Nhận lợi ích trọn vẹn từ việc đọc Kinh Thánh
“Tôi thật sự ham thích luật pháp của Ðức Chúa Trời”.—RÔ 7:22.
1-3. Việc đọc và áp dụng những lời dạy dỗ trong Kinh Thánh mang lại lợi ích nào?
“Mỗi buổi sáng tôi cảm tạ Ðức Giê-hô-va vì đã giúp tôi hiểu Kinh Thánh”. Ðó là lời chia sẻ của một tín đồ cao niên. Chị đã đọc toàn bộ Kinh Thánh hơn 40 lần và vẫn tiếp tục làm thế. Một chị trẻ tuổi viết rằng việc đọc Kinh Thánh đã giúp chị biết Ðức Giê-hô-va là đấng có thật, nhờ thế chị đến gần ngài hơn. Chị nói: “Giờ đây, tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!”.
2 Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta “tập khao khát sữa tinh khiết là lời Ðức Chúa Trời” (1 Phi 2:2). Khi học hỏi Kinh Thánh và áp dụng những điều đã học, chúng ta có lương tâm trong sạch và một đời sống có mục đích. Ðiều này cũng giúp chúng ta vun trồng tình bạn bền vững với những người cùng yêu mến và phụng sự Ðức Chúa Trời. Ðó là những lý do chính đáng để chúng ta “ham thích luật pháp của Ðức Chúa Trời” (Rô 7:22). Việc học hỏi Kinh Thánh còn mang lại những lợi ích nào khác?
3 Càng học về Ðức Giê-hô-va và Con ngài, tình yêu thương của chúng ta dành cho hai đấng ấy và người đồng loại càng gia tăng. Sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu cách Ðức Chúa Trời sắp giải cứu những người biết vâng lời khi thế gian này bị hủy diệt. Chúng ta có một thông điệp đầy vui mừng để chia sẻ với người khác. Ðức Giê-hô-va sẽ ban phước khi chúng ta dạy người khác những gì học được qua việc đọc Lời ngài.
ÐỌC VÀ SUY NGẪM
4. “Ðọc nhẩm” Kinh Thánh có nghĩa gì?
4 Ðức Giê-hô-va không muốn tôi tớ ngài đọc cho mau hết Kinh Thánh. Ngài nói với Giô-suê: “Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm [“đọc nhẩm”, NW] ngày và đêm” (Giô-suê 1:8; Thi 1:2). Phải chăng điều này có nghĩa là bạn phải đọc nhẩm từng chữ từ Sáng-thế Ký đến Khải huyền? Không. Ðiều này có nghĩa là đọc với nhịp độ vừa phải để có thể suy ngẫm. Cách đọc này sẽ giúp bạn chú tâm vào phần đặc biệt hữu ích và khích lệ đối với bạn vào thời điểm ấy. Khi thấy những cụm từ, câu hoặc lời tường thuật khích lệ, hãy đọc chậm lại, thậm chí có thể đọc nhẩm. Nhờ thế, những lời ấy có thể tác động sâu sắc đến lòng bạn. Tại sao điều này quan trọng? Vì khi thật sự hiểu lời khuyên của Ðức Chúa Trời, bạn sẽ có động lực mạnh mẽ để vâng theo.
5-7. Hãy nêu ví dụ cho thấy việc đọc nhẩm Lời Ðức Chúa Trời có thể giúp bạn (a) giữ hạnh kiểm trong sạch; (b) cư xử kiên nhẫn và tử tế với người khác; (c) tin cậy Ðức Giê-hô-va ngay cả trong lúc khó khăn.
5 Ðọc nhẩm rất hữu ích khi bạn đang đọc những sách không quen thuộc trong Kinh Thánh. Hãy xem một số ví dụ. Thứ nhất, một tín đồ trẻ đang đọc sách Ô-sê. Sau khi đọc nhẩm câu 11 đến 13 trong chương 4, anh dừng lại. (Ðọc Ô-sê 4:11-13). Tại sao? Anh chú ý đến những câu này vì tại trường, anh đang phải đối mặt với áp lực khiến anh làm điều trái luân lý. Anh ngẫm nghĩ và tự nhủ: “Ðức Giê-hô-va thấy hết những điều xấu người ta làm, ngay cả ở nơi riêng tư. Mình không muốn làm ngài buồn lòng”. Anh quyết tâm giữ hạnh kiểm trong sạch trước mắt Ðức Chúa Trời.
