Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vì sao chúng ta không thể sống một mình

Vì sao chúng ta không thể sống một mình

Vì sao chúng ta không thể sống một mình

“Hai người hơn một... Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên”.—Vua Sa-lô-môn

VUA SA-LÔ-MÔN của nước Y-sơ-ra-ên xưa nói: “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa-ngã, không có ai đỡ mình lên!” (Truyền-đạo 4:9, 10) Vậy Sa-lô-môn, người quan sát khôn ngoan về cách ứng xử của con người, nhấn mạnh đến nhu cầu về tình bằng hữu của chúng ta và tầm quan trọng của việc không tự cô lập. Tuy nhiên, đây không chỉ là quan điểm của con người. Lời của Sa-lô-môn là do sự khôn ngoan và soi dẫn của Đức Chúa Trời.

Tự cô lập là điều kém khôn ngoan vì người ta cần có nhau. Tất cả chúng ta đều cần sức mạnh và sự giúp đỡ của người khác. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”. (Châm-ngôn 18:1) Thế thì không có gì lạ khi các nhà khoa học xã hội khuyến khích người ta tham gia vào một nhóm và quan tâm đến người khác.

Trong số những đề nghị để khôi phục đời sống cộng đồng, Giáo Sư Robert Putnam đề cập đến việc “làm vững mạnh ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo”. Nhân Chứng Giê-hô-va nổi bật về phương diện này vì trên khắp đất họ hưởng được sự che chở trong những hội thánh giống như gia đình. Phù hợp với những lời của sứ đồ Phi-e-rơ, họ “yêu [“đoàn thể”, NW] anh em” là những người “kính-sợ Đức Chúa Trời”. (1 Phi-e-rơ 2:17) Các Nhân Chứng cũng tránh sống cô lập và tránh được những ảnh hưởng bất lợi của lối sống ấy bởi vì nhiều hoạt động tích cực liên quan đến sự thờ phượng thật khiến họ bận rộn giúp người lân cận học biết lẽ thật trong Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời.—2 Ti-mô-thê 2:15.

Tình yêu thương và tình bằng hữu đã thay đổi đời sống họ

Nhân Chứng Giê-hô-va tạo thành một cộng đồng hợp nhất, trong đó mỗi thành viên đóng một vai trò quan trọng. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của Miguel, Froylán, và Alma Ruth, cả ba thuộc một gia đình ở Châu Mỹ La-tinh. Họ sinh ra với chứng bệnh rối loạn xương khiến họ bị lùn và phải ngồi xe lăn. Việc kết hợp với các Nhân Chứng đã ảnh hưởng đời sống họ thế nào?

Miguel bình luận: “Tôi đã từng trải qua những lúc khủng hoảng tinh thần, nhưng khi bắt đầu kết hợp với dân sự Đức Giê-hô-va, đời sống tôi đã thay đổi. Tự cô lập rất nguy hiểm. Kết hợp với anh em đồng đức tin tại các buổi họp đạo Đấng Christ, sinh hoạt với họ mỗi tuần, đã giúp tôi rất nhiều trong việc tìm được sự toại nguyện và thỏa lòng”.

Alma Ruth nói thêm: “Tôi từng có những giây phút trầm cảm nặng và rất buồn bã. Nhưng khi biết về Đức Giê-hô-va, tôi cảm thấy mình có thể có mối quan hệ gần gũi với Ngài. Mối quan hệ đó trở thành điều quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Gia đình đã nâng đỡ chúng tôi rất nhiều, và điều đó càng thắt chặt chúng tôi hơn”.

Cha của Miguel đã yêu thương dạy anh đọc và viết. Rồi sau đó Miguel dạy lại cho Froylán và Alma Ruth. Điều này thiết yếu cho tình trạng thiêng liêng của họ. “Biết đọc mang lại lợi ích lớn lao vì như vậy chúng tôi có thể được nuôi dưỡng về thiêng liêng nhờ đọc Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh”, Alma Ruth nói.

Hiện nay, Miguel phục vụ với tư cách một trưởng lão đạo Đấng Christ. Froylán đã đọc Kinh Thánh từ đầu đến cuối chín lần. Còn Alma Ruth đã nới rộng việc phụng sự Đức Giê-hô-va bằng cách làm người tiên phong, tức người rao giảng về Nước Trời trọn thời gian, kể từ năm 1996. Chị bình luận: “Nhờ Đức Giê-hô-va ban phước, tôi đã đạt mục tiêu này, và cũng nhờ sự ủng hộ của những chị Nhân Chứng đáng yêu đã giúp tôi không những đi rao giảng mà còn biết cách hướng dẫn 11 học hỏi Kinh Thánh mà tôi đã bắt đầu”.

