Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Đức Giê-hô-va đoái nghe lời cầu nguyện của tôi

Đức Giê-hô-va đoái nghe lời cầu nguyện của tôi

Khi là cậu bé mười tuổi, tôi đã ngước mắt lên bầu trời đầy sao lấp lánh. Tôi được thúc đẩy để quỳ xuống và cầu nguyện. Dù mới được biết về Đức Giê-hô-va nhưng tôi đã dốc đổ lòng mình với ngài. Lời cầu nguyện đó là khởi đầu của tình bạn lâu bền giữa tôi với Đức Giê-hô-va, “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện” (Thi 65:2). Hãy để tôi kể lý do tôi cầu nguyện với một đấng mà tôi mới biết.

CHUYẾN VIẾNG THĂM THAY ĐỔI CUỘC ĐỜI

Tôi sinh ngày 22-12-1929 tại Noville, một ngôi làng nhỏ gồm chín trang trại nằm gần Bastogne, thuộc vùng Ardennes ở Bỉ. Tôi có những ký ức rất vui về tuổi thơ ở trang trại cùng cha mẹ. Tôi và em trai là Raymond đã vắt sữa bò bằng tay hằng ngày và giúp thu hoạch mỗi vụ mùa. Mọi người dân trong ngôi làng nhỏ của chúng tôi đều giúp đỡ lẫn nhau.

Cùng với gia đình đang làm việc ở trang trại

Cha mẹ tôi là Emile và Alice đều sùng đạo Công giáo. Họ tham dự Lễ Mi-sa vào mỗi Chủ Nhật. Tuy nhiên, vào khoảng năm 1939, có một số tiên phong từ Anh Quốc đến thăm ngôi làng của chúng tôi và mời cha tôi nhận tạp chí dài hạn An Ủi (nay là Tỉnh Thức!). Nhờ đọc những tạp chí ấy, không lâu sau cha tôi nhận ra chân lý và bắt đầu đọc Kinh Thánh. Khi ông ngưng tham dự Lễ Mi-sa, những người hàng xóm từng thân thiện với chúng tôi đã chống đối dữ dội. Họ gây áp lực để cha tôi tiếp tục theo Công giáo, và điều này dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi nảy lửa.

Tôi rất buồn khi thấy cha chịu áp lực lớn như thế. Điều này thúc đẩy tôi tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện chân thành được đề cập ở đầu câu chuyện. Khi sự chống đối của những người hàng xóm dịu xuống, tôi cảm thấy rất vui. Điều đó khiến tôi tin chắc Đức Giê-hô-va là “Đấng Nghe Lời Cầu Nguyện”.

ĐỜI SỐNG VÀO THỜI CHIẾN TRANH

Đức Quốc Xã xâm lược Bỉ ngày 10-5-1940, điều này khiến nhiều người phải chạy trốn. Gia đình tôi chạy đến miền nam của Pháp. Trên đường đi, chúng tôi gặp những trận chiến giữa quân đội Đức và lực lượng Pháp.

Khi trở lại trang trại của mình, chúng tôi phát hiện ra phần lớn tài sản đã bị cướp. Chỉ còn lại chú chó Bobbie chào đón chúng tôi. Những trải nghiệm như thế khiến tôi tự hỏi: “Tại sao có chiến tranh và đau khổ?”.

Lúc ở tuổi thiếu niên, tôi vun trồng mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va

Trong khoảng thời gian đó, chúng tôi nhận được nhiều lợi ích từ các cuộc viếng thăm của anh Emile Schrantz, a một trưởng lão và tiên phong trung thành. Anh ấy dùng Kinh Thánh để giải thích rõ tại sao có đau khổ và giải đáp những thắc mắc khác của tôi về đời sống. Nhờ vậy, tôi có mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va và tin chắc ngài là Đức Chúa Trời đầy yêu thương.

Thậm chí trước khi chiến tranh kết thúc, gia đình tôi tiếp xúc và liên lạc thường xuyên hơn với các Nhân Chứng. Vào tháng 8 năm 1943, anh José-Nicolas Minet đến thăm trang trại của chúng tôi và trình bày một bài giảng. Anh hỏi: “Ai muốn báp-têm?”. Cha tôi bèn giơ tay lên, và tôi cũng thế. Chúng tôi báp-têm tại một con sông nhỏ nằm gần trang trại.

Vào tháng 12 năm 1944, quân đội Đức tiến hành cuộc tấn công lớn cuối cùng ở mặt trận miền tây, được biết đến là Trận Bulge. Chúng tôi sống gần nơi xảy ra trận chiến và phải ở dưới tầng hầm khoảng một tháng. Ngày nọ, khi tôi ra ngoài để cho gia súc ăn, đạn pháo đã rơi trúng trang trại của chúng tôi, thổi bay mái của chuồng gia súc. Một người lính Mỹ ở trong chuồng gia súc gần tôi đã hét lên: “Nằm xuống!”. Tôi bèn chạy và nằm xuống gần chỗ ông ấy. Người lính này đã đội mũ lính lên đầu tôi để bảo vệ cho tôi.

LỚN MẠNH VỀ THIÊNG LIÊNG

Ngày cưới của chúng tôi

Sau khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi liên lạc thường xuyên với một hội thánh ở Liège, cách chúng tôi khoảng 90km về phía bắc. Theo thời gian, chúng tôi đã thành lập một nhóm nhỏ ở Bastogne. Tôi bắt đầu làm việc trong ngành quản lý thuế và có cơ hội để học luật. Sau đó, tôi làm trợ lý cho một công chứng viên. Năm 1951, chúng tôi tổ chức một hội nghị vòng quanh nhỏ ở Bastogne. Có khoảng 100 người tham dự, trong đó có một chị tiên phong rất sốt sắng là Elly Reuter. Chị đã đạp xe 50km để tới tham dự. Không lâu sau, chúng tôi yêu nhau và đính hôn. Lúc đó, Elly đã được mời tham dự Trường Ga-la-át ở Hoa Kỳ. Vì thế, cô ấy viết thư cho trụ sở trung ương để giải thích lý do phải từ chối lời mời. Anh Knorr, người lúc đó đang dẫn đầu dân của Đức Giê-hô-va, đã tử tế trả lời rằng biết đâu một ngày nào đó Elly sẽ tham dự Trường Ga-la-át cùng với chồng. Chúng tôi kết hôn vào tháng 2 năm 1953.

Elly và con trai của chúng tôi là Serge

Trong năm đó, vợ chồng tôi tham dự Hội nghị Xã hội Thế Giới Mới được tổ chức tại sân vận động Yankee, New York. Tại đây, một anh mời tôi nhận công việc tốt và nhập cư vào Hoa Kỳ. Sau khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề đó, vợ chồng tôi quyết định từ chối lời mời và quay trở lại Bỉ để hỗ trợ một nhóm nhỏ gồm khoảng mười người công bố ở Bastogne. Năm sau đó, chúng tôi rất vui khi sinh được một bé trai là Serge. Đáng buồn là bảy tháng sau, Serge bị bệnh và chết. Chúng tôi đã trút đổ nỗi đau khổ với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, và được thêm sức nhờ hy vọng chắc chắn về sự sống lại.

PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN

Vào tháng 10 năm 1961, tôi tìm được một công việc bán thời gian cho phép mình làm tiên phong. Nhưng cũng vào ngày hôm đó, tôi nhận được một cuộc gọi từ tôi tớ chi nhánh ở Bỉ. Anh ấy đã hỏi liệu tôi có thể bắt đầu làm tôi tớ vòng quanh (nay gọi là giám thị vòng quanh) hay không. Tôi hỏi: “Chúng tôi có thể làm tiên phong trước, rồi mới nhận nhiệm sở này được không?”. Đề nghị của tôi đã được chấp thuận. Sau khi làm tiên phong tám tháng, chúng tôi bắt đầu công việc vòng quanh vào tháng 9 năm 1962.

Sau hai năm làm công việc vòng quanh, chúng tôi được mời phụng sự ở Bê-tên tại Brussels. Chúng tôi bắt đầu làm việc tại đó vào tháng 10 năm 1964. Nhiệm sở mới này mang lại cho chúng tôi nhiều ân phước. Không lâu sau khi anh Knorr đến thăm Bê-tên của chúng tôi vào năm 1965, tôi rất ngạc nhiên khi được bổ nhiệm làm tôi tớ chi nhánh. Sau đó, vợ chồng tôi được mời tham dự khóa thứ 41 của Trường Ga-la-át. Những lời mà anh Knorr nói 13 năm trước đã trở thành hiện thực! Sau khi tốt nghiệp, chúng tôi trở lại Bê-tên Bỉ.

