Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có biết Sa-phan và gia đình ông không?

Bạn có biết Sa-phan và gia đình ông không?

Bạn có biết Sa-phan và gia đình ông không?

KHI đọc Kinh Thánh, bạn có bao giờ để ý thấy những chỗ nói đến Sa-phan và một số người trong gia đình đầy thế lực của ông không? Họ là ai? Họ làm gì? Chúng ta có thể học được những gì từ họ?

Kinh Thánh giới thiệu với chúng ta “Sa-phan, con trai A-xa-lia, cháu Mê-su-lam” liên quan đến việc Giô-si-a khôi phục sự thờ phượng thật vào khoảng năm 642 TCN. (2 Các Vua 22:3) Trong suốt 36 năm kế tiếp, cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt vào năm 607 TCN, chúng ta được cho biết bốn con trai của ông là A-hi-cam, Ê-lê-a-sa, Ghê-ma-ria và Gia-a-xa-nia, cùng hai cháu nội trai của ông, Mi-chê và Ghê-đa-lia. (Xem biểu đồ). Cuốn Encyclopaedia Judaica giải thích: “Gia đình Sa-phan nắm quyền trong hàng quan chức [thuộc vương quốc Giu-đa] và giữ chức thư ký nhà vua từ thời Giô-si-a cho đến khi đi lưu đày”. Duyệt lại những gì Kinh Thánh nói về Sa-phan và gia đình ông sẽ giúp chúng ta hiểu rõ họ đã ủng hộ nhà tiên tri Giê-rê-mi và sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va như thế nào.

Sa-phan ủng hộ sự thờ phượng thật

Vào năm 642 TCN, khi Vua Giô-si-a được khoảng 25 tuổi, chúng ta thấy Sa-phan làm thư ký và người sao chép sách cho vua. (Giê-rê-mi 36:10) Công việc này bao hàm những gì? Sách tham khảo nêu trên nói rằng một thư ký và người chép sách cho vua là một cố vấn thân cận của nhà vua, phụ trách những vấn đề tài chính, thạo việc ngoại giao và am hiểu việc đối ngoại, luật quốc tế và thỏa hiệp thương mại. Vậy, trên cương vị thư ký của vua, Sa-phan là một trong những người có thế lực nhất trong vương quốc.

Mười năm trước đó, vị vua trẻ tuổi Giô-si-a “khởi tìm-kiếm Đức Chúa Trời của Đa-vít, tổ-phụ người”. Sa-phan hẳn phải lớn tuổi hơn Giô-si-a rất nhiều và do đó có thể làm cố vấn tốt về thiêng liêng cho vua và làm người ủng hộ cho chiến dịch đầu tiên của Giô-si-a nhằm khôi phục sự thờ phượng thật. *2 Sử-ký 34:1-8.

Trong cuộc trùng tu đền thờ, người ta đã tìm được “quyển Luật-pháp”, và Sa-phan “đọc sách đó trước mặt vua”. Giô-si-a sửng sốt khi nghe được nội dung của sách và cử một phái đoàn gồm những người thân tín đến gặp nữ tiên tri Hun-đa để cầu vấn Đức Giê-hô-va về quyển sách. Vua tỏ ra tin cậy Sa-phan và A-hi-cam, con trai ông, bằng cách cử cả hai cha con họ đi cùng phái đoàn.—2 Các Vua 22:8-14; 2 Sử-ký 34:14-22.

Đây là lần duy nhất Kinh Thánh đề cập đến những gì chính Sa-phan đã làm. Trong những câu Kinh Thánh khác, ông chỉ được nhắc đến như là một người cha hoặc là một ông nội. Con cháu của Sa-phan tiếp cận mật thiết với nhà tiên tri Giê-rê-mi.

A-hi-cam và Ghê-đa-lia

Như chúng ta đã thấy, A-hi-cam, con trai của Sa-phan lần đầu tiên được đề cập đến trong phái đoàn đi gặp nữ tiên tri Hun-đa. Một sách tham khảo nói: “Dù Kinh Thánh Hê-bơ-rơ không cho biết chức tước của A-hi-cam nhưng ông hẳn là một nhân vật cao cấp”.

Khoảng 15 năm sau sự kiện đó, mạng sống của Giê-rê-mi lâm nguy. Khi cảnh báo dân chúng về ý định của Đức Giê-hô-va hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem, “các thầy tế-lễ, các tiên-tri, và cả dân-sự đều bắt lấy người và nói rằng: Ngươi chắc sẽ chết!” Chuyện gì tiếp diễn sau đó? Lời tường thuật ghi tiếp: “Bấy giờ tay A-hi-cam, con trai Sa-phan, binh-vực Giê-rê-mi, và gàn-trở cho khỏi phó người trong tay dân-chúng đặng làm cho chết”. (Giê-rê-mi 26:1-24) Điều này cho thấy gì? Cuốn Anchor Bible Dictionary ghi: “Vụ này không những chứng thực thế lực của A-hi-cam, mà còn cho thấy rằng, giống như những người khác trong gia đình Sa-phan, ông có cảm tình tốt đối với Giê-rê-mi”.

Khoảng 20 năm sau đó, sau khi quân Ba-by-lôn hủy phá Giê-ru-sa-lem vào năm 607 TCN và bắt đa số dân chúng đưa đi lưu đày, cháu nội của Sa-phan là Ghê-đa-lia, con trai của A-hi-cam, được bổ nhiệm làm tổng đốc cai trị người Do Thái còn ở lại. Ông có giống như những người khác trong gia đình Sa-phan chăm sóc cho Giê-rê-mi không? Kinh Thánh tường thuật: “Giê-rê-mi bèn đến cùng Ghê-đa-lia, con trai A-hi-cam, ở Mích-ba, và ở với người”. Chỉ vài tháng sau, Ghê-đa-lia bị giết, và những người Do Thái còn lại đem Giê-rê-mi sang Ai Cập với họ.—Giê-rê-mi 40:5-7; 41:1, 2; 43:4-7.

Ghê-ma-ria và Mi-chê

Con trai của Sa-phan là Ghê-ma-ria và cháu nội là Mi-chê đóng vai trò nổi bật trong những biến cố ghi nơi sách Giê-rê-mi chương 36. Thời điểm là vào khoảng năm 624 TCN, năm thứ năm đời vua Giê-hô-gia-kim. Ba-rúc, thư ký của Giê-rê-mi, đọc lớn tiếng cuộn sách có những lời của Giê-rê-mi trong nhà Đức Giê-hô-va, “trong phòng Ghê-ma-ria, con trai Sa-phan”. Bởi vậy, “Mi-chê, con trai Ghê-ma-ria, cháu Sa-phan, đã nghe đọc mọi lời của Đức Giê-hô-va trong sách”.—Giê-rê-mi 36:9-11.

Mi-chê báo cho cha mình và tất cả các quan trưởng khác về cuộn sách, và ai nấy đều muốn nghe sách nói gì. Họ phản ứng ra sao? “Khi họ nghe hết mọi lời, thì sợ mà ngó nhau, và nói cùng Ba-rúc rằng: Chúng ta chắc sẽ đem mọi lời đó tâu cùng vua”. Tuy nhiên, trước khi tâu với vua, họ khuyên Ba-rúc: “Đi đi, ngươi với Giê-rê-mi hãy lánh mình, đừng cho ai biết các ngươi ở đâu”.—Giê-rê-mi 36:12-19.

Như đã lường trước được, vua bác bỏ thông điệp ghi trong cuộn sách và thiêu hủy từng mảnh một. Một số quan trưởng, kể cả con trai của Sa-phan là Ghê-ma-ria, “cầu-xin vua đừng đốt cuốn sách, mà vua chẳng khứng nghe”. (Giê-rê-mi 36:21-25) Sách Jeremiah—An Archaeological Companion kết luận: “Ghê-ma-ria là người triệt để ủng hộ Giê-rê-mi trong triều đình Vua Giê-hô-gia-kim”.

