Niềm tin—Tự chọn hay theo cha mẹ?
Niềm tin—Tự chọn hay theo cha mẹ?
Nhiều người ở Ba Lan nói với Nhân Chứng Giê-hô-va: “Tôi theo đạo của ông bà để lại, sống hay chết tôi vẫn giữ”. Những người này quan niệm rằng niềm tin tôn giáo được truyền từ đời này sang đời khác. Quan niệm ấy có phổ biến trong vùng bạn sống không? Khi người ta nghĩ như thế sẽ dẫn đến xu hướng nào? Đó là sự thờ phượng trở nên chiếu lệ và chỉ theo truyền thống của gia đình. Liệu điều này có thể xảy ra với các em Nhân Chứng Giê-hô-va đã nhận di sản thiêng liêng tuyệt vời do cha mẹ hay ông bà để lại?
Điều này đã không xảy ra với Ti-mô-thê. Bà và mẹ tin kính dạy dỗ, giúp ông tin cũng như yêu mến Đức Chúa Trời. Ti-mô-thê biết Kinh Thánh ‘từ khi còn thơ-ấu’. Rồi cũng như bà và mẹ, đến lúc, Ti-mô-thê tin chắc đạo Đấng Christ là đạo thật. Ông “đã đem lòng tin chắc” những gì Kinh Thánh dạy về Chúa Giê-su (2 Ti 1:5; 3:14, 15). Ngày nay cũng thế, cha mẹ nỗ lực hết sức hầu giúp con cái trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng bản thân các em cần vun đắp ước muốn phụng sự Ngài.—Mác 8:34.
Hầu có thể phụng sự Đức Giê-hô-va bằng tình yêu thương cũng như giữ lòng trung kiên trong thử thách, mỗi người cần xây dựng niềm tin dựa trên lập luận vững chắc. Khi ấy, đức tin của người đó mới đâm rễ sâu và bền vững.—Cô 2:6, 7.
Trách nhiệm của người trẻ
Anh Bình *, lớn lên trong một gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va, nói: “Tôi tin Nhân Chứng Giê-hô-va là đạo thật, nhưng tôi khó chấp nhận những dạy dỗ của họ về cách nên sống như thế nào”. Là một người trẻ, có lẽ bạn cũng có suy nghĩ đó. Vậy sao bạn không thử tìm hiểu cách sống mà Đức Chúa Trời hướng dẫn, và tìm thấy niềm vui trong việc làm theo ý muốn Ngài? (Thi 40:8). Anh Bình cho biết: “Tôi bắt đầu làm từ việc đơn giản là cầu nguyện. Lúc đầu, tôi thấy rất khó nên phải ép mình làm điều đó. Nhưng không lâu sau, tôi cảm nhận mình có thể trở nên quý giá trước mắt Đức Chúa Trời nếu cố gắng làm điều đúng. Cảm nghĩ đó giúp tôi có nghị lực để thực hiện những thay đổi cần thiết”. Vậy, càng xây dựng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va, bạn sẽ càng mong muốn làm theo những đòi hỏi của Ngài.—Thi 25:14; Gia 4:8.
Hãy nghĩ đến một trò giải trí hay môn thể thao bạn yêu thích. Nếu không hiểu luật hoặc chơi không giỏi thì bạn sẽ nhanh chán. Trái lại, nếu nắm rõ luật và luyện tập để chơi giỏi, hẳn bạn sẽ thích chơi trò giải trí hay môn thể thao đó và tìm cơ hội chơi. Đối với các sinh hoạt của tín đồ Đấng Christ cũng vậy. Bạn hãy tự giác chuẩn bị cho các buổi nhóm họp và tích cực tham gia. Dù còn trẻ, bạn có thể khích lệ người khác qua gương mẫu của mình.—Hê 10:24, 25.
