Âm nhạc làm hài lòng Đức Chúa Trời
Âm nhạc làm hài lòng Đức Chúa Trời
Âm nhạc được miêu tả là “nghệ thuật lâu đời và tự nhiên nhất trong tất cả nghệ thuật”. Giống như ngôn ngữ, âm nhạc là một năng khiếu phi thường phân biệt loài người với loài thú. Âm nhạc khích động cảm xúc. Nó có thể làm vui tai, vấn vương trong trí và trên hết là âm nhạc có thể làm hài lòng Đức Chúa Trời.
NHƯ Kinh Thánh cho thấy, Y-sơ-ra-ên là dân thích nhạc. Cuốn Unger’s Bible Dictionary bình luận rằng âm nhạc là “nghệ thuật nổi bật trong thời xưa khi Kinh Thánh được viết ra”. Là một phần trong đời sống hằng ngày, cả thanh nhạc lẫn khí nhạc đều có vai trò quan trọng trong việc thờ phượng. Nhưng cái được dùng chính yếu là giọng hát.
Vua Đa-vít chỉ định người đại diện trong số người Lê-vi “để coi-sóc việc hát-xướng” tại đền tạm, trước thời khánh thành đền thờ do con ông là Sa-lô-môn xây cất. (1 Sử-ký 6:31, 32) Khi hòm giao ước, tượng trưng cho sự hiện diện của Đức Giê-hô-va, được đưa đến Giê-ru-sa-lem, Đa-vít sắp xếp một số người Lê-vi để “ngợi-khen, cảm-tạ, và ca-tụng Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Họ ca hát ngợi khen, đệm theo là “nhạc-khí, đàn-cầm và đàn-sắt;... nổi chập-chỏa vang lên... thổi kèn”. Những người này “được chọn... gọi từng danh, đặng ngợi-khen Đức Giê-hô-va, vì sự thương-xót Ngài còn đến đời đời”.—1 Sử-ký 16:4-6, 41; 25:1.
Điệp khúc “sự nhân-từ [của Đức Giê-hô-va] còn đến đời đời” xuất hiện nhiều lần trong Thi-thiên, là sách trong Kinh Thánh liên kết rất nhiều với âm nhạc. Thí dụ, nó là phần thứ hai trong mỗi câu trong số 26 câu của bài Thi-thiên 136. Một học giả Kinh Thánh nhận xét: “Nhờ ngắn gọn, điệp khúc đó dễ cho người ta hát. Ai nghe qua cũng có thể nhớ”.
Những lời ghi chú ở đầu các bài Thi-thiên cho thấy nhạc khí được dùng phổ biến. Ngoài đàn dây, Thi-thiên 150 cũng nói đến kèn, đàn cầm, trống cơm, sáo và chập chỏa. Thế nhưng, cái hấp dẫn chính yếu là giọng ca. Câu 6 cổ vũ: “Phàm vật chi thở, hãy ngợi-khen Đức Giê-hô-va! Ha-lê-lu-gia!”
Âm nhạc diễn tả cảm nghĩ, vì thế ý nghĩ buồn rầu ảm đạm trong thời Kinh Thánh gợi lên những ai ca hoặc thánh ca. Tuy nhiên, loại ca hát này có hạn trong vốn tiết mục âm nhạc của Y-sơ-ra-ên. Bách khoa tự điển Kinh Thánh Insight on the Scriptures * nhận xét: “Chỉ trong một bài ai ca hoặc than khóc thì người ta mới thích loại nhạc đơn điệu hơn là âm điệu du dương hoặc trầm bổng và sự nhấn giọng của lối nói trong sáng”.
Chúa Giê-su và các sứ đồ trung thành hát những bài ngợi khen Đức Giê-hô-va vào đêm trước khi Chúa Giê-su chết, chắc chắn ngâm những lời của các bài Thi-thiên Hallel. (Thi-thiên 113-118) Điều này chắc hẳn củng cố tinh thần các môn đồ Chúa Giê-su biết bao để họ đương đầu với việc bị mất Thầy! Hơn thế nữa, khi hát năm lần điệp khúc “sự nhân-từ Ngài còn đến đời đời”, họ hẳn càng kiên quyết luôn luôn là những tôi tớ trung thành của Đấng Thống Trị Tối Cao của vũ trụ là Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 118:1-4, 29.
