Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va nhóm hiệp dân tộc vui mừng của ngài

Đức Giê-hô-va nhóm hiệp dân tộc vui mừng của ngài

“Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ và khách lạ”.—PHỤC 31:12.

1, 2. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét điều gì về các kỳ hội nghị?

Từ lâu, Nhân Chứng Giê-hô-va nhóm lại tại các kỳ hội nghị địa hạt và quốc tế. Nhiều người trong chúng ta đã tham dự nhiều kỳ hội nghị đầy vui mừng này, có lẽ đến hàng chục lần.

2 Hàng ngàn năm trước, dân Đức Chúa Trời cũng tổ chức hội nghị, tức các kỳ lễ thánh. Các kỳ lễ đó là khuôn mẫu cho hội nghị của chúng ta thời nay. Chúng ta sẽ xem lại một số kỳ lễ được tường thuật trong Kinh Thánh, và xem các kỳ lễ đó có điểm tương đồng nào so với những kỳ hội nghị thời nay. Chúng ta cũng xem việc tham dự hội nghị mang lại lợi ích nào cho chúng ta.—Thi 44:1; Rô 15:4.

NHỮNG KỲ HỘI NGHỊ NỔI BẬT VÀO THỜI XƯA VÀ THỜI NAY

3. (a) Hội nghị đầu tiên của dân Đức Chúa Trời diễn ra như thế nào? (b) Dân Y-sơ-ra-ên được triệu tập bằng cách nào?

3 Hội nghị lớn đầu tiên của dân Đức Chúa Trời được đề cập trong Kinh Thánh là khi dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại dưới chân núi Si-na-i để nhận sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va. Đó quả là điểm mốc quan trọng trong lịch sử của sự thờ phượng thanh sạch. Những người tham dự chắc hẳn không bao giờ quên sự kiện đầy phấn khởi ấy. Lúc đó, Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên thấy quyền năng của ngài khi ban cho họ Luật pháp (Xuất 19:2-9, 16-19; đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 20:18; Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9, 10). Sự kiện quan trọng đó là bước ngoặt trong mối quan hệ giữa dân Y-sơ-ra-ên với Đức Chúa Trời. Không lâu sau đó, Đức Giê-hô-va lập ra một cách để triệu tập dân sự. Ngài lệnh cho Môi-se làm hai ống loa bằng bạc để kêu gọi “toàn hội-chúng” nhóm lại “tại cửa hội-mạc” (Dân 10:1-4). Hãy hình dung bầu không khí đầy sôi động vào những dịp như thế!

4, 5. Tại sao các kỳ hội nghị mà Môi-se và Giô-suê tổ chức là những dịp đặc biệt quan trọng?

4 Trải qua gần 40 năm trong hoang mạc, dân Y-sơ-ra-ên sắp tiến vào Đất Hứa. Vào thời điểm quan trọng này, Môi-se nhóm dân sự lại. Đây là lúc thích hợp để ông nhắc nhở anh em về mọi điều Đức Giê-hô-va đã làm và sẽ làm cho họ.—Phục 29:1-15; 30:15-20; 31:30.

5 Có lẽ vào dịp đó, Môi-se cho dân sự biết là sẽ có một kỳ lễ đặc biệt diễn ra định kỳ. Vào những năm Sa-bát, trong các kỳ Lễ Lều Tạm, những người nam, nữ, con trẻ và khách lạ trong nước Y-sơ-ra-ên phải nhóm lại tại nơi Đức Giê-hô-va chọn để ‘nghe, tập kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp’. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:1, 10-12). Vậy rõ ràng, từ giai đoạn đầu của lịch sử dân Đức Chúa Trời, dân sự đã phải đều đặn nhóm lại để xem xét điều răn và ý định của ngài. Khi dân Y-sơ-ra-ên hoàn tất cuộc chinh phục Đất Hứa, Giô-suê triệu tập tất cả dân Y-sơ-ra-ên lại. Vì dân ngoại vẫn còn sống chung quanh, nên Giô-suê muốn dùng dịp này để giúp họ củng cố lòng quyết tâm trung thành với Đức Giê-hô-va. Dân sự đã hưởng ứng bằng cách thề nguyện là sẽ phụng sự Đức Chúa Trời.—Giô-suê 23:1, 2; 24:1, 15, 21-24.

6, 7. Trong thời hiện đại, những hội nghị nào rất quan trọng đối với dân Đức Giê-hô-va?

