Lòng kiên trì mang lại vui mừng
Tự Truyện
Lòng kiên trì mang lại vui mừng
DO MÁRIO ROCHA DE SOUZA KỂ LẠI
“Ông Rocha có nguy cơ không sống sót nổi qua cuộc phẫu thuật”. Cho dù bác sĩ tiên đoán một viễn cảnh ảm đạm như thế, nhưng ngày nay, đã 20 năm trôi qua, tôi vẫn còn sống và phụng sự với tư cách là người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điều gì đã giúp tôi kiên trì suốt những năm tháng như thế?
TÔI trải qua thời thơ ấu trên một nông trại gần Santo Estêvão, một làng gần bang Bahia, thuộc vùng đông bắc Brazil. Khi lên bảy, tôi bắt đầu phụ giúp cha tôi làm việc đồng áng. Mỗi ngày, sau giờ học, tôi lại được cha giao cho một công việc. Về sau, khi nào cha bận việc ở Salvador, thủ đô của bang, ông giao nhiệm vụ cho tôi quản lý cả nông trại.
Dù không có điện nước, những tiện nghi thông dụng ngày nay, nhưng chúng tôi đã sống hạnh phúc. Tôi thường chạy đi thả diều hay chơi đùa với những chiếc xe đồ chơi bằng gỗ do tôi và các bạn “chế tạo”. Tôi cũng thổi kèn clarinet trong các đám rước tôn giáo. Tôi thuộc về ca đoàn của nhà thờ địa phương. Và ở chính nơi đó, tôi thấy cuốn sách tựa là História Sagrada (Lịch sử thánh). Sách này đã gợi trong tôi sự tò mò về Kinh Thánh.
Vào năm 1932, khi tôi 20, vùng đông bắc Brazil bị hạn hán nghiêm trọng và kéo dài. Gia súc chết, còn mùa màng thì thất bát, nên tôi chuyển đến Salvador và tìm được công việc tài xế xe điện. Về sau, tôi mướn một căn nhà và mang cả gia đình đến sống chung. Vào năm 1944, cha tôi qua đời, tôi phải chăm sóc mẹ, tám em gái và ba em trai.
Tài xế xe điện trở thành người truyền giáo
Khi đến Salvador, một trong những điều đầu tiên tôi làm là mua một quyển Kinh Thánh. Sau khi đi lễ ở nhà thờ Báp-tít được vài năm, tôi kết bạn với Durval, một bạn tài xế xe điện. Durval và tôi thường thảo luận nhiều giờ về Kinh Thánh. Một ngày nọ, anh ấy đưa cho tôi sách nhỏ tựa đề Where are the Dead? (Người chết ở đâu?) * Mặc dù tin rằng loài người có linh hồn bất tử, nhưng tôi vẫn tò mò kiểm tra lại các câu Kinh Thánh được trích dẫn trong sách nhỏ ấy. Ngạc nhiên thay, Kinh Thánh khẳng định rằng linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết.—Ê-xê-chi-ên 18:4.
Thấy tôi thích, Durval đã đề nghị Antônio Andrade, một nhà truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, đến nhà thăm tôi. Sau khi đến thăm tôi ba lần, Antônio mời tôi cùng đi chia sẻ tin mừng. Sau khi rao giảng ở hai nhà đầu, anh ấy nói với tôi: “Bây giờ đến phiên anh”. Tôi rất sợ, nhưng vui mừng thay, một gia đình đã chú ý lắng nghe và nhận hai sách tôi mời. Mãi cho đến ngày nay, tôi vẫn cảm nhận được cái cảm giác vui mừng đó khi gặp một người chú ý đến lẽ thật Kinh Thánh.
Vào dịp lễ kỷ niệm sự chết của Đấng Christ ngày 19-4-1943, tôi làm báp têm tại bờ biển Đại Tây Dương, gần Salvador. Bởi vì có ít người nam tín đồ Đấng Christ có kinh nghiệm, tôi được bổ nhiệm đến giúp nhóm Nhân Chứng đang họp ở nhà anh Andrade, trên một con đường hẹp nằm giữa phần trên và phần dưới của thành phố Salvador.
Sự chống đối lúc ban đầu
Trong suốt Thế Chiến II (1939-1945), hoạt động của tín đồ Đấng Christ không được ưa chuộng. Vài viên chức nghi ngờ chúng tôi là gián điệp của Bắc Mỹ vì hầu hết các ấn phẩm của chúng tôi đều đến từ Hoa Kỳ. Do đó, chúng tôi thường xuyên bị bắt giữ và tra hỏi. Khi có một Nhân Chứng không trở về sau khi đi rao giảng, chúng tôi đoán ngay ra rằng anh ấy đã bị bắt, và chúng tôi đến đồn công an để xin thả anh ấy ra.
