Vui mừng đón nhận những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va
“Chứng-cớ [“những lời nhắc nhở”, NW] Chúa là cơ-nghiệp tôi đến đời đời”.—THI 119:111.
1. (a) Con người phản ứng khác nhau thế nào trước những lời nhắc nhở, và tại sao? (b) Người tự cao phản ứng ra sao trước lời khuyên?
Con người phản ứng theo nhiều cách khác nhau khi nhận sự chỉ dẫn. Một số người lễ phép chấp nhận lời nhắc nhở của người có chức quyền, nhưng lại thẳng thắn bác bỏ lời khuyên của người đồng trang lứa hoặc có địa vị thấp hơn. Cảm xúc khi nhận lời khuyên hoặc sự sửa trị cũng rất khác nhau. Một số người buồn bã, rầu rĩ, xấu hổ, còn số khác thì phấn chấn và được thúc đẩy để làm tốt hơn. Tại sao người ta phản ứng khác nhau như vậy? Một yếu tố là do sự tự cao. Khi nhận được lời khuyên, người tự cao nghĩ rằng lời khuyên ấy không áp dụng cho mình nên bác bỏ và không nhận được lợi ích.—Châm 16:18.
2. Tại sao những tín đồ chân chính quý trọng lời khuyên đến từ Lời Ðức Chúa Trời?
2 Trái lại, những tín đồ chân chính quý trọng lời khuyên hữu ích, đặc biệt khi lời khuyên ấy đến từ Lời Ðức Chúa Trời. Những lời nhắc nhở của ngài giúp chúng ta nhận ra và tránh những điều có thể gây hại, như ham mê vật chất, tình dục vô luân, ma túy và lạm dụng rượu (Châm 20:1; 2 Cô 7:1; 1 Tê 4:3-5; 1 Ti 6:6-11). Hơn nữa, lòng chúng ta sẽ “đầy vui-vẻ” khi vâng theo những lời nhắc nhở của Ðức Chúa Trời.—Ê-sai 65:14.
3. Chúng ta nên bắt chước thái độ nào của người viết Thi-thiên?
3 Ðể gìn giữ mối quan hệ quý báu với Cha trên trời, chúng ta phải tiếp tục áp dụng các chỉ dẫn khôn ngoan của ngài vào đời sống. Thật tốt biết bao nếu chúng ta bắt chước thái độ của người viết Thi-thiên! Ông viết: “Chứng-cớ [“những lời nhắc nhở”, NW] Chúa là cơ-nghiệp tôi đến đời đời; vì ấy là sự mừng-rỡ của lòng tôi” (Thi 119:111). Như người viết Thi-thiên, chúng ta có vui mừng vâng giữ các điều răn của Ðức Giê-hô-va? Hay đôi khi chúng ta xem các điều răn ấy là nặng nề? Dù có lúc thấy khó chấp nhận lời khuyên, đừng nản lòng. Chúng ta có thể vun trồng lòng tin cậy tuyệt đối nơi sự khôn ngoan tột bậc của Ðức Chúa Trời! Hãy xem ba cách để làm điều này.
VUN TRỒNG LÒNG TIN CẬY QUA VIỆC CẦU NGUYỆN
4. Ðiều không bao giờ thay đổi trong cuộc đời Ða-vít là gì?
4 Cuộc đời của vua Ða-vít trải qua nhiều thăng trầm, nhưng một điều không bao giờ thay đổi trong ông là lòng tin cậy tuyệt đối nơi Ðấng Tạo Hóa. Ông nói: “Hỡi Ðức Giê-hô-va, linh-hồn tôi hướng về Ngài. Ðức Chúa Trời tôi ôi! tôi để lòng tin-cậy nơi Ngài” (Thi 25:1, 2). Ðiều gì đã giúp Ða-vít vun đắp lòng tin cậy như thế nơi Cha trên trời?
5, 6. Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về mối quan hệ của Ða-vít với Ðức Giê-hô-va?
5 Nhiều người chỉ cầu nguyện với Ðức Chúa Trời khi lâm vào cảnh khốn khổ. Hãy hình dung, nếu một người bạn hoặc người thân chỉ tìm đến bạn khi cần tiền hoặc sự giúp đỡ thì sao? Dần dần, có lẽ bạn bắt đầu nghi ngờ động cơ của người ấy. Tuy nhiên, Ða-vít không như thế. Trong suốt cuộc đời, lúc thuận lợi cũng như khó khăn, lời cầu nguyện của Ða-vít cho thấy ông chân thành yêu mến Ðức Giê-hô-va và tin cậy ngài.—Thi 40:8.