Các tín đồ ban đầu ở Ê-phê-sô và Cô-lô-se hát “ca-vịnh, thơ-thánh... ngợi-khen Chúa” (nghĩa đen là “thánh ca”). Ngoài những bài này, họ còn có những “bài hát thiêng-liêng” để hát trong lòng. (Ê-phê-sô 5:19; Cô-lô-se 3:16) Bằng cả bài nhạc và lời nói, họ dùng miệng một cách thích hợp để ca ngợi. Chẳng phải Chúa Giê-su đã tuyên bố rằng “do sự đầy-dẫy trong lòng mà miệng mới nói ra” hay sao?—Ma-thi-ơ 12:34.
Âm nhạc không làm hài lòng Đức Chúa Trời
Không phải tất cả âm nhạc nói đến trong Kinh Thánh đều làm hài lòng Đức Chúa Trời. Hãy xem xét việc xảy ra tại Núi Si-na-i, nơi Môi-se nhận được Luật Pháp, kể cả Mười Điều Răn. Khi xuống núi, Môi-se nghe gì? “Chẳng phải tiếng kêu về thắng trận”, “chẳng phải tiếng kêu về thua trận”, mà là “tiếng kẻ hát”. Đây là âm nhạc liên quan đến sự thờ hình tượng, một thực hành làm Đức Chúa Trời rất phật lòng và dẫn đến hậu quả là khoảng 3.000 người làm ra âm nhạc đó đã thiệt mạng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 32:18, 25-28.
Mặc dù con người có thể soạn, chơi và thưởng thức mọi loại nhạc, nhưng không phải tất cả âm nhạc đều làm hài lòng Đức Chúa Trời. Tại sao không? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời”. (Rô-ma 3:23). Nghi lễ sinh sản của ngoại giáo, giáo lý linh hồn bất tử, và sự biệt tôn Ma-ri là “mẹ Đức Chúa Trời” thường là chủ đề của những bài sáng tác. Tuy nhiên, những niềm tin và thực hành này làm ô danh Đức Chúa Trời của lẽ thật, vì chúng trái ngược với những điều tiết lộ trong Lời được Ngài soi dẫn là Kinh Thánh.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10-12; Ê-xê-chi-ên 18:4; Lu-ca 1:35, 38.
Chọn lựa âm nhạc một cách khôn ngoan
Lựa chọn âm nhạc là điều làm bối rối. Những bìa bọc đĩa compact được trình bày để làm khách hàng mua mọi loại nhạc. Nhưng nếu muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời thì người thờ phượng Ngài sẽ cẩn thận và chọn lựa một cách khôn ngoan để tránh thanh nhạc và khí nhạc do những tín ngưỡng sai lầm gây cảm hứng, hoặc loại nhạc tập trung vào sự vô luân và sự sùng bái ma quỉ.
Anh Albert, từng phụng sự với tư cách giáo sĩ ở Phi Châu, thừa nhận rằng anh có ít cơ hội chơi đàn dương cầm ở đó. Tuy nhiên, anh nghe đi nghe lại vài đĩa nhạc mà anh đem theo. Trở lại xứ sở, anh Albert hiện nay thăm viếng các hội thánh đạo Đấng Christ với tư cách giám thị lưu động. Anh có ít thì giờ nghe nhạc. Anh nhận xét: “Nhà soạn nhạc mà tôi thích nhất là Beethoven. Qua nhiều năm, tôi sưu tầm nhiều đĩa thu những bản hòa nhạc giao hưởng, bản hợp tấu, khúc cầm nhạc và bản tứ tấu của ông”. Anh rất thích nghe những bản này. Tất nhiên, mỗi người có sở thích riêng về âm nhạc, nhưng là tín đồ Đấng Christ, chúng ta ghi nhớ lời khuyên của Phao-lô: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”.—1 Cô-rinh-tô 10:31.
Âm nhạc và sự dâng mình
Susie từng say mê âm nhạc. Chị giải thích: “Tôi bắt đầu chơi dương cầm khi lên 6 tuổi, đàn vĩ cầm khi lên 10 và cuối cùng đàn hạc khi lên 12”. Sau này Susie đã dự Trường Âm Nhạc Hoàng Gia ở Luân Đôn, Anh Quốc, để học đàn hạc. Chị học bốn năm với một người Tây Ban Nha nổi tiếng chơi đàn hạc và học thêm một năm nữa tại Trường Nhạc Paris, lấy được bằng danh dự về âm nhạc cũng như văn bằng về chơi đàn hạc và dạy dương cầm.
Susie kết hợp với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Luân Đôn. Ở đó chị tìm thấy sự quan tâm và tình yêu thương chân thật giữa các anh em Nhân Chứng. Dần dần, tình yêu thương của chị đối với Đức Giê-hô-va sâu đậm hơn, và lòng sốt sắng đối với việc phụng sự Ngài đã khiến chị tìm kiếm cách phụng sự Ngài. Điều này dẫn đến việc dâng mình và làm báp têm. Chị Susie nhận xét: “Theo đuổi sự nghiệp âm nhạc là một lối sống dâng mình, vì thế một đời sống dâng mình không xa lạ đối với tôi”. Thời gian dành cho những buổi hòa nhạc giảm đi khi chị tham gia vào thánh chức rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời theo lời chỉ dạy của Chúa Giê-su.—Ma-thi-ơ 24:14; Mác 13:10.
Bây giờ, chỉ dành một số thời giờ giới hạn để biểu diễn nhạc, chị cảm thấy thế nào? Chị thừa nhận: “Đôi khi tôi cảm thấy hơi bực mình vì không có thêm thì giờ tập dượt, nhưng tôi vẫn chơi nhạc khí của mình và thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc là sự ban cho của Đức Giê-hô-va. Tôi thích nó còn hơn trước đây vì tôi đặt việc phụng sự Ngài lên hàng đầu trong đời sống”.—Ma-thi-ơ 6:33.
Âm nhạc ca ngợi Đức Chúa Trời
Anh Albert và chị Susie cùng với gần sáu triệu Nhân Chứng khác của Đức Giê-hô-va thường xuyên ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời bằng âm nhạc. Tại các buổi họp đạo Đấng Christ được tổ chức trong các Phòng Nước Trời ở 234 xứ, họ bắt đầu và chấm dứt buổi họp, nếu có thể, bằng cách hát những bài ca cho Đức Giê-hô-va. Bằng khóa trưởng và âm giai thứ, những âm điệu du dương đệm những lời nhạc dựa trên Kinh Thánh, ca ngợi Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Mọi người trong cử tọa cất tiếng ca nồng nhiệt rằng Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ ta (Bài 77). Họ hát ngợi khen Đức Giê-hô-va (Bài 165). Những bài hát của họ nói đến niềm vui và trách nhiệm của đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ, đời sống tín đồ Đấng Christ và các đức tính của tín đồ Đấng Christ. Làm tăng thêm niềm vui thích của họ là nhiều loại nhạc khác nhau mà Nhân Chứng từ Á Châu, Úc Châu, Âu Châu, Bắc và Nam Mỹ dùng khi sáng tác âm điệu. *
“Hãy hát một bài ca mới cho Đức Giê-hô-va; hỡi cả trái đất, khá hát-xướng cho Đức Giê-hô-va. Hãy hát-xướng cho Đức Giê-hô-va, và chúc-tụng danh Ngài”, là những lời mở đầu của một bài thánh ca trang trọng và tuyệt diệu, được viết vào thời người viết Thi-thiên. “Từng ngày hãy truyền ra sự cứu-rỗi của Ngài. Hãy thuật sự vinh-hiển Ngài giữa các nước, truyền các công-việc lạ-lùng Ngài giữa các dân”. (Thi-thiên 96:1-3) Đây là việc Nhân Chứng Giê-hô-va đang làm trong khu vực bạn, và họ mời bạn cùng hát bài ca ngợi này. Bạn sẽ được ân cần tiếp đón tại các Phòng Nước Trời, nơi bạn có thể học cách ca ngợi Đức Giê-hô-va bằng âm nhạc làm hài lòng Ngài.
[Chú thích]
^ đ. 7 Do Hội Tháp Canh xuất bản.
^ đ. 22 Những bài này nằm trong cuốn Hãy ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va, do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Hình nơi trang 28]
Ca hát ngợi khen Đức Giê-hô-va