Tôn vinh Đức Chúa Trời trong vùng núi Phi-líp-pin
Tôn vinh Đức Chúa Trời trong vùng núi Phi-líp-pin
Nếu bạn nghĩ Phi-líp-pin là một quốc đảo, bạn nghĩ đúng. Nhưng đó cũng là một đất nước có núi non hùng vĩ. Đối với Nhân Chứng Giê-hô-va, việc rao giảng ở các thành phố và đồng bằng tương đối dễ dàng và hữu hiệu. Tuy nhiên, rao giảng trong những miền núi lại là chuyện khác.
NHỮNG ngọn núi hùng vĩ của đất nước này tương phản rõ rệt với những bờ biển đầy cát, những dải san hô ngầm, những làng chài và những thị trấn nhộn nhịp của bình nguyên trên đảo. Những ngọn núi cũng là một trở ngại đầy thách thức cho công việc rao giảng “tin-lành” về Nước Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.
Quần đảo Phi-líp-pin nằm tại điểm mà hai phiến đá kiến tạo địa tầng giao nhau. Độ cong của đất tại vùng này tạo nên những rặng núi lởm chởm ở trên những đảo lớn. Hơn 7.100 hòn đảo hợp thành nước Phi-líp-pin tọa lạc trên cung phía tây của Vòng Đai Lửa Thái Bình Dương. Bởi vậy, quần đảo này có nhiều núi lửa nằm rải rác lấm tấm cũng góp phần tạo nên địa hình núi non. Địa hình lởm chởm như thế đã cô lập dân miền sơn cước. Thật khó đi đến để gặp họ vì tương đối có ít đường thích hợp cho xe chạy.
Bất chấp những trở ngại này, Nhân Chứng Giê-hô-va ý thức được nhu cầu rao giảng “cho mọi người”. (1 Ti-mô-thê 2:4) Do đó, Nhân Chứng ở Phi-líp-pin đã hành động phù hợp với tinh thần của Ê-sai 42:11, 12: “Hãy hát, hãy kêu lên từ trên chót núi! Hãy dâng vinh-hiển cho Đức Giê-hô-va, và rao sự ngợi-khen Chúa trong các cù-lao!”
Những nỗ lực phối hợp làm chứng cho dân miền sơn cước đã khởi sự cách đây hơn 50 năm. Sau Thế Chiến II, các giáo sĩ đã giúp sức đẩy mạnh công việc. Nhiều dân cư địa phương đã chấp nhận lẽ thật Kinh Thánh và đến lượt họ, giúp phổ biến lẽ thật này đến những ngôi làng sơn cước xa xăm. Điều này đem lại những kết quả tốt đẹp. Chẳng hạn, trong rặng núi Cordillera Central thuộc bắc Luzon, có hơn 6.000 người công bố tin mừng.
Hầu hết trong số họ là người bản địa, kể cả những người Ibaloi, Ifugao và Kalinga.Tuy nhiên, vẫn còn có những khu vực khó đi tới trên các ngọn núi cao. Những người ở đó không bị bỏ quên. Làm sao một số người trong họ đã được tiếp xúc, và họ hưởng ứng thế nào?
Đức tin thật thay thế truyền thống
Trên đảo Luzon ở phía bắc, miền sơn cước thuộc tỉnh Abra có người Tinggian cư trú. Tên này có thể bắt nguồn từ một chữ Mã Lai cổ tinggi, có nghĩa là “núi”. Quả thật rất thích hợp! Họ cũng tự gọi mình là dân Itneg và ngôn ngữ của họ là tiếng Itneg. Họ tin một thần là Kabunian, và đời sống hằng ngày của họ bị sự mê tín dị đoan chi phối rất nhiều. Chẳng hạn, nếu một người định đi đâu mà hắt hơi, đó là một điềm chẳng lành. Người đó phải đợi hai giờ sau để ảnh hưởng xấu qua đi.
Vào năm 1572, người Tây Ban Nha đến và đem theo đạo Công Giáo, nhưng họ không dạy đạo thật Đấng Christ cho người Tinggian. Những người gia nhập Công Giáo thì vẫn bám chặt tín ngưỡng Kabunian và theo phong tục bản xứ. Lần đầu tiên sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh đã đến với những người này vào thập niên 1930 khi Nhân Chứng Giê-hô-va bắt đầu phổ biến thông điệp Nước Trời trên những núi đó. Từ đó về sau nhiều người Tinggian thành thật khởi sự tôn vinh Đức Giê-hô-va “từ trên chót núi”.
