“Có kỳ nín-lặng”
“Có kỳ nín-lặng”
“Lời nói là bạc, im lặng là vàng”. Đây là một thành ngữ quen thuộc. Liên quan đến điều này, vua Sa-lô-môn khôn ngoan của nước Y-sơ-ra-ên xưa viết: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định... có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra”.—Truyền 3:1, 7.
Tuy nhiên, khi nào thì im lặng tốt hơn nói ra? Từ “nín-lặng”, “làm thinh”, “yên-lặng”, “yên-tịnh” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh. Văn cảnh Kinh Thánh dùng các từ này cho thấy việc im lặng là thích hợp ít nhất trong ba lĩnh vực của đời sống. Chúng ta hãy xem xét làm thế nào im lặng là cách để tỏ lòng tôn kính và tôn trọng, là bằng chứng của sự thận trọng và sáng suốt, đồng thời có lợi cho việc suy ngẫm.
Tỏ lòng tôn kính và tôn trọng
Im lặng là dấu hiệu của sự tôn kính và tôn trọng. Nhà tiên tri Ha-ba-cúc nói: “Đức Giê-hô-va ở trong đền thánh của Ngài, trước mặt Ngài, cả đất hãy làm thinh!” (Ha 2:20). Những người thờ phượng chân chính thì “yên-lặng đợi-chờ sự cứu-rỗi của Đức Giê-hô-va” (Ca 3:26). Người viết Thi-thiên hát: “Hãy yên-tịnh trước mặt Đức Giê-hô-va, và chờ-đợi Ngài. Chớ phiền lòng vì cớ kẻ được may-mắn trong con đường mình”.—Thi 37:7.
Có thể nào chúng ta ca ngợi Đức Giê-hô-va mà không thốt ra thành lời không? Chẳng phải có những lúc chúng ta thán phục khi xem xét công trình sáng tạo tuyệt vời đến nỗi không thể diễn đạt bằng lời sao? Chẳng phải việc suy nghĩ về các công trình sáng tạo ấy là một cách để ca ngợi Đức Giê-hô-va từ trong lòng hay sao? Người viết Thi-thiên đã nói về các tạo vật như sau: “Hỡi mặt trời, mặt trăng, hãy ngợi-khen Ngài! Hỡi hết thảy ngôi sao sáng, hãy ngợi-khen Ngài! Hỡi trời của các từng trời, hỡi nước trên các từng trời, hãy ngợi-khen Ngài! Cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va; vì Ngài ra lịnh, thảy bèn được dựng nên”.—Thi 148:3-5.
Vì Đức Giê-hô-va xứng đáng để cho chúng ta tôn kính, nên chúng ta cũng phải quý trọng lời Ngài nói. Chẳng hạn, khi Phục 27:9, 10; 31:11, 12.
Môi-se phán với dân Y-sơ-ra-ên trước lúc ông qua đời, nhà tiên tri này của Đức Chúa Trời cùng các thầy tế lễ khuyên những người đang có mặt: ‘Hãy nín và phải nghe theo tiếng phán của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi’. Khi dân Y-sơ-ra-ên nhóm lại để nghe đọc Luật pháp Đức Chúa Trời, ngay cả con trẻ cũng phải chăm chú lắng nghe. Môi-se nói: “Ngươi phải nhóm-hiệp dân-sự, nào người nam, người nữ, nào con trẻ... để chúng nghe”.—Thật thích hợp biết bao khi những người thờ phượng Đức Giê-hô-va thời nay tôn trọng lắng nghe lời hướng dẫn tại các buổi họp của tín đồ Đấng Christ, kể cả các hội nghị! Khi những điểm quan trọng trong Kinh Thánh được truyền đạt trên bục, chẳng phải việc nói chuyện với người khác một cách không cần thiết cho thấy chúng ta không tôn trọng Lời Đức Chúa Trời và tổ chức của Ngài sao? Trong suốt chương trình cần giữ im lặng và lắng nghe.
Ngay cả trong những cuộc trò chuyện riêng, khi lắng nghe, chúng ta chứng tỏ mình tôn trọng người khác. Chẳng hạn, tộc trưởng Gióp nói với những người vu cáo ông: “Hãy dạy-dỗ tôi, tôi sẽ nín-lặng”. Gióp đã sẵn sàng im lặng lắng nghe khi họ nói. Tới lượt Gióp nói, ông yêu cầu: “Hãy nín đi... để ta biện-luận”.—Gióp 6:24; 13:13.
Bằng chứng của sự thận trọng và sáng suốt
Kinh Thánh nói: “Ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan”; “người khôn-sáng làm thinh” (Châm 10:19; 11:12). Hãy xem Chúa Giê-su đã tỏ sự thận trọng và sáng suốt cách xuất sắc qua việc giữ im lặng. Chúa Giê-su nhận thức rằng nói trước những kẻ thù căm ghét ngài là vô ích, nên “Đức Chúa Jêsus cứ làm thinh” (Mat 26:63). Sau đó, khi đứng trước mặt Phi-lát, ngài “không đối-đáp gì hết”. Chúa Giê-su đã sáng suốt để cho những điều ngài thực hiện trước công chúng làm chứng về ngài.—Mat 27:11-14.
