Đức Giê-hô-va ban sức cho người mệt mỏi
Đức Giê-hô-va ban sức cho người mệt mỏi
“[Đức Giê-hô-va] ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức”.—Ê-SAI 40:29.
1. Hãy minh họa năng lực tiềm ẩn trong những vật Đức Chúa Trời tạo nên.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA có quyền năng vô hạn. Năng lượng tồn tại trong những vật Ngài tạo nên thật mạnh mẽ làm sao! Một nguyên tử bé tí—đơn vị kiến trúc cơ bản của mọi vật—bé đến độ chỉ một giọt nước thôi mà chứa một trăm tỉ tỉ nguyên tử. * Mọi sự sống trên trái đất chúng ta tùy thuộc vào năng lượng sinh ra bởi những phản ứng nguyên tử trên mặt trời. Nhưng để duy trì sự sống trên trái đất cần có bao nhiêu năng lượng mặt trời? Trái đất chỉ nhận một phần rất nhỏ năng lượng mặt trời tạo ra. Tuy nhiên, chính phần nhỏ năng lượng mặt trời đến trái đất lại lớn vô cùng khi so với tổng số năng lượng được dùng trong công nghiệp nặng trên toàn thế giới.
2. Thực chất Ê-sai 40:26 nói gì về quyền năng của Đức Giê-hô-va?
2 Dù suy nghĩ về nguyên tử hoặc chú ý đến vũ trụ bao la, chúng ta không khỏi khâm phục năng lực đáng kính sợ của Đức Giê-hô-va. Chẳng ngạc nhiên gì khi Ngài có thể nói: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật này? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức-mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”! (Ê-sai 40:26) Thật vậy, Đức Giê-hô-va có ‘quyền-năng rất cao’, và Ngài là Nguồn của “sức-mạnh” đã dựng nên toàn thể vũ trụ.
Cần sức lực vượt quá mức bình thường
3, 4. (a) Một số nhân tố nào có thể làm chúng ta kiệt sức? (b) Câu hỏi nào cần được xem xét?
3 Năng lực của Đức Chúa Trời là vô tận trong khi loài người lại có thể cạn kiệt. Đến đâu chúng ta cũng gặp những con người mệt mỏi. Khi thức dậy, đi làm, đi học, trở về nhà, họ đều mệt mỏi và khi đi ngủ họ không chỉ mệt mỏi mà là kiệt sức. Một số người ao ước giá như có thể đến nơi nào đó để hưởng được sự nghỉ ngơi cần thiết. Là những tôi tớ của Đức Giê-hô-va chúng ta cũng mệt mỏi, vì một đời sống tin kính đòi hỏi chúng ta phải gắng sức nhiều. (Mác 6:30, 31; Lu-ca 13:24; 1 Ti-mô-thê 4:8) Và còn có nhiều nhân tố khác làm tiêu hao sức lực của chúng ta.
4 Dù là tín đồ Đấng Christ chúng ta không được miễn khỏi những vấn đề chung của con người. (Gióp 14:1) Đau ốm, tài chính cạn kiệt hoặc những khó khăn chung của đời sống có thể gây chán nản làm ngã lòng. Ngoài những khó khăn này còn có sự thử thách dành riêng cho những người chịu ngược đãi vì sự công bình. (2 Ti-mô-thê 3:12; 1 Phi-e-rơ 3:14) Vì những áp lực thường ngày của thế gian và sự chống đối trong việc rao giảng về Nước Trời, một số người trong chúng ta có thể quá mệt mỏi đến độ cảm thấy mình muốn chậm lại trong thánh chức dành cho Đức Giê-hô-va. Hơn nữa Sa-tan Ma-quỉ tận dụng mọi phương tiện sẵn có gắng sức phá hủy lòng trung kiên của chúng ta đối với Đức Chúa Trời. Thế thì làm sao chúng ta có được sức lực cần thiết về thiêng liêng để giữ cho khỏi kiệt sức và bỏ cuộc?