6 Hãy chú ý đến những lời ngợi khen và cảm tạ của Ða-vít: “Hỡi Ðức Giê-hô-va là Chúa chúng tôi, danh Chúa được sang cả trên khắp trái đất biết bao; sự oai-nghi Chúa hiện ra trên các từng trời!” (Thi 8:1). Lời của Ða-vít cho thấy ông có mối quan hệ mật thiết với Cha trên trời. Lòng cảm kích trước sự vĩ đại và uy nghi của Ðức Chúa Trời đã thôi thúc ông tôn vinh ngài “trọn ngày”.—Thi 35:28.
7. Chúng ta được lợi ích thế nào khi đến gần Ðức Chúa Trời qua lời cầu nguyện?
7 Như Ða-vít, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va để vun trồng lòng tin cậy nơi ngài. Kinh Thánh khuyên: “Hãy đến gần Ðức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần anh em” (Gia 4:8). Ðến gần Ðức Chúa Trời qua lời cầu nguyện cũng là một cách quan trọng để nhận được thần khí.—Ðọc 1 Giăng 3:22.
8. Tại sao chúng ta nên tránh lặp lại khi cầu nguyện?
8 Khi cầu nguyện, bạn có thói quen lặp đi lặp lại một số câu hoặc cụm từ không? Nếu vậy thì trước khi cầu nguyện, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ điều bạn muốn nói. Hãy thử tưởng tượng: Mỗi lần trò chuyện với cùng một người bạn hoặc người thân, chúng ta lặp đi lặp lại những từ y như lần trước, liệu người ấy có hứng thú không? Có lẽ người ấy bắt đầu cảm thấy nhàm chán, không muốn nghe. Dĩ nhiên, Ðức Giê-hô-va không bao giờ khước từ lời cầu nguyện từ đáy lòng của các tôi tớ trung thành. Nhưng chúng ta muốn tránh lặp lại khi cầu nguyện với ngài.
9, 10. (a) Chúng ta có thể cầu nguyện về điều gì? (b) Ðiều gì có thể giúp chúng ta dâng cho Ðức Giê-hô-va những lời cầu nguyện ý nghĩa?
9 Dĩ nhiên, nếu muốn đến gần Ðức Chúa Trời, chúng ta không thể cầu nguyện hời hợt. Càng dốc đổ lòng mình với ngài, chúng ta càng đến gần và tin cậy ngài hơn. Chúng ta nên cầu nguyện về điều gì? Lời Ðức Chúa Trời giải đáp: “Trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Ðức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6). Thật vậy, chúng ta có thể cầu nguyện về bất cứ điều gì ảnh hưởng đến đời sống hoặc mối quan hệ của chúng ta với Ðức Chúa Trời.
10 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ lời cầu nguyện của những người nam và người nữ trung thành được ghi lại trong Kinh Thánh (1 Sa 1:10, 11; Công 4:24-31). Chẳng hạn, sách Thi-thiên chứa đựng những lời cầu nguyện chân thành và các bài hát ngợi khen Ðức Giê-hô-va. Mọi cung bậc cảm xúc của con người, từ đau buồn tột độ đến vui mừng khôn xiết, đều được miêu tả trong những lời cầu nguyện và các bài hát đó. Xem xét kỹ những lời cầu nguyện này có thể giúp chúng ta dâng cho Ðức Giê-hô-va những lời cầu nguyện ý nghĩa.
SUY NGẪM NHỮNG LỜI NHẮC NHỞ CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI
11. Tại sao chúng ta cần suy ngẫm về lời khuyên của Ðức Chúa Trời?
11 Ða-vít khẳng định: “Lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va là đáng tin cậy, khiến người thiếu kinh nghiệm trở nên khôn ngoan” (Thi 19:7, NW). Thật vậy, dù là người thiếu kinh nghiệm, chúng ta có thể trở nên khôn ngoan nếu vâng theo các điều răn của Ðức Chúa Trời. Một số lời khuyên trong Kinh Thánh đòi hỏi chúng ta phải suy ngẫm để nhận được lợi ích trọn vẹn. Chẳng hạn, lời khuyên về việc giữ lòng trung kiên trước áp lực tại trường học hoặc sở làm, ủng hộ tiêu chuẩn của Ðức Chúa Trời về máu, giữ vị thế trung lập và áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh liên quan đến cách ăn mặc chải chuốt. Hiểu rõ quan điểm của Ðức Chúa Trời về những vấn đề đó sẽ giúp chúng ta chuẩn bị trước để đối phó với các tình huống. Nhờ thế, chúng ta có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc.—Châm 15:28.