Thí dụ, Lingbaoan trước đây là một tù trưởng được kính trọng trong vùng. Ông rất sốt sắng với văn hóa Tinggian. “Tôi trung thành theo truyền thống Tinggian. Nếu một người bị giết, sau khi xong đám tang, chúng tôi nhảy múa và chơi cồng. Chúng tôi cũng tế thú vật. Chúng tôi tin thần Kabunian, và tôi chưa biết Đức Chúa Trời của Kinh Thánh”. Tất cả những điều này bất kể sự kiện ông là một người Công Giáo trên danh nghĩa.
Những người truyền giáo Nhân Chứng Giê-hô-va đến rao giảng ở vùng đó. Họ gặp Lingbaoan và khuyến khích ông đọc Kinh Thánh. Ông nhớ lại: “Chính Kinh Thánh đã thuyết phục tôi tin Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật”. Sau đó một anh Nhân Chứng đã học Kinh Thánh với ông, và Lingbaoan quyết định phụng sự Đức Chúa Trời thật. Ông từ bỏ những đường lối cũ của mình, kể cả chức tù trưởng, một điều khiến linh mục ở địa phương đó và các bạn bè cũ của Lingbaoan tức giận. Tuy nhiên, Lingbaoan đã kiên định làm theo lẽ thật anh tìm thấy trong Kinh Thánh. Hiện nay anh là một trưởng lão hội thánh.
Bảy ngày và sáu đêm
Hiện nay, mặc dù một số vùng đất Abra rất thường xuyên được nghe tin mừng, những nơi khác rất xa và chỉ thỉnh thoảng mới được làm chứng. Cách đây ít lâu, có một nỗ lực để đến được một trong những vùng đó. Một nhóm gồm 35 Nhân Chứng đã khởi sự đến rao giảng trong một khu vực chưa được chỉ định ở Tineg, Abra, một nơi trong suốt 27 năm chưa được rao giảng.
Chuyến đi rao giảng xa này được thực hiện bằng cách đi bộ, trong thời gian bảy ngày. Hãy tưởng tượng việc băng qua những chiếc cầu treo, những sông sâu, và hàng giờ đi bộ băng qua đèo núi mang theo đồ cần dùng—họ làm tất cả những điều này là để rao giảng tin mừng cho những người ít khi được nghe! Trong sáu đêm suốt cuộc hành trình, bốn ngày họ phải ngủ ngoài trời ở trên núi.
Mặc dù những Nhân Chứng dày dạn trong chuyến đi này có mang theo thức ăn, nhưng họ không thể đem đủ thức ăn cho suốt cuộc hành trình. Tuy nhiên, không thành vấn đề bởi vì người ta rất vui mừng đổi thức ăn để nhận lấy những ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Các Nhân Chứng nhận được dư dật nông sản, cá và thịt nai. Bất chấp một số bất lợi, đoàn người rao giảng nói: “Những hy sinh này đã được đền bù bằng kinh nghiệm tràn trề niềm vui mừng”.
Trong suốt bảy ngày, những người truyền giáo này đã làm chứng trong mười ngôi làng, để lại 60 quyển sách, 186 tạp chí, 50 sách mỏng và nhiều giấy nhỏ. Họ trình diễn những học hỏi Kinh Thánh cho 74 nhóm người. Ở thị trấn Tineg, thể theo lời yêu cầu của các viên chức địa phương và một số dân làng có uy tín, một buổi họp hội thánh đã được tổ chức với 78 người có mặt. Hầu hết người tham dự là giáo viên và cảnh sát. Hy vọng có thêm nhiều người Tinggian khác nữa sẽ gia nhập hàng ngũ những người ‘kêu lên’ và ngợi khen Đức Giê-hô-va từ trên các chót núi.
Điều quý hơn vàng
Xa hơn về phía nam Phi-líp-pin là những hòn đảo nơi người Tây Ban Nha đã tìm được vàng. Việc này đưa đến cái tên Mindoro, một dạng rút gọn của mina de oro trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “mỏ vàng”. Tuy nhiên, hiện nay trên những đảo đó còn tìm thấy một điều khác quý hơn vàng—những người muốn phụng sự Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.
Khoảng 125.000 người bản địa gọi là người Mangyan cư ngụ trong khu rừng xa xôi thuộc nội địa Mindoro. Họ sống giản dị, hầu như biệt lập, có ngôn ngữ riêng của họ. Phần lớn
là những người theo thuyết duy linh và đa thần, họ tin có nhiều thần linh trong thiên nhiên.Thỉnh thoảng, khi thiếu thức ăn hay những đồ dự trữ khác, những người Mangyan đi lẻ tẻ xuống vùng bờ biển để tìm việc làm. Đây là trường hợp của Pailing, thuộc một chi tộc Mangyan tên là Batangan. Lớn lên giữa người đồng hương sống trong những rừng núi xa xôi, anh chấp nhận những tín ngưỡng và thực hành của người Batangan. Cách ăn mặc thông thường chỉ là một cái khố đơn giản. Để tin chắc được mùa màng tốt, truyền thống của người Batangan đòi hỏi những người thờ phượng phải giết một con gà, để huyết nhểu vào nước trong khi họ cầu nguyện.