5. Tại sao cần có sức lực vượt quá mức bình thường của loài người để thi hành thánh chức tín đồ Đấng Christ?
5 Để có được sức lực về thiêng liêng chúng ta cần phải nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng. Sứ đồ Phao-lô cho biết thánh chức tín đồ Đấng Christ đòi hỏi sức lực vượt quá mức bình thường của loài người bất toàn khi ông viết: “Chúng tôi đựng kho tàng này trong bình đất, hầu cho sức lực vượt quá mức bình thường bởi Đức Chúa Trời mà ra, chớ chẳng phải bởi chúng tôi”. (2 Cô-rinh-tô 4:7, NW) Tín đồ Đấng Christ được xức dầu đang thực hiện “chức-vụ giảng-hòa” với sự ủng hộ của những người bạn có hy vọng sống trên đất. (2 Cô-rinh-tô 5:18; Giăng 10:16; Khải-huyền 7:9) Vì là những người bất toàn đang làm công việc của Đức Chúa Trời và phải đương đầu với sự ngược đãi, chúng ta không thể nào chỉ dựa vào sức riêng. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta qua thánh linh của Ngài, như vậy sự yếu đuối của chúng ta ca ngợi quyền năng Ngài. Và chúng ta được an ủi biết bao với lời cam đoan: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ người công-bình”!—Thi-thiên 37:17.
‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh của chúng ta’
6. Kinh Thánh đảm bảo Đức Giê-hô-va là Nguồn sức lực của chúng ta như thế nào?
6 Cha trên trời của chúng ta có ‘quyền-năng rất cao’ và Ngài có thể tiếp sức cho chúng ta dễ dàng. Thật thế, chúng ta được bảo: “[Đức Giê-hô-va] ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn, thêm lực-lượng cho kẻ chẳng có sức. Những kẻ trai trẻ cũng phải mòn-mỏi mệt-nhọc, người trai-tráng cũng phải vấp-ngã. Nhưng ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt-nhọc, đi mà không mòn-mỏi”. (Ê-sai 40:29-31) Bởi nhiều áp lực gia tăng, đôi khi chúng ta cảm thấy giống như người chạy đua kiệt sức, đôi chân dường như không thể lê bước xa hơn. Nhưng đích của cuộc đua đưa đến sự sống trước mắt và chúng ta không thể bỏ cuộc. (2 Sử-ký 29:11, NW) Ma-quỉ, Kẻ Thù của chúng ta, đang lảng vảng chung quanh “như sư-tử rống” và muốn ngăn trở chúng ta. (1 Phi-e-rơ 5:8) Chúng ta hãy nhớ ‘Đức Giê-hô-va là sức-mạnh và là cái khiên của chúng ta’ và Ngài “ban sức-mạnh cho kẻ nhọc-nhằn”.—Thi-thiên 28:7.
7, 8. Bằng chứng nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã củng cố Đa-vít, Ha-ba-cúc và Phao-lô?
7 Đức Giê-hô-va ban cho Đa-vít sức lực cần thiết để tiếp tục khi đương đầu với những trở ngại lớn lao. Với đức tin và lòng tin cậy tràn đầy Đa-vít đã viết: “Nhờ Đức Chúa Trời chúng tôi sẽ làm việc cả thể; vì chính Ngài sẽ giày-đạp các cừu-địch chúng tôi”. (Thi-thiên 60:12) Đức Giê-hô-va cũng trợ lực cho Ha-ba-cúc nên ông có thể chu toàn trách nhiệm nhà tiên tri. Ha-ba-cúc 3:19 nói: “Đức Giê-hô-va là Chúa, là sức-mạnh của tôi, Ngài làm cho chân tôi giống như chân con hươu, khiến tôi đi trên các nơi cao của mình”. Gương của Phao-lô cũng đáng chú ý, ông viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”.—Phi-líp 4:13.
8 Tương tự như Đa-vít, Ha-ba-cúc và Phao-lô, chúng ta cũng nên tin vào việc Đức Chúa Trời có khả năng củng cố chúng ta và quyền năng để giải cứu chúng ta. Ý thức rằng Chúa Tối Thượng Giê-hô-va là Nguồn của “sức-mạnh”, giờ đây chúng ta hãy xem xét một vài cách để nhận lãnh sức lực về thiêng liêng từ những phương tiện mà Đức Chúa Trời cung cấp dồi dào.
Những sự cung cấp về thiêng liêng tiếp sức cho chúng ta
9. Các ấn phẩm đạo Đấng Christ đóng vai trò nào trong việc dinh dưỡng của chúng ta?
9 Chuyên cần học hỏi Kinh Thánh với sự hỗ trợ của các ấn phẩm đạo Đấng Christ có thể tiếp sức và nâng đỡ chúng ta. Người viết Thi-thiên hát: “Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. (Thi-thiên 1:1-3) Để duy trì sức khỏe thể chất chúng ta phải ăn, để duy trì sức khỏe thiêng liêng chúng ta cần hấp thu thức ăn thiêng liêng mà Đức Chúa Trời cung cấp qua Lời Ngài và các ấn phẩm đạo Đấng Christ. Vậy, một sự học hỏi sâu sắc và suy ngẫm là điều thiết yếu.
