Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức tin của bạn có thúc đẩy bạn hành động không?

Đức tin của bạn có thúc đẩy bạn hành động không?

Đức tin của bạn có thúc đẩy bạn hành động không?

THẦY ĐỘI tin chắc rằng Chúa Giê-su có đủ khả năng chữa bệnh bại cho người đầy tớ ông. Tuy nhiên, có lẽ vì cảm nghĩ mình không xứng đáng hoặc vì là người dân ngoại, nên ông không mời Chúa Giê-su đến nhà nhưng sai mấy trưởng lão trong dân Giu-đa đến cùng ngài mà thưa rằng: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy-tớ tôi sẽ được lành”. Nhận thấy thầy đội tin là ngài có thể chữa bệnh từ đằng xa, Chúa Giê-su nói với những người đi theo ngài: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức-tin lớn dường ấy”.—Ma-thi-ơ 8:5-10; Lu-ca 7:1-10.

Câu chuyện này giúp chúng ta chú ý đến một khía cạnh thiết yếu của đức tin. Đức tin thật không chỉ là tin một cách thụ động mà phải đi đôi với hành động. Một người viết Kinh Thánh là Gia-cơ giải thích: “Nếu đức-tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết”. (Gia-cơ 2:17) Chúng ta sẽ hiểu rõ điều này hơn khi xem xét một trường hợp điển hình cho thấy điều gì có thể xảy ra nếu đức tin không đi đôi với hành động.

Vào năm 1513 TCN dân Y-sơ-ra-ên bước vào mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời Giê-hô-va qua giao ước Luật Pháp. Là người trung gian của giao ước đó, Môi-se chuyển lời của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên: “Nếu các ngươi vâng lời ta và giữ sự giao-ước ta,... các ngươi sẽ thành... một dân-tộc thánh”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-6) Đúng thế, dân Y-sơ-ra-ên có nên thánh hay không là tùy thuộc vào sự vâng lời của họ.

Nhiều thế kỷ sau, người Do Thái bắt đầu xem việc nghiên cứu học hỏi Luật Pháp là quan trọng hơn việc áp dụng nguyên tắc Luật Pháp. Trong sách The Life and Times of Jesus the Messiah (Tiểu Sử Chúa Giê-su, Đấng Mê-si), tác giả Alfred Edersheim viết: “Từ lâu các [ra-bi]—những ‘bậc hiền triết của thế giới’ đã cho rằng việc học hỏi quan trọng hơn thực hành”.

Đúng là dân Y-sơ-ra-ên xưa được lệnh phải siêng năng học hỏi các điều răn Đức Chúa Trời. Chính Đức Chúa Trời nói: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Nhưng Đức Giê-hô-va có bao giờ có ý cho người ta đặt sự nghiên cứu lên trên việc tuân theo hay hành động phù hợp với Luật Pháp không? Chúng ta hãy xem xét điều này.

Học hỏi nghiên cứu

Xem việc nghiên cứu Luật Pháp là tối quan trọng có lẽ là điều hợp lý đối với người Y-sơ-ra-ên, vì theo một truyền thống Do Thái, chính Đức Chúa Trời dành ra ba tiếng mỗi ngày để nghiên cứu Luật Pháp. Bạn có thể hiểu được tại sao một số người Do Thái lập luận như sau: ‘Nếu Đức Chúa Trời đều đặn nghiên cứu Luật Pháp, chẳng phải các tạo vật trên đất của Ngài cũng cần để hết tâm trí vào việc đó sao?’

