Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Melito người Sardis—Nhân vật bênh vực lẽ thật Kinh Thánh?

Melito người Sardis—Nhân vật bênh vực lẽ thật Kinh Thánh?

Melito người Sardis—Nhân vật bênh vực lẽ thật Kinh Thánh?

HÀNG năm, tín đồ Đấng Christ chân chính tổ chức Bữa Tiệc Thánh của Chúa vào ngày tương đương với ngày 14 tháng Ni-san theo lịch Do Thái. Họ tuân theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su: “Hãy làm sự nầy để nhớ đến ta”. Đúng vào ngày đó năm 33 CN, sau khi giữ Lễ Vượt Qua, Chúa Giê-su đã thiết lập Lễ Tưởng Niệm cái chết của ngài để làm của-lễ hy sinh. Và nội trong ngày hôm đó, Chúa Giê-su bị giết.—Lu-ca 22:19, 20; 1 Cô-rinh-tô 11:23-28.

Vào thế kỷ thứ hai CN, vài người bắt đầu thay đổi ngày và cách thức cử hành lễ. Tại Tiểu Á, ngày tưởng niệm cái chết của Chúa Giê-su vẫn không đổi. Tuy nhiên, một tài liệu tham khảo cho biết “tại Rô-ma và A-léc-xan-tri, có tập tục cử hành lễ tưởng niệm ngày Chúa Giê-su sống lại vào ngày Chủ Nhật sau đó” và gọi là Lễ Vượt Qua và Phục sinh. Một nhóm người được người ta biết đến là Quartodecimans (Những người giữ ngày thứ mười bốn) bênh vực cho việc cử hành Lễ Tưởng Niệm Chúa Giê-su chết vào ngày 14 tháng Ni-san. Melito, người Sardis cũng nghĩ như thế. Nhưng ông là ai? Bằng cách nào ông đã bênh vực điều này và những điều Kinh Thánh thật sự dạy?

Một “danh nhân”

Sách Ecclesiastical History (Lịch sử giáo hội) của Eusebius, người Caesarea, cho biết vào cuối thế kỷ thứ hai, ông Polycrates, người Ephesus đã gửi một lá thư đến Rô-ma nhằm bênh vực việc giữ “ngày thứ mười bốn là ngày của Lễ Vượt Qua dựa theo Phúc âm và theo đạo Đấng Christ, chứ không làm khác đi”. Theo lá thư này, Melito—Giám mục ở Sardis, thuộc xứ Lydia (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ)—là một trong những người ủng hộ việc giữ lễ vào ngày 14 tháng Ni-san. Lá thư ghi rằng những người cùng thời với Melito xem ông là một trong những “danh nhân đã qua đời”. Polycrates cho biết Melito không lập gia đình và ông “chỉ quan tâm đến những gì liên quan đến Thánh Linh. Ông được chôn tại Sardis và chờ tiếng gọi từ trời để được sống lại”. Điều này có thể hàm ý Melito là một trong những người tin sự sống lại chỉ xảy ra khi Đấng Christ trở lại.—Khải-huyền 20:1-6.

Vậy, xem ra Melito phải là một người can đảm và quyết tâm. Quả vậy, ông viết sách Apology để biện hộ cho tín đồ Đấng Christ, một trong những sách đầu tiên được ghi lại là đã gửi cho Marcus Aurelius, vị Hoàng đế La Mã cai trị từ năm 161 đến 180 CN. Melito không ngần ngại bênh vực đạo Đấng Christ và lên án những kẻ gian ác, tham lam. Những kẻ đó xin được nhiều chiếu chỉ của hoàng đế để có cớ bắt bớ và buộc tội tín đồ Đấng Christ một cách bất công hầu cướp lấy tài sản của họ.

Melito can đảm viết cho hoàng đế như sau: “Chúng tôi xin trình lên vua một lời thỉnh cầu duy nhất. Xin vua xét trường hợp của những người [tín đồ Đấng Christ] vì cuộc xung đột xảy ra có liên quan đến họ. Xin vua xét xử họ một cách công minh, xem họ có đáng tội chết, đáng bị trừng phạt hoặc đáng được bảo vệ và miễn tội hay không. Sắc lệnh và chiếu chỉ mới ban ra quá khắt khe, ngay cả đối với những kẻ thù man rợ. Nhưng nếu do vua ban ra, thì chúng tôi lại càng thành khẩn xin vua đoái đến chúng tôi, chớ để chúng tôi trong tay những kẻ hung bạo, coi thường luật pháp”.

Dùng Kinh Thánh bênh vực đạo Đấng Christ

Melito rất chú ý đến việc tra cứu Kinh Thánh. Chúng ta không có danh sách tất cả tác phẩm ông viết, nhưng một số tựa đề cho thấy ông chú ý những đề tài về Kinh Thánh. Sau đây là một số tựa đề: On Christian Life and the Prophets (Bàn về đời sống tín đồ Đấng Christ và các tiên tri), On the Faith of Man (Bàn về đức tin của con người), On Creation (Bàn về sự sáng tạo), On Baptism and Truth and Faith and Christ’s Birth (Bàn về phép báp têm, lẽ thật, đức tin và sự ra đời của Đấng Christ), On Hospitality (Bàn về lòng hiếu khách), The Key (Bí quyết hiểu Kinh Thánh), và On the Devil and the Apocalypse of John (Bàn về Ma-quỉ và sách Khải Thị của Giăng).