10. Chúng ta có thể tìm thì giờ để học hỏi và suy ngẫm vào lúc nào?
10 Suy ngẫm “sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời” thật đáng công. (1 Cô-rinh-tô 2:10) Nhưng chúng ta tìm đâu ra thì giờ để suy ngẫm? Con trai Áp-ra-ham, Y-sác “lối chiều,... đi ra ngoài đồng đặng suy gẫm”. (Sáng-thế Ký 24:63-67) Người viết Thi-thiên Đa-vít ‘suy-gẫm về Chúa trọn các canh đêm’. (Thi-thiên 63:6) Chúng ta có thể học Lời Đức Chúa Trời và suy ngẫm vào buổi sáng, buổi chiều, buổi tối—thật vậy, bất cứ lúc nào. Học hỏi và suy ngẫm như thế hướng đến một sự ban cho khác về thiêng liêng của Đức Giê-hô-va để củng cố chúng ta—sự cầu nguyện.
11. Tại sao nên hết sức coi trọng việc cầu nguyện đều đặn?
11 Đều đặn cầu nguyện với Đức Chúa Trời giúp chúng ta thêm sinh lực. Vậy mong chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện”. (Rô-ma 12:12) Đôi khi chúng ta cần đặc biệt cầu xin được ban cho sự khôn ngoan và sức mạnh cần thiết để đối phó với một thử thách. (Gia-cơ 1:5-8) Chúng ta cũng hãy cảm tạ và ca ngợi Đức Chúa Trời khi quan sát thành quả những ý định Ngài hoặc nhận thấy Ngài củng cố chúng ta để tiếp tục thánh chức. (Phi-líp 4:6, 7) Nếu chúng ta giữ được mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va trong lời cầu nguyện, Ngài sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi chúng ta. Đa-vít hát: “Nầy, Đức Chúa Trời là sự tiếp-trợ tôi”.—Thi-thiên 54:4.
12. Tại sao chúng ta nên cầu xin Đức Chúa Trời ban thánh linh?
12 Cha chúng ta ở trên trời tiếp thêm sinh lực và củng cố chúng ta bằng thánh linh hay sinh hoạt lực của Ngài. Phao-lô viết: “Tôi quì gối trước mặt Cha... cầu-xin Ngài tùy sự giàu-có vinh-hiển Ngài khiến anh em được quyền-phép bởi Thánh-Linh mà nên mạnh-mẽ trong lòng”. (Ê-phê-sô 3:14-16) Chúng ta nên cầu xin thánh linh, tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban cho. Chúa Giê-su lý luận: Nếu một đứa trẻ hỏi xin cá, liệu một người cha yêu thương sẽ cho con mình một con rắn không? Hiển nhiên là không. Vì vậy ngài kết luận: “Nếu các ngươi là người [có tội, nên đến mức độ nào đó, là người] xấu, còn biết cho con-cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban Đức Thánh-Linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:11-13) Vậy chúng ta hãy cầu nguyện với lòng tin cậy như thế và luôn nhớ rằng những tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời có thể trở nên “mạnh-mẽ” bởi thánh linh của Ngài.
Hội thánh—Nguồn trợ lực
13. Chúng ta nên xem những buổi họp của đạo Đấng Christ như thế nào?
13 Đức Giê-hô-va tiếp thêm sinh lực cho chúng Ma-thi-ơ 18:20) Khi hứa như thế, Chúa Giê-su đang nói về những vấn đề mà người dẫn đầu trong hội thánh cần quan tâm. (Ma-thi-ơ 18:15-19) Tuy nhiên trên nguyên tắc lời của ngài được áp dụng cho tất cả các buổi họp, hội nghị và đại hội của chúng ta, vì tất cả đều được mở đầu và kết thúc bằng lời cầu nguyện nhân danh ngài. (Giăng 14:14) Thế nên tham dự những buổi họp đạo Đấng Christ như vậy là một đặc ân dù buổi họp đó chỉ có vài người hoặc hàng ngàn người hiện diện. Chúng ta hãy thể hiện lòng biết ơn đối với những dịp này củng cố chúng ta về phương diện thiêng liêng và khuyên giục chúng ta về lòng yêu thương và việc tốt lành.—Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
ta qua các buổi họp của đạo Đấng Christ. Chúa Giê-su nói: “Nơi nào có hai ba người nhân danh ta nhóm nhau lại, thì ta ở giữa họ”. (14. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ những nỗ lực của các trưởng lão đạo Đấng Christ?
14 Các trưởng lão đạo Đấng Christ cung cấp sự giúp đỡ và cổ vũ về thiêng liêng. (1 Phi-e-rơ 5:2, 3) Phao-lô đã giúp đỡ và cổ vũ các hội thánh như các giám thị lưu động ngày nay. Thật ra ông đã mong mỏi ở cùng anh em đồng đức tin để có thể khuyến khích xây dựng lẫn nhau. (Công-vụ 14:19-22; Rô-ma 1:11, 12) Mong sao chúng ta luôn biểu lộ lòng biết ơn đối với các trưởng lão địa phương và những giám thị khác, là những người đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố chúng ta về thiêng liêng.
15. Những anh em cùng đức tin trong hội thánh chúng ta chứng tỏ họ là “nguồn trợ lực” như thế nào?
15 Anh em cùng đức tin trong hội thánh có thể là “nguồn trợ lực” cho chúng ta. (Cô-lô-se 4:10, 11, NW) Là “bằng-hữu [“chân thật”, NW]” họ có thể giúp chúng ta trong lúc hoạn nạn. (Châm-ngôn 17:17) Điển hình là vào năm 1945 khi được phóng thích khỏi trại tập trung Sachsenhausen dưới sự kiểm soát của Quốc Xã, 220 tôi tớ Đức Chúa Trời phải đương đầu với cuộc hành trình dài 200 kilômét. Họ đi chung thành một nhóm, và những người khỏe hơn đẩy những người yếu nhất trên vài chiếc xe đẩy nhỏ. Kết quả là gì? Không một Nhân Chứng Giê-hô-va nào chết trong khi hơn 10.000 bạn đồng tù bỏ mạng trong suốt chặng đường tử hành đó. Những tường thuật như thế được đăng trong những ấn phẩm của Hội Tháp Canh, kể cả Yearbook of Jehovah’s Witnesses (Niên Giám của Nhân Chứng Giê-hô-va) và Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân Chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời) chứng thật Đức Chúa Trời ban sức cho dân sự của Ngài để họ không bỏ cuộc.—Ga-la-ti 6:9. *
Được củng cố bằng thánh chức rao giảng
16. Đều đặn tham dự thánh chức củng cố chúng ta về thiêng liêng như thế nào?
16 Đều đặn tham dự vào công việc rao giảng Nước Trời củng cố chúng ta về phương diện thiêng liêng. Hoạt động này giúp chúng ta chú mục vào Nước Trời và duy trì trong trí triển vọng sống đời đời cũng như các ân phước kèm Giu-đe 20, 21) Những lời hứa căn cứ vào Kinh Thánh mà chúng ta nói với người khác khi làm thánh chức cho chúng ta hy vọng và có thể khiến chúng ta kiên quyết như nhà tiên tri Mi-chê, người nói: “Chúng ta sẽ bước theo danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô-cùng!”—Mi-chê 4:5.
theo. (17. Có những đề nghị nào về việc học hỏi Kinh Thánh tại nhà?
17 Mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời được thắt chặt khi chúng ta sử dụng Kinh Thánh nhiều trong việc dạy dỗ người khác. Thí dụ, khi điều khiển buổi học Kinh Thánh tại nhà với sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, việc đọc và thảo luận một số câu Kinh Thánh được dẫn chứng là khôn ngoan. Điều này giúp ích cho người học và gia tăng sự hiểu biết về thiêng liêng của chính chúng ta. Nếu một học viên thấy khó hiểu một khái niệm thuộc Kinh Thánh hay một ví dụ, có thể cần học nhiều lần để hoàn tất một chương của sách Hiểu biết. Chúng ta vui thích biết bao khi chuẩn bị kỹ lưỡng và nỗ lực thêm để giúp người khác đến gần Đức Chúa Trời!