6 Ví dụ thứ hai là một nữ tín đồ đang đọc lời tiên tri của Giô-ên, chị đọc tới chương 2, câu 13. (Ðọc Giô-ên 2:13). Khi đọc nhẩm câu này, chị nghĩ xem làm thế nào chị có thể bắt chước Ðức Giê-hô-va, đấng “nhân-từ và hay thương xót, chậm giận và giàu ơn”. Chị quyết định từ bỏ những lời tức giận và mỉa mai mà đôi khi chị nói với chồng và người khác.
7 Ví dụ thứ ba là một anh mất việc và lo lắng không biết làm sao mình có thể chăm lo nhu cầu của vợ con. Nơi Na-hum 1:7, anh đọc nhẩm phần nói rằng Ðức Giê-hô-va “biết những kẻ ẩn-náu nơi Ngài” và che chở họ “trong ngày hoạn-nạn”. Những lời này đã an ủi anh. Anh ý thức rằng Ðức Giê-hô-va yêu thương anh và gia đình nên anh không còn lo lắng nhiều nữa. Sau đó, anh đọc nhẩm câu 15. (Ðọc Na-hum 1:15). Anh nhận ra rằng việc anh rao giảng tin mừng ngay cả trong những lúc khó khăn cho thấy anh xem Ðức Giê-hô-va là “đồn-lũy”. Trong khi tìm công việc mới, anh dành nhiều thời gian hơn trong tuần để tham gia thánh chức.
8. Hãy chia sẻ vắn tắt một “viên đá quý” mà bạn khám phá khi đọc Kinh Thánh.
8 Chúng ta vừa thảo luận vài điểm hữu ích trong những sách của Kinh Thánh mà có lẽ một số người thấy khó hiểu. Khi xem xét sách Ô-sê, Giô-ên và Na-hum với ước muốn học hỏi, bạn sẽ muốn đọc nhẩm những câu khác nữa. Hãy hình dung sự khôn ngoan và an ủi mà bạn có thể nhận được từ những sách tiên tri này! Còn những sách khác của Kinh Thánh thì sao? Lời Ðức Chúa Trời như “mỏ kim cương” không bao giờ cạn kiệt. Hãy khai thác mỏ này! Hãy đọc toàn bộ Kinh Thánh với mục tiêu tìm những “viên đá quý”, tức sự chỉ dẫn và an ủi từ Ðức Chúa Trời.
CỐ GẮNG HIỂU ÐIỀU BẠN ÐỌC
9. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu Kinh Thánh rõ hơn?
9 Ðọc Kinh Thánh mỗi ngày là điều quan trọng, nhưng hẳn bạn cũng muốn hiểu những gì mình đọc. Vậy hãy dùng những ấn phẩm của tổ chức để nghiên cứu về con người, địa điểm và sự kiện của phần Kinh Thánh bạn đang đọc. Hoặc bạn băn khoăn không biết áp dụng thế nào một sự dạy dỗ trong Kinh Thánh, bạn có thể nhờ trưởng lão hoặc một anh chị thành thục giúp đỡ. Một tín đồ vào thế kỷ thứ nhất cần được giúp để hiểu sự thật chính xác hơn. Ðó là A-bô-lô.
10, 11. (a) A-bô-lô đã được giúp thế nào để cải thiện thánh chức? (b) Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ lời tường thuật về A-bô-lô? (Xem khung “Sự dạy dỗ của bạn đã được cập nhật?”).
10 A-bô-lô là một tín đồ gốc Do Thái “rất thông thạo Kinh Thánh” và “đầy nhiệt tâm nhờ thần khí”. Sách Công vụ cho biết: “Ông giảng dạy chính xác về Chúa Giê-su, nhưng chỉ biết phép báp-têm của Giăng”. Vì không biết nên A-bô-lô đã dạy về phép báp-têm dựa trên sự hiểu biết chưa cập nhật. Sau khi ông giảng dạy ở Ê-phê-sô, một cặp vợ chồng đạo Ðấng Ki-tô là Bê-rít-sin và A-qui-la đã “giải thích cho ông chính xác hơn về đường lối của Ðức Chúa Trời” (Công 18:24-26). Ðiều này giúp ích gì cho A-bô-lô?