12. Suy ngẫm về điều gì có thể giúp chúng ta luôn làm theo những lời nhắc nhở của Ðức Giê-hô-va?
12 Trong khi chờ đợi những lời hứa của Ðức Chúa Trời thành hiện thực, đời sống chúng ta có cho thấy mình luôn tỉnh thức về thiêng liêng không? Chẳng hạn, chúng ta có hoàn toàn tin rằng Ba-by-lôn Lớn sắp bị hủy diệt không? Những ân phước trong tương lai, ví dụ như đời sống vĩnh cửu trong địa đàng, còn có thật với chúng ta như lúc đầu tìm hiểu về điều đó không? Chúng ta có giữ lòng sốt sắng trong thánh chức thay vì ưu tiên cho vấn đề cá nhân không? Còn hy vọng về sự sống lại, việc làm thánh danh Ðức Giê-hô-va và biện minh cho quyền tối thượng của ngài thì sao? Những điều này có còn rất quan trọng với chúng ta không? Suy ngẫm về những câu hỏi ấy có thể giúp chúng ta luôn làm theo những lời nhắc nhở của Ðức Chúa Trời, và xem chúng là ‘cơ-nghiệp của mình đến đời đời’.—Thi 119:111.
13. Tại sao những tín đồ vào thế kỷ thứ nhất thấy khó hiểu một số điều? Hãy cho ví dụ.
13 Có một số điều trong Kinh Thánh mà hiện nay chúng ta chưa hoàn toàn hiểu vì chưa đến lúc Ðức Giê-hô-va tiết lộ. Chúa Giê-su nhiều lần nói với các sứ đồ rằng ngài sẽ phải chịu đau đớn và bị giết. (Ðọc Ma-thi-ơ 12:40; 16:21). Nhưng các sứ đồ không hiểu ý ngài. Họ chỉ hiểu điều này sau khi ngài chết, được sống lại, rồi hiện ra với nhiều môn đồ và “mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh” (Lu 24:44-46; Công 1:3). Và chỉ sau khi nhận được thần khí vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, các môn đồ mới hiểu Nước Ðức Chúa Trời sẽ được thành lập ở trên trời.—Công 1:6-8.
14. Vào đầu thế kỷ 20, nhiều tín đồ đã nêu gương tốt nào dù có quan điểm sai về những ngày sau cùng?
14 Tương tự, vào đầu thế kỷ 20, các tín đồ chân chính có một số quan điểm sai về “những ngày sau cùng” (2 Ti 3:1). Chẳng hạn, vào năm 1914, một số người nghĩ rằng họ sắp được lên trời, nhưng điều này đã không xảy ra. Những tín đồ này đã xem xét kỹ lại Kinh Thánh và hiểu rằng một chiến dịch rao giảng rộng lớn phải được thực hiện trước (Mác 13:10). Vì thế, vào năm 1922, anh Rutherford, người dẫn đầu công việc rao giảng vào thời đó, đã nói những lời sau tại hội nghị quốc tế được tổ chức ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ: “Nhìn kìa, Vua đang trị vì! Các bạn là những người quảng bá của ngài. Vậy hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời”. Từ đó trở đi, việc công bố “tin mừng về Nước của Ðức Chúa Trời” là dấu hiệu nổi bật của tôi tớ ngài thời hiện đại.—Mat 4:23; 24:14.
15. Chúng ta nhận được những lợi ích nào khi suy ngẫm về cách Ðức Chúa Trời đối xử với dân ngài?
15 Khi suy ngẫm về cách tuyệt vời mà Ðức Giê-hô-va đối xử với dân ngài, trong quá khứ lẫn hiện tại, chúng ta càng tin chắc rằng ngài có thể thực hiện ý định của ngài trong tương lai. Bên cạnh đó, những lời nhắc nhở của Ðức Chúa Trời giúp chúng ta luôn ghi nhớ những lời tiên tri chưa ứng nghiệm. Chắc chắn, điều này sẽ giúp chúng ta vun trồng lòng tin cậy nơi các lời hứa của ngài.
VUN TRỒNG LÒNG TIN CẬY QUA CÁC HOẠT ÐỘNG THỜ PHƯỢNG
16. Bận rộn trong thánh chức mang lại những ân phước nào?
16 Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời năng động. Người viết Thi-thiên hỏi: “Ai có quyền-năng giống như Chúa?”. Ông nói thêm: “Bàn tay Chúa có sức-mạnh, và tay hữu Chúa giơ cao lên” (Thi 89:8, 13). Là đấng năng động, Ðức Giê-hô-va vui mừng khi thấy chúng ta nỗ lực đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời, và ngài ban phước cho chúng ta. Ngài thấy các tôi tớ, cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, không thụ động ngồi “ăn bánh của sự biếng-nhác”, nhưng siêng năng làm việc (Châm 31:27). Khi bận rộn trong các hoạt động thần quyền, chúng ta noi gương Ðấng Tạo Hóa. Khi hết lòng với công việc của Ðức Giê-hô-va, chúng ta cũng nhận được niềm vui và làm ngài vui lòng.—Ðọc Thi-thiên 62:12.
17, 18. Lòng tin cậy của chúng ta nơi Ðức Giê-hô-va được củng cố thế nào khi vâng theo chỉ dẫn của ngài? Hãy cho ví dụ.