Vào tháng 8 năm 1943, anh Adolphe Messmer, một Nhân Chứng người Đức, đến Salvador để giúp chúng tôi tổ chức đại hội lần đầu tiên. Sau khi được nhà cầm quyền cho phép, chúng tôi quảng bá về bài giảng công cộng “Tự do trong Thế Giới Mới” trên những tờ báo địa phương, dán áp phích trên cửa sổ các cửa tiệm và hai bên hông xe điện. Nhưng vào ngày thứ hai của đại hội, một cảnh sát cho biết giấy phép họp mặt của chúng tôi bị bãi bỏ. Vị tổng giám mục của Salvador đã gây áp lực trên cảnh sát trưởng hầu ngăn cản đại hội của chúng tôi. Tuy nhiên, cuối cùng vào tháng 4 năm sau, chúng tôi nhận được giấy phép tổ chức buổi họp để trình bày bài diễn văn công cộng đã được quảng bá.
Theo đuổi một mục tiêu
Vào năm 1946, tôi được mời tham dự Hội Nghị Thần Quyền “Các nước hoan hỉ” ở thành phố São Paulo. Thuyền trưởng một tàu chở hàng ở Salvador cho phép cả nhóm đi bằng tàu của ông ấy nếu chúng tôi chịu ngủ trên boong. Dù phải đối chọi với bão và chịu đựng cơn say sóng, chúng tôi cập bến an toàn đến Rio de Janeiro sau bốn ngày lênh đênh trên biển. Trước khi tiếp tục chuyến hành trình bằng tàu lửa, chúng tôi được các Nhân Chứng ở đó đến đón về nghỉ ở nhà họ một vài ngày. Khi tàu chúng tôi vừa đến ga São Paulo, một nhóm các anh chị mang biểu ngữ “Chào mừng Nhân Chứng Giê-hô-va” đến đón chúng tôi.
Một thời gian ngắn sau khi trở về Salvador, tôi kể với Harry Black, một giáo sĩ đến từ Hoa Kỳ, về ước muốn trở thành tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh Harry nhắc tôi nhớ rằng tôi còn có trách nhiệm chăm sóc gia đình và khuyên tôi nên kiên nhẫn chờ. Cuối cùng, vào tháng 6 năm 1952, khi các em tôi đã độc lập về tài chính, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong phục vụ tại một hội thánh nhỏ ở Ilhéus, cách miền nam Salvador khoảng 210 kilômét.
Một sự cung cấp rộng rãi
Năm sau, tôi được bổ nhiệm đến Jequié, một thành phố lớn thuộc trung tâm của bang, nơi chưa từng có Nhân Chứng. Người đầu tiên tôi viếng thăm là vị linh mục của vùng. Ông bảo rằng thành phố này thuộc về ông và cấm tôi không được rao giảng ở đó. Ông cảnh báo các giáo dân về một “tiên tri giả” sẽ đến, và cho thám tử trong vùng theo dõi hoạt động của tôi. Tuy nhiên, cũng trong ngày hôm ấy, tôi đã phát hành hơn 90 ấn phẩm giải thích Kinh Thánh và bắt đầu được bốn cuộc học hỏi. Hai năm sau, ở Jequié đã có Phòng Nước Trời riêng và có đến 36 Nhân Chứng! Ngày nay, có tám hội thánh và khoảng 700 Nhân Chứng ở Jequié.
Trong những tháng đầu sống ở Jequié, tôi thuê một căn phòng nhỏ ở vùng ngoại ô. Rồi tôi gặp Miguel Vaz de Oliveira, chủ Khách Sạn Sudoeste, một trong những khách sạn tốt nhất ở Jequié. Miguel đồng ý học hỏi Kinh Thánh và khăng khăng mời tôi dọn đến một phòng trong khách sạn của anh. Sau này, Miguel và vợ anh đã trở thành Nhân Chứng.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác trong những tháng ngày sống ở Jequié là câu chuyện của Luiz Cotrim, một giáo viên trung học cùng học hỏi Kinh Thánh với tôi. Luiz đề nghị sẽ giúp tôi học thêm tiếng Bồ Đào Nha và môn toán. Vì chỉ mới học đến tiểu học nên tôi đồng ý ngay. Sau mỗi buổi học Kinh Thánh hàng tuần với Luiz, những buổi học văn hóa như thế trang bị cho tôi tốt hơn để ít lâu sau có thể đảm nhiệm những đặc ân trong tổ chức của Đức Giê-hô-va.
