Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Nơi Ê-xê-chi-ên 18:20 cho biết “con sẽ không mang sự gian-ác của cha”, còn Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5 nói rằng Đức Giê-hô-va “nhân tội tổ-phụ phạt lại con cháu”. Hai câu này có mâu thuẫn không?

Không. Một câu tập trung vào trách nhiệm của mỗi cá nhân, còn câu kia thừa nhận thực tế là tội lỗi một người có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến con cháu.

Theo văn cảnh chương 18 của sách Ê-xê-chi-ên, trách nhiệm cá nhân là điểm được nhấn mạnh. Câu 4 nói: “Linh-hồn nào phạm tội thì sẽ chết”. Còn người “công-bình, làm theo luật-pháp và hiệp với lẽ thật” thì sao? Người ‘chắc thật sẽ sống’ (Ê-xê 18:5, 9). Vậy, đến tuổi gánh trách nhiệm, mỗi người sẽ chịu xét xử ‘theo việc làm của mình’.—Ê-xê 18:30.

Nguyên tắc này được thấy rõ qua trường hợp của một người Lê-vi tên là Cô-rê. Trong thời gian dân Y-sơ-ra-ên đi trong đồng vắng, Cô-rê không hài lòng với đặc ân phụng sự của mình. Muốn có quyền thực hiện nhiệm vụ của thầy tế lễ, Cô-rê và một số người đã chống lại những người đại diện cho Đức Giê-hô-va là Môi-se và A-rôn. Vì tham muốn chức vụ này, một đặc ân mà họ không có quyền hưởng, Cô-rê và những kẻ phản nghịch bị Đức Giê-hô-va hủy diệt (Dân 16:8-11, 31-33). Tuy nhiên, các con trai của Cô-rê đã không tham gia vào cuộc phản nghịch. Đức Chúa Trời không bắt họ chịu trách nhiệm về tội lỗi của cha mình. Nhờ trung thành với Đức Giê-hô-va, họ giữ được mạng sống.—Dân 26:10, 11.

Còn lời cảnh báo nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5, một phần trong Mười Điều Răn thì sao? Một lần nữa, chúng ta hãy xem lại văn cảnh. Đức Giê-hô-va đã thiết lập giao ước Luật pháp với dân Y-sơ-ra-ên. Sau khi nghe các điều kiện của giao ước, dân Y-sơ-ra-ên tuyên bố: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất 19:5-8). Dân tộc đó bắt đầu có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va. Vì vậy về cơ bản, lời ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5 là nói cho toàn thể dân Y-sơ-ra-ên.

Khi dân Y-sơ-ra-ên trung thành với Đức Giê-hô-va, cả dân tộc nhận được lợi ích và nhiều ân phước (Lê 26:3-8). Ngược lại, khi họ lìa bỏ Đức Giê-hô-va và quay sang thờ thần giả, Ngài không còn ban phước và bảo vệ họ nữa. Cả dân tộc phải gánh chịu tai họa (Quan 2:11-18). Sự thật là có một số người vẫn trung kiên và giữ các mạng lệnh của Đức Chúa Trời dù dân sự thờ hình tượng (1 Vua 19:14, 18). Những người trung thành ấy có thể chịu nhiều gian khổ vì tội lỗi của dân sự, nhưng Đức Giê-hô-va đã thể hiện lòng yêu thương nhân từ với họ.

Khi dân Y-sơ-ra-ên trắng trợn vi phạm các nguyên tắc của Đức Giê-hô-va đến độ danh Ngài bị nhạo báng giữa các dân khác, Đức Chúa Trời quyết định trừng phạt dân Ngài bằng cách để họ bị bắt đi làm phu tù ở Ba-by-lôn. Dĩ nhiên, đây là hình phạt cho một số người cũng như cho cả dân sự (Giê 52:3-11, 27). Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy tội lỗi của dân Y-sơ-ra-ên nghiêm trọng đến mức ba, bốn thế hệ (hoặc có thể nhiều hơn) đã bị ảnh hưởng bởi việc làm sai trái của tổ phụ, đúng như Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5 nói.

Lời Đức Chúa Trời cũng tường thuật về những gia đình bị ảnh hưởng bởi hành động sai trái của cha mẹ. Chẳng hạn, thầy tế lễ thượng phẩm Hê-li đã làm buồn lòng Đức Giê-hô-va vì ông để cho những đứa con “gian-tà”, vô luân tiếp tục làm thầy tế lễ (1 Sa 2:12-16, 22-25). Vì Hê-li xem trọng các con của mình hơn Đức Giê-hô-va, Ngài tuyên bố gia đình Hê-li sẽ không được giữ chức thầy tế lễ thượng phẩm nữa. Điều này đã xảy ra, bắt đầu từ A-bia-tha, cháu đời thứ năm của Hê-li (1 Sa 2:29-36; 1 Vua 2:27). Trường hợp của Ghê-ha-xi cũng cho thấy rõ nguyên tắc nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 20:5. Là tôi tớ của Ê-li-sê, Ghê-ha-xi đã lợi dụng địa vị mình để được lợi vật chất từ việc chữa lành bệnh cho quan tổng binh người Sy-ri là Na-a-man. Qua Ê-li-sê, Đức Giê-hô-va tuyên bố hình phạt: “Bịnh phung của Na-a-man sẽ dính vào ngươi và dòng-dõi ngươi đời đời” (2 Vua 5:20-27). Vì thế, hậu quả hành động sai trái của Ghê-ha-xi đã ảnh hưởng đến con cháu ông.

Là Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống, Đức Giê-hô-va tuyệt đối có quyền quyết định hình phạt nào là công bằng và thích đáng. Những trường hợp kể trên cho thấy con cháu có thể cảm nhận được hậu quả tội lỗi của ông bà. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va “nghe tiếng kêu-la của kẻ bị gian-truân”, và những ai thành khẩn đến với Ngài có thể được ban ân huệ, thậm chí được giảm bớt phần nào sự đau khổ.—Gióp 34:28.

[Lời chú thích nơi trang 29]

Cô-rê và những kẻ phản nghịch phải chịu trách nhiệm về hành động của mình