11 Sau khi rời Ê-phê-sô, A-bô-lô đi đến A-chai. “Khi đến nơi, ông giúp đỡ rất nhiều cho những người đã tin đạo nhờ lòng nhân từ bao la của Ðức Chúa Trời; vì ông chứng minh một cách hùng hồn trước công chúng rằng người Do Thái đã sai, bằng cách dùng Kinh Thánh chứng tỏ Chúa Giê-su là Ðấng Ki-tô” (Công 18:27, 28). Giờ đây, A-bô-lô có thể giải thích chính xác về ý nghĩa phép báp-têm của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Với sự hiểu biết này, ông đã giúp những người mới rất nhiều để họ tiến bộ trong sự thờ phượng thật. Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Như A-bô-lô, chúng ta cố gắng hiểu những gì mình đọc trong Kinh Thánh. Ngoài ra, khi một anh em đồng đạo có kinh nghiệm gợi ý cách dạy dỗ hiệu quả hơn, chúng ta muốn khiêm nhường nhận sự giúp đỡ và tỏ lòng biết ơn. Nếu làm thế, thánh chức của chúng ta sẽ ngày càng hữu hiệu.
DÙNG SỰ HIỂU BIẾT ÐỂ GIÚP NGƯỜI KHÁC
12, 13. Chúng ta có thể khéo dùng Kinh Thánh như thế nào để giúp học viên tiến bộ?
12 Như Bê-rít-sin, A-qui-la và A-bô-lô, chúng ta cũng có thể giúp người khác. Khi giúp người chú ý vượt qua thử thách để tiến bộ về thiêng liêng, bạn cảm thấy thế nào? Nếu là trưởng lão, bạn cảm thấy ra sao khi một anh em đồng đạo cảm ơn vì lời khuyên của bạn dựa trên Kinh Thánh đã giúp anh chị ấy trong giai đoạn khó khăn? Chắc chắn, khi dùng Lời Ðức Chúa Trời để giúp người khác cải thiện đời sống, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui và sự thỏa lòng *. Bạn có thể làm điều này như thế nào?
13 Vào thời Ê-li, nhiều người Y-sơ-ra-ên lưỡng lự giữa việc theo sự thờ phượng thật hay sự thờ phượng sai lầm. Lời khuyên của Ê-li dành cho những người này có thể giúp các học viên Kinh Thánh đang “đi giẹo hai bên”. (Ðọc 1 Các Vua 18:21). Nếu học viên sợ gia đình hoặc bạn bè chống đối, bạn có thể giúp người ấy kiên quyết thờ phượng Ðức Giê-hô-va bằng cách lý luận dựa trên Ê-sai 51:12, 13.—Ðọc.
14. Ðiều gì giúp chúng ta nhớ những câu Kinh Thánh khi cần giúp người khác?
14 Rõ ràng, Kinh Thánh có thể khích lệ, sửa trị và củng cố chúng ta. Nhưng có lẽ bạn băn khoăn: “Làm sao tìm được những câu Kinh Thánh vào lúc mình cần?”. Hãy đọc và suy ngẫm Lời Ðức Chúa Trời mỗi ngày. Khi làm thế, bạn sẽ tích lũy một kho tàng những câu Kinh Thánh, và với sự trợ giúp của thần khí, bạn sẽ nhớ ra khi cần.—Mác 13:11; đọc Giăng 14:26. *
15. Ðiều gì giúp chúng ta hiểu Lời Ðức Chúa Trời sâu sắc hơn?
15 Như vua Sa-lô-môn, hãy cầu xin Ðức Giê-hô-va ban sự khôn ngoan để thực hiện các nhiệm vụ thần quyền (2 Sử 1:7-10). Noi gương những nhà tiên tri thời xưa, hãy “chăm chỉ tìm tòi và nghiên cứu kỹ càng” Lời Ðức Chúa Trời để có sự hiểu biết chính xác về Ðức Giê-hô-va và ý định của ngài (1 Phi 1:10-12). Sứ đồ Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê hấp thu “sự dạy dỗ tốt lành của Ðức Chúa Trời mà chúng ta đã tin” (1 Ti 4:6). Khi siêng năng học Lời Ðức Chúa Trời, bạn sẽ hiểu Lời ngài sâu sắc hơn và biết cách dùng Kinh Thánh để giúp người khác. Ðồng thời, đức tin của bạn sẽ càng vững mạnh.
ÐỌC LỜI ÐỨC CHÚA TRỜI CHE CHỞ CHÚNG TA
16. (a) Việc “hằng ngày cẩn thận tra xét Kinh Thánh” mang lại lợi ích nào cho những người ở thành Bê-rê? (b) Tại sao việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày rất quan trọng đối với chúng ta?