Đương đầu với thử thách mới
Vào năm 1956, tôi nhận được lá thư mời đến văn phòng chi nhánh, lúc bấy giờ là ở Rio de Janeiro, để tham gia khóa huấn luyện trở thành giám thị vòng quanh, tức người truyền giáo lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va. Khóa huấn luyện này kéo dài chỉ hơn một tháng với tám anh khác cùng tham dự. Khi gần mãn khóa, tôi được bổ nhiệm đến São Paulo. Điều đó khiến tôi lo lắng, tôi tự hỏi: ‘Tôi, một người da đen, sẽ làm được gì ở khu *
vực toàn người Ý như thế? Liệu họ sẽ chấp nhận tôi không?’Vào lần thăm viếng hội thánh đầu tiên trong khu vực Santo Amaro, tôi rất cảm kích khi thấy Phòng Nước Trời đầy các anh em Nhân Chứng và những người chú ý. Điều tôi lo sợ hoàn toàn vô căn cứ bởi vì vào cuối tuần, tất cả 97 anh chị trong hội thánh đều đến tham gia thánh chức với tôi. Tôi tự nhủ: ‘Họ thật sự là anh em của mình’. Chính tình cảm nồng ấm của các anh chị em thân yêu đã cho tôi sự can đảm để tiếp tục kiên trì trong công tác lưu động.
Lừa, ngựa và con thú ăn kiến
Những chuyến đi dài đến thăm các hội thánh và các nhóm nhỏ Nhân Chứng ở nông thôn là một trong những thử thách lớn nhất cho các giám thị lưu động vào thời ban đầu. Nhiều nơi không có phương tiện di chuyển công cộng, mà nếu có, thì lại rất nguy hiểm. Hầu hết đường đi là những con đường mòn nhỏ hẹp.
Các anh chị trong một số khu vực vòng quanh đã giải quyết vấn đề bằng cách mua một con lừa hoặc ngựa cho anh giám thị cưỡi. Nhiều ngày đầu tuần, tôi thắng yên, cột đồ dùng cá nhân và bắt đầu chuyến đi, có khi dài cả 12 tiếng, đến hội thánh kế tiếp. Các anh chị ở Santa Fé do Sul có một con lừa tên là Dourado. Nó có thể tự tìm đường đến các nhóm nhỏ ở vùng quê. Dourado biết dừng lại trước cổng nông trại và kiên nhẫn chờ đến khi tôi mở cổng. Sau chuyến viếng thăm, Dourado lại cùng tôi đi đến nhóm kế tiếp.
Khó khăn trong việc liên lạc cũng là một thử thách cho công tác vòng quanh. Chẳng hạn, muốn đến thăm nhóm nhỏ Nhân Chứng nhóm họp ở một nông trại tại Bang Mato Grosso, tôi phải băng qua Sông Araguaia bằng thuyền và cưỡi lừa xuyên rừng khoảng 25 kilômét. Một lần nọ, tôi viết thư thông báo cho nhóm này biết về chuyến viếng thăm của mình. Tuy nhiên, khi tôi băng qua sông thì không có ai đến đón cả vì lá thư bị thất lạc. Lúc đó đã là chiều tối, nên tôi nhờ ông chủ một quán nước nhỏ trông chừng hành lý, và tôi bắt đầu đi bộ chỉ với chiếc cặp da của mình.
Màn đêm buông xuống. Khi tôi vấp chân trong bóng tối, một con thú ăn kiến khụt khịt mũi. Tôi nghe nói rằng một con thú ăn kiến có thể vùng dậy và giết một người bằng hai cánh tay mạnh mẽ của nó. Thế nên, mỗi khi nghe tiếng động dưới đất, tôi vừa thận trọng bước tới, vừa giữ chặt chiếc cặp trước ngực để bảo vệ. Sau vài giờ đi bộ, tôi đến một con suối nhỏ. Không may thay, trong bóng đêm, tôi không thấy được có một hàng rào kẽm gai ở bờ bên kia. Tôi cố phóng qua suối, vừa đụng đến hàng rào là tôi bị thương ngay!
Sau cùng, tôi cũng đến nông trại và được chào đón bởi một tràng tiếng chó sủa. Những kẻ trộm chiên rất thường hoạt động ban đêm,
nên khi cửa vừa mở, tôi liền nhanh chóng cho mọi người biết tôi là ai. Lúc đó trông tôi thật thảm hại, áo quần thì rách và rướm máu, nhưng anh em rất mừng khi gặp tôi.Bất chấp khó khăn, những ngày ở đó thật hạnh phúc. Tôi thưởng thức những chuyến đi dài trên lưng ngựa hoặc đi bộ, thỉnh thoảng tôi dừng chân dưới bóng cây, lắng nghe tiếng chim hót, và ngắm những con cáo băng qua trước lối tôi đi trên con đường vắng vẻ. Khi biết chuyến viếng thăm của mình thật sự giúp các anh chị, điều đó trở thành một nguồn vui mừng khác cho tôi. Nhiều người viết thư cám ơn tôi. Người khác thì cám ơn khi gặp tôi tại hội nghị. Thật vui biết bao khi thấy người ta vượt qua những khó khăn riêng và tiến bộ về thiêng liêng!