Ê-lê-a-sa và Gia-a-xa-nia

Vào năm 617 TCN, Ba-by-lôn nắm quyền kiểm soát vương quốc Giu-đa. Hàng ngàn người Do Thái, “hết thảy những quan tướng, và những lính chiến mạnh-mẽ... lại cũng bắt hết thảy các thợ mộc và thợ rèn” đem đi lưu đày, kể cả nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên. Ma-tha-nia, người mà vua Ba-by-lôn đổi tên lại là Sê-đê-kia, trở thành vua chư hầu mới. (2 Các Vua 24:12-17) Sau đó, Sê-đê-kia cử một phái đoàn trong đó có con trai của Sa-phan là Ê-lê-a-sa sang Ba-by-lôn. Giê-rê-mi giao cho Ê-lê-a-sa một bức thư chứa đựng một thông điệp quan trọng của Đức Giê-hô-va gửi cho người Do Thái bị lưu đày.—Giê-rê-mi 29:1-3.

Vậy là Kinh Thánh cho thấy rằng Sa-phan, ba trong số những người con trai và hai trong số cháu nội trai của ông đã dùng địa vị đầy thế lực của họ để ủng hộ sự thờ phượng thật và nhà tiên tri trung thành Giê-rê-mi. Nhưng về phần người con trai của Sa-phan, Gia-a-xa-nia, thì sao? Khác với những thành viên còn lại của gia đình, hình như ông tham gia vào việc thờ hình tượng. Vào năm thứ sáu khi Ê-xê-chi-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn, hay khoảng năm 612 TCN, nhà tiên tri nhận được một sự hiện thấy về 70 người nam dâng hương cho thần tượng ở đền thờ Giê-ru-sa-lem. Trong số họ có mặt Gia-a-xa-nia, người duy nhất được nêu đích danh. Điều này gợi ý rằng ông là người nổi nhất đám. (Ê-xê-chi-ên 8:1, 9-12) Trường hợp của Gia-a-xa-nia chứng tỏ rằng việc một người lớn lên trong một gia đình tin kính không đảm bảo rằng người đó sẽ trở thành một người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va. Mỗi người chịu trách nhiệm về đường lối hành động riêng của mình.—2 Cô-rinh-tô 5:10.

Gia phả của Sa-phan và gia đình ông

Cho đến khi Sa-phan và gia đình đóng một vai trò trong những biến cố xảy ra ở Giê-ru-sa-lem, việc dùng dấu ấn đã trở nên thông dụng ở Giu-đa. Dấu ấn được dùng để làm chứng hoặc để ký những văn kiện và được làm bằng đá quý, kim loại, ngà voi hoặc thủy tinh. Thường thì người ta khắc trên dấu ấn tên của sở hữu chủ, tên của cha người đó và thỉnh thoảng có chức tước của họ nữa.

Người ta đã tìm được hàng trăm dấu ấn đóng trên đất sét. Giáo Sư Nahman Avigad, học giả nghiên cứu về các bia khắc Hê-bơ-rơ cổ, nhận xét: “Những chữ khắc trên dấu ấn là nguồn duy nhất về văn khắc tiếng Hê-bơ-rơ đề cập đến những nhân vật trong Kinh Thánh”. Người ta có tìm được các dấu ấn ghi tên Sa-phan và những người trong gia đình ông không? Có, tên của Sa-phan và con trai của ông là Ghê-ma-ria được khắc trên dấu ấn như hình nơi các trang 19 và 21 cho thấy.

Các học giả cũng nói rằng có thể là bốn người khác nữa trong gia đình Sa-phan cũng có tên khắc trên dấu ấn—A-xa-lia, cha của Sa-phan; A-hi-cam, con trai Sa-phan; Ghê-ma-ria, con trai Sa-phan; và Ghê-đa-lia, theo chữ khắc trên dấu ấn dường như là người “có quyền hành trong triều”. Dấu ấn thứ tư được xem là thuộc về Ghê-đa-lia, cháu nội trai của Sa-phan, dù cha ông là A-hi-cam không được nhắc đến. Chức tước khắc trên dấu ấn cho thấy ông là một trong những quan chức cao cấp nhất nước.

