Bạn muốn là người thế nào?
Bạn muốn là người thế nào?
Viên cảnh sát trưởng của một thị trấn ở Phi-líp-pin hỏi một chị tiên phong: “Chị đã làm gì mà người đó thay đổi được như thế?”. Chỉ vào chồng giấy trên bàn, ông nói tiếp: “Chị có biết chồng giấy này là hồ sơ tiền án tiền sự của anh ta không? Chị đã giúp chúng tôi giảm bớt một vấn đề hóc búa của thị trấn này”. Người được nói đến ở đây từng là một tay nghiện rượu hung bạo, chuyên gây rắc rối. Điều gì đã thúc đẩy anh có những thay đổi lớn lao trong đời sống? Đó chính là thông điệp được soi dẫn trong Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh.
Nhiều người nghiêm túc suy xét lời khuyên của sứ đồ Phao-lô là ‘phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời’ (Ê-phê 4:22-24). Dù chúng ta cần phải thay đổi nhiều hay ít, mặc lấy người mới hay nhân cách mới là một phần trong việc trở thành tín đồ Đấng Christ.
Tuy nhiên, thay đổi và tiến bộ để hội đủ điều kiện làm báp têm chỉ mới là bước khởi đầu. Khi báp têm, chúng ta tựa như một miếng gỗ đã được khắc thành một hình thù cơ bản. Nhìn thì có thể biết đó là hình gì nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Người thợ phải khắc thêm chi tiết để làm miếng gỗ ấy đẹp hơn. Lúc báp têm, chúng ta có những đức tính cơ bản để trở thành một tôi tớ Đức Chúa Trời. Nhưng nhân cách mới của chúng ta vẫn còn ở giai đoạn đầu. Chúng ta phải tiếp tục cải thiện mình.
Ngay cả Phao-lô cũng thấy mình phải trau dồi nhân cách. Ông thừa nhận: “Khi tôi muốn làm điều lành, thì điều dữ dính-dấp theo tôi” (Rô 7:21). Phao-lô chắc chắn biết rõ con người của ông và biết mình muốn trở thành người như thế nào. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta cũng cần tự vấn mình: “Điều gì đang dính dấp theo tôi? Tôi là người thế nào? Và tôi muốn trở thành người như thế nào?”.
Điều gì đang “dính-dấp theo tôi”?
Muốn sửa sang một ngôi nhà cũ, chúng ta không chỉ sơn phủ bên ngoài nếu bên trong những cây xà đã bị mục. Lờ đi sự hư hại của sườn nhà chỉ dẫn đến vấn đề sau này. Tương tự, có vẻ bề ngoài ngay thẳng thôi thì chưa đủ. Chúng ta phải xem xét bản chất thật của mình và nhận ra những vấn đề cần sửa đổi. Nếu không, những tính trước đây có thể bộc lộ trở lại. Vậy chúng ta phải tự xét mình (2 Cô 13:5). Để nhận ra và sửa chữa những tính xấu, chúng ta có sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va.
Phao-lô viết: “Lời của Đức Chúa Trời là lời sống và linh-nghiệm, sắc hơn gươm hai lưỡi, thấu vào đến đỗi chia hồn, linh, cốt, tủy, xem-xét tư-tưởng và ý-định trong lòng” (Hê 4:12). Thông điệp trong Lời Đức Chúa Trời, là Kinh Thánh, có thể tác động mạnh mẽ đến đời sống chúng ta. Nó thấu vào tận bên trong chúng ta—theo nghĩa ẩn dụ là thấu vào tận xương tủy. Kinh Thánh cho thấy rõ tư tưởng và động cơ của chúng ta, phơi bày con người thật bên trong so với vẻ bề ngoài hoặc với những gì mình nghĩ về mình. Lời Đức Chúa Trời quả giúp chúng ta nhận ra vấn đề của mình!
Khi sửa chữa căn nhà cũ, chỉ thay thế vật liệu bị hư hại thôi thì có thể chưa đủ. Biết nguyên nhân gây hư hại giúp chúng ta có biện pháp ngăn ngừa vấn đề tái diễn. Tương tự, nhận ra những tính xấu và cả nguyên nhân dẫn đến những tính đó có thể giúp chúng ta kiềm chế khiếm khuyết của mình. Có rất nhiều yếu tố góp phần hình thành nhân cách chúng ta. Trong số đó là địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế, môi trường sống, nền văn hóa, cha mẹ, những người mình giao thiệp và tôn giáo. Ngay cả phim ảnh, chương trình truyền hình và các hình thức giải trí khác cũng để lại dấu vết. Nhận ra những điều gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách mình sẽ giúp chúng ta giảm thiểu những ảnh hưởng đó.
Sau khi tự kiểm điểm mình, có thể chúng ta nghĩ “Tính tôi là vậy”. Lý luận như thế là sai lầm. Về những người trong hội thánh ở Cô-rinh-tô từng là người tà dâm, đồng tính luyến ái, say sưa và nhiều điều như thế, Phao-lô nói: “Trước kia anh em ít nữa cũng có một đôi người như thế; nhưng. . . nhờ Thánh-Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, thì anh em được rửa sạch” (1 Cô 6:9-11). Với sự giúp đỡ của thánh linh Đức Giê-hô-va, chúng ta cũng có thể thành công trong việc thực hiện những thay đổi cần thiết.