6 Lịch sử của dân Đức Giê-hô-va thời hiện đại cũng có những kỳ hội nghị nổi bật. Tại các dịp này, những thay đổi liên quan đến các hoạt động thần quyền và sự hiểu biết về Kinh Thánh được công bố (Châm 4:18). Hội nghị lớn đầu tiên do Học viên Kinh Thánh tổ chức sau Thế Chiến I diễn ra vào năm 1919, tại Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ. Hội nghị này có khoảng 7.000 người tham dự và được đánh dấu bằng việc khởi xướng một chiến dịch rao giảng toàn cầu. Năm 1922, trong kỳ hội nghị kéo dài chín ngày tại cùng địa điểm, anh Joseph F. Rutherford nói một bài giảng hùng hồn, anh thúc giục cử tọa: “Hãy là những người làm chứng trung kiên và chân chính của Chúa. Hãy tiến lên chiến đấu cho đến khi mọi dấu vết của Ba-by-lôn không còn nữa. Hãy rao báo thông điệp này khắp nơi. Thế giới phải biết rằng Giê-hô-va là Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Ki-tô là Vua của các vua và Chúa của các chúa. Đây là thời kỳ trọng đại nhất trong lịch sử. Nhìn kìa, Vua đang trị vì! Các bạn là những người quảng bá của ngài. Vậy hãy loan báo, loan báo, loan báo về Vua và Nước Trời”. Những người tham dự hội nghị ấy và dân Đức Chúa Trời trên khắp thế giới đã vui mừng hưởng ứng lời kêu gọi đó.

7 Tại Columbus, Ohio, năm 1931, Học viên Kinh Thánh rất phấn khởi đón nhận tên mới là Nhân Chứng Giê-hô-va. Sau đó, vào năm 1935, tại Washington, D.C., anh Rutherford giải thích ai là ‘đám đông đứng trước ngai và trước Chiên Con’, như được miêu tả trong sách Khải huyền (Khải 7:9-17). Năm 1942, trong khi Thế Chiến II đang diễn ra, anh Nathan H. Knorr nói bài giảng sống động có tựa đề “Nền hòa bình có thể kéo dài mãi chăng?”. Trong bài giảng này, anh giải thích về “con thú dữ sắc đỏ” được nói đến trong sách Khải huyền chương 17 và cho biết là sau thế chiến sẽ có nhiều việc phải làm trong thánh chức rao giảng.

8, 9. Tại sao một số hội nghị là những dịp rất cảm động đối với dân Đức Chúa Trời?

8 Một điểm nhấn của hội nghị “Các nước hoan hỉ” được tổ chức tại Cleveland, Ohio, vào năm 1946, là bài giảng của anh Knorr có tựa đề “Những vấn đề trong việc tái thiết và mở rộng”. Một người tham dự mô tả bầu không khí sôi động vào lúc ấy: “Tôi có đặc ân ở phía sau anh [Knorr] trên bục vào tối hôm đó. Khi anh nói qua về công việc cần thực hiện và cho biết về các dự án mở rộng nhà ở và xưởng in tại Bê-tên Brooklyn, cử tọa vỗ tay từng đợt không ngớt. Từ trên bục nhìn xuống, dù không nhìn rõ mặt ai, nhưng tôi cảm nhận được sự vui mừng của cử tọa”. Tại hội nghị quốc tế ở thành phố New York vào năm 1950, cử tọa vui sướng đón nhận Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền), là bản Kinh Thánh dùng ngôn ngữ hiện đại và khôi phục danh Đức Chúa Trời.—Giê 16:21.

9 Các hội nghị cũng được tổ chức tại những nước mà Nhân Chứng Giê-hô-va từng bị bắt bớ hoặc cấm đoán. Những dịp này rất cảm động đối với các anh chị tham dự. Ví dụ, Hitler từng thề là sẽ tận diệt Nhân Chứng Giê-hô-va ở Đức. Nhưng năm 1955, tại thành phố Nuremberg, có 107.000 Nhân Chứng ngồi chật kín nơi mà trước đây Hitler dùng làm thao trường. Nhiều người tham dự vui sướng đến nỗi không cầm được nước mắt! Năm 1989, có tổng số 166.518 người tham dự ba đợt hội nghị với chủ đề “Sự tin kính”, được tổ chức tại Ba Lan. Trong số đó, nhiều đại biểu đến từ Liên bang Xô Viết, Tiệp Khắc và những nước Đông Âu khác. Một số đại biểu trước đây chỉ được dự nhóm họp khoảng 15 đến 20 người, nhưng giờ đây họ được dự hội nghị với hàng chục ngàn anh em đồng đạo. Ngoài ra, hãy hình dung không khí vui mừng tại hội nghị quốc tế có chủ đề “Sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời” được tổ chức tại Kiev, Ukraine, vào năm 1993. Trong dịp này, có 7.402 người làm báp-têm. Theo báo cáo, đây là đợt báp-têm đông nhất của Nhân Chứng Giê-hô-va.—Ê-sai 60:22; A-ghê 2:7.