17 Những hành động thể hiện đức tin giúp chúng ta củng cố lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va như thế nào? Hãy xem lời tường thuật trong Kinh Thánh về việc dân Y-sơ-ra-ên vào Ðất Hứa. Ðức Giê-hô-va bảo những thầy tế lễ khiêng hòm giao ước bước xuống sông Giô-đanh. Nhưng khi đến sông, họ thấy những cơn mưa mùa xuân đã làm nước sông đầy tràn. Dân Y-sơ-ra-ên sẽ làm gì? Họ có dựng lều bên sông, rồi đợi vài tuần hoặc lâu hơn cho đến khi nước rút? Không, họ hoàn toàn tin cậy Ðức Giê-hô-va và làm theo chỉ dẫn của ngài. Kết quả là gì? Lời tường thuật cho biết: ‘Khi chân của những thầy tế-lễ khiêng hòm mới bị ướt nơi mé nước, thì nước ở trên nguồn thường chảy xuống bèn dừng lại. Những thầy tế-lễ dừng chân vững trên đất khô giữa sông Giô-đanh, trong khi cả Y-sơ-ra-ên đi qua trên đất khô’ (Giô-suê 3:12-17). Hãy hình dung dân sự được khích lệ thế nào khi chứng kiến dòng nước đang chảy xiết dừng lại! Ðức tin của dân Y-sơ-ra-ên nơi Ðức Giê-hô-va được vững mạnh vì họ làm theo chỉ dẫn của ngài.
18 Ngày nay, Ðức Giê-hô-va không làm phép lạ như thế cho dân ngài, nhưng ngài ban phước khi chúng ta hành động với đức tin. Thần khí Ðức Chúa Trời thêm sức để chúng ta thi hành sứ mạng rao truyền thông điệp Nước Trời ra khắp đất. Chúa Giê-su Ki-tô, Nhân Chứng chính yếu của Ðức Giê-hô-va, đảm bảo với các môn đồ rằng ngài sẽ hỗ trợ khi họ thực hiện công việc quan trọng này. Ngài nói với họ: ‘Hãy đi dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ tôi. Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thời đại này kết thúc’ (Mat 28:19, 20). Nhiều Nhân Chứng có lẽ từng mắc cỡ hoặc nhút nhát đã nghiệm thấy thần khí Ðức Chúa Trời giúp họ có sự can đảm để nói chuyện với người lạ trong thánh chức.—Ðọc Thi-thiên 119:46; 2 Cô-rinh-tô 4:7.
19. Dù bị giới hạn về sức khỏe, chúng ta có thể tin chắc điều gì?
19 Do bệnh tật hoặc tuổi già, một số anh chị không thể làm nhiều cho Ðức Giê-hô-va như mình muốn. Dù vậy, họ có thể tin chắc rằng “Cha đầy lòng thương xót và là Ðức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” hiểu hoàn cảnh của họ (2 Cô 1:3). Ngài quý trọng mọi nỗ lực của chúng ta trong việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Cũng hãy nhớ rằng sự cứu rỗi của chúng ta chủ yếu phụ thuộc vào việc đặt đức tin nơi giá chuộc của Ðấng Ki-tô.—Hê 10:39.
20, 21. Chúng ta thể hiện lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va qua một số cách nào?
20 Sự thờ phượng của chúng ta bao hàm việc tận dụng tối đa thời gian, năng lực và của cải để phụng sự Ðức Giê-hô-va. Thật vậy, chúng ta muốn hết lòng “làm công việc của người truyền giảng tin mừng” (2 Ti 4:5). Chúng ta hạnh phúc khi giúp người khác “hiểu biết chính xác về sự thật” (1 Ti 2:4). Rõ ràng, việc tôn vinh và ngợi khen Ðức Giê-hô-va làm chúng ta giàu có về thiêng liêng (Châm 10:22). Ðiều này cũng giúp chúng ta vun trồng lòng tin cậy vững bền nơi Ðấng Tạo Hóa.—Rô 8:35-39.
21 Như chúng ta vừa thảo luận, lòng tin cậy nơi những chỉ dẫn của Ðức Giê-hô-va không tự nhiên mà có, chúng ta cần nỗ lực vun trồng. Hãy nương cậy ngài qua việc cầu nguyện. Suy ngẫm về cách Ðức Giê-hô-va đã thực hiện ý định của ngài trong quá khứ và sẽ hoàn thành ý định đó trong tương lai. Tiếp tục vun trồng lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va qua các hoạt động thờ phượng. Hãy nhớ rằng những lời nhắc nhở của ngài sẽ tồn tại mãi mãi. Nếu chú tâm vào những lời nhắc nhở ấy, bạn cũng có triển vọng sống mãi mãi!