Cuối cùng có một người giúp đỡ
Suốt những năm làm công tác lưu động, tôi thường đi một mình, và nhờ đó tôi học được một điều là phải nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, xem Ngài ‘là hòn đá và đồn-lũy tôi’. (Thi-thiên 18:2) Hơn nữa, tôi nhận thấy rằng việc độc thân cho phép tôi tập trung hoàn toàn vào lợi ích Nước Trời.
Tuy nhiên, năm 1978, tôi gặp Júlia Takahashi, một người tiên phong. Cô ấy đã từ bỏ công việc ổn định là làm y tá trong một bệnh viện lớn của São Paulo, để phục vụ ở nơi cần có nhiều người công bố Nước Trời hơn. Các trưởng lão biết Júlia đều khen ngợi thiêng liêng tính và khả năng tiên phong của cô. Chắc bạn cũng tưởng tượng được quyết định kết hôn sau nhiều năm sống độc thân của tôi khiến một số người ngạc nhiên thế nào. Một người bạn thân của tôi không tin, và anh ấy hứa sẽ tặng một con bò nặng 270 kilôgam nếu tôi thật sự kết hôn. Chúng tôi đã có món thịt bò nướng tại buổi tiệc cưới của chúng tôi vào ngày 1-7-1978.
Kiên trì dù sức khỏe kém
Júlia tham gia cùng tôi trong công tác lưu động, chúng tôi viếng thăm các hội thánh miền nam và đông nam Brazil trong tám năm sau đó. Lúc đó, tim của tôi bắt đầu có vấn đề. Tôi bị ngất hai lần trong lúc nói chuyện với chủ nhà khi đi rao giảng. Vì sức khỏe tôi yếu, chúng tôi đồng ý làm tiên phong đặc biệt ở Birigüi, Bang São Paulo.
Lúc bấy giờ, các Nhân Chứng tại Birigüi đề nghị dùng xe hơi chở tôi đi bác sĩ ở Goiânia, một thành phố cách đó khoảng 500 kilômét. Khi sức khỏe ổn định, tôi phải qua một cuộc phẫu thuật để đặt máy điều hòa nhịp tim. Đó là khoảng 20 năm về trước. Dù phải trải qua hai cuộc phẫu thuật về tim nữa, nhưng tôi vẫn tích cực trong việc đào tạo môn đồ. Giống như nhiều người vợ tín đồ Đấng Christ trung thành khác, Júlia luôn là một nguồn sức mạnh và khích lệ cho tôi.
Dù tình trạng sức khỏe kém đã hạn chế các hoạt động của tôi và thỉnh thoảng khiến tôi nản lòng, tôi vẫn có thể làm tiên phong. Tôi luôn tự nhắc nhở mình rằng Đức Giê-hô-va không hề bảo đảm cuộc sống trong hệ thống cũ này luôn tốt đẹp. Nếu sứ đồ Phao-lô và những tín đồ Đấng Christ trung thành thời xưa đã phải kiên trì, vậy tại sao chúng ta lại không?—Công-vụ 14:22.
Mới đây, tôi tìm lại được cuốn Kinh Thánh đầu tiên mình có vào thập niên 1930. Phía trong bìa sách, tôi đã viết số 350—số người công bố của Brazil lúc mà tôi bắt đầu tham dự buổi nhóm họp năm 1943. Dường như không thể tin được con số đó bây giờ đã hơn 600.000. Thật là đặc ân lớn lao thay khi được góp một phần nhỏ vào sự gia tăng này! Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va đã ban thưởng dồi dào cho tôi vì lòng kiên trì. Giống như người viết Thi-thiên, tôi có thể nói: “Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng tôi những việc lớn; nhân đó chúng tôi vui-mừng”.—Thi-thiên 126:3.
[Chú thích]
^ đ. 9 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành nữa.
^ đ. 23 Có gần 1.000.000 người nhập cư từ Ý đến São Paulo vào khoảng giữa năm 1870 và 1920.
[Hình nơi trang 9]
Các Nhân Chứng quảng bá về buổi diễn văn công cộng tại đại hội đầu tiên ở thành phố Salvador, năm 1943
[Hình nơi trang 10]
Các Nhân Chứng đến São Paulo để dự Hội Nghị “Các nước hoan hỉ”, năm 1946
[Các hình nơi trang 10, 11]
Khi làm công tác lưu động cuối thập niên 1950
[Hình nơi trang 12]
Cùng với vợ tôi, Júlia