Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va giúp tôi vượt qua thử thách của đời sống

Đức Giê-hô-va giúp tôi vượt qua thử thách của đời sống

Tự Truyện

Đức Giê-hô-va giúp tôi vượt qua thử thách của đời sống

DO DALE IRWIN KỂ LẠI

“TÁM CON LÀ ĐỦ! SINH BỘ TỨ, VẤT VẢ TỨ PHÍA”. Đó là dòng tít của trang báo địa phương về việc sinh bốn của vợ chồng tôi—vốn đã có bốn cô con gái. Khi còn trẻ, tôi không có ý định kết hôn, huống chi đến việc làm cha. Nhưng giờ đây, tôi là cha của tám đứa con!

TÔI sinh năm 1934 ở thị trấn Mareeba, Úc, và là con út trong gia đình có ba anh em. Về sau, gia đình tôi dọn đến Brisbane, và mẹ tôi dạy lớp giáo lý ở một nhà thờ Giám Lý Hội.

Đầu năm 1938, báo chí địa phương đăng tin Joseph F. Rutherford, một thành viên thuộc trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va, có thể không được cấp giấy phép nhập cảnh vào nước Úc. Mẹ tôi hỏi một Nhân Chứng gõ cửa nhà chúng tôi: “Tại sao họ lại cấm ông ấy đến?” Chị Nhân Chứng trả lời: “Chúa Giê-su chẳng từng nói người ta sẽ bắt bớ các môn đồ ngài sao?” Sau đó, mẹ tôi nhận sách nhỏ nhan đề Cure (Chữa lành), sách đưa ra nhiều điểm khác biệt giữa tôn giáo thật và tôn giáo giả. * Mẹ tôi rất ấn tượng về sách này nên ngay ngày Chủ Nhật sau, mẹ dẫn chúng tôi đến buổi họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Ban đầu cha tôi phản đối kịch liệt, nhưng sau đó, thỉnh thoảng cha lại ghi ra những câu hỏi về Kinh Thánh để mẹ đưa cho một anh trong hội thánh. Rồi anh này viết lại câu trả lời và gửi mẹ đưa cho cha.

Một ngày Chủ Nhật nọ, cha cùng chúng tôi đến buổi họp, cha tôi dự định là sẽ nói ra sự bất đồng của mình về các Nhân Chứng. Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với anh giám thị lưu động, lúc đó đang thăm viếng hội thánh, cha tôi thay đổi thái độ. Thậm chí cha còn cho phép dùng nhà chúng tôi làm nơi học hỏi Kinh Thánh hàng tuần để những người chú ý trong khu vực đến tham dự.

Vào tháng 9 năm 1938, cha mẹ tôi chịu phép báp têm. Tháng 12 năm 1941, anh em chúng tôi cũng chịu phép báp têm tại hội nghị toàn quốc tổ chức ở Công Viên Hargreave, Sydney, bang New South Wales. Khi ấy tôi được bảy tuổi. Kể từ đó, tôi đều đặn tham gia công việc rao giảng cùng với cha mẹ. Lúc bấy giờ, các Nhân Chứng mang theo máy hát xách tay đi từ nhà này sang nhà kia, mở những bài giảng thâu sẵn cho chủ nhà nghe.

Một Nhân Chứng sống mãi trong ký ức tôi là anh Bert Horton. Anh có một chiếc xe phóng thanh—tức là xe được trang bị một bộ phận khuếch đại âm thanh thuộc loại mạnh và một cái loa lớn đặt trên nóc. Làm việc với anh Bert rất thú vị, đặc biệt là cho đứa trẻ ở lứa tuổi tôi. Chẳng hạn, nhiều khi phát thanh một bài giảng từ đỉnh đồi, chúng tôi thấy xe cảnh sát xuất hiện và tiến về phía chúng tôi. Anh Bert nhanh chóng tắt hết thiết bị, lái xe đến một ngọn đồi khác cách đó nhiều kilômét, rồi mở bài giảng khác. Tôi học được rất nhiều về sự dạn dĩ và lòng tin cậy Đức Giê-hô-va từ anh Bert và những anh khác, những người cũng có lòng trung thành và can đảm như anh Bert.—Ma-thi-ơ 10:16.

Khi 12 tuổi, tôi thường tự đi rao giảng sau giờ học. Một lần nọ, tôi gặp gia đình ông bà Adshead. Sau đó, cả ông bà ấy, tám người con và nhiều cháu của họ học lẽ thật. Tôi cám ơn Đức Giê-hô-va đã cho phép tôi, dù chỉ là một đứa trẻ, có thể giới thiệu lẽ thật Kinh Thánh cho gia đình đáng mến này.—Ma-thi-ơ 21:16.

