Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?

Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?

Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?

“Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”—MI-CHÊ 6:8.

1, 2. Tại sao một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể trở nên nản lòng, nhưng điều gì sẽ chứng tỏ có ích?

CHỊ Vera là một tín đồ Đấng Christ trung thành khoảng 75 tuổi và sức khỏe rất kém. Chị nói: “Đôi khi tôi nhìn ra cửa sổ và thấy các anh chị em tín đồ Đấng Christ rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Điều này làm tôi rơi nước mắt vì tôi muốn cùng đi với họ, nhưng vì đau yếu tôi không thể phụng sự Đức Giê-hô-va như mong muốn”.

2 Bạn có bao giờ cảm thấy như thế chưa? Tất nhiên, tất cả những ai yêu mến Đức Giê-hô-va đều muốn bước theo danh Ngài và đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Song, nếu sức khỏe chúng ta ngày một suy yếu, tuổi tác ngày một cao, hoặc có trách nhiệm gia đình thì sao? Chúng ta có thể cảm thấy phần nào nản lòng vì những hoàn cảnh như thế có thể khiến chúng ta không thể làm tất cả những gì lòng mình mong muốn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Nếu ở trong hoàn cảnh này, rất có thể chúng ta sẽ được khích lệ nhiều khi xem xét Mi-chê chương 6 và 7. Hai chương này cho thấy rằng những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là hợp lý và có thể đáp ứng được.

Cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Ngài

3. Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch như thế nào?

3 Trước hết, hãy xem Mi-chê 6:3-5 và lưu ý đến cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Ngài. Hãy nhớ rằng vào thời Mi-chê, Y-sơ-ra-ên là dân phản nghịch. Dầu vậy, Đức Giê-hô-va vẫn thương xót gọi họ: “Hỡi dân ta”. Ngài kêu gọi: “Hỡi dân ta, khá nhớ lại”. Thay vì gay gắt lên án họ, Ngài cố động đến lòng họ bằng câu hỏi: ‘Ta đã làm gì ngươi?’ Ngài thậm chí khuyến khích họ “làm chứng nghịch cùng” Ngài.

4. Gương của Đức Chúa Trời về lòng thương xót nên tác động thế nào đến chúng ta?

4 Đức Chúa Trời nêu một gương thật tốt cho tất cả chúng ta! Ngài thương xót gọi cả dân phản nghịch ở Y-sơ-ra-ên và Giu-đa vào thời Mi-chê là “dân ta” và thiết tha kêu gọi họ bằng từ “khá”. Vậy, chắc chắn chúng ta cần phải biểu lộ lòng thương xót và nhân từ khi đối xử với những thành viên của hội thánh. Đành rằng, một số người có thể không dễ gần, hoặc yếu về thiêng liêng. Nhưng nếu họ yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta vẫn sẵn sàng giúp họ và tỏ lòng thương xót họ.

5. Điều cơ bản nào được nêu lên nơi Mi-chê 6:6, 7?

5 Kế tiếp, chúng ta hãy xem Mi-chê 6:6, 7. Mi-chê nêu lên một loạt câu hỏi này: “Ta sẽ đem vật gì chầu trước mặt Đức Giê-hô-va và quì-lạy trước mặt Đức Chúa Trời rất cao? Ta sẽ đến trước mặt Ngài với những của-lễ thiêu và với những bò con giáp niên sao? Đức Giê-hô-va há có thích những hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu sao? Ta há nên dâng con đầu lòng của ta vì sự phạm-pháp ta, và trái của thân-thể ta vì tội-lỗi linh-hồn ta sao?” Không, không thể làm hài lòng Đức Giê-hô-va bằng “hàng ngàn chiên đực hay là hàng vạn sông dầu”. Nhưng có một điều sẽ làm Ngài hài lòng. Đó là gì?

Chúng ta phải làm sự công bình

6. Mi-chê 6:8 nêu ra ba đòi hỏi nào của Đức Chúa Trời?

6 Nơi Mi-chê 6:8, chúng ta biết được điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta. Mi-chê hỏi: “Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?” Ba đòi hỏi này liên quan đến cảm xúc, lối suy nghĩ và hành động của chúng ta. Chúng ta phải cảm thấy muốn biểu lộ những đức tính này, suy nghĩ về cách thể hiện, và hành động để thể hiện những đức tính đó. Chúng ta hãy lần lượt xem xét ba đòi hỏi này.

7, 8. (a) “Làm sự công-bình” có nghĩa là gì? (b) Những thực hành bất chính nào lan tràn vào thời Mi-chê?