Emelia, bị thương ở hai chân và xương sống trong một tai nạn khiến chị phải ngồi xe lăn, đã nêu một gương tốt khác. Nhân Chứng Giê-hô-va ở Thành Phố Mexico đã dạy chị học Kinh Thánh, và chị làm báp têm vào năm 1996. Emelia nói: “Trước khi biết lẽ thật, tôi muốn tự tử; tôi không còn thiết sống nữa. Tôi cảm thấy trống rỗng vô cùng và khóc lóc ngày đêm. Nhưng khi kết hợp với dân sự Đức Giê-hô-va, tôi cảm nhận được tình yêu thương của các anh em. Sự quan tâm mà họ bày tỏ đối với tôi là một nguồn khích lệ. Một trong các anh trưởng lão giống như một người anh hay một người cha đối với tôi vậy. Anh ấy và vài tôi tớ thánh chức đưa tôi đi nhóm họp và rao giảng trên xe lăn”.

Cụ José sống một mình, và đã làm báp têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1992. Cụ đã 70 tuổi, về hưu vào năm 1990. Cụ từng bị trầm cảm, nhưng sau khi được một Nhân Chứng rao giảng, cụ bắt đầu tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ ngay lập tức. Cụ thích những gì mình nghe và thấy ở đó. Chẳng hạn, cụ thấy tình bạn của anh em và cảm nhận được sự quan tâm của họ đối với cá nhân cụ. Các trưởng lão và tôi tớ thánh chức trong hội thánh hiện chăm lo cho cụ. (Phi-líp 1:1; 1 Phi-e-rơ 5:2) Các anh em đồng đức tin là “một sự yên-ủi”, tức sự giúp đỡ trợ lực, cho cụ. (Cô-lô-se 4:11) Họ chở cụ đi bác sĩ, ghé sang nhà để thăm viếng cụ, và đã nâng đỡ cụ qua bốn cuộc giải phẫu. Cụ nói: “Họ tỏ ra quan tâm đến tôi. Họ thật sự là gia đình tôi. Tôi thích bầu bạn với họ”.

Giúp ích người khác mang lại hạnh phúc thật

Khi nói “hai người hơn một”, Vua Sa-lô-môn vừa nói đến tính chất phù du của việc dành hết năng lực để thu góp của cải vật chất. (Truyền-đạo 4:7-9) Đó chính là điều nhiều người hăm hở theo đuổi ngày nay, ngay dù phải hy sinh những mối quan hệ bên trong và ngoài gia đình.

Tinh thần tham lam và ích kỷ đó đã khiến cho nhiều người tự cô lập. Điều này không mang lại cho họ hạnh phúc mà cũng không mang lại sự thỏa lòng trong cuộc sống, vì những ai bị nhiễm tinh thần đó thường cảm thấy bực bội và tuyệt vọng. Ngược lại, những kinh nghiệm vừa kể trên cho thấy ảnh hưởng tốt của việc kết hợp với những người phụng sự Đức Giê-hô-va là những người được thúc đẩy bởi tình yêu thương đối với Ngài và người lân cận. Đều đặn có mặt tại các buổi họp đạo Đấng Christ, được sự hỗ trợ và quan tâm của anh em đồng đức tin, và sốt sắng trong công việc rao giảng là những yếu tố quan trọng giúp những người này vượt qua những cảm xúc tiêu cực gắn liền với sự cô lập.—Châm-ngôn 17:17; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.

Vì chúng ta tùy thuộc vào nhau, điều tự nhiên là khi làm điều gì đó cho người khác thì chúng ta cảm thấy thỏa nguyện. Albert Einstein, người đã mang lại lợi ích cho người khác qua thành quả của ông, nói: “Giá trị của một người... nên được đánh giá qua những gì người ấy cho chứ không phải qua những gì người ấy nhận”. Điều này phù hợp với những lời của Chúa Giê-su Christ chúng ta: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Do đó, dù được yêu thương là điều có lợi, bày tỏ tình yêu thương đối với người khác cũng là điều rất lành mạnh.

Một giám thị lưu động, đã nhiều năm viếng thăm các hội thánh để nâng đỡ về thiêng liêng và giúp xây cất những nơi thờ phượng cho tín đồ Đấng Christ có tài chính eo hẹp, phát biểu cảm tưởng của anh như thế này: “Niềm vui qua việc phục vụ các anh em và nhìn những gương mặt tràn đầy lòng biết ơn đã thúc đẩy tôi tiếp tục tìm cơ hội để giúp đỡ họ. Qua kinh nghiệm, tôi nhận thấy rằng quan tâm đến người khác là bí quyết mang lại hạnh phúc. Và tôi biết với tư cách là trưởng lão, chúng ta nên ‘như nơi núp gió..., như suối nước trong nơi đất khô, như bóng vầng đá lớn trong xứ mòn-mỏi’ ”.—Ê-sai 32:2.

Ăn ở hòa thuận thật tốt đẹp thay!

Giúp người khác và kết bạn với những người phụng sự Đức Giê-hô-va chắc chắn mang lại lợi ích lớn và hạnh phúc thật. Người viết Thi-thiên thốt lên: “Kìa, anh em ăn-ở hòa-thuận nhau thật tốt-đẹp thay!” (Thi-thiên 133:1) Sự hòa thuận trong gia đình là một yếu tố quan trọng trong việc nâng đỡ nhau, như trường hợp của Miguel, Froylán, và Alma Ruth đã cho thấy. Và quả là một ân phước khi được hợp nhất với nhau trong sự thờ phượng thật! Sau khi cho những người chồng và vợ thuộc đạo Đấng Christ lời khuyên, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Rút lại, hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng”.—1 Phi-e-rơ 3:8.

Tình bạn chân thật mang lại những lợi ích lớn cả về mặt tình cảm lẫn thiêng liêng. Nói với những bạn đồng đức tin, sứ đồ Phao-lô khuyến giục: “Hãy... yên-ủi những kẻ ngã lòng, nâng-đỡ những kẻ yếu-đuối, phải nhịn-nhục đối với mọi người.... Hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên-hạ”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14, 15.

Vì thế, hãy tìm những cách thực tiễn để làm điều thiện cho người khác. “Hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em [bạn] trong đức-tin”, vì điều này sẽ tăng thêm ý nghĩa thật sự trong đời sống và khiến bạn toại nguyện và thỏa lòng hơn. (Ga-la-ti 6:9, 10) Môn đồ của Chúa Giê-su là Gia-cơ viết: “Ví thử có anh em hoặc chị em nào không quần áo mặc, thiếu của ăn uống hằng ngày, mà một kẻ trong anh em nói với họ rằng: Hãy đi cho bình-an, hãy sưởi cho ấm và ăn cho no, nhưng không cho họ đồ cần-dùng về phần xác, thì có ích gì chăng?” (Gia-cơ 2:15, 16) Lời đáp cho câu hỏi đó là hiển nhiên. Chúng ta “chớ chăm về lợi riêng mình, nhưng phải chăm về lợi kẻ khác nữa”.—Phi-líp 2:4.

Ngoài việc giúp người khác về vật chất khi có nhu cầu đặc biệt hay khi có một tai họa nào đó xảy ra, Nhân Chứng Giê-hô-va rất bận rộn giúp ích cho người đồng loại qua một cách tối quan trọng—rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 24:14) Sự tham gia của hơn 6.000.000 Nhân Chứng vào việc công bố thông điệp mang hy vọng và an ủi này là bằng chứng về mối quan tâm chân thật và đầy yêu thương của họ đối với người khác. Nhưng việc cung cấp sự giúp đỡ từ Kinh Thánh cũng giúp đáp ứng một nhu cầu khác của con người. Đó là nhu cầu gì?

Đáp ứng một nhu cầu trọng yếu

Muốn hưởng hạnh phúc chân chính, chúng ta cần có mối quan hệ đúng đắn với Đức Chúa Trời. Có lời nói rằng: “Sự kiện con người, ở mọi nơi vào mọi thời đại, từ buổi đầu cho đến thời nay, đã cảm thấy được thôi thúc để kêu cầu một quyền lực nào đó mà mình tin rằng cao cả và mạnh mẽ hơn mình, cho thấy tôn giáo là nhu cầu bẩm sinh và nên được khoa học công nhận... Khi thấy tính phổ biến của việc con người tìm kiếm và tin tưởng nơi một đấng tối thượng, điều đó nên khiến chúng ta kính sợ, kinh ngạc và sùng kính”.—Man Does Not Stand Alone (Con người không sống một mình), do A. Cressy Morrison viết.

Chúa Giê-su Christ tuyên bố: “Phước cho những người ý thức về nhu cầu thiêng liêng vì nước thiên đàng thuộc những người đó”. (Ma-thi-ơ 5:3, NW) Người ta không được lành mạnh về nhiều phương diện khi tự cô lập, tách biệt khỏi người khác trong một thời gian dài. Tuy nhiên, việc tự cô lập khỏi Đấng Tạo Hóa của chúng ta còn nghiêm trọng hơn nhiều. (Khải-huyền 4:11) Thu thập sự hiểu biết và áp dụng “điều tri-thức của Đức Chúa Trời” phải là yếu tố quan trọng trong đời sống chúng ta. (Châm-ngôn 2:1-5) Thật vậy, chúng ta nên quyết tâm thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của mình, vì chúng ta không thể sống một mình, tách khỏi Đức Chúa Trời. Một đời sống hạnh phúc, thật sự thỏa nguyện tùy thuộc vào mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va, “Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”.—Thi-thiên 83:18.

[Hình nơi trang 5]

Miguel: “Tôi đã từng trải qua những lúc khủng hoảng tinh thần, nhưng khi bắt đầu kết hợp với dân sự Đức Giê-hô-va, đời sống tôi đã thay đổi”

[Hình nơi trang 5]

Alma Ruth: “Khi biết về Đức Giê-hô-va, tôi cảm thấy mình có thể có mối quan hệ gần gũi với Ngài”

[Hình nơi trang 6]

Emelia: “Trước khi biết lẽ thật,... tôi cảm thấy trống rỗng vô cùng”

[Hình nơi trang 7]

Kết hợp với những người thờ phượng thật giúp thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng