Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đừng “nhìn lại phía sau”

Đừng “nhìn lại phía sau”

Đừng “nhìn lại phía sau”

“Ai đã tra tay cầm cày mà nhìn lại phía sau thì không thích hợp với Nước Đức Chúa Trời”.—LU 9:62.

BẠN TRẢ LỜI THẾ NÀO?

Tại sao chúng ta nên nhớ lời cảnh báo “hãy nhớ vợ của Lót”?

Chúng ta quyết tâm không nhìn lại ba điều nào?

Làm thế nào chúng ta theo kịp tổ chức của Đức Giê-hô-va?

1. Chúa Giê-su đã đưa ra lời cảnh báo nào? Câu hỏi nào được nêu lên?

“Hãy nhớ vợ của Lót” (Lu 17:32). Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo này cách đây đã gần 2.000 năm. Nhưng ngày nay, những lời này càng quan trọng hơn bao giờ hết. Vậy, ý của Chúa Giê-su là gì khi cảnh báo như thế? Chúa Giê-su không cần giải thích thêm vì những người đang nghe ngài là dân Do Thái. Họ biết rất rõ chuyện gì đã xảy ra cho vợ của Lót. Khi cùng gia đình trốn khỏi thành Sô-đôm, bà không vâng lời Đức Giê-hô-va và nhìn lại phía sau rồi biến thành tượng muối.—Đọc Sáng-thế Ký 19:17, 26.

2. Vợ của Lót nhìn lại phía sau có thể vì lý do nào? Bà phải trả giá thế nào cho hành động bất tuân của mình?

2 Nhưng tại sao vợ của Lót nhìn lại phía sau? Có phải vì tò mò về những gì đang xảy ra? Bà hoài nghi hoặc thiếu đức tin? Hay bà nuối tiếc những của cải đã bỏ lại ở thành Sô-đôm? (Lu 17:31). Dù lý do là gì đi nữa, bà phải trả giá đắt cho hành động bất tuân của mình. Hãy nghĩ điều này: Bà chết cùng ngày với dân xấu xa của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Vậy, không lạ gì khi Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy nhớ vợ của Lót”!

3. Chúa Giê-su nhấn mạnh thế nào về việc chúng ta không nên “nhìn lại phía sau”?

3 Ngày nay cũng thế, việc chúng ta không “nhìn lại phía sau” là điều vô cùng quan trọng. Chúa Giê-su nhấn mạnh điểm này khi trả lời cho một người đàn ông, người đã hỏi liệu ông có thể quay về nhà để tạm biệt gia đình trước khi theo ngài. Chúa Giê-su nói: “Ai đã tra tay cầm cày mà nhìn lại phía sau thì không thích hợp với Nước Đức Chúa Trời” (Lu 9:62). Có phải Chúa Giê-su khắt khe hoặc quá đáng khi trả lời như thế không? Không, vì ngài biết người ấy chỉ lấy cớ để lẩn tránh trách nhiệm. Chúa Giê-su ví sự trì hoãn như thế như là “nhìn lại phía sau”. Một nông dân đang cày ruộng có thể quay đầu lại phía sau hoặc đặt cây cày xuống rồi quay người lại. Cả hai trường hợp đều cho thấy người ấy bị phân tâm, và rất có thể chất lượng công việc sẽ bị ảnh hưởng.

4. Chúng ta phải chú tâm vào đâu?

4 Thay vì nhìn lại quá khứ, chúng ta phải chú tâm vào tương lai. Điều này được nói rõ nơi Châm-ngôn 4:25: “Mắt con hãy ngó ngay trước mặt, và mí mắt con khá xem thẳng trước mặt con”.

5. Chúng ta có lý do nào để không nhìn lại phía sau?

5 Chúng ta có lý do chính đáng để không nhìn lại đằng sau. Lý do là gì? Đó là chúng ta đang sống trong “những ngày sau cùng” (2 Ti 3:1). Chẳng bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ hủy diệt cả thế giới gian ác này, chứ không phải chỉ hai thành gian ác như thời xưa. Để không bị phân tâm như vợ của Lót, trước tiên chúng ta cần nhận ra những điều phía sau (2 Cô 2:11). Vậy, chúng ta hãy xem xét những điều đó là gì và làm thế nào chúng ta có thể tránh chú tâm đến chúng.