7 “Làm sự công-bình” có nghĩa là làm điều đúng. Cách Đức Chúa Trời hành động chính là chuẩn mực của sự công bình. Tuy nhiên, những người cùng thời với Mi-chê đã không làm điều công bình mà làm điều bất chính. Như thế nào? Hãy xem Mi-chê 6:10. Phần cuối câu đó miêu tả các nhà buôn dùng “lường non”, tức lường thiếu. Câu 11 nói thêm rằng họ dùng “trái cân giả-dối”. Và theo câu 12, “lưỡi [họ] hay phỉnh-phờ”. Vì thế, đơn vị đo lường giả dối, cân giả dối và lưỡi dối trá lan tràn trong thế giới thương mại thời Mi-chê.

8 Thực hành bất chính không chỉ xảy ra nơi thương trường mà còn phổ biến nơi công đường. Mi-chê 7:3 cho thấy rằng “quan trưởng thì đòi của, quan-xét thì tham hối-lộ”. Người ta mua chuộc quan xét để họ kết án bất công người vô tội. “Người lớn”, tức những người có thế lực, đều dính líu vào tội ác. Thực tế, Mi-chê nói rằng các quan trưởng, quan xét và người lớn “cùng nhau đan-dệt”, tức cấu kết, để làm ác.

9. Giu-đa và Y-sơ-ra-ên bị ảnh hưởng như thế nào bởi những thực hành bất chính của người ác?

9 Những thực hành bất chính của những người lãnh đạo gian ác ảnh hưởng đến toàn xứ Giu-đa và Y-sơ-ra-ên. Mi-chê 7:5 ghi rằng sự không công bình dẫn đến tình trạng người lân cận, bạn hữu và cả vợ chồng không tin cậy nhau. Câu 6 cho thấy rằng điều này đưa đến tình trạng những người thân như cha con, mẹ con, sỉ nhục nhau.

10. Trong môi trường bất công thời nay, tín đồ Đấng Christ cư xử như thế nào?

10 Còn ngày nay thì sao? Chẳng phải chúng ta cũng thấy những tình trạng tương tự sao? Như Mi-chê, xung quanh chúng ta đầy sự bất công, nghi ngờ và gia đình đổ vỡ, xã hội suy đồi. Tuy nhiên, là tôi tớ của Đức Chúa Trời sống giữa thế gian bất công này, chúng ta không để cho tinh thần cư xử bất công của thế gian thâm nhập hội thánh đạo Đấng Christ. Thay vì thế, chúng ta cố gắng giữ vững các nguyên tắc về sự lương thiện và liêm chính, thể hiện những đức tính này trong sinh hoạt hàng ngày. Thật vậy, chúng ta “ăn-ở trọn-lành trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Chẳng phải bạn đồng ý rằng bằng cách làm sự công bình, chúng ta được nhiều ân phước vì có được một đoàn thể anh em thật sự tin cậy lẫn nhau sao?

Dân sự nghe “tiếng của Đức Giê-hô-va” như thế nào?

11. Mi-chê 7:12 đang được ứng nghiệm như thế nào?

11 Mi-chê tiên tri rằng mặc dù tình trạng bất công lan tràn, mọi hạng người sẽ được hưởng sự công bình. Nhà tiên tri báo trước rằng người “từ biển nầy cho đến biển kia, từ núi nầy cho đến núi khác” sẽ được nhóm lại để trở thành những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (Mi-chê 7:12) Ngày nay, trong lần ứng nghiệm cuối cùng của lời tiên tri này, không riêng một nước nào mà người từ mọi nước đang hưởng lợi ích từ sự công bình không thiên vị của Đức Chúa Trời. (Ê-sai 42:1) Điều này chứng tỏ đúng sự thật như thế nào?

12. Ngày nay người ta nghe “tiếng của Đức Giê-hô-va” như thế nào?

12 Để biết câu trả lời, hãy xem những lời trước đó của Mi-chê. Mi-chê 6:9 nói: “Tiếng của Đức Giê-hô-va kêu lên nghịch cùng thành nầy, người khôn phải kính-sợ danh Ngài”. Làm thế nào dân của mọi nước nghe “tiếng của Đức Giê-hô-va”, và điều này liên quan thế nào đến việc chúng ta làm sự công bình? Tất nhiên, ngày nay người ta không thật sự nghe tiếng nói của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, qua việc chúng ta rao giảng khắp thế giới, người thuộc mọi chủng tộc và tầng lớp đang nghe tiếng của Đức Giê-hô-va. Vì thế, những người nghe ‘kính-sợ danh Đức Chúa Trời’, dần dần có sự tôn kính đối với danh đó. Khi phụng sự với tư cách những người sốt sắng công bố Nước Trời, chúng ta chắc chắn đang hành động công bình và yêu thương. Khi cho mọi người biết danh Đức Chúa Trời một cách không thiên vị, chúng ta “làm sự công-bình”.

Chúng ta phải ưa sự nhân từ

13. Có sự khác biệt nào giữa yêu thương nhân từ và yêu thương?

13 Tiếp theo chúng ta hãy thảo luận đòi hỏi thứ hai nói đến nơi Mi-chê 6:8. Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta phải “ưa sự nhân-từ”. Từ Hê-bơ-rơ được dịch là “nhân-từ” cũng được dịch là “yêu thương nhân từ”, hay “yêu thương trung tín”. Yêu thương nhân từ là tích cực để ý đến người khác, một sự quan tâm đầy lòng thương xót đối với họ. Yêu thương nhân từ khác với đức tính yêu thương. Như thế nào? Yêu thương là một từ rộng nghĩa hơn, có thể được dùng cho vật và khái niệm. Thí dụ, Kinh Thánh nói về một người “yêu các vật ở thế-gian” và “yêu mến sự khôn ngoan”. (1 Giăng 2:15; Châm-ngôn 29:3, Nguyễn Thế Thuấn) Còn yêu thương nhân từ chỉ dùng cho người, đặc biệt những người phụng sự Đức Chúa Trời. Bởi vậy, Mi-chê 7:20 (NW) nói về “sự yêu thương nhân từ cho Áp-ra-ham”—một người phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

14, 15. Lòng yêu thương nhân từ được bày tỏ như thế nào, và bằng chứng nào được nêu ra?

14 Theo Mi-chê 7:18, nhà tiên tri nói rằng Đức Chúa Trời “lấy sự nhân-từ làm vui-thích”. Mi-chê 6:8 không chỉ bảo chúng ta tỏ lòng yêu thương nhân từ mà còn phải ưa, tức yêu thích, đức tính đó. Chúng ta học được gì từ các câu Kinh Thánh này? Sự yêu thương nhân từ được bày tỏ một cách tự nguyện và cởi mở vì chúng ta muốn bày tỏ đức tính đó. Như Đức Giê-hô-va, chúng ta vui thích bày tỏ lòng yêu thương nhân từ đối với những người cần giúp đỡ.

15 Ngày nay, lòng yêu thương nhân từ như thế là một đặc điểm của dân Đức Chúa Trời. Hãy xem chỉ một thí dụ. Vào tháng 6-2001, một trận bão nhiệt đới gây ngập lụt nghiêm trọng ở bang Texas, Hoa Kỳ, làm hư hại hàng ngàn ngôi nhà, trong đó có hàng trăm căn nhà của Nhân Chứng Giê-hô-va. Khoảng 10.000 Nhân Chứng tự nguyện dành thời gian và năng lực để giúp các anh em tín đồ Đấng Christ đang gặp khó khăn. Hơn nửa năm, những người tình nguyện làm việc không mệt mỏi, tận dụng ngày, đêm và cuối tuần để xây lại 8 Phòng Nước Trời và hơn 700 căn nhà cho anh em tín đồ Đấng Christ. Những người không thể tham gia công việc này thì đóng góp thực phẩm, vật phẩm và tiền bạc. Tại sao hàng ngàn Nhân Chứng này lại bỏ công sức giúp đỡ anh em mình? Bởi vì họ “ưa sự nhân-từ”. Và thật ấm lòng xiết bao khi biết rằng anh em chúng ta khắp nơi trên thế giới bày tỏ những hành động yêu thương nhân từ như thế! Thật vậy, đáp ứng đòi hỏi “ưa sự nhân-từ” không phải là một gánh nặng mà là niềm vui!

Bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời

16. Minh họa nào làm nổi bật việc cần phải bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời?

16 Đòi hỏi thứ ba được đề cập nơi Mi-chê 6:8 là “bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời”. Điều này có nghĩa là phải nhận biết những giới hạn của chúng ta và biết nương cậy nơi Đức Chúa Trời. Để minh họa: hãy hình dung một bé gái nắm chặt tay cha trong lúc đi trong cơn bão. Cô bé biết rõ sức mình có hạn, nhưng cô tin cậy nơi cha. Chúng ta cũng phải biết những giới hạn của mình nhưng biết tin cậy nơi Cha trên trời. Làm thế nào chúng ta có thể giữ vững lòng tin này? Một cách là luôn ghi nhớ lý do tại sao ở gần Đức Chúa Trời là điều khôn ngoan. Mi-chê nhắc chúng ta về ba lý do: Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu, Đấng Dẫn Dắt và Đấng Bảo Vệ của chúng ta.

