Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của chúng tôi từ thuở thơ ấu

Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của chúng tôi từ thuở thơ ấu

Tự truyện

Tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa của chúng tôi từ thuở thơ ấu

DO DAVID Z. HIBSHMAN KỂ LẠI

“Nếu tôi đã đến cuối cuộc đời, tôi thật sự hy vọng rằng mình đã luôn trung thành với Đức Giê-hô-va. Tôi nài xin Ngài chăm sóc anh David thân yêu của tôi. Đức Giê-hô-va ôi, con xin cám ơn Ngài về anh ấy và về cuộc hôn nhân của chúng con. Thật tuyệt vời, thật hạnh phúc biết bao!”

HÃY tưởng tượng cảm xúc của tôi khi thấy những dòng cuối cùng này trong nhật ký vợ tôi sau khi chôn cất nàng vào tháng 3 năm 1992. Chỉ năm tháng trước đó, chúng tôi đã kỷ niệm 60 năm Helen làm thánh chức trọn thời gian.

Tôi còn nhớ rõ cái ngày ấy vào năm 1931, khi tôi và Helen ngồi bên nhau tại hội nghị ở Columbus, Ohio, Hoa Kỳ. Tuy Helen chưa đầy 14 tuổi, nhưng cô ấy đã hiểu rõ tầm quan trọng của hội nghị ấy nhiều hơn tôi. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, lòng nhiệt thành của Helen đối với thánh chức thể hiện rõ khi cô và người mẹ góa bụa trở thành người tiên phong, tên gọi những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ hy sinh ngôi nhà tiện nghi để rao giảng tại những vùng nông thôn ở miền nam Hoa Kỳ.

Di sản tín đồ Đấng Christ của tôi

Năm 1910 cha mẹ tôi cùng hai con nhỏ dọn từ miền đông Pennsylvania đến thành phố Grove, thuộc miền tây của tiểu bang. Tại đấy họ đặt tiền mua một căn nhà bình dị và trở thành tín đồ ngoan đạo thuộc Giáo Hội Cải Cách. Ít lâu sau đó, William Evans, một Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ, đến thăm họ. Cha tôi, lúc đó chỉ trạc 25 tuổi còn mẹ trẻ hơn cha năm tuổi, đã lắng nghe anh người xứ Wales thân thiện này và mời anh ở lại dùng bữa. Chẳng mấy chốc, họ chấp nhận lẽ thật trong Kinh Thánh mà họ đang học.

Để gần hội thánh hơn, cha tôi dọn nhà đến thị trấn Sharon, cách chỗ cũ khoảng 40 kilômét. Vài tháng sau, vào năm 1911 hoặc 1912, cha và mẹ làm báp têm. Anh Charles Taze Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, nói bài diễn văn báp têm. Tôi sinh ngày 4-12-1916, khi cha mẹ tôi đã có bốn con rồi. Lúc tôi vừa chào đời, thì có lời loan báo: “Có thêm một em trai để mà yêu quý”. Vì vậy tên tôi là David, có nghĩa là “yêu quý”.

Khi tôi được bốn tuần, cha mẹ bế tôi đến hội nghị đầu tiên trong đời. Trong những năm đầu tiên ấy, cha và các anh tôi đi bộ vài cây số đến dự các buổi họp của hội thánh trong khi mẹ đem chị và tôi đi xe điện. Các buổi họp gồm những phiên buổi sáng và buổi chiều. Tại nhà, cuộc chuyện trò thường tập trung vào các bài trong Tháp Canh Thời Đại Hoàng Kim, tên gọi ban đầu của Tỉnh Thức!

Được lợi ích nhờ những gương mẫu tốt

Các diễn giả lưu động đến viếng thăm hội thánh chúng tôi. Họ thường ở lại một hai ngày với chúng tôi. Có một người tôi nhớ rõ nhất là Walter J. Thorn, anh đã tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa Cao Cả của mình “trong buổi còn thơ-ấu”. (Truyền-đạo 12:1) Khi còn là một cậu bé, tôi theo cha đi trình diễn “Kịch-Ảnh về sự sáng tạo”, buổi trình diễn gồm bốn phần, có hình ảnh và âm thanh nói về lịch sử nhân loại.

