Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn cần một lương tâm được rèn luyện

Bạn cần một lương tâm được rèn luyện

Bạn cần một lương tâm được rèn luyện

Hôm đó là một ngày đáng nhớ đối với hành khách và phi hành đoàn của chuyến bay 901 thuộc hãng hàng không Air New Zealand nhắm đến Châu Nam Cực. Ai nấy cũng cầm sẵn máy chụp hình và không khí trở nên tưng bừng trước phong cảnh ngoạn mục khi chiếc DC-10 bay thấp và tiến đến gần lục địa trắng xóa.

PHI CÔNG trưởng là người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề với tổng số 11.000 giờ bay. Trước khi cất cánh, ông đã cẩn trọng cài đặt lộ trình bay vào máy vi tính của phi cơ, nhưng ông không ngờ rằng các tọa độ được cung cấp đều là sai. Khi đang bay xuyên qua một đám mây dưới 600 mét, chiếc DC-10 đâm vào phần thấp của triền núi Erebus, làm thiệt mạng tất cả 257 người trên máy bay.

Cũng giống như máy bay ngày nay lệ thuộc hệ thống điện toán để được hướng dẫn trên không trung, con người đã được ban cho một lương tâm để hướng dẫn họ trên đường đời. Tai họa khủng khiếp của chuyến bay 901 có thể dạy chúng ta một số bài học thấm thía về lương tâm của chúng ta. Chẳng hạn, giống như chuyến bay an toàn tùy thuộc vào hoạt động đúng đắn của hệ thống phi hành và các điểm chuẩn chính xác; thì hạnh phúc thiêng liêng, đạo đức và ngay cả thể chất của chúng ta tùy thuộc vào một lương tâm bén nhạy được hướng dẫn bởi những điểm chuẩn đạo đức đúng đắn.

Rủi thay, trong thế giới ngày nay, những điểm chuẩn như thế nhanh chóng biến mất hoặc bị người ta lờ đi. Một nhà giáo dục ở Mỹ nói: “Ngày nay chúng ta nghe nói nhiều đến cậu bé Johnny không biết đọc, không biết viết và gặp khó khăn khi phải tìm nước Pháp trên bản đồ. Hẳn Johnny cũng lúng túng nếu phải phân biệt phải quấy. Trong những vấn đề giáo dục, ngoài nạn mù chữ và dốt toán, chúng ta phải cộng thêm sự hoang mang trầm trọng về đạo đức”. Bà cũng nhận xét rằng “giới trẻ ngày nay sống trong đạo đức mù mờ. Cứ thử hỏi một người trong bọn họ về ‘điều phải hay quấy’ xem, thì hẳn bạn sẽ thấy người đó hoang mang, líu lưỡi, bồn chồn và bất ổn... Sự hoang mang này càng tệ hơn một khi họ lên đại học”.

Nguyên nhân của sự hoang mang này là chủ nghĩa đạo đức tương đối, quan điểm này phổ biến cho rằng các tiêu chuẩn thay đổi tùy theo sở thích của con người hoặc của nền văn hóa. Hãy thử tưởng tượng chuyện gì xảy ra nếu các phi công lái máy bay dựa theo các đèn hiệu được di dời cách bất ngờ và đôi khi tắt hết cùng một lúc, thay vì theo các điểm chuẩn cố định! Những tai họa như ở triền núi Erebus chắc hẳn sẽ thường xảy ra. Cũng thế, một khi từ bỏ các tiêu chuẩn đạo đức cố định, thế giới gặt hái sự khốn cùng và sự chết đầy ảm đạm. Điều này ngày càng gia tăng khi gia đình bị đỗ vỡ vì không chung thủy và hàng triệu người đau khổ vì bệnh AIDS hoặc những bệnh khác được truyền nhiễm qua đường sinh dục.

Chủ nghĩa đạo đức tương đối nghe có vẻ tinh vi, nhưng thật ra những người theo nó giống như dân thành Ni-ni-ve cổ đại không biết “phân-biệt tay hữu và tay tả”. Những người theo chủ nghĩa đạo đức tương đối giống như dân Y-sơ-ra-ên bội đạo “gọi dữ là lành, gọi lành là dữ”.—Giô-na 4:11; Ê-sai 5:20.

Vậy chúng ta có thể quay về đâu để có được luật pháp và nguyên tắc phân minh để rèn luyện lương tâm, khiến nó trở thành một nguồn hướng dẫn an toàn? Hàng triệu người thấy Kinh Thánh hoàn toàn đáp ứng nhu cầu này. Từ đạo đức đến lương tâm nghề nghiệp, từ việc huấn luyện con cái đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời, Kinh Thánh không bỏ sót bất cứ điều quan trọng nào. (2 Ti-mô-thê 3:16) Kinh Thánh tỏ ra hoàn toàn đáng tín nhiệm qua hàng bao thế kỷ. Vì được Đấng Tạo Hóa có thẩm quyền cao nhất đặt ra, cho nên các tiêu chuẩn của Kinh Thánh thích đáng cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy, chúng ta không có lý do gì để sống một đời sống đạo đức bấp bênh.

Tuy nhiên, ngày nay lương tâm của bạn bị tấn công nhiều hơn bao giờ hết. Như thế nào? Và làm sao bạn có thể gìn giữ lương tâm của mình? Một cách tốt để bắt đầu là tìm hiểu nguồn của sự tấn công và chiến thuật của hắn. Hai điều này sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp.