Đức tin có phải dựa trên lý trí không?
Đức tin có phải dựa trên lý trí không?
Khoa trưởng một viện thần học ở Hoa Kỳ viết: “Có quá nhiều người ‘sùng đạo’ đã theo đạo chỉ vì muốn tránh phải suy nghĩ”. Ông nói thêm: “Họ chỉ muốn chấp nhận mọi sự vì cớ ‘đức tin’ ”.
ÔNG ngụ ý nói phần đông những người theo một tín ngưỡng nào đó không bận tâm suy nghĩ tại sao họ tin như vậy hoặc kiểm chứng xem có cơ sở hợp lý để tin như vậy hay không. Không lạ gì khi tôn giáo đã trở thành đề tài nhiều người ngại bàn đến.
Thật đáng tiếc là những thực hành như dùng hình tượng và lặp đi lặp lại những bài cầu nguyện thuộc lòng cũng khiến người ta không dùng đến lý trí để suy xét. Những thực hành này, cùng với kiến trúc nguy nga của một nhà thờ, các cửa sổ bằng kính màu và âm nhạc quyến rũ, ít nhiều tóm tắt lại hết thảy những kinh nghiệm về tôn giáo của hàng triệu người. Dù một số giáo hội hô hào rằng đức tin của họ dựa trên Kinh Thánh, thông điệp của họ, ‘hãy tin Chúa Giê-su thì sẽ được cứu’, làm người ta không nghĩ đến việc học hỏi Kinh Thánh một cách nghiêm túc. Những người khác quay sang giảng phúc âm để cải cách xã hội hoặc chính trị. Hậu quả của tất cả những điều này là gì?
Một văn sĩ về tôn giáo viết về tình trạng ở Bắc Mỹ: “Đạo Đấng Christ... thường là nông cạn, [và] giáo dân không được dạy nhiều về đạo của mình”. Một người chuyên môn thăm dò ý kiến thậm chí còn nói nặng hơn nữa bằng cách miêu tả Hoa Kỳ là “một quốc gia dốt nát về Kinh Thánh”. Khách quan mà nói, những lời nhận xét này cũng áp dụng cho những nước khác có phần đông dân xưng theo đạo Đấng Christ. Nhiều tôn giáo không theo đạo Đấng Christ cũng khiến người ta không dùng lý trí, mà ngược lại nhấn mạnh việc tụng niệm, cầu nguyện theo lễ nghi và thiền theo nhiều cách khác nhau liên quan đến thần bí, thay vì suy nghĩ một cách hợp lý, bổ ích.
Thế nhưng, trong đời sống hàng ngày những người vốn ít chịu suy nghĩ xem các tín điều họ tin có chính xác hoặc chân thật hay không, lại cân nhắc rất kỹ lưỡng những vấn đề khác. Chẳng phải là bất thường sao khi một người nghiên cứu kỹ trước khi mua một chiếc xe—mà một ngày kia sẽ phải quăng chiếc xe đó vào nghĩa địa sắt vụn—lại nói về tôn giáo mình: ‘Nếu cha mẹ tôi thấy hài lòng với đạo của mình, thì tôi cũng vậy’?
Nếu chúng ta thật sự muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời, chẳng lẽ chúng ta không nên xem xét nghiêm túc sự xác thật của những gì chúng ta tin về Ngài hay sao? Sứ đồ Phao-lô nói về một số người sùng đạo vào thời ông là họ “sốt-sắng về Đức Chúa Trời, nhưng lòng sốt-sắng đó là không phải theo trí-khôn [“hiểu biết chính xác”, NW]”. (Rô-ma 10:2) Những người như thế có thể được ví như một người thợ sơn làm thuê cật lực sơn phết ngôi nhà nhưng lại sử dụng sai màu vì không chịu nghe chỉ thị của chủ nhà. Người thợ sơn có thể hài lòng về công khó của mình, nhưng liệu chủ nhà có chấp nhận không?
Đức Chúa Trời chấp nhận điều gì về vấn đề thờ phượng thật? Kinh Thánh giải đáp: “Ấy là một sự lành và đẹp mắt Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta, Ngài muốn cho mọi người được cứu-rỗi và hiểu-biết [“chính xác”, NW] lẽ thật”. (1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Một số người có thể cảm thấy không thể nào tìm được sự hiểu biết ấy giữa nhiều tôn giáo ngày nay. Nhưng hãy thử nghĩ—nếu như Đức Chúa Trời có ý muốn người ta phải hiểu biết chính xác về Ngài, lẽ nào Ngài lại bất công giữ kín điều này và không cho họ biết? Kinh Thánh không nói như vậy, mà lại nói: “Nếu con tìm-kiếm [Đức Chúa Trời], Ngài sẽ cho con gặp”.—1 Sử-ký 28:9.
Đức Chúa Trời cho những người thành thật tìm kiếm Ngài được biết đến Ngài như thế nào? Bài kế tiếp sẽ giải đáp.