Dù hai vợ chồng anh Evans và chị Miriam không có con, nhưng họ đã trở thành cha mẹ và ông bà thiêng liêng của gia đình chúng tôi. Anh William luôn gọi cha tôi là “con”, và anh cùng chị Miriam đã ghi tạc tinh thần truyền giáo vào lòng chúng tôi. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, anh Evans đã mấy lần lên đường về xứ Wales để giới thiệu lẽ thật Kinh Thánh đến vùng chung quanh Swansea. Tại đấy, người ta gọi anh là người truyền giáo từ Mỹ về.

Năm 1928, anh Evans nghỉ việc và bắt đầu rao giảng trong các vùng đồi của bang West Virginia. Hai anh tôi, Clarence 21 tuổi và Carl 19 tuổi, cùng đi với anh. Cả bốn anh em trai chúng tôi đều làm thánh chức trọn thời gian nhiều năm. Thật vậy, tất cả chúng tôi đều phụng sự với tư cách giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va trong thời tuổi trẻ. Cách đây không lâu, dì út là Mary, nay đã ngoài 90 tuổi, viết cho tôi: “Tất cả chúng ta thật biết ơn anh Evans đã sốt sắng đối với thánh chức mà đến thăm thành phố Grove!” Dì Mary cũng là một người đã tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa ngay từ tuổi thơ ấu.

Tham dự các hội nghị

Chỉ có cha và anh Clarence đã có thể tham dự được hội nghị lịch sử tổ chức ở Cedar Point, Ohio, vào năm 1922. Tuy nhiên, năm 1924 chúng tôi có một xe hơi và cả gia đình đều đi dự hội nghị ở Columbus, Ohio. Cha mẹ mong muốn bọn trẻ chúng tôi dùng số tiền tiết kiệm riêng của mỗi đứa để tự trả tiền ăn trong suốt tám ngày hội nghị. Quan điểm của cha mẹ tôi là mỗi người trong gia đình phải học cách tự túc. Vì vậy chúng tôi nuôi gà, thỏ và ong mật, và tất cả bọn con trai đều có lộ trình đi bỏ báo.

Khi có hội nghị ở Toronto, Canada, năm 1927, chúng tôi có một em trai sáu tháng tuổi, tên là Paul. Với sự giúp đỡ của một người dì đã kết hôn, tôi được chỉ định ở lại nhà chăm sóc Paul trong khi cha mẹ và anh chị tôi đi Toronto. Tôi được thưởng mười Mỹ kim. Tôi dùng món tiền này mua một bộ vét mới. Chúng tôi luôn được dạy dỗ phải ăn mặc chỉnh tề khi đến nhóm họp và chú ý đến áo quần mình.

Vào thời điểm có hội nghị đáng nhớ ở Columbus, Ohio năm 1931, anh Clarence và anh Carl đã có vợ và cùng làm tiên phong với hai chị dâu của tôi. Mỗi anh chị sống trong căn nhà di động do họ tự đóng lấy. Anh Carl đã cưới chị Claire Houston ở Wheeling, bang West Virginia, và đó là lý do tại sao tôi ngồi cạnh Helen, em gái của chị Claire, tại hội nghị ở Columbus.

Thánh chức trọn thời gian

Năm 1932 tôi tốt nghiệp trung học khi được 15 tuổi. Năm sau, tôi lái một chiếc xe cũ đến giao cho anh Clarence, lúc đó đang làm tiên phong ở bang South Carolina. Tôi nộp đơn xin làm tiên phong và bắt đầu rao giảng với anh chị Clarence. Bấy giờ Helen đang làm tiên phong ở Hopkinsville, Kentucky, và lần đầu tiên tôi viết thư cho cô. Trong thư hồi âm, cô hỏi: “Anh có làm tiên phong không?”