Melito đích thân đi đến những địa danh ghi trong Kinh Thánh để biết chính xác có bao nhiêu sách trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Về điều này, ông viết: “Sau khi sang phương đông, có mặt tại nơi người ta rao giảng và thực hành những điều này, cũng như biết chính xác con số những sách trong Cựu Ước, tôi ghi lại những gì tôi tìm được và xin gửi đến bạn”. Danh sách này không đề cập đến sách Nê-hê-mi và Ê-xơ-tê, nhưng đó là danh sách cổ nhất do những người xưng mình là tín đồ Đấng Christ ghi lại và liệt kê các sách chính điển của Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ.

Trong cuộc nghiên cứu này, Melito biên soạn một loạt các câu có ghi lời tiên tri về Chúa Giê-su trong Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ. Sách Extracts của Melito cho thấy Chúa Giê-su chính là đấng Mê-si mà người ta hằng mong đợi và là đấng mà Luật Pháp Môi-se và các tiên tri nói đến.

Bênh vực giá trị của giá chuộc

Ở Tiểu Á, có một cộng đồng lớn người Do Thái sống tại những thành phố quan trọng. Người Do thái ở Sardis, nơi Melito từng sống, đã giữ Lễ Vượt Qua vào ngày 14 tháng Ni-san. Melito viết một bài thuyết giáo có tựa đề Lễ Vượt Qua cho thấy tính chính đáng của Lễ Vượt Qua theo Luật Pháp và bênh vực việc tín đồ Đấng Christ cử hành Bữa Tiệc Thánh của Chúa vào ngày 14 tháng Ni-san.

Melito bình luận về Xuất Ê-díp-tô ký chương 12, và cho thấy Lễ Vượt Qua là hình bóng cho sự hy sinh của Đấng Christ. Ông giải thích nguyên do tín đồ Đấng Christ không giữ Lễ Vượt Qua là vì thực hành này không hợp lý, và vì Đức Chúa Trời đã bãi bỏ Luật Pháp Môi-se. Rồi ông cho thấy vì sao sự hy sinh của Đấng Christ là cần thiết. Ông kể lại việc Đức Chúa Trời đặt A-đam trong vườn địa đàng và cho hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Nhưng người đầu tiên A-đam đã bất tuân lệnh Đức Chúa Trời cấm ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác. Vì vậy giá chuộc là điều cần thiết.

Melito giải thích thêm là Chúa Giê-su được sai xuống trái đất và chết trên cây gỗ để làm giá chuộc cho những người có đức tin được thoát khỏi tình trạng tội lỗi và chết chóc. Một điều đáng chú ý là Melito dùng từ Hy Lạp xylon, có nghĩa là “gỗ” để nói đến cây trụ dùng để hành hình Chúa Giê-su.—Công-vụ 5:30; 10:39.

Ông Melito được ngay cả những người ngoài vùng Tiểu Á biết đến. Những nhân vật như Tertullian, Clement người Alexandria và Origen đều quen thuộc với các tác phẩm của Melito. Tuy nhiên, sử gia Raniero Cantalamessa nói: “Vì tình cảnh Melito suy tàn nên các tác phẩm của ông cũng dần dần biến mất. Điều này bắt đầu sau khi những tập tục về Lễ Vượt Qua vào ngày Chủ Nhật trở nên thịnh hành và khi người ta bắt đầu xem những người giữ ngày thứ mười bốn là theo dị giáo”. Cuối cùng, những tác phẩm của Melito hầu như không còn ai nhớ tới.

Nạn nhân của sự bội đạo?

Sau khi các sứ đồ qua đời, sự bội đạo được báo trước đã len lỏi vào đạo thật của Đấng Christ. (Công-vụ 20:29, 30) Rõ ràng điều này ảnh hưởng đến Melito. Văn phong phức tạp trong các tác phẩm của ông dường như phản ánh văn phong các tác phẩm của triết lý Hy Lạp và thế giới La Mã. Có lẽ đó là lý do mà Melito gọi đạo Đấng Christ là “triết lý của chúng ta”. Ông xem sự phối hợp của cái gọi là đạo Đấng Christ với Đế quốc La Mã là “bằng chứng rõ ràng nhất... về sự thành công”.

Rõ ràng Melito đã không theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy giữ chừng, kẻo có ai lấy triết-học và lời hư-không, theo lời truyền-khẩu của loài người, sơ-học của thế-gian, không theo Đấng Christ, mà bắt anh em phục chăng”. Bởi vậy, trong lúc Melito bênh vực lẽ thật của Kinh Thánh đến một mức độ nào đó, nhưng trên nhiều phương diện ông lại từ bỏ những lẽ thật đó.—Cô-lô-se 2:8.

[Hình nơi trang 18]

Chúa Giê-su thiết lập Bữa Tiệc Thánh vào ngày 14 tháng Ni-san