Chúng ta có thể học được gì?

Sa-phan và gia đình ông đã nêu gương tốt thay trong việc dùng địa vị đầy thế lực của họ để ủng hộ cả sự thờ phượng thật lẫn nhà tiên tri trung thành Giê-rê-mi! Chúng ta cũng có thể dùng tài sản và ảnh hưởng của mình để ủng hộ tổ chức Đức Giê-hô-va và anh em cùng đạo.

Việc chúng ta không những đọc Kinh Thánh đều đặn mà còn đào sâu trong đó và quen thuộc với những nhân chứng thời xưa của Đức Giê-hô-va như Sa-phan và những người trong gia đình ông thật làm cho chúng ta có sự hiểu biết phong phú và đức tin mạnh mẽ. Họ cũng thuộc về “đám mây nhân chứng” mà chúng ta có thể học đòi đức tin của họ.—Hê-bơ-rơ 12:1, Bản Dịch Mới.

[Chú thích]

^ đ. 6 Hẳn là Sa-phan lớn tuổi hơn Giô-si-a rất nhiều vì con trai A-hi-cam của Sa-phan đã trưởng thành khi Giô-si-a được khoảng 25 tuổi.—2 Các Vua 22:1-3, 11-14.

[Khung nơi trang 22]

Hun-đa—Một nữ tiên tri có uy thế

Vừa nghe đọc xong “quyển Luật-pháp” tìm thấy trong đền thờ, Vua Giô-si-a truyền lệnh cho Sa-phan và bốn quan chức cao cấp khác “cầu-vấn Đức Giê-hô-va” về quyển sách. (2 Các Vua 22:8-20) Phái đoàn có thể tìm đâu ra câu trả lời? Nơi Giê-rê-mi và có thể nơi Na-hum và Sô-phô-ni, tất cả những nhà tiên tri và những người viết Kinh Thánh, sống ở Giu-đa thời ấy. Tuy nhiên, phái đoàn đến gặp nữ tiên tri Hun-đa.

Sách Jerusalem—An Archaeological Biography bình luận: “Điều đáng chú ý trong việc này là câu chuyện hoàn toàn không phân biệt nam nữ. Chẳng ai nghĩ rằng việc một ủy ban gồm toàn là đàn ông lại cầm một Cuộn Sách Luật Pháp tới một phụ nữ để hỏi về sự thực hư của nó là điều không thích hợp tí nào. Khi bà ấy tuyên bố rằng đó là lời của Chúa, chẳng ai nghi ngờ thẩm quyền của bà khi phán đoán sự việc. Các học giả thường bỏ sót việc này khi đánh giá vai trò của phụ nữ trong Y-sơ-ra-ên xưa”. Dĩ nhiên, thông điệp nhận được là từ Đức Giê-hô-va.

[Biểu đồ/​Hình nơi trang 21]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Gia phả của Sa-phan

Mê-su-lam

A-xa-lia

Sa-phan

↓ ↓ ↓ ↓

A-hi-cam Ê-lê-a-sa Ghê-ma-ria Gia-a-xa-nia

↓ ↓

Ghê-đa-lia Mi-chê

[Hình nơi trang 20]

Ghê-ma-ria và những người khác cầu xin Vua Giê-hô-gia-kim đừng đốt cuộn sách của Giê-rê-mi

[Hình nơi trang 22]

Gia-a-xa-nia, dù thuộc về gia đình Sa-phan, bị phát hiện đang thờ phượng thần tượng trong một sự hiện thấy

[Nguồn tư liệu nơi trang 19]

Courtesy Israel Antiquities Authority

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

Courtesy Israel Antiquities Authority