BÊNH VỰC CÁC QUYỀN HỢP PHÁP CỦA CHÚNG TA

Suốt nhiều năm, tôi có đặc ân dùng kinh nghiệm về ngành luật để bênh vực quyền tự do thờ phượng của chúng ta ở châu Âu và những nơi khác (Phi-líp 1:7). Vì công việc này, tôi đã gặp các viên chức ở hơn 55 quốc gia mà công việc của chúng ta bị hạn chế hoặc cấm đoán. Thay vì nhấn mạnh kinh nghiệm của mình trong ngành luật, tôi tự giới thiệu mình là “người của Đức Chúa Trời”. Tôi luôn tìm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, nhận biết rằng “lòng vua [hay lòng thẩm phán] như dòng nước trong tay Đức Giê-hô-va. Ngài hướng nó về đâu tùy ý ngài”.—Châm 21:1.

Một trường hợp khiến tôi rất ấn tượng là cuộc nói chuyện với một nghị sĩ của Quốc hội Châu Âu. Tôi đã nhiều lần xin được nói chuyện với ông, và cuối cùng ông cũng đồng ý. Nghị sĩ nói: “Tôi sẽ cho anh đúng năm phút, không hơn phút nào”. Tôi cúi đầu xuống và bắt đầu cầu nguyện. Ông ấy tỏ vẻ lo lắng và hỏi là tôi đang làm gì. Tôi bèn ngẩng đầu lên và nói: “Tôi đã cảm tạ Đức Chúa Trời vì ông là một trong những người phục vụ của ngài”. Nghị sĩ hỏi: “Ý của anh là sao?”. Tôi đã cho ông ấy xem Rô-ma 13:4. Ông ấy theo Tin Lành, nên câu Kinh Thánh này khiến ông chú ý. Kết quả là gì? Ông đã dành cho tôi nửa tiếng đồng hồ, và chúng tôi có cuộc nói chuyện rất hiệu quả. Thậm chí ông còn bày tỏ lòng tôn trọng đối với công việc của chúng ta.

Suốt nhiều năm, dân của Đức Giê-hô-va đã nhiều lần đấu tranh về pháp lý ở châu Âu về sự trung lập, quyền nuôi con, việc bị đánh thuế và các vấn đề khác. Tôi có đặc ân tham gia nhiều cuộc đấu tranh đó và tận mắt thấy được cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta thành công và chiến thắng. Nhân Chứng Giê-hô-va đã giành được hơn 140 chiến thắng tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu!

CUBA CÓ NHIỀU TỰ DO HƠN

Trong thập niên 1990, tôi đã làm việc với anh Philip Brumley từ trụ sở trung ương và anh Valter Farneti từ Ý để giúp anh em ở Cuba có nhiều sự tự do hơn về tôn giáo, vì lúc ấy công việc của chúng ta tại nước này bị hạn chế. Tôi đã viết thư cho đại sứ quán Cuba ở Bỉ và sau đó gặp một viên chức được chỉ định xử lý đề nghị của chúng ta. Vào những lần gặp đầu tiên, chúng tôi không đạt được nhiều kết quả trong việc giải quyết những hiểu lầm đã khiến cho công việc của chúng ta bị hạn chế.

Với anh Philip Brumley và anh Valter Farneti trong một lần chúng tôi đến thăm Cuba vào những năm 1990

Sau khi tìm kiếm sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, chúng tôi đã xin và được phép chuyển 5.000 cuốn Kinh Thánh đến Cuba. Số sách đó đã đến nơi một cách an toàn và được phân phát cho anh em, vì thế chúng tôi kết luận là Đức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của mình. Sau đó, chúng tôi lại xin chuyển thêm 27.500 cuốn Kinh Thánh và cũng được phép. Việc giúp anh em yêu dấu ở Cuba có Kinh Thánh riêng khiến tôi rất vui.

Tôi đã đến Cuba nhiều lần để giúp cải thiện tình hình pháp lý của công việc của chúng ta. Trong quá trình đó, tôi tạo dựng được mối quan hệ tốt với nhiều viên chức chính phủ.

HỖ TRỢ ANH EM Ở RWANDA

Năm 1994, hơn 1.000.000 người đã bị tàn sát trong cuộc diệt chủng người Tutsi ở Rwanda. Đáng buồn là một số anh chị của chúng ta cũng bị giết. Một nhóm các anh đã nhanh chóng được nhờ để sắp xếp cứu trợ nhân đạo cho quốc gia này.

Khi đến thủ đô Kigali, nhóm của chúng tôi thấy văn phòng dịch thuật và nơi dự trữ ấn phẩm có những vết đạn bắn lỗ chỗ. Chúng tôi đã nghe kể về nhiều bi kịch của các anh chị bị giết bằng dao rựa. Nhưng chúng tôi cũng nghe về những hành động đầy yêu thương của anh em. Chẳng hạn, chúng tôi gặp một anh người Tutsi đã được một gia đình Nhân Chứng người Hutu giúp trốn trong một cái hố suốt 28 ngày. Trong một buổi nhóm họp ở Kigali, chúng tôi đã mang lại sự an ủi về thiêng liêng cho hơn 900 anh chị.

Trái: Một cuốn sách bị đạn bắn trúng tại văn phòng dịch thuật của chúng ta

Phải: Làm việc liên quan đến đồ cứu trợ

Sau đó, chúng tôi đã băng qua biên giới vào Zaire (nay là Cộng hòa Dân chủ Congo) để tìm những Nhân Chứng người Rwanda đã chạy trốn tới các trại tị nạn gần thành phố Goma. Số Nhân Chứng này khá đông. Nhưng chúng tôi không tìm được họ, nên đã cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Rồi chúng tôi thấy một người đàn ông đi bộ về phía mình, nên đã hỏi anh ấy xem có biết bất cứ ai là Nhân Chứng Giê-hô-va không. Anh ấy trả lời: “Có, tôi là Nhân Chứng, để tôi dẫn các anh tới ủy ban cứu trợ”. Sau cuộc gặp mặt đầy khích lệ với ủy ban này, chúng tôi đã có buổi họp với khoảng 1.600 anh em tị nạn để an ủi và khích lệ họ về mặt thiêng liêng. Chúng tôi cũng đọc cho họ thư của Hội đồng Lãnh đạo. Các anh chị ấy đã rất cảm động khi nghe lời trấn an: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho anh chị. Chúng tôi biết Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ từ bỏ anh chị”. Những lời này của Hội đồng Lãnh đạo thật đúng biết bao! Ngày nay, ở Rwanda có tới hơn 30.000 Nhân Chứng!

QUYẾT TÂM GIỮ LÒNG TRUNG THÀNH

Sau khi chúng tôi kết hôn được gần 58 năm thì vợ yêu dấu của tôi qua đời vào năm 2011. Đức Giê-hô-va đã an ủi tôi khi tôi cầu nguyện với ngài về nỗi đau của mình. Tôi cũng được an ủi khi chia sẻ tin mừng về Nước Trời với người khác.

Dù đã ngoài 90 tuổi, tôi vẫn tham gia thánh chức hằng tuần. Tôi cũng rất vui khi được hỗ trợ Ban Pháp lý ở chi nhánh Bỉ, chia sẻ kinh nghiệm của mình với người khác và khích lệ những anh chị trẻ ở Bê-tên.

Khoảng 84 năm trước, tôi đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va lần đầu tiên. Đó là khởi đầu của một hành trình tuyệt vời mang tôi đến gần ngài. Tôi rất biết ơn vì trong suốt cuộc đời mình, Đức Giê-hô-va luôn đoái nghe lời cầu nguyện của tôi.—Thi 66:19. b

a Câu chuyện cuộc đời của anh Schrantz được đăng trong Tháp Canh ngày 15-9-1973, trg 570-574 (Anh ngữ).

b Trong khi bài này được biên soạn, anh Marcel Gillet đã qua đời vào ngày 4-2-2023.