BÀI HỌC 31
“Chờ đợi một thành có nền móng thật”
“Ông chờ đợi một thành có nền móng thật mà Đức Chúa Trời chính là đấng thiết kế và xây dựng”.—HÊ 11:10.
BÀI HÁT 22 Nước Trời đang cai trị—Xin Nước ấy được đến!
GIỚI THIỆU a
1. Nhiều anh chị thể hiện tinh thần hy sinh như thế nào, và tại sao họ làm thế?
Ngày nay, hàng triệu tôi tớ Đức Chúa Trời thể hiện tinh thần hy sinh. Một số anh chị chọn đời sống độc thân. Có những cặp vợ chồng quyết định là tạm thời không sinh con. Nhiều gia đình giữ đời sống đơn giản. Tất cả những anh chị ấy chọn làm thế vì một lý do quan trọng, đó là muốn phụng sự Đức Giê-hô-va trọn vẹn hơn. Họ thỏa lòng với cuộc sống hiện tại và tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban mọi thứ mình thật sự cần. Họ sẽ bị thất vọng không? Không. Tại sao chúng ta biết chắc điều đó? Một lý do là vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho Áp-ra-ham, “cha của tất cả những người có đức tin”.—Rô 4:11.
2. (a) Theo Hê-bơ-rơ 11:8-10, 16, tại sao Áp-ra-ham sẵn sàng rời U-rơ? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?
2 Áp-ra-ham sẵn sàng từ bỏ cuộc sống thoải mái ở thành U-rơ. Tại sao? Vì ông chờ đợi “một thành có nền móng thật”. (Đọc Hê-bơ-rơ 11:8-10, 16). “Thành” ấy là gì? Áp-ra-ham đã đối mặt với những khó khăn nào trong khi chờ đợi thành ấy được xây dựng? Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước ông và những anh chị noi gương ông?
“THÀNH CÓ NỀN MÓNG THẬT” LÀ GÌ?
3. Thành mà Áp-ra-ham chờ đợi là gì?
3 Thành mà Áp-ra-ham chờ đợi là Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su Ki-tô làm Vua của Nước đó và 144.000 tín đồ được xức dầu cùng cai trị với ngài. Phao-lô gọi Nước ấy là “thành của Đức Chúa Trời hằng sống, tức Giê-ru-sa-lem trên trời” (Hê 12:22; Khải 5:8-10; 14:1). Chúa Giê-su dạy các môn đồ cầu xin cho Nước ấy đến để ý muốn của Đức Chúa Trời được thực hiện ở dưới đất cũng như trên trời.—Mat 6:10.
4. Theo Sáng thế 17:1, 2, 6, Áp-ra-ham biết điều gì về thành, hay Nước, mà Đức Chúa Trời đã hứa?
4 Áp-ra-ham có biết Nước Trời sẽ được tổ chức như thế nào không? Không. Trong nhiều thế kỷ, điều đó là “sự mầu nhiệm” (Ê-phê 1:8-10; Cô 1:26, 27). Nhưng Áp-ra-ham biết rằng một số hậu duệ của ông sẽ trở thành vua. Đức Giê-hô-va đã hứa cụ thể với ông về điều đó. (Đọc Sáng thế 17:1, 2, 6). Áp-ra-ham có đức tin mạnh nơi lời hứa của Đức Chúa Trời đến mức như thể ông thấy Đấng Được Xức Dầu, tức Đấng Mê-si, là đấng sẽ làm Vua của Nước Trời. Vì thế, Chúa Giê-su có thể nói với người Do Thái vào thời ngài: “Áp-ra-ham, cha của các người, rất vui mừng trông mong được thấy ngày của tôi; ông đã thấy và vui mừng” (Giăng 8:56). Rõ ràng, Áp-ra-ham biết hậu duệ của ông sẽ là một phần của Nước do Đức Giê-hô-va thành lập, và ông sẵn sàng chờ đợi ngài thực hiện lời hứa đó.
5. Điều gì cho thấy Áp-ra-ham chờ đợi “thành” do Đức Chúa Trời thiết kế?
5 Điều gì cho thấy Áp-ra-ham chờ đợi thành, hay Nước, do Đức Chúa Trời thiết kế? Thứ nhất, Áp-ra-ham không làm công dân của bất cứ nước nào trên đất. Ông chọn đời sống du mục, không định cư ở một nơi và không ủng hộ vua loài người. Thứ hai, Áp-ra-ham không lập một nước cho riêng mình, nhưng tiếp tục vâng lời Đức Giê-hô-va và chờ đợi ngài thực hiện lời hứa. Qua đó cho thấy ông có đức tin nổi bật nơi ngài. Hãy xem một số khó khăn mà ông đương đầu và xem chúng ta học được gì từ gương của ông.