10. Hội nghị nào in đậm trong tâm trí bạn và tại sao?

10 Có lẽ có những hội nghị địa hạt hoặc hội nghị quốc tế in đậm trong tâm trí bạn. Bạn có nhớ hội nghị đầu tiên mình tham dự hoặc hội nghị mà bạn đã làm báp-têm không? Những hội nghị đó đánh dấu bước ngoặt về thiêng liêng trong cuộc đời bạn. Hãy trân trọng những kỷ niệm ấy!

NHỮNG KỲ LỄ THƯỜNG NIÊN MANG LẠI SỰ VUI MỪNG

11. Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên tham dự những kỳ lễ nào hằng năm?

11 Đức Giê-hô-va đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên tham dự ba kỳ lễ hằng năm ở Giê-ru-sa-lem—Lễ Bánh Không Men, Lễ Các Tuần (sau này gọi là Lễ Ngũ Tuần) và Lễ Lều Tạm. Về các kỳ lễ này, Đức Chúa Trời ban mệnh lệnh: “Mỗi năm ba kỳ các người nam phải đến trước mặt Chúa, tức là Đức Giê-hô-va” (Xuất 23:14-17). Nhận thấy những kỳ lễ ấy mang lại nhiều lợi ích về thiêng liêng, nhiều chủ gia đình dẫn cả nhà đi tham dự.—1 Sa 1:1-7; Lu 2:41, 42.

12, 13. Để tham dự các kỳ lễ thường niên, nhiều người Y-sơ-ra-ên phải làm gì?

12 Để tham dự những kỳ lễ ấy, các gia đình Y-sơ-ra-ên phải làm gì? Hãy xem trường hợp của gia đình Giô-sép và Ma-ri. Họ phải đi khoảng 100km, một chiều từ Na-xa-rét đến Giê-ru-sa-lem. Thử nghĩ xem, nếu bạn đi bộ và dẫn theo con nhỏ thì phải mất bao lâu mới hoàn tất chuyến hành trình như thế? Qua lời tường thuật về chuyến thăm Giê-ru-sa-lem của Chúa Giê-su khi còn nhỏ, chúng ta biết rằng có thể những người bà con và bạn bè tập hợp thành nhóm rồi cùng thực hiện chuyến hành trình. Hẳn họ gặp không ít khó khăn trong việc chuẩn bị các bữa ăn và sắp xếp chỗ ngủ thích hợp ở những nơi xa lạ. Thế nhưng, có lẽ chuyến đi cũng khá an toàn vì cha mẹ Chúa Giê-su đã cho ngài có phần nào tự do, dù lúc đó ngài mới 12 tuổi. Hẳn đó là những dịp khó quên, đặc biệt với những em nhỏ!—Lu 2:44-46.

13 Từ khi dân Y-sơ-ra-ên bị tản mác sang các xứ khác, những người tham dự các kỳ lễ đến từ nhiều nước. Tại Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, những người Do Thái và người nhập đạo Do Thái quý trọng các kỳ lễ đã đến Giê-ru-sa-lem từ những nơi như Y-ta-li-a, Cơ-rết, Tiểu Á và Mê-sô-bô-ta-mi.—Công 2:5-11; 20:16.

14. Dân Y-sơ-ra-ên cảm thấy thế nào khi tham dự các kỳ lễ thường niên?

14 Đối với những người Y-sơ-ra-ên trung thành, điều quan trọng và thích thú nhất trong chuyến hành trình là được thờ phượng Đức Giê-hô-va cùng với hàng ngàn người yêu mến ngài. Những người tham dự cảm thấy thế nào? Câu trả lời nằm trong lời chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va dành cho dân ngài về Lễ Lều Tạm: “Ngươi, con trai và con gái ngươi, tôi trai và tớ gái ngươi, người Lê-vi, khách lạ, kẻ mồ-côi, và người góa-bụa đều sẽ vui-vẻ mà giữ lễ đó. Trong bảy ngày ngươi phải giữ lễ nầy cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tại nơi mà Đức Giê-hô-va sẽ chọn; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ ban phước cho các mùa-màng và mọi công-việc của tay ngươi; rồi ngươi sẽ vui-mừng trọn-vẹn”.—Phục 16:14, 15; đọc Ma-thi-ơ 5:3.

TẠI SAO NÊN QUÝ TRỌNG CÁC KỲ HỘI NGHỊ THỜI NAY?

15, 16. Để tham dự các kỳ hội nghị, bạn đã hy sinh những gì? Tại sao sự hy sinh đó là đáng công?