Hãy xem trường hợp của anh Marcos *, sống ở Phi-líp-pin. Anh kể về hoàn cảnh xuất thân của mình: “Cha mẹ tôi luôn luôn cãi nhau. Vì thế, tôi nổi loạn lúc 19 tuổi”. Anh Marcos trở nên khét tiếng về cờ bạc, trộm cắp và cướp có vũ trang. Anh và một số người khác thậm chí dự định cướp một máy bay, tuy nhiên kế hoạch này đã không được thực hiện. Sau khi kết hôn, anh vẫn tiếp tục những thói hư tật xấu. Cuối cùng, anh trắng tay vì cờ bạc. Ít lâu sau, anh dự một buổi học Kinh Thánh của vợ mình với Nhân Chứng Giê-hô-va. Lúc đầu, anh thấy mình không xứng đáng trở thành Nhân Chứng. Tuy nhiên, áp dụng những gì học được và tham dự các buổi nhóm họp đã giúp anh từ bỏ lối sống cũ. Hiện nay, anh đã trở thành một tín đồ Đấng Christ đều đặn tham gia công việc dạy người khác về cách
thay đổi đời sống.
Bạn muốn là người thế nào?
Chúng ta có thể cần thực hiện những thay đổi nào để trau dồi các đức tính của tín đồ Đấng Christ? Phao-lô khuyên: “Anh em nên trừ-bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh-nộ, buồn-giận và hung-ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục-tỉu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công-việc nó”. Ông nói tiếp: “[Hãy] mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình-tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu-biết đầy-trọn”.—Cô 3:8-10.
Vậy, mục tiêu chính của chúng ta là lột bỏ người cũ và mặc lấy người mới. Vun trồng những đức tính nào có thể giúp chúng ta thực hiện điều này? Phao-lô nói: “Hãy mặc lấy sự nhân-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau: như Chúa đã tha-thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha-thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu-thương, vì là dây liên-lạc của sự trọn-lành” (Cô 3:12-14). Cố gắng vun trồng những đức tính này sẽ giúp chúng ta làm cho cả “Đức Giê-hô-va và người ta đều lấy làm đẹp lòng” (1 Sa 2:26). Khi sống trên đất, Chúa Giê-su thể hiện xuất sắc những đức tính tin kính. Qua việc học hỏi và noi gương Chúa Giê-su, chúng ta có thể càng giống Đấng Christ trong việc “bắt chước Đức Chúa Trời”.—Ê-phê 5:1, 2.
Một cách khác để biết chúng ta cần phải thay đổi điều gì là học hỏi tính cách của các nhân vật trong Kinh Thánh, xem xét nơi họ những điểm đáng chuộng và những điểm không. Thí dụ, hãy nghĩ về Giô-sép, con trai của tộc trưởng Gia-cốp. Dù nếm trải những điều bất công, Giô-sép vẫn giữ tinh thần tích cực và vẻ đẹp của con người bề trong (Sáng 45:1-15). Trái lại, Áp-sa-lôm con trai vua Đa-vít ra vẻ hết sức quan tâm đến người khác và được khen ngợi là đẹp trai. Nhưng thật ra, hắn là một kẻ phản bội và giết người (2 Sa 13:28, 29; 14:25; 15:1-12). Tốt một cách giả tạo và có diện mạo đẹp đẽ không làm một người thật sự đáng được mến phục.
Chúng ta có thể thành công
Để trở thành người tốt và đẹp trước mắt Đức Chúa Trời, chúng ta cần chú ý đến con người bề trong (1 Phi 3:3, 4). Thay đổi nhân cách đòi hỏi phải nhận ra tính nết xấu và yếu tố dẫn đến tính ấy, đồng thời phải vun trồng những đức tính tin kính. Chúng ta có thể tin chắc nỗ lực cải thiện chính mình như thế sẽ thành công không?
Có, với sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể thay đổi. Giống người viết Thi-thiên, chúng ta có thể cầu nguyện: “Đức Chúa Trời ôi! hãy dựng nên trong tôi một lòng trong-sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần-linh ngay-thẳng” (Thi 51:10). Chúng ta có thể cầu xin thánh linh Đức Chúa Trời hoạt động trong chúng ta, làm chúng ta gia tăng ước muốn sống phù hợp hơn với ý muốn Ngài. Thật vậy, chúng ta có thể thành công trong việc trở nên đẹp đẽ hơn trước mắt Đức Giê-hô-va!
[Chú thích]
^ đ. 11 Không phải tên thật.
[Hình nơi trang 4]
Với ngôi nhà bị thiệt hại vì bão táp, chỉ sơn bên ngoài thôi có đủ không?
[Hình nơi trang 5]
Nhân cách của bạn có giống Đấng Christ chưa?