“THỜI VÀNG SON”

6. Tại sao có thể nói rằng ký ức của chúng ta đôi khi nhạt nhoà?

6 Một mối nguy hiểm là có cái nhìn méo mó về quá khứ. Ký ức của chúng ta đôi khi nhạt nhoà. Có lẽ chúng ta vô tình “thu nhỏ” các vấn đề trong quá khứ, đồng thời phóng đại những niềm vui, nghĩ là dường như mọi thứ trong quá khứ đều tốt đẹp. Những hồi ức như thế có thể khiến chúng ta mơ ước được trở về “thời vàng son”. Tuy nhiên, Kinh Thánh cảnh báo chúng ta: “Chớ nói rằng: Nhân sao ngày trước tốt hơn ngày bây giờ? Vì hỏi vậy là chẳng khôn” (Truyền 7:10). Tại sao suy nghĩ như thế rất nguy hiểm?

7-9. (a) Điều gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên khi ở Ai Cập? (b) Dân Y-sơ-ra-ên có những lý do nào để vui mừng? (c) Dân Y-sơ-ra-ên bắt đầu cằn nhằn và phàn nàn về điều gì?

7 Hãy xem những gì xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên vào thời Môi-se. Dù lúc đầu dân Y-sơ-ra-ên được xem là khách tại xứ Ai Cập nhưng sau thời Giô-sép, người Ai Cập “đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó-nhọc” (Xuất 1:11). Dân Đức Chúa Trời đương đầu với hiểm họa bị tuyệt diệt khi Pha-ra-ôn toan giết hết con trai sơ sinh của họ (Xuất 1:15, 16, 22). Vì thế, không ngạc nhiên gì khi Đức Giê-hô-va nói với Môi-se: “Ta đã thấy rõ-ràng sự cực-khổ của dân ta tại xứ Ê-díp-tô, và có nghe thấu tiếng kêu-rêu vì cớ người đốc-công của nó; phải, ta biết được nỗi đau-đớn của nó”.—Xuất 3:7.

8 Hẳn dân Y-sơ-ra-ên vui mừng biết bao khi được thoát ách nô lệ! Họ được tận mắt thấy quyền năng vĩ đại của Đức Giê-hô-va khi ngài giáng Mười Tai Vạ trên Pha-ra-ôn ngạo mạn cùng dân sự của hắn. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 6:1, 6, 7). Cuối cùng, người Ai Cập không những để cho dân Y-sơ-ra-ên đi mà còn thúc giục họ ra khỏi xứ, đưa cho dân Y-sơ-ra-ên nhiều vàng bạc đến mức Kinh Thánh nói dân Đức Chúa Trời “lột trần người Ê-díp-tô” (Xuất 12:33-36). Dân Y-sơ-ra-ên càng vui mừng hơn khi chứng kiến Pha-ra-ôn và đội quân của hắn bị nhấn chìm dưới Biển Đỏ (Xuất 14:30, 31). Đáng lẽ những biến cố hào hứng này phải làm vững mạnh đức tin của những người chứng kiến!

9 Vậy mà thật khó tin, chỉ trong một thời gian ngắn sau khi chứng kiến phép lạ ấy, chính những người này đã bắt đầu cằn nhằn và phàn nàn. Về điều gì? Thức ăn! Khi bắt đầu bất mãn với những gì Đức Giê-hô-va cung cấp, họ than phiền: “Chúng tôi nhớ những cá chúng tôi ăn nhưng-không tại xứ Ê-díp-tô, những dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, hành, và tỏi. Bây giờ, linh-hồn chúng tôi bị khô-héo, không có chi hết! Mắt chỉ thấy ma-na mà thôi” (Dân 11:5, 6). Thật vậy, cái nhìn của họ đã méo mó đến nỗi họ còn muốn quay lại xứ mình từng làm nô lệ! (Dân 14:2-4). Dân Y-sơ-ra-ên đã nhìn lại phía sau và đánh mất ân huệ của Đức Giê-hô-va.—Dân 11:10.

10. Chúng ta rút ra bài học nào qua trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên?

10 Chúng ta rút ra bài học nào? Khi đương đầu với khó khăn và thử thách, chúng ta không nên chú tâm vào những điều có vẻ tốt đẹp trong quá khứ, có lẽ trước khi biết Kinh Thánh. Dù không có gì sai khi ngẫm nghĩ lại những bài học rút ra từ quá khứ hoặc hồi tưởng lại những kỷ niệm đáng nhớ, nhưng chúng ta cũng cần giữ quan điểm thăng bằng, thực tế về quá khứ. Nếu không, chúng ta có thể càng bất mãn với hoàn cảnh hiện tại của mình và mong ước quay lại đời sống trước kia.—Đọc 2 Phi-e-rơ 2:20-22.