ÁP-RA-HAM ĐƯƠNG ĐẦU VỚI NHỮNG KHÓ KHĂN NÀO?
6. U-rơ là thành như thế nào?
6 Áp-ra-ham rời bỏ một thành khá an toàn, văn minh và thoải mái. Thành ấy được bảo vệ bởi hào nước ở ba phía và những bức tường kiên cố. Dân thành U-rơ giỏi về cả viết lách lẫn số học. Dường như thành ấy là trung tâm buôn bán, vì nhiều chứng từ kinh doanh được tìm thấy ở nơi mà thành này từng tọa lạc. Những ngôi nhà trong thành được xây bằng gạch, tường được trét vữa và quét vôi. Một số nhà có 13 hoặc 14 phòng nằm xung quanh sân được lát đá.
7. Tại sao Áp-ra-ham phải tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ ông cùng gia đình?
7 Áp-ra-ham phải tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ bảo vệ ông cùng gia đình. Tại sao? Hãy nhớ là Áp-ra-ham và Sa-ra đã từ bỏ ngôi nhà an toàn và thoải mái tại thành U-rơ để sống trong lều ngoài đồng ở Ca-na-an. Ông và gia đình không còn được bảo vệ bởi những bức tường kiên cố và hào nước sâu. Giờ đây, họ dễ bị kẻ thù tấn công.
8. Vào một thời điểm, Áp-ra-ham phải đương đầu với điều gì?
8 Áp-ra-ham làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời nhưng vào một thời điểm, ông không có đủ đồ ăn cho gia đình. Có một nạn đói xảy ra trong chính xứ mà Đức Giê-hô-va sai ông đến. Nạn đói ấy nghiêm trọng tới mức Áp-ra-ham phải tạm thời đưa gia đình đến Ai Cập. Tuy nhiên, trong khi ông ở Ai Cập, Pha-ra-ôn đã đoạt lấy vợ ông. Hẳn Áp-ra-ham rất căng thẳng cho đến khi Đức Giê-hô-va thuyết phục Pha-ra-ôn trả lại Sa-ra cho ông.—Sáng 12:10-19.
9. Áp-ra-ham phải đương đầu với những vấn đề nào trong gia đình?
9 Có nhiều vấn đề trong gia đình của Áp-ra-ham. Người vợ yêu dấu của ông là Sa-ra bị hiếm muộn. Họ phải mang nỗi thất vọng ấy trong hàng thập kỷ. Cuối cùng, Sa-ra đưa tớ gái của mình là Ha-ga đến với Áp-ra-ham để cô sinh con cho vợ chồng bà. Nhưng khi mang thai Ích-ma-ên, Ha-ga bắt đầu khinh bỉ Sa-ra. Mối quan hệ giữa hai người phụ nữ này trở nên tệ đến mức Ha-ga bỏ trốn.—Sáng 16:1-6.
10. Những trường hợp nào có thể thử thách lòng tin cậy của Áp-ra-ham nơi Đức Giê-hô-va?
10 Cuối cùng, Sa-ra có thai và sinh cho Áp-ra-ham một con trai, ông đặt tên con là Y-sác. Áp-ra-ham yêu thương cả Ích-ma-ên lẫn Y-sác. Nhưng vì Ích-ma-ên đối xử tệ với Y-sác nên Áp-ra-ham buộc phải bảo hai mẹ con Ha-ga ra đi, theo lời phán của Đức Giê-hô-va (Sáng 21:9-14). Sau này, ngài bảo Áp-ra-ham dâng Y-sác làm lễ vật (Sáng 22:1, 2; Hê 11:17-19). Trong cả hai trường hợp, Áp-ra-ham đều phải tin cậy rằng cuối cùng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện lời hứa liên quan đến hai con của ông.
