Buổi thờ phượng của gia đình—Điều trọng yếu để sống sót!
Buổi thờ phượng của gia đình—Điều trọng yếu để sống sót!
Hãy tưởng tượng “chiến-tranh trong ngày lớn của Đức Chúa Trời toàn-năng” sẽ khủng khiếp đến mức nào! (Khải 16:14). Nhà tiên tri Mi-chê đã dùng những hình ảnh sống động để miêu tả điều này: “Các núi sẽ tan-chảy... các trũng sẽ chia-xé; như sáp ở trước lửa, như nước chảy xuống dốc” (Mi 1:4). Khi ấy, những người không phụng sự Đức Giê-hô-va sẽ gặp thảm họa nào? Lời Đức Chúa Trời cho biết: “Thây của những kẻ mà Đức Giê-hô-va đã giết trong ngày đó, sẽ đầy trên đất từ đầu nầy đến đầu kia”.—Giê 25:33.
Trước lời cảnh báo đó, những người chủ gia đình (kể cả các bậc cha mẹ đơn chiếc) có con đủ lớn để biết lý luận thì nên tự hỏi: “Liệu các con tôi sẽ sống sót qua biến cố kinh khiếp ấy không?”. Kinh Thánh đảm bảo rằng khi ngày Đức Giê-hô-va đến, điều đó có thể được nếu các con bạn tỉnh thức và vững mạnh về thiêng liêng tùy theo lứa tuổi của chúng.—Mat 24:21.
Tầm quan trọng của việc dành thời gian
cho Buổi thờ phượng gia đình
Là cha mẹ, hãy chắc chắn rằng bạn làm hết sức mình để nuôi dạy con cái theo “sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa” (Ê-phê 6:4). Học Kinh Thánh với con là điều quan trọng hàng đầu. Chúng ta mong muốn con mình sẽ giống như tín đồ Đấng Christ ở thành Phi-líp, những người sẵn lòng vâng lời Đức Giê-hô-va. Phao-lô đã viết cho họ: “Hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”.—Phi-líp 2:12.
Con của bạn có vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va khi bạn vắng mặt không? Khi chúng ở trường thì sao? Làm thế nào bạn có thể giúp con mình tin chắc luật pháp Đức Giê-hô-va là khôn ngoan để chúng làm theo sự hướng dẫn của luật pháp ấy?
Buổi thờ phượng của gia đình có thể đóng vai trò then chốt giúp vun trồng đức tin của con bạn trong lĩnh vực này. Vì thế, chúng ta hãy thảo luận ba yếu tố quan trọng để có một buổi học gia đình thành công.
Học đều đặn
Trong tiếng nguyên thủy, cụm từ “một ngày kia” nơi Gióp 1:6 thật ra cho thấy rằng các con thần linh của Đức Chúa Trời được mời đến nhóm lại vào thời điểm nhất định. Hãy làm như vậy với con của bạn. Ấn định ngày và giờ nhất định cho Buổi thờ phượng của gia đình, và giữ theo đúng giờ giấc đó. Đề phòng có tình huống bất ngờ xảy ra khiến gia đình không học được, bạn hãy ấn định một khoảng thời gian cụ thể khác để thay thế.
Qua thời gian, đừng để gia đình có thói quen lúc học lúc không. Hãy nhớ rằng con cái là những học viên Kinh Thánh quan trọng nhất của bạn. Nhưng Sa-tan muốn các con bạn trở thành con mồi của hắn (1 Phi 5:8). Buổi tối dành cho việc thờ phượng của gia đình là khoảng thời gian quý giá. Nếu bạn bỏ buổi tối này để xem truyền hình hoặc tham gia vào những hoạt động khác, Sa-tan sẽ chiến thắng.—Ê-phê 5:15, 16; 6:12; Phi-líp 1:10.
Dùng tài liệu thực tế
Buổi thờ phượng của gia đình không chỉ là buổi học lý thuyết suông. Bạn hãy cố gắng tìm những điểm áp dụng thực tế. Bằng cách nào? Thỉnh thoảng hãy chọn đề tài liên quan đến những điều mà con cái sẽ gặp phải trong những tuần sắp đến. Chẳng hạn, gia đình bạn có thể thực tập cách trình bày tin mừng. Các con thường thích thú làm những điều mà chúng có thể làm tốt. Nhờ tập dượt cách trình bày và suy nghĩ cách đối phó với sự chống đối, các con bạn sẽ tự tin hơn khi tham gia vào các khía cạnh khác nhau của công việc rao giảng.—2 Ti 2:15.
Trong buổi thảo luận, bạn cũng có thể cùng con thực tập cách đối phó với áp lực của bạn bè. Hãy cố gắng tạo điều kiện để con nghĩ ra cách phản ứng mà theo con là tốt. Có thể hỏi con là chúng thường gặp thử thách nào, ở đâu, điều gì xảy ra nếu chúng nhượng bộ hoặc kháng cự. Tại sao không thử tập dượt về cách con phản ứng trước những thử thách ấy?
Buổi thờ phượng của gia đình là cơ hội để cha mẹ nhấn mạnh với con lợi ích của việc đặt mục tiêu thiêng liêng. Những bài tự truyện của các anh chị trung thành trong tạp chí của chúng ta là gương mẫu tuyệt vời giúp các con nhận ra rằng đặt trọng tâm đời sống vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va là đường lối tốt nhất. Hãy vun trồng trong lòng con cái ước muốn làm tiên phong, phụng sự tại nhà Bê-tên, tham gia Trường huấn luyện thánh chức hoặc theo đuổi những hình thức khác của thánh chức trọn thời gian.