Trong thư của tôi—Helen vẫn còn giữ nó cho đến chết gần 60 năm sau—tôi trả lời: “Có chứ, và tôi hy vọng có thể mãi mãi làm tiên phong”. Trong lá thư ấy, tôi cho Helen hay về việc tôi phát hành sách nhỏ The Kingdom, the Hope of the World cho các linh mục và quan chức tòa án khi đi rao giảng.

Năm 1933, cha tôi làm cho tôi một chiếc xe lều—một xe moóc dài 2,4 mét, rộng 2 mét, có vải bạt căng chung quanh những cây cọc thẳng đứng, trước và sau xe đều có cửa sổ. Đó là nơi trú ngụ khiêm tốn khi tôi làm tiên phong trong suốt bốn năm kế tiếp.

Tháng 3 năm 1934, anh Clarence và anh Carl, hai chị dâu của tôi, Helen và mẹ cô, em vợ của anh Clarence và tôi—cả thảy tám người—lên đường về miền tây dự hội nghị ở Los Angeles, California. Tôi chở vài người trên xe moóc. Họ ngủ trong xe còn tôi thì ngủ trên xe hơi ở đằng trước, trong khi những người kia thì thuê phòng trọ. Vì xe bị trục trặc, chúng tôi đến Los Angeles vào ngày thứ nhì của hội nghị sáu ngày. Tại đấy, Helen và tôi cuối cùng đã có thể biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bằng cách làm báp têm trong nước vào ngày 26 tháng 3.

Tại hội nghị, anh Joseph F. Rutherford, bấy giờ là chủ tịch Hội Tháp Canh, đích thân gặp mặt tất cả những người tiên phong. Anh khích lệ chúng tôi, nói rằng chúng tôi là những người dũng cảm tranh đấu cho lẽ thật của Kinh Thánh. Vào dịp đó, các tiên phong được trợ giúp tiền bạc hầu tiếp tục làm thánh chức.

Một sự giáo dục hữu dụng suốt đời

Khi từ hội nghị ở Los Angeles về, tất cả chúng tôi chia sẻ tin mừng về Nước Trời với người ta trong khắp các quận của bang South Carolina, Virginia, West Virginia và Kentucky. Nhiều năm sau Helen viết về thời gian đó: “Chưa có hội thánh để cho chúng tôi nương cậy, cũng chưa có bạn bè để giúp mình, vì chúng tôi quả thật là những người lạ mặt tại một vùng đất xa lạ. Nhưng giờ đây tôi hiểu rằng tôi đã nhận được một sự giáo dục. Tôi trở nên giàu có”.

Cô hỏi: “Một thiếu nữ dùng thì giờ ra sao khi sống xa bạn bè và nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Không tệ lắm đâu. Tôi không nhớ là mình đã từng cảm thấy nhàm chán. Tôi đọc sách rất nhiều. Chúng tôi chưa hề bỏ qua việc đọc các ấn phẩm giải thích Kinh Thánh và học hỏi. Tôi gần gũi mẹ, học cách quản lý tiền bạc chúng tôi có, đi mua sắm, thay lốp xe, nấu ăn, may vá, và đi rao giảng. Tôi không hối tiếc và nếu phải bắt đầu lại thì tôi cũng làm y như cũ”.

Những năm tháng đó, Helen và mẹ cô hài lòng với cuộc sống trong chiếc xe moóc nhỏ dù mẹ cô làm chủ một ngôi nhà xinh xắn. Sau hội nghị năm 1937 ở Columbus, Ohio, sức khỏe của mẹ Helen suy giảm và bà được đưa vào bệnh viện. Bà mất vào tháng 11 năm 1937 trong khi thi hành nhiệm vụ rao giảng ở Philippi, bang West Virginia.