11. Tại sao Áp-ra-ham phải kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va?
11 Trong suốt thời gian ấy, Áp-ra-ham phải kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va. Hẳn ông đã ngoài 70 tuổi khi cùng gia đình rời U-rơ (Sáng 11:31–12:4). Trong khoảng 100 năm, ông đã sống trong lều, chuyển hết nơi này đến nơi khác trong xứ Ca-na-an. Ông qua đời năm 175 tuổi (Sáng 25:7). Tuy nhiên, Áp-ra-ham vẫn chưa thấy Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa là ban xứ mà ông đang sống cho con cháu mình. Ông không sống đến lúc để thấy thành, tức Nước Đức Chúa Trời, được thành lập. Thế nhưng, Kinh Thánh nói Áp-ra-ham đã “sống thọ và mãn nguyện” (Sáng 25:8). Dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, Áp-ra-ham vẫn giữ vững đức tin và sẵn sàng chờ đợi Đức Giê-hô-va. Tại sao ông có thể chịu đựng? Vì trong suốt cuộc đời của Áp-ra-ham, Đức Giê-hô-va đã bảo vệ ông và đối xử với ông như một người bạn.—Sáng 15:1; Ê-sai 41:8; Gia 2:22, 23.
12. Chúng ta chờ đợi điều gì, và chúng ta sẽ xem xét điều gì?
12 Như Áp-ra-ham, chúng ta cũng chờ đợi một thành có nền móng thật. Nhưng chúng ta không chờ đợi thành ấy được xây dựng, vì Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập vào năm 1914 và đã nắm toàn quyền trên trời (Khải 12:7-10). Chúng ta chờ đợi thời điểm Nước ấy sẽ nắm toàn quyền trên đất. Trong khi chờ đợi, chúng ta phải đương đầu với nhiều khó khăn tương tự như Áp-ra-ham và Sa-ra. Nhiều anh chị noi gương họ trong việc thể hiện đức tin và lòng kiên nhẫn. Những kinh nghiệm được đăng trong Tháp Canh cho thấy điều đó. Hãy xem xét vài kinh nghiệm và xem chúng ta có thể học được gì.
NOI GƯƠNG ÁP-RA-HAM
13. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Bill?
13 Hãy sẵn sàng hy sinh. Nếu muốn đặt thành, hay Nước, của Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống, chúng ta phải noi gương Áp-ra-ham, là người đã sẵn sàng hy sinh để làm vui lòng ngài (Mat 6:33; Mác 10:28-30). Hãy xem gương của anh Bill Walden. b Năm 1942, khi sắp tốt nghiệp một trường đại học ở Hoa Kỳ với bằng kỹ sư kiến trúc, anh Bill bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Giáo sư của anh giới thiệu cho anh một công việc đầy hứa hẹn để làm sau khi tốt nghiệp, nhưng anh từ chối vì muốn phụng sự Đức Chúa Trời trọn vẹn hơn. Không lâu sau, anh được gọi nhập ngũ nhưng anh từ chối. Anh bị phạt 10.000 đô-la và bị kết án 5 năm tù. Ba năm sau thì anh được thả. Sau đó, anh được mời tham dự Trường Ga-la-át và làm giáo sĩ ở châu Phi. Rồi anh Bill cưới chị Eva, và họ cùng nhau phụng sự ở châu Phi, là một nhiệm sở đòi hỏi sự hy sinh. Cuối cùng, họ trở về Hoa Kỳ để chăm sóc cho mẹ của anh Bill. Cuối kinh nghiệm của mình, anh Bill nói: “Tôi rơi lệ khi nghĩ đến đặc ân tuyệt vời là được Đức Giê-hô-va dùng trong hơn 70 năm. Tôi thường cảm ơn ngài đã hướng dẫn tôi phụng sự ngài và xem đó là sự nghiệp của mình”. Anh chị có thể chọn thánh chức trọn thời gian làm sự nghiệp cho mình không?
14, 15. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh chị Aristotelis?
14 Đừng nghĩ cuộc sống sẽ luôn êm đẹp. Trường hợp của Áp-ra-ham cho thấy ngay cả những anh chị dùng cả cuộc đời để phụng sự Đức Giê-hô-va cũng đương đầu với thử thách (Gia 1:2; 1 Phi 5:9). Điều này được thấy qua kinh nghiệm của anh Aristotelis Apostolidis. c Anh báp-têm năm 1946 ở Hy Lạp và năm 1952, anh đính hôn với một chị tên Eleni, là người có cùng mục tiêu với anh. Nhưng rồi chị Eleni bị bệnh và được chẩn đoán là u não. Dù khối u đã được lấy ra nhưng vài năm sau khi anh chị kết hôn, khối u ấy tái phát. Chị phải phẫu thuật một lần nữa nhưng ca phẫu thuật khiến chị bị liệt một phần và nói năng khó khăn. Chị tiếp tục sốt sắng trong thánh chức bất kể bệnh tật và sự bắt bớ của chính phủ vào lúc đó.