Đặc ân phụng sự đầu tiên

Tôi bắt đầu làm công việc tiên phong trọn thời gian khi 18 tuổi, và được bổ nhiệm đến Maitland, bang New South Wales. Năm 1956, tôi được mời đến phục vụ tại chi nhánh Úc ở Sydney. Khoảng một phần ba trong số 20 người làm việc ở đó là người được xức dầu, có hy vọng cùng cai trị trong Nước Trời cùng với Đấng Christ. Quả là một đặc ân khi được làm việc bên cạnh họ!—Lu-ca 12:32; Khải-huyền 1:6; 5:10.

Quyết tâm sống độc thân của tôi tan biến khi tôi gặp Judy Helberg, một người tiên phong đáng mến. Judy được mời đến làm việc tạm thời ở chi nhánh, để giúp tôi trong một dự án lớn. Tôi và Judy yêu nhau và hai năm sau, chúng tôi kết hôn. Sau đó, chúng tôi bắt đầu công việc giám thị vòng quanh, mỗi tuần thăm viếng một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va để khuyến khích các anh chị em.

Năm 1960, Judy sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Kim. Ngày nay, có con nghĩa là phải bỏ công việc lưu động và ổn định đời sống. Nhưng ngạc nhiên thay, chúng tôi được mời tiếp tục công việc thăm viếng các hội thánh. Sau khi cầu nguyện nhiều lần, chúng tôi nhận lời. Suốt bảy tháng, chúng tôi cùng bé Kim đi tổng cộng 13.000 kilômét bằng xe buýt đường dài, máy bay và tàu lửa để thăm viếng các hội thánh ở những vùng xa tận bang Queensland và vùng Northern Territory. Chúng tôi không có xe hơi riêng vào lúc ấy.

Chúng tôi luôn ở lại nhà của các anh chị. Thời đó, do khí hậu nhiệt đới, cửa phòng ngủ thường là những tấm màn. Vì thế, mỗi khi bé Kim khóc đêm khiến chúng tôi lo lắng nhiều hơn. Vừa chăm sóc bé Kim, vừa thực hiện công việc lưu động là điều quá khó khăn. Thế nên chúng tôi ngưng công việc ấy và trở lại Brisbane, và tôi bắt đầu làm nghề vẽ bảng hiệu, một ngành họa thương mại. Khi Kim được hai tuổi, chúng tôi sinh một bé gái khác, Petina.

Đương đầu với nỗi đau

Vào năm 1972, khi hai con tôi lên 12 và 10 tuổi, Judy qua đời vì bệnh Hodgkin, một dạng của bệnh u lymphô. Đây là sự mất mát tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Tuy nhiên, trong suốt thời gian Judy bị bệnh và sau khi cô ấy qua đời, Đức Giê-hô-va an ủi chúng tôi qua Lời Ngài, thánh linh và tình anh em. Chúng tôi cũng nhận được sức mạnh từ số Tháp Canh ngay sau đó. Tháp Canh ấy có một bài nói về những thử thách cá nhân, gồm cả tình trạng mất người thân, và cho thấy cách các thử thách có thể giúp chúng ta rèn tập những đức tính Đức Chúa Trời dạy như nhịn nhục, lòng tin cậy và sự trung kiên. *Gia-cơ 1:2- 4.

Sau khi Judy qua đời, cha con chúng tôi càng gắn bó với nhau nhiều hơn. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng làm tròn vai trò vừa là cha vừa là mẹ đòi hỏi phải phấn đấu rất nhiều. Tuy nhiên, hai con gái yêu dấu đã giúp tôi làm tròn bổn phận một cách dễ dàng hơn.

Tái hôn và các thành viên mới trong gia đình

Với thời gian, tôi tái hôn với Mary. Hai chúng tôi có nhiều điểm chung. Chồng Mary cũng qua đời vì căn bệnh Hodgkin. Mary cũng có hai con gái là Colleen và Jennifer. Colleen nhỏ hơn Petina khoảng ba tuổi. Vì thế, gia đình chúng tôi bây giờ có bốn con gái, 14 tuổi, 12 tuổi, 9 tuổi và 7 tuổi.

Tôi và Mary quyết định rằng trong thời gian đầu, mỗi người phải dạy dỗ con riêng của mình cho đến khi chúng cảm thấy vui lòng nghe lời cha mẹ kế. Trong mối quan hệ vợ chồng, tôi và Mary thỏa thuận hai luật quan trọng. Thứ nhất, chúng tôi không bao giờ cãi nhau trước mặt các con. Thứ hai, phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh nơi Ê-phê-sô 4:26, vợ chồng tôi phải nói chuyện cho đến khi giải quyết được vấn đề—ngay dù mất nhiều tiếng đồng hồ!