Về việc chia sẻ niềm tin của bạn cho người khác cũng thế. Bạn nên làm vì tình yêu thương chứ không vì ép buộc. Hãy tự hỏi: “Tại sao tôi muốn nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va? Tôi yêu mến Ngài vì những lý do nào?”. Bạn cần xem Đức Giê-hô-va như là người Cha yêu thương. Ngài phán qua Giê-rê-mi: “Các ngươi sẽ tìm ta, và gặp được khi các ngươi tìm-kiếm ta hết lòng” (Giê 29:13, 14). Điều này đòi hỏi gì? Anh Jakub nói: “Tôi phải thay đổi cách suy nghĩ của mình. Từ thuở nhỏ, tôi dự các buổi nhóm họp và tham gia thánh chức, nhưng dần dần tôi làm những việc đó một cách máy móc. Cho đến khi tôi biết nhiều hơn về Đức Giê-hô-va và vun trồng mối quan hệ mật thiết với Ngài, tôi mới thật sự tích cực trong lẽ thật”.
Chắc chắn, việc kết hợp với các anh chị có tinh thần sốt sắng cũng sẽ giúp bạn yêu thích thánh chức. Câu Châm-ngôn được soi dẫn nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan” (Châm 13:20). Vì thế, hãy kết bạn với những người theo đuổi mục tiêu thiêng liêng và vui mừng trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Chị Giang nói: “Tôi được khích lệ khi kết hợp với những người trẻ chú tâm đến việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Tôi cũng bắt đầu vui thích tham gia thánh chức cách đều đặn”.
Trách nhiệm của cha mẹ
Chị Giang nói thêm: “Tôi rất biết ơn cha mẹ đã dạy dỗ tôi về Đức Giê-hô-va”. Thật vậy, cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến lựa chọn của con cái. Vì thế, sứ đồ Phao-lô viết: “Hỡi các người làm cha... hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]” (Ê-phê 6:4). Lời khuyên được soi dẫn này rõ ràng cho thấy trách nhiệm của cha mẹ là dạy con cái đường lối Đức Giê-hô-va, chứ không phải đường lối riêng. Thay vì cố đặt vào trí con mong muốn của mình, tốt nhất cha mẹ nên giúp để tự bản thân con đặt mục tiêu sống theo ý Đức Giê-hô-va.
Cha mẹ có thể ân cần dạy dỗ con về các lời Đức Giê-hô-va và ‘nói đến, hoặc khi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm, hay là khi chỗi dậy’ (Phục 6:6, 7). Anh Ryszard và chị Ewa, cha mẹ của ba con trai, kể lại: “Chúng tôi thường nói chuyện với các con về những hình thức phụng sự trọn thời gian”. Kết quả là gì? Anh chị nói thêm: “Các cháu tự xin tham gia Trường Thánh Chức khi còn trẻ, trở thành người công bố rồi tự quyết định làm báp-têm. Sau này, các cháu phụng sự tại nhà Bê-tên hoặc làm tiên phong”.
Điều quan trọng là cha mẹ phải nêu gương tốt. Anh Ryszard nói: “Chúng tôi cương quyết sống chân thật, cách cư xử ở nhà và tại hội thánh không trái ngược nhau”. Vì thế, hãy tự hỏi: “Cách sống của tôi cho con cái thấy điều gì? Con cái có thấy tôi thật sự yêu mến Đức Giê-hô-va không? Con cái có nhận thấy tình yêu đó qua cách tôi cầu nguyện và học hỏi cá nhân? qua thái độ đối với thánh chức, giải trí và vật chất? qua lời nói của tôi về các anh chị trong hội thánh?” (Lu 6:40). Con cái nhìn vào lối sống hằng ngày của bạn và dễ nhận ra sự mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm.
Sự sửa phạt góp phần quan trọng trong việc nuôi nấng con cái. Tuy nhiên, Lời Đức Chúa Trời khuyên chúng ta hãy “dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo” (Châm 22:6). Anh Ryszard và chị Ewa nói: “Chúng tôi dành thời gian để dạy Kinh Thánh riêng cho mỗi cháu”. Dĩ nhiên, việc dạy riêng hay chung tùy thuộc quyết định của cha mẹ. Dù quyết định như thế nào, mỗi đứa con cũng cần được quan tâm riêng. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải linh động và suy xét. Chẳng hạn, thay vì chỉ nói với con rằng một loại nhạc nào đó có hại, bạn nên hướng dẫn con cách chọn lựa khôn ngoan và nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể áp dụng.
Bề ngoài, con cái có thể làm bạn hài lòng vì biết rõ những gì bạn mong đợi nơi chúng. Cho nên, bạn cần động đến lòng con. Hãy nhớ: “Mưu-kế trong lòng người ta như nước sâu; người thông-sáng sẽ múc lấy tại đó” (Châm 20:5). Hãy sáng suốt, nhạy bén nhận ra bất cứ dấu hiệu cho thấy có vấn đề tiềm ẩn trong lòng con, và tìm cách giải quyết ngay. Đừng trách cứ con mà hãy cho thấy bạn quan tâm. Hãy tế nhị hỏi chuyện, nhưng cẩn thận tránh tra hỏi quá nhiều. Sự quan tâm đầy yêu thương của bạn sẽ động đến lòng con và tạo điều kiện để bạn giúp chúng.
Vai trò của hội thánh
Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, bạn có thể giúp những người trẻ trong hội thánh quý trọng di sản thiêng liêng mà các em đã nhận không? Dù cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con nhưng các thành viên khác trong hội thánh, đặc biệt là trưởng lão, có vai trò hỗ trợ. Điều này đặc biệt quan trọng với những gia đình có cha hay mẹ không phải là Nhân Chứng.
Các trưởng lão có thể làm gì để giúp người trẻ yêu mến Đức Giê-hô-va cũng như cảm thấy được quý trọng và có ích? Anh Mariusz, giám thị trong một hội thánh ở Ba Lan, nói: “Các trưởng lão nên trò chuyện, trò chuyện và tiếp tục trò chuyện với những người trẻ. Nên làm như vậy không chỉ khi có vấn đề mà còn vào những dịp khác như trong thánh chức, sau các buổi nhóm họp và lúc thư giãn”. Sao không hỏi người trẻ cảm thấy thế nào về hội thánh? Trò chuyện cởi mở như vậy sẽ giúp các em gần gũi với hội thánh, và cảm thấy mình là một phần của hội thánh.
Nếu là trưởng lão, bạn có đang cố gắng làm quen với những người trẻ trong hội thánh không? Anh Bình, người được đề cập ở đầu bài hiện nay là trưởng lão, đã trải qua nhiều thử thách khi ở tuổi vị thành niên. Anh nói: “Khi là thanh niên, tôi cần những cuộc viếng thăm chiên”. Trưởng lão cũng bày tỏ lòng quan tâm đối với người trẻ bằng cách cầu nguyện cho họ tiếp tục vững mạnh trong đức tin.—2 Ti 1:3.
Những người trẻ cần tham gia tích cực vào hoạt động của hội thánh để tránh bị lôi cuốn theo mục tiêu thế gian. Dù lớn tuổi hơn, bạn có thể cùng đi rao giảng và làm bạn với họ không? Hãy dành thời gian giải trí với người trẻ để tạo sự tin cậy và bầu không khí thân thiện. Chị Giang nhớ lại: “Tôi được một chị tiên phong đặc biệt quan tâm. Vì thế, cùng đi rao giảng với chị ấy là lần đầu tiên tôi đi một cách tự nguyện”.
Sự chọn lựa của bản thân
Các bạn trẻ hãy tự hỏi: “Mục tiêu của tôi là gì? Nếu chưa làm báp-têm, tôi có đặt mục tiêu đó không?”. Quyết định làm báp-têm nên xuất phát từ lòng yêu thương chân thật với Đức Giê-hô-va, chứ không do truyền thống gia đình ràng buộc.
Mong sao Đức Giê-hô-va trở thành người bạn thật sự của bạn, và lẽ thật trở nên gia sản quý báu đối với bạn. Qua nhà tiên tri Ê-sai, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta là Đức Chúa Trời ngươi!”. Đức Giê-hô-va sẽ mãi ở bên cạnh nếu bạn luôn là bạn của Ngài. Thật vậy, Ngài sẽ tiếp sức và ‘lấy tay hữu công-bình mà nâng-đỡ bạn’.—Ê-sai 41:10.
[Chú thích]
^ đ. 6 Một số tên đã đổi.
[Hình nơi trang 4]
Cố gắng nhận ra những suy nghĩ sâu kín trong lòng con
[Hình nơi trang 6]
Quyết định làm báp-têm nên xuất phát từ lòng yêu thương chân thật với Đức Giê-hô-va