Chúng ta cũng khôn ngoan gìn giữ miệng lưỡi, đặc biệt khi bị khiêu khích. Một câu châm ngôn nói: “Kẻ nào chậm nóng-giận có thông-sáng lớn; nhưng ai hay nóng-nảy tôn lên sự điên-cuồng” (Châm 14:29). Vội vàng đáp lại trong một tình huống căng thẳng có thể khiến thốt ra những lời thiếu suy nghĩ mà sau này phải hối tiếc. Trước những tình huống như thế, chúng ta có thể thốt ra những lời “điên-cuồng” và hậu quả là chúng ta bị mất bình an.
Khi phải đối mặt với những người không tin kính, điều khôn ngoan là phải cẩn thận với những điều chúng ta nói. Khi chúng ta đương đầu với những người chế giễu trong thánh chức, sự im lặng có thể là phản ứng thích hợp nhất. Hơn nữa, khi bạn cùng trường hay bạn đồng nghiệp đùa giỡn một cách không đứng đắn hoặc nói những lời tục tĩu, chẳng phải điều khôn ngoan là chúng ta giữ im lặng để cho thấy mình không ủng hộ họ hay sao? (Ê-phê 5:3). Người viết Thi-thiên nói: “Đang khi kẻ ác ở trước mặt tôi, tôi sẽ lấy khớp giữ miệng tôi lại”.—Thi 39:1.
Người “khôn-sáng” không tiết lộ điều bí mật (Châm 11:12). Một tín đồ Đấng Christ chân chính sẽ không vô ý nói ra những thông tin mật. Các trưởng lão đạo Đấng Christ phải đặc biệt thận trọng trong vấn đề này để các thành viên trong hội thánh tin tưởng mình.
Dù im lặng là không lời nhưng nó có thể ảnh hưởng tích cực đến cuộc trò chuyện. Tác giả người Anh là Sydney Smith sống vào thế kỷ 19 đã viết về một người cùng thời: “Đôi khi ông ấy chỉ im lặng, điều đó khiến cuộc trò chuyện với ông vô cùng thú vị”. Thật vậy, cuộc nói chuyện hằng ngày giữa hai người bạn nên là cuộc nói chuyện mang tính hai chiều. Người biết trò chuyện phải là người biết lắng nghe.
Vua Sa-lô-môn cảnh báo: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu; nhưng ai cầm-giữ miệng mình là khôn-ngoan” (Châm 10:19). Vì thế, càng nói ít thì càng đỡ hớ. Thật ra, “khi nín-lặng, dầu người ngu-dại, cũng được cầm bằng khôn-ngoan; còn kẻ nào ngậm môi-miệng mình lại được kể là thông-sáng” (Châm 17:28). Vậy, chúng ta hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ‘canh cửa môi mình’.—Thi 141:3.
Có lợi cho việc suy ngẫm
Kinh Thánh cho chúng ta biết về một người theo đường lối công bình đã “suy-gẫm luật-pháp [của Đức Chúa Trời] ngày và đêm” (Thi 1:2). Lúc nào và nơi nào là tốt nhất để chúng ta suy ngẫm?
Con của tộc trưởng Áp-ra-ham là Y-sác ‘lối chiều đi ra ngoài đồng đặng suy gẫm’ (Sáng 24:63). Ông chọn một thời điểm và nơi chốn tĩnh lặng để suy ngẫm. Vua Đa-vít đã suy ngẫm vào ban đêm (Thi 63:6). Chúa Giê-su, một người hoàn toàn, cũng cố gắng ở một mình và suy ngẫm trên núi, trong đồng vắng và những nơi vắng vẻ khác để tránh xa đám đông náo nhiệt.—Mat 14:23; Lu 4:42; 5:16.
Hiệu quả của sự yên lặng thì không thể nào chối cãi được. Sự yên lặng là hữu ích để tự xem xét chính mình—điều vô cùng cần thiết để cải thiện bản thân. Yên lặng có thể giúp chúng ta có thêm sự bình an. Suy ngẫm vào những lúc yên tĩnh có thể giúp chúng ta khiêm tốn và gia tăng lòng quý trọng đối với những điều thật sự quan trọng trong đời sống.
Dù sự im lặng là một lợi thế nhưng cũng “có kỳ nói ra” (Truyền 3:7). Ngày nay, những người thờ phượng chân chính đang bận rộn trong việc rao giảng tin mừng về Nước Trời trên “khắp đất” (Mat 24:14). Kết quả là ngày càng có nhiều “tiếng ồn lớn” vì vui mừng do số người thờ phượng Đức Giê-hô-va gia tăng (Mi 2:12). Chúng ta hãy ở trong số những người sốt sắng công bố tin mừng về Nước Trời và nói về công việc tuyệt diệu của Đức Chúa Trời. Khi tham gia vào hoạt động quan trọng này, mong sao đời sống chúng ta cho thấy mình đồng ý rằng đôi khi im lặng là vàng.
[Hình nơi trang 3]
Chúng ta nên lắng nghe và học hỏi tại buổi họp đạo Đấng Christ
[Hình nơi trang 4]
Trong thánh chức, sự im lặng có thể là phản ứng thích hợp nhất khi bị chế giễu
[Hình nơi trang 5]
Sự yên lặng có lợi cho việc suy ngẫm