Giữ trung thành có đáng không?
Giữ trung thành có đáng không?
“ÔNG trả bảo hiểm y tế quá cao”, Karl, một người bán bảo hiểm, nói. * “Nếu chọn công ty của tôi, ông sẽ tiết kiệm được 15 đồng Euro mỗi tháng. Đó không phải là số tiền nhỏ”.
Ông Jens đáp: “Có thể là thế. Nhưng tôi đã mua bảo hiểm y tế ở hãng này nhiều năm rồi. Từ trước tới nay, họ phục vụ rất tốt và tôi muốn trung thành với họ”.
Ông Karl trả lời: “Trung thành là một đức tính đáng quý. Nhưng để trung thành như thế, ông sẽ bị tốn kém!”
Karl nói đúng. Thường khi trung thành hay chung thủy với một người, chúng ta có thể bị tốn kém. * Lòng trung thành cũng đòi hỏi thời gian, công sức và tình cảm gắn bó. Có đáng để giữ lòng trung thành không?
Được ca ngợi nhiều hơn là thực hành
Theo một cuộc thăm dò ở Đức do Viện Thăm Dò Dư Luận Allensbach thực hiện, 96 phần trăm những người tham gia xem chung thủy là một đức tính đáng quý. Một cuộc thăm dò thứ hai của Viện Allensbach, với những người trẻ ở độ tuổi từ 18 đến 24, cho biết hai phần ba những người tham gia xem chung thủy là đức tính đáng chuộng.
Mặc dù sự trung thành, hay chung thủy, được nhiều người ca ngợi nhưng thật sự sống trung thành, hay sống chung thủy, lại là chuyện khác. Chẳng hạn tại nhiều xứ ở Châu Âu, những cặp vợ chồng hoặc những người trong gia đình thường ít chung thủy hay trung thành với nhau. Bạn bè cũng thường phản bội nhau. Và sự trung thành từng gắn bó chủ với người làm công hoặc doanh nghiệp với khách hàng giờ đây hầu như không còn nữa. Tại sao?
Đôi khi nhịp sống hối hả khiến người ta không còn thời gian, tâm sức cho những mối quan hệ gắn bó đòi hỏi sự trung thành. Những người từng bị người khác làm cho thất vọng có lẽ không còn dám trung thành với bất cứ ai. Cũng có người thích lối sống rày đây mai đó, không ràng buộc hay phải trung thành với ai.
Dù vì lý do nào chăng nữa thì trung thành vẫn là một đức tính thường được ca ngợi nhiều hơn là thực hành. Vì thế câu hỏi đặt ra là: Giữ trung thành có đáng không? Nếu có, chúng ta phải trung thành với ai, và như thế nào? Giữ trung thành đem lại lợi ích gì?
[Chú thích]
^ đ. 2 Một số tên trong bài này và bài kế đã được thay đổi.
^ đ. 5 Mặc dù hai từ “trung thành” và “chung thủy” không phải lúc nào cũng được dùng trong bối cảnh giống nhau nhưng trong loạt bài này, hai từ này đôi khi được dùng thay thế cho nhau.
[Câu nổi bật nơi trang 3]
Sự chung thủy là một đức tính thường được ca ngợi nhiều hơn là thực hành