Mọi người đều thích nghi với đời sống gia đình mới một cách đáng ngạc nhiên. Dù vậy, nỗi thương nhớ không thể một sớm một chiều nguôi ngoai được. Chẳng hạn, đối với Mary, đêm Thứ Hai là “đêm của nước mắt”. Thường thường sau buổi học chung với gia đình, các con đã đi ngủ cả, bao nhiêu cảm xúc bị đè nén trong lòng Mary tuôn trào ra.

Mary muốn chúng tôi có con chung. Nhưng buồn thay, Mary bị sẩy thai. Mary mang thai lần nữa, và một điều bất ngờ lớn chờ đón chúng tôi. Kết quả siêu âm cho biết Mary không mang thai một, mà là bốn! Tôi choáng váng khi hay tin! Lúc đó tôi đã 47 tuổi và sắp trở thành cha của tám đứa con! Vào ngày 14-2-1982, bốn đứa trẻ ra đời sau tuần thứ 32, bằng phương pháp sinh mổ. Theo thứ tự là: Clint nặng 1,6 kilôgam, Cindy nặng 1,9 kilôgam, Jeremy nặng 1,4 kilôgam, và Danette nặng 1,7 kilôgam. Không đứa nào giống đứa nào!

Sau khi Mary sinh, bác sĩ đến ngồi cạnh tôi.

Ông hỏi: “Anh có lo lắng về việc chăm sóc các con không?”

“Tôi chưa bao giờ ở trong tình huống như thế này”, tôi đáp.

Những lời ông nói tiếp thật sự khích lệ và khiến tôi ngạc nhiên.

Ông nói: “Hội thánh của anh sẽ không bỏ mặc anh đâu. Anh chỉ cần nói một tiếng thì sẽ có không biết bao người đến giúp đỡ anh!”

Nhờ sự khéo léo của bác sĩ khoa sản và nhóm chăm sóc của ông, bốn con tôi khá khỏe mạnh và có thể xuất viện chỉ sau hai tháng.

Thử thách trong việc nuôi dạy các con sinh tư

Muốn mọi việc có trật tự, tôi và Mary lên chương trình cho 24 giờ trong ngày. Bốn con gái lớn giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc chăm sóc các em. Và những gì vị bác sĩ đó nói rất đúng—chỉ cần nói “một tiếng” là cả hội thánh kéo đến giúp đỡ. Trước khi chúng tôi về nhà, một người bạn lâu năm của chúng tôi, anh John MacArthur, đã sắp xếp để các anh Nhân Chứng làm nghề thủ công giúp mở rộng nhà chúng tôi ra. Khi các bé về, một nhóm các chị giúp vợ chồng tôi chăm sóc chúng. Tất cả những việc làm tử tế này là bằng chứng của tình yêu thương tín đồ Đấng Christ thể hiện qua hành động.—1 Giăng 3:18.

Theo nghĩa nào đó, các con sinh tư của chúng tôi là “các con của hội thánh”. Ngay cả đến nay, chúng vẫn xem những anh chị yêu quý đã giúp đỡ chúng tôi là gia đình của chúng. Về phần Mary, cô ấy đã chứng tỏ là một người vợ và một người mẹ đảm đang, chăm sóc con cái một cách bất vị kỷ. Cô ấy thật sự áp dụng những gì học được từ Lời Đức Chúa Trời và tổ chức Ngài. Không có một lời khuyên nào tốt bằng!—Thi-thiên 1:2, 3; Ma-thi-ơ 24:45.

Tuy phải phấn đấu rất nhiều trong việc dự các buổi nhóm họp và đi rao giảng vì bốn con nhỏ, nhưng chúng tôi vẫn duy trì những hoạt động quan trọng này trong chương trình hàng tuần của gia đình. Lúc đó, chúng tôi hướng dẫn hai cặp vợ chồng tìm hiểu Kinh Thánh và họ sẵn lòng đến nhà chúng tôi học. Thật là một ân phước cho chúng tôi. Dù điều này thuận tiện hơn, nhưng Mary thỉnh thoảng vẫn rất mệt mỏi đến độ ngủ gục trong buổi học khi ẵm con trong tay. Sau cùng, cả hai cặp vợ chồng đó đều trở thành anh chị thiêng liêng của chúng tôi.

Dạy dỗ con cái từ thuở ấu thơ

Ngay cả trước khi bốn con nhỏ biết đi, vợ chồng tôi và bốn con gái lớn cùng bế chúng đi rao giảng. Khi chúng bắt đầu đi chập chững, vợ chồng tôi, mỗi người dẫn theo hai con. Các con không hề gây cho chúng tôi gánh nặng. Ngược lại, chúng thường là đề tài để bắt chuyện với chủ nhà cách cởi mở. Một hôm nọ, tôi gặp một người đàn ông bảo rằng ngày sinh và ngôi sao chiếu mệnh quyết định nhân cách của một người. Tôi không bàn cãi với ông, nhưng đề nghị sẽ trở lại nội trong buổi sáng đó. Ông đồng ý, nên tôi trở lại cùng với bốn con. Khi thấy ông ngạc nhiên nhìn chúng, tôi bảo các con xếp hàng theo thứ tự lớn đến nhỏ. Rồi tôi và ông ấy cùng nhau nói chuyện một cách cởi mở, không chỉ về những điểm khác nhau rõ ràng về ngoại hình, mà còn về sự khác biệt bản tính của chúng, ngược lại với niềm tin của ông. Ông nói: “Thật buồn cười khi tôi lại nói điều đó với anh. Chắc tôi cần tìm hiểu vấn đề kỹ hơn, phải không?”

Dù còn bé, bốn con chúng tôi đã không thích bị phạt chung khi chúng làm sai. Vì thế, chúng tôi phải sửa riêng từng đứa. Tuy nhiên, chúng biết rằng tất cả đều được sửa dạy theo một luật chung. Khi phải đối mặt với vấn đề lương tâm ở trường, chúng giữ vững lập trường theo nguyên tắc Kinh Thánh và hỗ trợ lẫn nhau. Cindy là đứa nói thay cho cả nhóm. Người xung quanh cũng sớm nhận thấy rằng nhóm bộ tứ này không dễ gì bị đánh bại!

Khi các con ở tuổi thiếu niên, như bao bậc cha mẹ khác, tôi và Mary cũng gặp nhiều khó khăn trong việc giúp chúng giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng nếu không có sự hỗ trợ đầy yêu thương của hội thánh và thức ăn thiêng liêng dồi dào từ thành phần hữu hình trong tổ chức của Đức Giê-hô-va, nhiệm vụ của chúng tôi sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Chúng tôi cố gắng duy trì buổi học Kinh Thánh gia đình hàng tuần và nói chuyện cởi mở với các con, dù việc đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tuy thế, nỗ lực của chúng tôi rất đáng công vì tất cả tám con của chúng tôi đều chọn phụng sự Đức Giê-hô-va.

Đối phó với tuổi già

Theo năm tháng, tôi vui mừng nhận được nhiều đặc ân phụng sự như trưởng lão hội thánh, giám thị của thành phố, và giám thị vòng quanh dự khuyết. Tôi cũng từng phục vụ với tư cách là thành viên trong Ủy Ban Liên Lạc Bệnh Viện, ủy ban có nhiệm vụ đẩy mạnh sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân là Nhân Chứng khi nảy sinh vấn đề liên quan đến việc truyền máu. Trong 34 năm, tôi có đặc ân được thực hiện thủ tục kết hôn thay mặt chính quyền. Tôi đã cử hành khoảng 350 hôn lễ, bao gồm cả lễ cưới của sáu con gái tôi.

Tôi không ngớt cám ơn Đức Giê-hô-va vì trong nhiều năm tháng, tôi luôn luôn nhận được sự nâng đỡ, đầu tiên là từ Judy và bây giờ là từ Mary. (Châm-ngôn 31:10, 30) Họ vừa làm hậu thuẫn giúp tôi chu toàn nhiệm vụ trưởng lão hội thánh, vừa nêu gương tốt trong thánh chức và vun trồng những phẩm chất thiêng liêng nơi con cái.

Năm 1996, tôi được chẩn đoán là bị rối loạn chức năng não. Căn bệnh đó khiến tôi hay bị run tay và dễ ngã vì mất thăng bằng. Vì thế, tôi không thể vẽ bảng hiệu được nữa. Tuy không còn nhanh nhẹn như trước, nhưng tôi vẫn tìm được nhiều niềm vui trong công việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Một điều hữu ích là tôi trở nên đồng cảm hơn với các anh chị lớn tuổi.

Ngẫm nghĩ lại cuộc đời mình, tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va, Ngài đã luôn ở bên cạnh để giúp tôi và gia đình vượt qua được thử thách của đời sống mà không đánh mất niềm vui. (Ê-sai 41:10) Tôi và Mary, cùng với tám con, rất biết ơn gia đình gồm các anh chị em thiêng liêng tuyệt vời, luôn nâng đỡ chúng tôi. Mọi người đều thể hiện tình yêu thương bằng nhiều cách khác nhau mà chúng tôi sẽ không thể nào kể hết được.—Giăng 13:34, 35.

[Chú thích]

^ đ. 6 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.

^ đ. 17 Xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 15-3-1972, trang 174-180.

[Hình nơi trang 12]

Với mẹ tôi, anh trai Garth và chị Dawn, sẵn sàng cho chuyến đi dự đại hội tại Sydney năm 1941

[Hình nơi trang 13]

Với Judy và bé Kim khi chúng tôi làm công việc lưu động ở Queensland

[Hình nơi trang 15]

Sau khi bộ tứ ra đời, bốn con gái lớn và hội thánh đã sẵn sàng giúp đỡ