Tuy nhiên, xin lưu ý là một số bậc cha mẹ có ý tốt nhưng có thể đòi hỏi quá nhiều nơi con của mình đến nỗi không khen con về kết quả tốt mà con đạt được. Dĩ nhiên, khuyến khích con đặt những mục tiêu như phụng sự tại Bê-tên, làm giáo sĩ là điều tốt. Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận, không quá kỳ vọng nơi con đến độ làm chúng cảm thấy khó chịu hoặc nản lòng (Cô 3:21). Hãy luôn nhớ rằng chính con của bạn sẽ quyết định yêu mến Đức Giê-hô-va—chứ bạn không thể ép chúng (Mat 22:37). Vì thế, hãy tìm cách để khen những việc làm tốt của con, và tránh khuynh hướng tập trung vào những điều chúng chưa làm được. Hãy giúp chúng quý trọng những điều Đức Giê-hô-va đã làm, và để con trẻ đáp lại sự tốt lành của Ngài.
Tạo bầu không khí vui vẻ
Một yếu tố khác để Buổi thờ phượng gia đình được thành công là tạo bầu không khí vui vẻ. Bằng cách nào? Thỉnh thoảng gia đình bạn có thể cùng nghe lại những vở kịch thu âm hoặc xem và thảo luận các video do Nhân Chứng Giê-hô-va sản xuất. Ngoài ra, gia đình có thể cùng nhau đọc một truyện trong Kinh Thánh, và chỉ định mỗi người đóng một vai.
Những mục trong các tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! cung cấp tài liệu để gia đình có thể dùng cho việc thảo luận. Chẳng hạn, bạn có thể sử dụng mục nơi trang 31 của
Tỉnh Thức! có tựa đề “Thử tài của bạn”. Mỗi ấn bản công cộng của Tháp Canh có mục “Dành cho bạn trẻ” hoặc “Cùng đọc với con” dành cho các em nhỏ.Đặc biệt trong mục “Giới trẻ thắc mắc” của Tỉnh Thức! thường đăng các bài hữu ích cho cha mẹ có con ở tuổi thanh thiếu niên. Đừng quên khung “Vài điều để suy nghĩ”. Bạn có thể dùng những câu hỏi trong khung này để thảo luận thêm với các con.
Tuy nhiên, bạn nên cẩn thận đừng biến buổi học gia đình thành buổi thẩm vấn. Chẳng hạn, cha mẹ được đề nghị là khuyến khích con có quyển sổ tay riêng để ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc về điều được thảo luận trong gia đình, cũng như cách chúng có thể áp dụng. Tuy nhiên, đừng bắt buộc con phải đọc lớn tiếng những điều chúng viết. Nếu không, các con sẽ cảm thấy không thoải mái để viết ra suy nghĩ và cảm xúc của mình. Hãy để con có một chút gì riêng tư. Dần dần, con cái có thể dễ dàng tâm sự với bạn những điều chúng viết.
Nếu duy trì buổi học gia đình đều đặn, với những điểm áp dụng thực tế và bầu không khí vui vẻ, Đức Giê-hô-va sẽ ban ân phước dồi dào vì nỗ lực của bạn. Khoảng thời gian đặc biệt này sẽ góp phần giúp cho con cái bạn tiếp tục tỉnh thức và vững mạnh về thiêng liêng.
[Khung nơi trang 31]
Hãy sáng tạo!
“Khi học Kinh Thánh với các con, có lần vợ chồng tôi thảo luận về tài liệu cho buổi nhóm họp. Sau đó, chúng tôi nhờ các con vẽ một hình tóm tắt bài học. Đôi khi chúng tôi diễn lại những cảnh trong Kinh Thánh hoặc thực tập những lời trình bày có thể áp dụng trong thánh chức. Chúng tôi cố gắng duy trì buổi học phù hợp với độ tuổi của các con, cũng như tạo bầu không khí thích thú, tích cực và vui vẻ”.—J.M., Hoa Kỳ.
“Để giúp cho con trai của học viên Kinh Thánh biết cách sử dụng cuộn sách vào thời xưa, chúng tôi in ra sách Ê-sai, xóa số chương và câu, rồi nối các trang lại thành một tờ giấy dài. Sau đó, đính hai cái ống vào hai đầu tờ giấy. Rồi em ấy cố gắng làm giống như Chúa Giê-su trong nhà hội. Lời tường thuật nơi Lu-ca 4:16-21 (Bản Dịch Mới) cho biết rằng Chúa Giê-su mở sách Ê-sai và tìm thấy chỗ có chép đoạn văn mà ngài muốn tìm (Ê-sai 61:1, 2). Nhưng khi em cố gắng làm vậy, thì thấy rất khó để tìm ra Ê-sai chương 61 trong cuộn giấy dài mà không có số chương và câu. Em ấy rất thán phục Chúa Giê-su và thốt lên: “Chúa Giê-su hay quá!””—Y.T., Nhật Bản.
[Hình nơi trang 30]
Phần thực tập sẽ giúp con đối phó với áp lực của bạn bè
[Hình nơi trang 31]
Cố gắng tạo bầu không khí vui vẻ cho Buổi thờ phượng của gia đình