Kết hôn và tiếp tục phụng sự

Ngày 10-6-1938, Helen và tôi kết hôn; hôn lễ được tổ chức giản dị trong ngôi nhà nàng đã sinh ra ở Elm Grove, gần Wheeling, bang West Virginia. Anh Evans thân yêu của chúng tôi, người đã giới thiệu lẽ thật cho gia đình tôi vài năm trước khi tôi được sinh ra, nói bài diễn văn hôn lễ. Sau lễ cưới, Helen và tôi dự định trở lại làm tiên phong ở miền đông Kentucky, nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên vì được mời làm công việc vùng. Công việc này bao gồm viếng thăm các nhóm Nhân Chứng Giê-hô-va thuộc miền tây Kentucky và vài nơi ở bang Tennessee để giúp họ làm thánh chức. Bấy giờ chỉ có khoảng 75 người công bố về Nước Trời trong tất cả những nơi chúng tôi viếng thăm.

Thời đó, chủ nghĩa ái quốc làm lệch lạc tư tưởng của nhiều người, nên tôi nghĩ rằng chẳng bao lâu tôi sẽ bị tống giam vì sự trung lập của tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 2:4) Tuy nhiên, nhờ thành tích hoạt động rao giảng, tôi nhận được giấy của hội đồng quân dịch cho phép tiếp tục thánh chức trọn thời gian.

Khi chúng tôi bắt đầu thánh chức lưu động, hầu hết mọi người đều nói đến sự trẻ trung của chúng tôi. Tại Hopkinsville, Kentucky, một chị tín đồ Đấng Christ đã ôm choàng lấy Helen và hỏi: “Em còn nhớ chị không?” Năm 1933, Helen đã làm chứng cho chị này tại một cửa hàng ở miền quê do chồng chị quản lý. Trước đây chị dạy giáo lý vào ngày Chủ Nhật, nhưng sau khi đọc cuốn sách Helen đã trao, chị đứng trước lớp và xin lỗi vì đã dạy họ những điều trái Kinh Thánh. Sau khi rút tên khỏi nhà thờ, chị bắt đầu công bố lẽ thật của Kinh Thánh trong cộng đồng. Helen và tôi phụng sự tại miền tây Kentucky trong ba năm, và chị ấy cùng người chồng đã cho chúng tôi tá túc ở nhà họ.

Vào những ngày ấy chúng tôi có những hội nghị nhỏ ở địa phương, và anh A. H. Macmillan đến phục vụ một trong những hội nghị này. Anh từng ở lại nhà của ba mẹ Helen hồi cô còn bé, vì vậy trong suốt thời gian hội nghị anh quyết định ở với chúng tôi trong nhà di động dài năm mét, nơi đây chúng tôi có dư một giường. Anh cũng đã tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa ngay từ tuổi thanh niên, dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va lúc 23 tuổi vào năm 1900.

Tháng 11 năm 1941 công việc của các anh lưu động bị tạm đình chỉ, và tôi được bổ nhiệm làm tiên phong ở Hazard, Kentucky. Một lần nữa, chúng tôi có dịp cùng rao giảng với anh Carl và vợ anh là chị Claire. Ở đây, Joseph Houston, cháu trai của Helen, dọn đến ở chung với chúng tôi và bắt đầu làm tiên phong. Cậu ấy tiếp tục làm thánh chức trọn thời gian gần 50 năm sau và chết đột ngột vì cơn đau tim vào năm 1992 trong khi trung thành phụng sự tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York.

Năm 1943, chúng tôi được bổ nhiệm đi Rockville, Connecticut. Đây là một thế giới khác lạ đối với tôi và Helen vì chúng tôi đã quen rao giảng ở miền nam. Ở Rockville, Helen đều đặn điều khiển hơn 20 học hỏi Kinh Thánh mỗi tuần tại nhà riêng. Cuối cùng, chúng tôi thuê một căn phòng khiêm tốn để làm Phòng Nước Trời, và nhóm người nòng cốt của một hội thánh nhỏ bé được tổ chức.

Khi đang phụng sự tại Rockville chúng tôi được mời theo học khóa thứ năm Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh ở South Lansing, New York. Mừng thay, chúng tôi hay được là Aubrey và Bertha Bivens, bạn của chúng tôi từ những ngày làm tiên phong ở Kentucky, sẽ học cùng khóa.

Trường học và nhiệm sở mới của chúng tôi

Dù chúng tôi còn rất trẻ, hầu hết các bạn cùng khóa lại trẻ hơn. Đúng thế, họ đã tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa ngay từ tuổi niên thiếu. Lễ tốt nghiệp của chúng tôi rơi vào tháng 7 năm 1945, vừa khi Thế Chiến II sắp kết thúc. Trong khi chờ đợi đi đến nhiệm sở giáo sĩ, chúng tôi rao giảng với hội thánh Flatbush ở Brooklyn, New York. Cuối cùng, đến ngày 21-10-1946, cùng với sáu bạn học khác kể cả anh chị Bivens, chúng tôi đáp máy bay đến thành phố Guatemala, xứ Guatemala, chỗ ở mới của chúng tôi. Thời đó, có chưa đến 50 Nhân Chứng Giê-hô-va trên toàn xứ Trung Mỹ này.

Tháng 4 năm 1949 một số ít giáo sĩ chúng tôi dọn đi Quetzaltenango, thành phố đứng thứ nhì về diện tích và tầm quan trọng trong nước. Thành phố này nằm ở độ cao 2.300 mét so với mực nước biển, và không khí núi khô lạnh và trong lành. Tóm tắt hoạt động rao giảng của chúng tôi ở nơi đây Helen viết: “Chúng tôi có đặc ân rao giảng trong nhiều thị trấn và làng mạc. Chúng tôi thường thức dậy vào khoảng bốn giờ sáng, đón xe buýt (thường có vải bạt kéo lên xuống thay cho các cửa sổ) đến một thị trấn ở xa. Tại đấy chúng tôi thường rao giảng khoảng tám tiếng trước khi về nhà vào buổi tối”. Ngày nay, nhiều nơi ở đây có hội thánh, kể cả sáu hội thánh ở Quetzaltenango.

Chẳng bao lâu, có lời kêu gọi các giáo sĩ đến phục vụ ở Puerto Barrios, ở ven biển Caribbean, thành phố lớn thứ ba của Guatemala. Anh chị Bivens thân yêu của chúng tôi, những người đã cùng chúng tôi phụng sự năm năm ở Guatemala, ở trong số người dời đến nhiệm sở mới. Việc chia tay này thật đau lòng và tạo một khoảng trống trong đời sống chúng tôi. Vì chỉ còn lại Helen và tôi trong nhà giáo sĩ, chúng tôi dọn đến một căn hộ nhỏ. Năm 1955, Helen và tôi nhận nhiệm sở mới ở Mazatenango, một thành phố có khí hậu nhiệt đới hơn. Paul, em trai út của tôi và vợ là Dolores, tốt nghiệp trường Ga-la-át năm 1953 đã phụng sự tại đấy ít lâu trước khi chúng tôi đến.

Năm 1958 chúng tôi có hơn 700 Nhân Chứng, 20 hội thánh và ba vòng quanh ở Guatemala. Một lần nữa tôi và Helen tham gia công việc lưu động, thăm viếng những nhóm Nhân Chứng nhỏ và vài hội thánh, kể cả một hội thánh ở Quetzaltenango. Rồi vào tháng 8 năm 1959, chúng tôi được mời trở lại thành phố Guatemala, nơi đây chúng tôi sống tại văn phòng chi nhánh. Tôi được chỉ định làm việc tại chi nhánh trong khi Helen vẫn tiếp tục công việc giáo sĩ thêm 16 năm nữa. Rồi Helen cũng bắt đầu làm việc tại chi nhánh.