Các ra-bi đã quá bận tâm đến việc tỉ mỉ phân tích và giải thích Luật Pháp. Đến thế kỷ thứ nhất CN, điều này đã hoàn toàn bóp méo lối suy nghĩ của họ. Chúa Giê-su nói: “Các thầy thông-giáo và người Pha-ri-si... nói mà không làm. Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào”. (Ma-thi-ơ 23:2-4) Những nhà lãnh đạo tôn giáo này giả dối, bắt dân chúng giữ vô số luật lệ và quy tắc nặng nề trong khi đó họ lại cố tìm kẻ hở của luật pháp để khỏi phải tuân theo các luật ấy. Hơn nữa, họ tập trung vào việc nghiên cứu Luật Pháp nhưng “bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín”.—Ma-thi-ơ 23:16-24.

Thật là mỉa mai thay khi tìm cách lập sự công bình riêng, nhưng rốt cuộc các thầy thông giáo và người Pha-ri-si lại vi phạm chính Luật Pháp mà họ cho rằng họ ủng hộ triệt để! Trải qua hàng trăm năm, các cuộc tranh cãi về từ ngữ và những chi tiết nhỏ nhặt của Luật Pháp đã không giúp họ đến gần Đức Chúa Trời. Hậu quả của điều này tương tự như sự lệch lạc gây ra bởi những điều mà sứ đồ Phao-lô gọi là “những lời hư-không”, “những sự cãi lẽ” và “tri-thức” ngụy xưng. (1 Ti-mô-thê 6:20, 21) Tuy nhiên, sự nghiên cứu dông dài bất tận đã gây cho họ thêm một hậu quả nghiêm trọng khác là: họ đã không vun trồng được loại đức tin có thể thúc đẩy họ hành động đúng đắn.

Trí hiểu biết, lòng lại thiếu đức tin

Lối suy nghĩ của các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái thật khác hẳn với quan điểm của Đức Chúa Trời! Ít lâu trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, Môi-se nói với họ: “Hãy để lòng chăm-chỉ về hết thảy lời ta đã nài-khuyên các ngươi ngày nay, mà truyền cho con-cháu mình, để chúng nó cẩn-thận làm theo các lời của luật-pháp nầy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:46) Rõ ràng, dân Đức Chúa Trời không chỉ cần nghiên cứu mà còn phải làm theo Luật Pháp.

Tuy nhiên, nhiều lần dân Y-sơ-ra-ên đã tỏ ra bất trung với Đức Giê-hô-va. Dân Y-sơ-ra-ên không làm những điều phải, họ “không tin Ngài và không nghe theo tiếng Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:23; Các Quan Xét 2:15, 16; 2 Sử-ký 24:18, 19; Giê-rê-mi 25:4-7) Cuối cùng, người Do Thái phạm một hành động bất trung nghiêm trọng nhất khi họ chối bỏ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. (Giăng 19:14-16) Vì vậy, Đức Chúa Trời Giê-hô-va từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên và xây qua dân ngoại.—Công-vụ 13:46.

Chắc chắn chúng ta phải cẩn thận để tránh rơi vào cạm bẫy ấy—nghĩ rằng mình có thể thờ phượng Đức Chúa Trời với trí hiểu biết mà lòng thì thiếu đức tin. Nói một cách khác, nghiên cứu học hỏi Kinh Thánh không chỉ là thu thập kiến thức. Sự hiểu biết chính xác phải động đến lòng chúng ta để ảnh hưởng tích cực đến đời sống chúng ta. Có lợi ích gì không nếu nghiên cứu về cách làm vườn nhưng lại không bao giờ gieo hạt giống nào cả? Tuy là chúng ta sẽ có thêm kiến thức về cách trồng trọt nhưng chúng ta sẽ không bao giờ gặt hái được gì cả! Tương tự thế, những ai tìm hiểu về những đòi hỏi của Đức Chúa Trời qua việc học hỏi Kinh Thánh phải để cho hạt giống lẽ thật động đến lòng, hầu cho các hạt giống ấy nảy mầm và thúc đẩy họ hành động.—Ma-thi-ơ 13:3-9, 19-23.

“Hãy làm theo lời”

Sứ đồ Phao-lô nói rằng “đức-tin đến bởi sự người ta nghe”. (Rô-ma 10:17) Tiến trình tự nhiên này đi từ việc nghe Lời Đức Chúa Trời đến việc thực hành đức tin nơi Con Ngài là Chúa Giê-su Christ, cho chúng ta triển vọng sống đời đời. Đúng vậy, chỉ đơn giản nói ‘tôi tin nơi Đức Chúa Trời và Đấng Christ’ thì không đủ.

Chúa Giê-su thúc giục các môn đồ ngài phải có loại đức tin thúc đẩy họ hành động: “Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy”. (Giăng 15:8) Sau này, người em khác cha của Chúa Giê-su là Gia-cơ viết: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ”. (Gia-cơ 1:22) Nhưng làm sao chúng ta có thể biết được mình phải làm điều gì? Qua lời nói và hành động, Chúa Giê-su cho thấy chúng ta phải làm gì để Đức Chúa Trời vui lòng.

Trong lúc còn sống trên đất, Chúa Giê-su cố gắng đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời và tôn vinh danh Cha ngài. (Giăng 17:4-8) Bằng cách nào? Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến các phép lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện để chữa lành người bệnh hoạn và tàn tật. Tuy nhiên, sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ nêu rõ cách chính yếu mà ngài đã làm: “Đức Chúa Jêsus đi khắp các thành, các làng, dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời”. Điều đáng lưu ý là khi thi hành thánh chức, Chúa Giê-su không chỉ ngẫu nhiên làm chứng cho vài người bạn, người quen hay những người mà ngài tiếp xúc tại địa phương. Ngài đã nỗ lực dùng bất cứ phương tiện nào có sẵn để làm chứng “khắp xứ Ga-li-lê”.—Ma-thi-ơ 4:23, 24; 9:35.

Chúa Giê-su cũng bảo các tín đồ phải tham gia công việc đào tạo môn đồ. Quả thật, ngài đã để lại một gương hoàn hảo cho họ noi theo. (1 Phi-e-rơ 2:21) Chúa Giê-su nói với các môn đồ trung thành: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

Phải nhìn nhận rằng công việc rao giảng là một thách thức lớn. Chính Chúa Giê-su đã nói: “Nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông-sói”. (Lu-ca 10:3) Khi chúng ta gặp chống đối, phản ứng tự nhiên là lùi bước để tránh bị đau buồn hay lo âu. Đó là điều đã xảy ra vào đêm Chúa Giê-su bị bắt. Các sứ đồ trốn đi vì quá sợ hãi. Cùng đêm đó, Phi-e-rơ chối Chúa Giê-su ba lần.—Ma-thi-ơ 26:56, 69-75.

Hơn nữa, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết chính sứ đồ Phao-lô nói rằng ông cũng phải phấn đấu hết sức để rao giảng tin mừng. Ông viết cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca: “Chúng tôi trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao-truyền đạo Tin-lành của Đức Chúa Trời cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2.

Phao-lô và các sứ đồ đã vượt qua cảm giác sợ hãi nói cho người khác biết về Nước Trời, và bạn cũng có thể vượt qua điều đó. Như thế nào? Bước quan trọng nhất là nương tựa nơi Đức Giê-hô-va. Nếu đặt hết lòng tin nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ được thúc đẩy để hành động, và có khả năng thi hành ý muốn của Ngài.—Công-vụ 4:17-20; 5:18, 27-29.

Nỗ lực của bạn sẽ được tưởng thưởng

Đức Giê-hô-va biết rõ về những nỗ lực của chúng ta để phụng sự Ngài. Chẳng hạn, Ngài biết khi chúng ta đau ốm hay mệt mỏi. Ngài hiểu cảm giác thiếu tự tin của chúng ta. Khi chúng ta lo lắng vì gặp khó khăn về tài chính hoặc khi nản lòng vì vấn đề sức khỏe hoặc cảm xúc đau buồn, Đức Giê-hô-va luôn lưu tâm đến hoàn cảnh của chúng ta.—2 Sử-ký 16:9; 1 Phi-e-rơ 3:12.