Pailing không còn theo những truyền thống đó nữa. Tại sao không? Khi xuống đồng bằng, anh tìm được việc làm với những gia đình Nhân Chứng Giê-hô-va. Một trong những gia đình này nhân dịp đó giới thiệu lẽ thật Kinh Thánh với Pailing. Anh hưởng ứng tốt và rất quý trọng sự học biết về ý định của Đức Giê-hô-va dành cho loài người và trái đất. Họ sắp xếp cho anh đi học trường tiểu học, cũng như học Kinh Thánh. Pailing làm báp têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va lúc 24 tuổi. Vào lúc 30 tuổi, anh học lớp 11, và anh coi nhà trường là khu vực rao giảng. Bây giờ người ta gọi anh là Rolando (một tên của người miền xuôi).
Nếu gặp Rolando, bạn sẽ đứng trước một người truyền giáo tươi cười và ăn mặc lịch sự đang làm người rao giảng trọn thời gian và tôi tớ thánh chức trong một hội thánh ở Mindoro. Mới đây Rolando trở lại miền núi, không phải để quay về truyền thống Batangan, mà để chia sẻ với họ những lẽ thật ban sự sống từ Kinh Thánh.
Háo hức có một phòng Nước Trời
Tỉnh Bukidnon—có nghĩa là “Dân miền sơn cước” trong tiếng Cebuano—nằm ở phía nam đảo Mindanao. Đây là một miền sơn cước, hẻm núi, thung lũng sông và cao nguyên. Trong vùng đất phì nhiêu này người ta trồng thơm, ngô, cà phê, lúa và chuối. Những bộ tộc cao nguyên Talaandig và Higaonon sống ở đó. Những người này cũng cần học biết về Đức Giê-hô-va. Mới đây, gần thị trấn Talakag, cơ hội này đến một cách rất thú vị.
Những Nhân Chứng lên cao nguyên nhận thấy khí hậu nơi đây hơi lạnh, nhưng khách lại được tiếp đãi nồng nhiệt. Dân địa phương tin Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Cha, nhưng họ lại không biết danh Ngài. Vì xưa nay họ hầu như sống trong rừng, đây là lần đầu tiên họ gặp được Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ được biết đến danh Đức Chúa Trời, cũng như ý định tuyệt diệu của Ngài liên quan đến Nước Trời. Người ta vui mừng, bởi vậy mới có quyết định là các Nhân Chứng trở lại thăm họ.
Sau đó có vài cuộc viếng thăm khác. Kết quả là dân địa phương tặng một nơi làm “nhà” của Nhân Chứng Giê-hô-va. Các Nhân Chứng vui mừng nhận sự dâng tặng đó. Nơi đó ở trên đỉnh đồi cao nhất vùng, nhìn xuống đường. Căn nhà cất bằng gỗ, tre và lá cọ. Đồ án được hoàn tất trong ba tháng mười ngày. Bảng hiệu “Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va” nổi bật ở mặt tiền ngôi nhà. Hãy nghĩ xem, Phòng Nước Trời được xây trước khi hội thánh được thành lập!
Kể từ lúc đó, một trưởng lão rao giảng trọn thời gian dọn đến ở đó, và một tôi tớ thánh chức cũng đến. Cùng với các Nhân Chứng từ những vùng phụ cận, họ nhắm tới mục tiêu thành lập một hội thánh. Điều này đã trở thành hiện thực vào tháng 8 năm 1998. Hiện nay một hội thánh nhỏ đang tận dụng Phòng Nước Trời, giúp dân miền sơn cước học biết lẽ thật của Kinh Thánh.
Quả thật, Đức Giê-hô-va đã sử dụng những tôi tớ sốt sắng của Ngài ở Phi-líp-pin một cách mạnh mẽ để truyền bá lẽ thật Nước Trời ngay cả trên những núi khó đi tới. Chúng ta được nhắc đến Ê-sai 52:7, nói: “Những kẻ đem tin tốt,... chân của những kẻ ấy trên các núi xinh-đẹp là dường nào”.
[Bản đồ nơi trang 11]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
ABRA
MINDORO
BUKIDNON
[Nguồn tư liệu]
Địa cầu: Mountain High Maps® Copyright © 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Các hình nơi trang 10]
Rao giảng trên các núi đòi hỏi phải đi hàng giờ qua vùng đất gồ ghề
[Hình nơi trang 10]
Báp têm trong một dòng suối trên núi