúa Giê-su làm Ðấng Mê-si được hứa trước và Vua tương lai của Nước Ðức Chúa Trời. Là Cha yêu thương, Ðức Giê-hô-va bày tỏ tình cảm trìu mến với Chúa Giê-su bằng những lời sau: “Ðây là Con yêu dấu của ta, người làm hài lòng ta”.—Mat 3:17.
16 Trong suốt thời gian làm thánh chức, Chúa Giê-su đã tôn vinh Cha (Giăng 17:4). Ngài làm điều này bằng cách rao truyền về Nước Ðức Chúa Trời (Lu 4:43). Thậm chí, ngài còn dạy các môn đồ cầu xin cho Nước đó đến (Mat 6:10). Là Vua được bổ nhiệm, Chúa Giê-su có thể phán với những kẻ chống đối: “Nước Ðức Chúa Trời đang ở giữa các ông” (Lu 17:21). Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su ‘lập giao ước với các môn đồ về vương quyền trong một nước’. Qua đó, ngài ban cho những môn đồ trung thành triển vọng cùng làm vua với ngài trong Nước Trời.—Ðọc Lu-ca 22:28-30.
17. Chúa Giê-su bắt đầu cai trị trong phạm vi nào vào thế kỷ thứ nhất? Nhưng ngài vẫn phải chờ đợi điều gì?
17 Khi nào Chúa Giê-su sẽ bắt đầu cai trị với tư cách là Vua Nước Ðức Chúa Trời? Ngài không thể làm điều đó ngay lập tức. Vào buổi chiều sau ngày Chúa Giê-su lập giao ước với các môn đồ, ngài bị hành quyết và các môn đồ bị phân tán (Giăng 16:32). Tuy nhiên, như trong quá khứ, Ðức Giê-hô-va vẫn nắm quyền kiểm soát. Vào ngày thứ ba, ngài làm cho Con ngài sống lại, và vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Chúa Giê-su bắt đầu cai trị hội thánh gồm những tín đồ được xức dầu (Cô 1:13). Nhưng ngài phải chờ đợi để nắm toàn quyền cai trị trái đất với tư cách là “dòng-dõi” được hứa trước. Ðức Giê-hô-va phán với Con ngài: “Hãy ngồi bên hữu ta, cho đến chừng ta đặt kẻ thù-nghịch ngươi làm bệ chân cho ngươi”.—Thi 110:1.
HÃY THỜ PHƯỢNG VUA MUÔN ÐỜI
18, 19. Chúng ta được thôi thúc làm gì, và bài kế tiếp thảo luận về điều gì?
18 Trong hàng thiên niên kỷ, quyền cai trị của Ðức Giê-hô-va bị thách thức cả trên trời lẫn dưới đất. Nhưng ngài không bao giờ từ bỏ quyền cai trị; ngài vẫn luôn nắm quyền kiểm soát. Là Cha yêu thương, ngài che chở và chăm sóc những thần dân trung thành như Nô-ê, Áp-ra-ham và Ða-vít. Chẳng phải điều này thôi thúc chúng ta phục tùng và đến gần Vua của chúng ta hay sao?
19 Một số câu hỏi được nêu lên là: “Ðức Giê-hô-va trở thành Vua vào thời chúng ta như thế nào? Làm sao chúng ta chứng tỏ mình là thần dân trung thành của Ðức Giê-hô-va và trở thành con hoàn hảo trong gia đình hoàn vũ của ngài? Việc mình cầu xin cho Nước Ðức Chúa Trời đến có nghĩa gì?”. Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài kế tiếp.