17. Đức Giê-hô-va đã giải cứu, dẫn dắt và bảo vệ dân thời xưa của Ngài như thế nào?

17 Theo Mi-chê 6:4, 5, Đức Chúa Trời nói: “Ta đã đem ngươi lên khỏi đất Ê-díp-tô”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va là Đấng Giải Cứu của Y-sơ-ra-ên. Đức Giê-hô-va nói thêm: “Ta... đã sai Môi-se, A-rôn, Mi-ri-am đến trước mặt ngươi”. Môi-se và A-rôn được dùng để dẫn dắt dân sự, còn Mi-ri-am dẫn đầu các phụ nữ Y-sơ-ra-ên trong một vũ hội chiến thắng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 7:1, 2; 15:1, 19-21; Phục-truyền Luật-lệ Ký 34:10) Đức Giê-hô-va ban sự hướng dẫn qua trung gian các tôi tớ Ngài. Trong câu 5, Đức Giê-hô-va nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên về việc Ngài đã bảo vệ họ khỏi Ba-lác và Ba-la-am, và đã che chở họ trong suốt giai đoạn cuối của cuộc hành trình từ Si-tim ở Mô-áp đến Ghinh-ganh trong Đất Hứa.

18. Ngày nay Đức Chúa Trời giải cứu, dẫn dắt và bảo vệ chúng ta như thế nào?

18 Khi bước đi với Đức Chúa Trời, chúng ta được Ngài giải cứu khỏi thế gian của Sa-tan, được Ngài dẫn dắt qua trung gian Lời và tổ chức Ngài, và được Ngài bảo vệ với tư cách một đoàn thể khi chúng ta bị kẻ chống đối tấn công. Vì thế chúng ta có mọi lý do để nắm chặt tay Cha trên trời trong lúc bước đi với Ngài qua đoạn đường cuối cùng đầy bão tố trong cuộc hành trình đến một nơi còn tuyệt diệu hơn cả Đất Hứa thời xưa—thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời.

19. Tính khiêm nhường liên quan đến những giới hạn của chúng ta như thế nào?

19 Bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời giúp chúng ta có quan điểm thực tế về hoàn cảnh mình. Đó là vì biểu lộ tính khiêm nhường, hay khiêm tốn, bao hàm việc nhận biết những giới hạn của mình. Tuổi cao hoặc sức khỏe kém có thể hạn chế phần nào những gì chúng ta có thể làm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng thay vì để điều này làm nản lòng, chúng ta nên nhớ rằng Đức Chúa Trời chấp nhận các nỗ lực và hy sinh của chúng ta ‘theo điều chúng ta có, chớ chẳng theo điều chúng ta không có’. (2 Cô-rinh-tô 8:12) Thật vậy, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phụng sự Ngài hết lòng, làm bất cứ điều gì hoàn cảnh cho phép. (Cô-lô-se 3:23) Khi nghiêm túc và sốt sắng làm hết sức trong thánh chức, chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời ban phước dồi dào.—Châm-ngôn 10:22.

Một thái độ chờ đợi mang lại ân phước

20. Biết điều gì sẽ giúp chúng ta bày tỏ thái độ chờ đợi giống như Mi-chê?

20 Khi cảm nghiệm ân phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta được thúc đẩy noi theo thái độ của Mi-chê. Ông tuyên bố: “Ta sẽ... chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”. (Mi-chê 7:7) Những lời này liên hệ thế nào đến việc khiêm nhường bước đi với Đức Chúa Trời? Có thái độ chờ đợi, tức kiên nhẫn, giúp chúng ta không cảm thấy thất vọng vì ngày Đức Giê-hô-va chưa đến. (Châm-ngôn 13:12) Thành thật mà nói, tất cả chúng ta đều trông mong thế gian ác này sớm chấm dứt. Tuy nhiên, mỗi tuần có hàng ngàn người mới bắt đầu bước đi với Đức Chúa Trời. Biết điều đó chúng ta có lý do để tỏ thái độ chờ đợi. Một Nhân Chứng lâu năm nói về điều này: “Nhìn lại thời gian hơn 55 năm trong công việc rao giảng, tôi tin chắc rằng mình không mất mát bất cứ điều gì khi chờ đợi Đức Giê-hô-va. Trái lại, tôi còn tránh được nhiều chuyện phiền muộn”. Bạn có kinh nghiệm tương tự không?