Đức Giê-hô-va hẳn vui lòng biết bao khi thấy dù bất toàn và gặp khó khăn, nhưng đức tin vẫn thúc đẩy chúng ta hành động! Lòng quan tâm trìu mến của Đức Giê-hô-va đối với các tôi tớ trung thành không phải là một cảm xúc mơ hồ nào đó, nhưng được chứng tỏ bằng một lời hứa. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.

Bạn có thể tin cậy lời miêu tả của Kinh Thánh về Đức Giê-hô-va, Ngài là “Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội”, và “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4; Hê-bơ-rơ 11:6) Hãy xem trường hợp một phụ nữ sống ở California, Hoa Kỳ. Chị nhớ lại: “Cha tôi phụng sự trong thánh chức trọn thời gian mười năm trước khi có con. Tôi rất thích nghe cha kể lại cách Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ cha trong thánh chức. Nhiều lần cha đã dùng hết số tiền còn lại của mình để mua xăng đi rao giảng. Khi trở về nhà, cha thường thấy thực phẩm ngay trước cửa”.

Ngoài việc cung cấp về vật chất, “Cha hay thương-xót, là Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi”, nâng đỡ chúng ta về mặt tình cảm và thiêng liêng. (2 Cô-rinh-tô 1:3) Một Nhân Chứng đã trải qua nhiều thử thách nói: “Việc nương tựa nơi Đức Giê-hô-va đem lại cảm giác thỏa nguyện. Điều này cho chúng ta cơ hội tin cậy Ngài và cảm nghiệm sự giúp đỡ của Ngài”. Bạn có thể đến với “Đấng nghe lời cầu-nguyện” với lòng khiêm nhường và tin chắc rằng Ngài quan tâm đến mối lo âu của bạn.—Thi-thiên 65:2.

Những người làm việc trong mùa gặt thiêng liêng nhận được nhiều ân phước và phần thưởng. (Ma-thi-ơ 9:37, 38) Nhiều người được lợi ích về mặt sức khỏe khi tham gia thánh chức rao giảng. Bạn cũng có thể hưởng được lợi ích này. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là: việc làm chứng cho người khác giúp củng cố mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời.—Gia-cơ 2:23.

Hãy tiếp tục làm điều lành

Thật sai lầm nếu một tôi tớ Đức Chúa Trời nghĩ rằng mình làm Đức Giê-hô-va thất vọng khi không thể tham gia thánh chức nhiều như mong muốn vì bệnh tật hay tuổi già. Trong trường hợp một người bị giới hạn vì sức khỏe yếu kém, trách nhiệm gia đình hay những hoàn cảnh khác, người đó cũng có thể nghĩ như thế.

Hãy nhớ lại trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Khi cảm thấy bị giới hạn vì bệnh tật hay một trở ngại nào đó, ông “ba lần... cầu-nguyện Chúa cho nó lìa xa” ông. Thay vì chữa lành cho Phao-lô để ông có thể phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn, Đức Chúa Trời phán: “Ân-điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức-mạnh của ta nên trọn-vẹn trong sự yếu-đuối”. (2 Cô-rinh-tô 12:7-10) Vì vậy, hãy tin chắc là dù bạn phải đối phó với bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, Cha trên trời xem trọng mọi điều bạn có thể làm được để thực hiện ý muốn Ngài.—Hê-bơ-rơ 13:15, 16.

Đấng Tạo Hóa đầy yêu thương không đòi hỏi chúng ta làm nhiều hơn sức mình có thể làm. Ngài chỉ muốn chúng ta có loại đức tin thúc đẩy chúng ta hành động.

[Hình nơi trang 26]

Chỉ nghiên cứu Luật Pháp thôi có đủ không?

[Các hình nơi trang 29]

Đức tin của chúng ta phải đi đôi với hành động