NHỮNG GÌ ĐÃ TỪ BỎ

11. Một số người cảm thấy thế nào về những điều mình đã từ bỏ?

11 Đáng buồn thay, một số người bắt đầu nuối tiếc về những điều trước đây mình sẵn sàng từ bỏ. Có lẽ bạn từng có cơ hội học lên cao, có địa vị hoặc có sự an ổn về tài chính nhưng bạn quyết định không theo đuổi những mục tiêu này. Nhiều anh chị đã bỏ lại phía sau các vị trí tốt trong ngành kinh doanh, giải trí, giáo dục hoặc thể thao. Thời gian qua đi nhưng ngày cuối cùng của thế gian này vẫn chưa đến. Bạn có bao giờ nghĩ: “Giá mà mình theo đuổi những điều đó thì cuộc đời mình sẽ tốt đẹp hơn”?

12. Phao-lô cảm thấy thế nào về những điều mình đã từ bỏ?

12 Sứ đồ Phao-lô từ bỏ nhiều điều để trở thành môn đồ Chúa Giê-su (Phi-líp 3:4-6). Phao-lô cảm thấy thế nào về những điều mình bỏ lại phía sau? Ông nói: “Nay tôi xem những điều từng làm lợi cho mình như đã mất vì cớ Đấng Ki-tô”. Tại sao? Ông nói tiếp: “Thật vậy, tôi cũng xem mọi thứ như bị mất vì cớ giá trị cao quý của sự hiểu biết về Đấng Ki-tô Giê-su, là Chúa tôi. Vì cớ ngài mà tôi chấp nhận mất mọi thứ, xem chúng như rác rưởi, hầu có Đấng Ki-tô” (Phi-líp 3:7, 8) *. Một người vứt bỏ rác thì không còn luyến tiếc nữa. Cũng vậy, Phao-lô không tiếc nuối bất cứ điều gì ông đã từ bỏ, ông xem chúng không còn giá trị.

13, 14. Làm thế nào chúng ta có thể noi gương của Phao-lô?

13 Nếu thấy mình bắt đầu nuối tiếc những điều đã từ bỏ thì chúng ta cần làm gì? Hãy theo gương của Phao-lô. Như thế nào? Hãy xem giá trị của những điều mình đang có. Chúng ta được hưởng mối quan hệ quý báu với Đức Giê-hô-va và đã tạo danh tiếng tốt với ngài (Hê 6:10). Những lợi ích vật chất của thế gian này có thể nào sánh bằng những ân phước về thiêng liêng mà chúng ta đang và sẽ có trong tương lai?—Đọc Mác 10:28-30.

14 Kế tiếp, Phao-lô đề cập đến điều sẽ giúp chúng ta tiếp tục trung thành. Ông nói rằng ông “quên đi những điều đằng sau và vươn tới những điều phía trước” (Phi-líp 3:13). Hãy lưu ý là Phao-lô đã nêu bật hai bước, cả hai đều cần thiết. Trước tiên, chúng ta phải quên đi những điều ở phía sau, không lãng phí công sức và thời gian để chú ý đến chúng. Thứ hai, như vận động viên điền kinh sắp về đích, chúng ta cần phải cố vươn tới, chú tâm vào những điều phía trước.

15. Chúng ta được lợi ích nào khi suy ngẫm về những gương trung thành của tôi tớ Đức Chúa Trời?

15 Khi suy ngẫm về những gương trung thành của các tôi tớ Đức Chúa Trời, thời xưa cũng như ngày nay, chúng ta càng có thêm động lực để tiếp tục tiến về phía trước thay vì nhìn lại phía sau. Chẳng hạn, nếu Áp-ra-ham và Sa-ra luyến tiếc xứ U-rơ, “hẳn họ đã có cơ hội trở về” (Hê 11:13-15). Nhưng họ đã không trở về. Lần đầu tiên Môi-se rời khỏi Ai Cập, ông đã bỏ lại phía sau nhiều hơn những gì mà bất cứ người Y-sơ-ra-ên nào bỏ lại sau này. Tuy nhiên, Kinh Thánh không nói ông luyến tiếc những điều mình từ bỏ. Thay vì thế, Kinh Thánh cho biết rằng “ông xem sự sỉ nhục mà ông chịu với tư cách người được bổ nhiệm là điều quý giá hơn những châu báu của xứ Ai Cập; bởi ông tha thiết trông mong nhận được phần thưởng”.—Hê 11:26.

NHỮNG TRẢI NGHIỆM ĐAU LÒNG

16. Những trải nghiệm trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

16 Tuy nhiên, không phải mọi trải nghiệm trong quá khứ đều có vẻ tốt đẹp. Có lẽ chúng ta bị dằn vặt bởi những tội lỗi và sai lầm trước đây (Thi 51:3). Có thể chúng ta vẫn còn bực bội về một lời khuyên thẳng thắn mình đã nhận (Hê 12:11). Những bất công, thật sự mình đã gặp hay chỉ là cảm tính, có thể lấn át lối suy nghĩ của chúng ta (Thi 55:2). Làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục hướng về phía trước bất chấp những trải nghiệm đau lòng? Hãy xem ba trường hợp.