21, 22. Mi-chê 7:14 ứng nghiệm như thế nào ngày nay?

21 Bước đi với Đức Giê-hô-va chắc chắn mang lại lợi ích cho chúng ta. Nơi Mi-chê 7:14, nhà tiên tri so sánh dân của Đức Chúa Trời với chiên được an ổn bên người chăn. Ngày nay trong sự ứng nghiệm rộng lớn hơn của lời tiên tri này, những người còn sót lại thuộc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng cũng như các “chiên khác” tìm được sự an ổn bên Đấng Chăn Chiên đáng tin cậy là Đức Giê-hô-va. Họ “ở một mình trong rừng”, về thiêng liêng họ tách biệt khỏi thế gian ngày càng nguy hiểm và hỗn loạn này.—Giăng 10:16; Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:28; Giê-rê-mi 49:31; Ga-la-ti 6:16.

22 Dân Đức Giê-hô-va cũng được hưởng sự thịnh vượng, như Mi-chê 7:14 đã báo trước. Nói về chiên, tức dân, của Đức Chúa Trời, Mi-chê viết: “Hãy cho nó ăn cỏ trong Ba-san và Ga-la-át”. Như chiên ở Ba-san và Ga-la-át được nuôi trên những đồng cỏ xanh tươi và sinh sôi nảy nở, ngày nay dân Đức Chúa Trời cũng vui hưởng sự thịnh vượng về mặt thiêng liêng—thêm một ân phước nữa cho những ai bước đi cách khiêm nhường với Đức Chúa Trời.—Dân-số Ký 32:1; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:14.

23. Chúng ta có thể rút ra bài học nào khi xem xét Mi-chê 7:18, 19?

23 Nơi Mi-chê 7:18, 19, nhà tiên tri làm nổi bật sự kiện Đức Giê-hô-va mong muốn tha thứ những người biết ăn năn. Câu 18 nói rằng Đức Giê-hô-va “tha-thứ sự gian-ác” và “bỏ qua sự phạm-pháp”. Theo câu 19, Ngài sẽ “ném hết thảy tội-lỗi chúng nó xuống đáy biển”. Chúng ta có thể rút ra bài học nào ở đây? Chúng ta có thể tự vấn xem mình có noi theo gương Đức Giê-hô-va về phương diện này không. Chúng ta có tha thứ lỗi lầm mà người khác phạm đối với chúng ta không? Khi những người như thế ăn năn và cố gắng chuộc lỗi, chắc chắn chúng ta muốn phản ánh đức tính này của Đức Giê-hô-va là sẵn sàng tha thứ một cách hoàn toàn và vĩnh viễn.

24. Bạn đã được lợi ích như thế nào từ sách tiên tri của Mi-chê?

24 Chúng ta đã được lợi ích như thế nào qua việc xem xét sách tiên tri của Mi-chê? Việc này đã nhắc chúng ta rằng Đức Giê-hô-va ban hy vọng thật cho những ai đến gần Ngài. (Mi-chê 2:1-13) Chúng ta đã được khuyến khích cố gắng hết sức mình để đẩy mạnh sự thờ phượng thật hầu có thể mãi mãi bước theo danh Đức Chúa Trời. (Mi-chê 4:1-5) Và chúng ta đã được bảo đảm rằng dù ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể đáp ứng các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. Đúng vậy, sách tiên tri của Mi-chê thật sự giúp chúng ta vững mạnh để bước theo danh Đức Giê-hô-va.

Bạn trả lời ra sao?

• Theo Mi-chê 6:8, Đức Giê-hô-va đòi hỏi gì nơi chúng ta?

• Điều gì là cần thiết nếu chúng ta phải “làm sự công-bình”?

• Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy mình “ưa sự nhân-từ”?

• “Bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời” bao hàm điều gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 21]

Bất kể tình trạng gian ác vào thời ông, Mi-chê đã sống theo các đòi hỏi của Đức Giê-hô-va. Bạn cũng có thể làm điều đó

[Hình nơi trang 23]

Làm sự công bình bằng cách làm chứng cho người thuộc mọi tầng lớp xã hội

[Các hình nơi trang 23]

Hãy cho thấy bạn ưa sự nhân từ bằng cách đáp ứng nhu cầu của người khác

[Hình nơi trang 23]

Làm những gì bạn có thể làm đồng thời khiêm tốn nhận biết những giới hạn của mình