16 Người Do Thái ở thành Bê-rê có thói quen là “hằng ngày cẩn thận tra xét Kinh Thánh”. Khi Phao-lô rao giảng tin mừng cho những người Do Thái ấy, họ so sánh xem các lời ông giảng có đúng với sự hiểu biết của họ về Kinh Thánh không. Kết quả là gì? Nhiều người nhận ra Phao-lô đang dạy sự thật và họ “tin đạo” (Công 17:10-12). Ðiều này cho thấy việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày sẽ giúp chúng ta vun trồng đức tin mạnh mẽ nơi Ðức Giê-hô-va. Ðức tin ấy, tức “sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật”, là điều cần thiết để được cứu rỗi và hưởng sự sống trong thế giới mới của Ðức Chúa Trời.—Hê 11:1.
17, 18. (a) Ðức tin và tình yêu thương mạnh mẽ bảo vệ lòng của một tín đồ như thế nào? (b) Niềm hy vọng che chở chúng ta ra sao?
17 Phao-lô nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin, tình yêu thương và hy vọng. Ông viết: “Còn chúng ta, là những người thuộc về ban ngày, hãy giữ mình tỉnh táo, mặc giáp che ngực là đức tin và tình yêu thương, đội mũ sắt là hy vọng cứu rỗi” (1 Tê 5:8). Trái tim của người lính cần được bảo vệ trước kẻ thù. Tương tự, trái tim theo nghĩa bóng, tức lòng của một tín đồ, cần được bảo vệ trước quyền lực của tội lỗi. Nếu có đức tin mạnh nơi những lời hứa của Ðức Chúa Trời và có tình yêu thương với ngài cũng như người đồng loại, một tín đồ đang mặc một áo giáp che ngực chất lượng tốt. Hẳn người ấy sẽ không làm bất cứ điều gì khiến mình mất ân huệ của Ðức Chúa Trời.
18 Phao-lô cũng nói đến mũ sắt, “là hy vọng cứu rỗi”. Vào thời Kinh Thánh, người lính cần đội mũ sắt khi ra trận. Nếu mũ ấy tốt, dù người lính bị đánh mạnh vào đầu cũng không bị thương nặng. Chúng ta củng cố hy vọng nơi khả năng giải cứu của Ðức Giê-hô-va bằng cách học Lời ngài. Hy vọng chắc chắn có thể giúp chúng ta kháng cự kẻ bội đạo và “những lời sáo rỗng” của chúng được ví như “chứng hoại thư” (2 Ti 2:16-19). Hy vọng cũng giúp chúng ta nói “không” với những người muốn chúng ta làm các việc mà Ðức Giê-hô-va lên án.
MỘT BÍ QUYẾT ÐỂ SỐNG SÓT
19, 20. Tại sao chúng ta kính trọng sâu xa Lời Ðức Chúa Trời, và chúng ta tỏ lòng kính trọng đó bằng cách nào? (Xem khung “Ðức Giê-hô-va ban cho tôi đúng điều tôi cần”).
19 Càng tiến đến ngày thế gian này bị kết liễu, chúng ta càng cần tin cậy Lời Ðức Giê-hô-va. Lời khuyên trong Kinh Thánh giúp chúng ta từ bỏ những thói quen xấu và kháng cự lại khuynh hướng tội lỗi. Với sự khích lệ và an ủi từ Kinh Thánh, chúng ta sẽ vượt qua những thử thách mà Sa-tan và thế gian của hắn giăng ra. Sự chỉ dẫn trong Lời Ðức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến sự sống.
20 Ý muốn của Ðức Chúa Trời là “mọi loại người được cứu”, trong đó có tôi tớ của ngài và những người sẵn lòng lắng nghe khi chúng ta rao giảng và dạy dỗ. Nhưng hãy nhớ rằng những ai muốn được cứu phải có sự “hiểu biết chính xác về sự thật” (1 Ti 2:4). Vì thế, việc đọc và áp dụng những lời hướng dẫn trong Kinh Thánh là điều thiết yếu để sống sót trong những ngày sau cùng này. Thật vậy, khi đọc Kinh Thánh mỗi ngày, chúng ta cho thấy mình kính trọng sâu xa Lời Ðức Giê-hô-va.—Giăng 17:17.
^ đ. 12 Dĩ nhiên, chúng ta không dùng Kinh Thánh để gây áp lực hoặc kết án người khác. Chúng ta nên kiên nhẫn và nhân từ với học viên như Ðức Giê-hô-va đối xử với chúng ta.—Thi 103:8.
^ đ. 14 Nói sao nếu bạn nhớ từ khóa của một đoạn nhưng không nhớ từ đó nằm ở sách, chương và câu nào? Bạn có thể tìm trong Thư viện Tháp Canh hoặc Bảng tra cứu từ ngữ của Bản dịch Thế Giới Mới.