Có thêm ân phước

Nhiều năm trước dường như tôi luôn luôn là người trẻ nhất trong số những người phụng sự Đức Giê-hô-va. Giờ đây tôi thường là người lớn tuổi nhất, quả đúng như vậy khi tôi tham dự khóa học tổ chức ở Patterson, New York, vào năm 1996, khóa này dành cho các thành viên ủy ban chi nhánh. Như khi còn trẻ tôi đã được người lớn giúp đỡ rất nhiều, thì trong những thập niên gần đây tôi có đặc ân giúp nhiều người trẻ tưởng nhớ đến Đấng Tạo Hóa từ buổi thơ ấu.

Đức Giê-hô-va tiếp tục đổ ân phước xuống dân sự Ngài ở Guatemala. Năm 1999, có hơn 60 hội thánh tại thành phố Guatemala. Và ở phía bắc, phía nam, phía đông và phía tây có nhiều hội thánh khác nữa và hàng ngàn người công bố tin mừng về Nước Trời. Khoảng 53 năm trước, khi chúng tôi đến đây, có chưa đến 50 người công bố mà nay đã gia tăng lên đến hơn 19.000 người!

Biết ơn về nhiều điều

Trong cuộc sống ai cũng phải trải qua những khó khăn, nhưng chúng ta luôn có thể trao “gánh nặng cho Đức Giê-hô-va”. (Thi-thiên 55:22) Ngài thường nâng đỡ chúng ta qua sự ủng hộ của những bạn đồng hành yêu thương. Thí dụ, vài năm trước khi chết, Helen tặng cho tôi một tấm bảng kim loại nhỏ đóng khung, trên đó có ghi câu Kinh Thánh nơi Hê-bơ-rơ 6:10: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.

Trong lời ghi chú đính kèm có câu này: “Anh yêu quý, em không có gì nhiều để có thể tặng anh, chỉ trừ TRỌN TÌNH YÊU CỦA EM... Câu Kinh Thánh này thật thích hợp với anh. Em xin anh hãy đặt nó trên bàn làm việc, không phải vì em đã tặng anh nhưng vì nó liên hệ đến việc anh phục vụ lâu năm”. Mãi đến ngày hôm nay tấm bảng ấy vẫn còn trên bàn làm việc của tôi tại văn phòng chi nhánh ở Guatemala.

Tôi đã phụng sự Đức Giê-hô-va từ lúc tuổi trẻ, và bây giờ trong những năm xế chiều, tôi cảm tạ Ngài vì có sức khỏe tốt, điều đó cho phép tôi thi hành nhiệm vụ giao phó. Khi đều đặn đọc Kinh Thánh, tôi thường thấy những câu mà tôi nghĩ Helen yêu dấu hẳn sẽ gạch dưới trong cuốn Kinh Thánh của mình. Tôi nghĩ đến điều này khi đọc lại Thi-thiên 48:14: “Vì Đức Chúa Trời nầy là Đức Chúa Trời chúng tôi đến đời đời vô cùng; Ngài sẽ dẫn chúng tôi cho đến kỳ chết”.

Tôi vui thích chia sẻ với người khác viễn cảnh khi người chết được sống lại. Lúc đó dân của tất cả các quốc gia trước đây sẽ chào đón người thân yêu của họ sống lại từ cõi chết để bước vào thế giới mới. Thật là một viễn cảnh tốt đẹp thay! Biết bao nhiêu dòng nước mắt tuôn rơi vì vui mừng khi chúng ta nhớ lại rằng Đức Giê-hô-va quả thật là Đức Chúa Trời “yên-ủi kẻ ngã lòng”!—2 Cô-rinh-tô 7:6.

[Hình nơi trang 25]

Theo chiều kim đồng hồ từ góc trái: Mẹ, cha, cô Eva, anh Carl và anh Clarence, năm 1910

[Các hình nơi trang 26]

Tôi và Helen năm 1947 và năm 1992