18. Hãy minh họa sách Hiểu biết được sử dụng hữu hiệu như thế nào.
18 Mỗi năm, sách Hiểu biết được sử dụng hữu hiệu trong việc giúp hàng ngàn người trở thành tôi tớ dâng mình của Đức Giê-hô-va, kể cả những người chưa hề biết Kinh Thánh. Thí dụ, lúc còn bé một người Ấn Độ ở Sri Lanka nghe một chị Nhân Chứng nói về Địa Đàng. Vài năm sau anh tìm đến gặp chị. Sau đó không lâu, chồng chị bắt đầu dạy anh Kinh Thánh. Thật ra, thanh niên này đến học mỗi ngày và học xong sách Hiểu biết trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Anh bắt đầu tham dự tất cả các buổi họp, đoạn tuyệt với tôn giáo cũ và trở thành người công bố Nước Trời. Khi làm báp têm anh đã điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà với một người quen.
19. Khi tìm kiếm Nước Trời trước tiên chúng ta chắc được điều gì?
19 Tìm kiếm Nước Trời trước tiên mang đến một niềm vui tăng thêm sức cho chúng ta. (Ma-thi-ơ 6:33) Dù trải qua nhiều thử thách chúng ta vẫn hớn hở và sốt sắng tiếp tục rao truyền tin mừng. (Tít 2:14) Nhiều người trong chúng ta đang làm tiên phong trọn thời gian, và một số người đang phục vụ tại những nơi có nhiều nhu cầu truyền giáo hơn. Dù vui mừng xúc tiến quyền lợi Nước Trời bằng cách này hay cách khác chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ chẳng quên công việc và lòng yêu thương của chúng ta tỏ ra vì danh Ngài.—Hê-bơ-rơ 6:10-12.
Hãy tiếp tục phụng sự nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va
20. Chúng ta cho thấy mình mong đợi Đức Giê-hô-va ban sức như thế nào?
20 Chúng ta hãy hết lòng và hết trí chứng tỏ rằng mình đặt hy vọng nơi Đức Giê-hô-va và mong mỏi Ngài ban thêm sức. Chúng ta có thể làm thế bằng cách tận dụng những sự cung cấp về thiêng liêng mà Ngài ban qua ‘đầy-tớ trung-tín’. (Ma-thi-ơ 24:45) Dùng các ấn phẩm đạo Đấng Christ để học hỏi Lời Đức Chúa Trời với tư cách cá nhân hay nơi hội thánh, thành tâm cầu nguyện, sự giúp đỡ về phương diện thiêng liêng của các trưởng lão, gương mẫu tốt của anh em trung thành cùng đức tin và việc đều đặn tham gia thánh chức, tất cả đều là những sự ban cho để củng cố mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Giê-hô-va và thêm sức cho chúng ta tiếp tục phụng sự Ngài.
21. Sứ đồ Phi-e-rơ và Phao-lô diễn đạt ra sao sự cần thiết được Đức Chúa Trời ban sức?
21 Nếu chúng ta nương cậy nơi Đức Giê-hô-va để được trợ giúp, Ngài sẽ củng cố chúng ta để thực thi ý muốn Ngài bất chấp bản chất yếu kém của chúng ta. Ý thức sự cần thiết của việc trợ giúp này sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban”. (1 Phi-e-rơ 4:11) Và Phao-lô cho thấy ông tin cậy nơi sự ban sức của Đức Chúa Trời khi nói: “Tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu-đuối, nhuốc-nhơ, túng-ngặt, bắt-bớ, khốn-khó; vì khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ”. (2 Cô-rinh-tô 12:10) Mong sao chúng ta thể hiện sự tin cậy giống như thế và làm vinh hiển danh Chúa Tối Thượng Giê-hô-va là Đấng ban sức cho người mệt mỏi.—Ê-sai 12:2.
[Chú thích]
^ đ. 1 Con số này trong phép đếm của Hoa Kỳ là số 1 với 20 số 0 theo sau.
^ đ. 15 Do Hội Tháp Canh xuất bản.
Bạn trả lời thế nào?
• Tại sao dân sự của Đức Giê-hô-va cần đến sức lực vượt quá mức bình thường?
• Bằng chứng nào của Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời ban sức cho những tôi tớ Ngài?
• Đức Giê-hô-va ban một số sự cung cấp nào về thiêng liêng để củng cố chúng ta?
• Chúng ta cho thấy mình mong đợi Đức Chúa Trời ban sức như thế nào?
[Câu hỏi thảo luận]
[Hình nơi trang 12]
Mối quan hệ giữa chúng ta và Đức Chúa Trời được củng cố khi chúng ta dùng Kinh Thánh để dạy người khác