15 Những kỳ lễ của dân Y-sơ-ra-ên quả là khuôn mẫu tuyệt vời để dân Đức Chúa Trời ngày nay làm theo! Qua hàng thế kỷ, những yếu tố cơ bản về hội nghị vẫn không thay đổi. Chẳng hạn, vào thời Kinh Thánh, để tham dự các kỳ lễ thì người ta phải hy sinh. Đối với những người tham dự hội nghị ngày nay cũng thế. Tuy nhiên, sự hy sinh đó là đáng công vì họ nhận được rất nhiều lợi ích. Ngày nay, các hội nghị vẫn là những dịp rất quan trọng trong sự thờ phượng của chúng ta. Tại đó, chúng ta nhận được nhiều thông tin và sự hiểu biết cần thiết để củng cố mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời. Các hội nghị thúc đẩy chúng ta áp dụng những gì mình học và giúp chúng ta tránh được các vấn đề. Hội nghị cũng khuyến khích chúng ta tiếp tục tập trung vào các mục tiêu và hoạt động giúp chúng ta tươi tỉnh, thay vì những điều làm chúng ta kiệt sức.—Thi 122:1-4.

16 Các hội nghị luôn mang lại niềm hân hoan cho những người tham dự. Bản báo cáo về một hội nghị lớn năm 1946 cho biết: “Thật tuyệt diệu khi chứng kiến cảnh hàng ngàn Nhân Chứng hội tụ tại một nơi rất thoải mái. Thật nức lòng hơn nữa khi nghe tiếng ca của đông đảo cử tọa hòa quyện với âm thanh của dàn nhạc hoành tráng. Cả khán đài vang dội những bài hát Nước Trời ca ngợi Đức Giê-hô-va”. Báo cáo cho biết thêm, nhiều anh chị đã tình nguyện tham gia vào các ban của hội nghị. Họ cảm nhận được niềm vui khi được phục vụ anh em. Bạn đã từng cảm nhận niềm vui mừng như thế tại hội nghị địa hạt hoặc hội nghị quốc tế chưa?—Thi 110:3; Ê-sai 42:10-12.

17. Ngày nay, cách tổ chức hội nghị đã có những điều chỉnh nào?

17 Cách tổ chức hội nghị đã có một số điều chỉnh. Chẳng hạn, một số tôi tớ Đức Chúa Trời vẫn nhớ những kỳ hội nghị kéo dài tám ngày! Có những phiên họp buổi sáng, buổi chiều và buổi tối. Chương trình hội nghị cũng bao gồm những buổi rao giảng. Có phiên họp bắt đầu lúc 9 giờ sáng, cũng có phiên họp kéo dài đến 9 giờ đêm. Những anh chị phục vụ tình nguyện làm việc siêng năng trong nhiều giờ để chuẩn bị bữa sáng, bữa trưa và bữa tối cho mọi người. Ngày nay, chương trình hội nghị đã được rút ngắn hơn; mỗi gia đình và cá nhân tự chuẩn bị đồ ăn, nhờ thế mọi người đều có thể chú tâm nhiều hơn đến thức ăn thiêng liêng được trình bày trong hội nghị.

18, 19. Bạn mong chờ điều gì tại các hội nghị, và tại sao?

18 Một số điều trong chương trình hội nghị vẫn không thay đổi. Chẳng hạn, chúng ta luôn mong chờ được nhận thêm “thức ăn đúng giờ”, nhờ thế chúng ta hiểu sâu sắc hơn về các lời tiên tri và những dạy dỗ trong Kinh Thánh. Chúng ta nhận được thức ăn thiêng liêng đó không chỉ qua các bài giảng mà còn qua những ấn phẩm được ra mắt tại hội nghị (Mat 24:45). Nhiều ấn phẩm mới là công cụ để giúp những người có lòng thành hiểu sự thật Kinh Thánh. Chúng ta cũng háo hức được xem các vở kịch dựa trên Kinh Thánh. Những vở kịch này khuyến khích cả người lớn lẫn người trẻ xem xét động cơ phụng sự của mình, đồng thời giúp chúng ta kháng cự lối suy nghĩ của thế gian không tin kính. Ngoài ra, chúng ta luôn mong chờ được nghe bài giảng báp-têm, vì qua bài giảng này, tất cả chúng ta có cơ hội để suy nghĩ xem điều gì là quan trọng nhất trong đời sống mình, cũng như cảm nhận được niềm vui khi chứng kiến người khác biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp-têm.

19 Thật vậy, từ lâu các hội nghị luôn là phần quan trọng trong sự thờ phượng thanh sạch. Các hội nghị giúp dân tộc vui mừng của Đức Giê-hô-va tiếp tục trung thành và sốt sắng phụng sự ngài trong thời kỳ khó khăn. Những dịp hội tụ như thế cũng tạo cơ hội để chúng ta có thêm bạn mới và giúp chúng ta quý trọng đặc ân được thuộc về gia đình quốc tế. Hội nghị là một cách chính yếu mà Đức Giê-hô-va dùng để ban phước và chăm sóc dân ngài. Chắc chắn, mỗi người chúng ta muốn thu xếp mọi việc để tham dự đầy đủ và nhận được lợi ích trọn vẹn từ chương trình hội nghị.—Châm 10:22.