17. (a) Tại sao Phao-lô xem mình là “người nhỏ nhất trong các người thánh”? (b) Điều gì đã giúp Phao-lô không để những suy nghĩ tiêu cực lấn át mình?

17 Sai lầm trong quá khứ. Sứ đồ Phao-lô xem mình là “người nhỏ nhất trong các người thánh” (Ê-phê 3:8). Tại sao ông cảm thấy như thế? Ông cho biết: “Vì [tôi] đã bắt bớ hội thánh của Đức Chúa Trời” (1 Cô 15:9). Chắc Phao-lô đã cảm thấy có lỗi mỗi khi giáp mặt với những người ông từng bắt bớ trước đây. Tuy nhiên, thay vì để cho những suy nghĩ tiêu cực lấn át, Phao-lô đã chú tâm vào lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va đối với ông (1 Ti 1:12-16). Lòng biết ơn đã thúc đẩy ông tập trung vào thánh chức. Hành động tội lỗi trước kia của Phao-lô là một trong những điều mà ông quyết tâm quên đi. Tương tự thế, nếu chú tâm vào lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đối với mình, chúng ta sẽ không bị kiệt sức vì cứ ám ảnh những chuyện thuộc về dĩ vãng, không thể thay đổi được. Như thế, chúng ta có thể dùng sức lực cho công việc trước mắt.

18. (a) Điều gì xảy ra nếu chúng ta cứ ấm ức về một lời khuyên mình đã nhận trước đây? (b) Làm thế nào chúng ta có thể làm theo lời của Sa-lô-môn về việc chấp nhận lời khuyên?

18 Lời khuyên thẳng thắn. Nói sao nếu chúng ta cứ ấm ức về một lời khuyên mình đã nhận trước đây? Điều này không chỉ làm chúng ta bị tổn thương mà còn có thể làm chúng ta suy sụp tinh thần (Hê 12:5). Một số người “xem thường”, tức là không chấp nhận, lời khuyên. Số khác thì chấp nhận nó nhưng lại đâm ra “nản lòng” và bỏ cuộc. Cả hai trường hợp đều dẫn đến một hậu quả, đó là họ mất cơ hội được giúp đỡ và rèn luyện thông qua lời khuyên ấy. Thật tốt hơn biết bao khi làm theo những lời của Sa-lô-môn: “Hãy nắm chắc điều khuyên-dạy, chớ buông ra; khá gìn-giữ nó, vì là sự sống của con” (Châm 4:13). Như người lái xe tuân theo sự hướng dẫn của biển chỉ đường, chúng ta hãy chấp nhận lời khuyên, áp dụng và đi tiếp.—Châm 4:26, 27; đọc Hê-bơ-rơ 12:12, 13.

19. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo đức tin của Ha-ba-cúc và Giê-rê-mi?

19 Sự bất công—có thật hoặc chỉ do cảm tính. Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy như nhà tiên tri Ha-ba-cúc. Không hiểu tại sao Đức Giê-hô-va để cho sự bất công xảy ra, ông kêu cầu ngài thi hành công lý (Ha 1:2, 3). Tuy nhiên, ông vẫn nói: “Dầu vậy, tôi sẽ vui-mừng trong Đức Giê-hô-va, tôi sẽ hớn-hở trong Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi tôi” (Ha 3:18). Đức tin của ông rất đáng cho chúng ta noi theo. Một gương mẫu khác về đức tin là Giê-rê-mi, người luôn “trông-mong” Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể noi gương ông khi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời công chính, sẽ điều chỉnh mọi vấn đề vào đúng thời điểm.—Ca 3:19-24.

20. Làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình đang lắng nghe lời cảnh báo “hãy nhớ vợ của Lót”?

20 Chúng ta đang sống trong thời kỳ hào hứng. Nhiều điều tuyệt diệu đang và sắp xảy ra. Mong sao mỗi người chúng ta theo kịp tổ chức của Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy làm theo lời khuyên của Kinh Thánh là hướng về phía trước và không nhìn lại phía sau. Làm thế, chúng ta chứng tỏ mình đang lắng nghe lời cảnh báo “hãy nhớ vợ của Lót”!

[Chú thích]

^ đ. 12 Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “rác rưởi” cũng có nghĩa là “phân” hoặc đồ “ném cho chó”. Theo một học giả Kinh Thánh, Phao-lô dùng từ này để ám chỉ “hành động dứt khoát từ bỏ một điều gì đó vô giá trị và đáng kinh tởm, không muốn dính líu một chút nào đến nó nữa”.

[Câu hỏi thảo luận]