15 Anh Aristotelis đã chăm sóc cho vợ trong suốt 30 năm. Trong thời gian đó, anh làm trưởng lão, phục vụ trong các ủy ban khác nhau để lo cho hội nghị và tham gia xây Phòng hội nghị. Vào năm 1987, chị Eleni bị thương nặng khi đi rao giảng. Chị bị hôn mê trong ba năm, rồi qua đời. Cuối kinh nghiệm của mình, anh Aristotelis nói: “Qua nhiều năm, những hoàn cảnh căng thẳng, những thử thách khó khăn, và những việc bất ngờ xảy đến, đã buộc tôi phải kiên trì và bền bỉ hơn mức bình thường. Nhưng Đức Giê-hô-va luôn ban cho tôi sức mạnh cần thiết để vượt qua những vấn đề này” (Thi 94:18, 19). Quả thật, Đức Giê-hô-va rất đỗi yêu thương những người làm hết sức cho ngài dù đương đầu với thử thách!
16. Anh Nathan đã cho vợ lời khuyên khôn ngoan nào?
16 Hướng đến tương lai. Áp-ra-ham chú tâm đến phần thưởng mà Đức Giê-hô-va hứa ban cho mình trong tương lai, và điều này giúp ông vượt qua khó khăn. Chị Audrey Hyde cố gắng giữ quan điểm tích cực như thế dù người chồng thứ nhất của chị, là anh Nathan Knorr, qua đời vì ung thư và người chồng thứ hai, là anh Glenn Hyde, sau này bị bệnh Alzheimer. d Chị cho biết những lời anh Nathan nói vài tuần trước khi qua đời đã khích lệ chị rất nhiều. Chị kể: “Anh Nathan nhắc nhở tôi: ‘Sau khi chết, niềm hy vọng của chúng ta chắc chắn, và chúng ta sẽ không bao giờ đau đớn nữa’. Rồi anh khuyên giục tôi: ‘Hãy hướng về tương lai, vì giải thưởng ở đó’... Rồi anh nói thêm: ‘Em hãy bận rộn, cố gắng dùng đời em phục vụ người khác. Điều này sẽ giúp em tìm được niềm vui trong cuộc sống’”. Quả là lời khuyên thực tế giúp chúng ta bận rộn trong việc làm điều lành cho người khác và “vui mừng trong hy vọng”!—Rô 12:12.
17. (a) Tại sao chúng ta có lý do chính đáng để hướng đến tương lai? (b) Làm theo Mi-chê 7:7 sẽ giúp chúng ta như thế nào để nhận được ân phước trong tương lai?
17 Thời nay hơn bao giờ hết, chúng ta có lý do chính đáng để hướng đến tương lai. Các biến cố trên thế giới rõ ràng cho thấy chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối của những ngày sau cùng này. Không lâu nữa, chúng ta sẽ không cần chờ đợi thời điểm mà thành có nền móng thật sẽ nắm toàn quyền trên đất. Trong nhiều ân phước mà chúng ta sẽ hưởng, có ân phước được gặp lại người thân yêu đã qua đời. Vào lúc đó, Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho Áp-ra-ham vì đức tin và lòng kiên nhẫn của ông bằng cách làm cho ông và gia đình được sống lại trên đất. Anh chị sẽ có mặt để chào đón họ không? Điều đó là có thể nếu anh chị noi gương Áp-ra-ham bằng cách sẵn sàng hy sinh vì Nước Trời, giữ vững đức tin dù gặp khó khăn và kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va.—Đọc Mi-chê 7:7.
BÀI HÁT 74 Hãy cùng hát bài ca Nước Trời!
a Việc chờ đợi một lời hứa của Đức Giê-hô-va thành hiện thực có thể thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta, hoặc ngay cả đức tin nơi ngài. Áp-ra-ham nêu gương nào trong việc kiên nhẫn chờ đợi Đức Giê-hô-va thực hiện lời hứa? Thời nay, một số tôi tớ của ngài nêu gương ra sao về điều này?
b Kinh nghiệm của anh Bill được đăng trong Tháp Canh ngày 1-12-2013, trg 8-10.
c Kinh nghiệm của anh Aristotelis được đăng trong Tháp Canh ngày 1-2-2002, trg 24-28.
d Kinh nghiệm của chị Audrey được đăng trong Tháp Canh ngày 1-7-2004, trg 23-29.
e HÌNH ẢNH: Một cặp vợ chồng lớn tuổi tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp khó khăn. Họ giữ vững đức tin bằng cách hướng đến những lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai.