BÀI HỌC 21
BÀI HÁT 21 Hãy luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết
Hãy tìm kiếm thành sẽ tồn tại mãi
“Chúng ta tha thiết tìm kiếm thành sẽ đến”.—HÊ 13:14.
TRỌNG TÂM
Những lợi ích mà Hê-bơ-rơ chương 13 mang lại cho chúng ta ngày nay và trong tương lai.
1. Chúa Giê-su báo trước điều gì sẽ xảy ra với Giê-ru-sa-lem?
Vài ngày trước khi chết, Chúa Giê-su đã nói lời tiên tri được ứng nghiệm lần đầu vào những ngày sau cùng của hệ thống Do Thái. Ngài cảnh báo rằng sẽ có ngày thành Giê-ru-sa-lem bị “quân lính bao vây” (Lu 21:20). Chúa Giê-su bảo các môn đồ ngài là ngay khi thấy những quân lính ấy, họ phải rời khỏi khu vực đó ngay lập tức. Lời ngài đã được ứng nghiệm. Quân La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem.—Lu 21:21, 22.
2. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho các tín đồ sống ở Giu-đê và Giê-ru-sa-lem?
2 Chỉ vài năm trước khi quân La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem, sứ đồ Phao-lô đã viết một lá thư quan trọng mà nay được biết đến là sách Hê-bơ-rơ. Trong thư, Phao-lô đưa ra lời khuyên thiết yếu cho các tín đồ sống ở Giu-đê và Giê-ru-sa-lem để giúp họ chuẩn bị cho những điều sắp xảy ra. Nhưng chuyện gì sắp xảy ra? Giê-ru-sa-lem sẽ bị hủy diệt. Nếu các tín đồ ấy muốn sống sót, họ phải sẵn sàng từ bỏ nhà cửa và công việc làm ăn của mình. Thế nên, về thành Giê-ru-sa-lem, Phao-lô viết: “Tại đây chúng ta không có một thành tồn tại mãi”. Rồi ông viết tiếp: “Nhưng chúng ta tha thiết tìm kiếm thành sẽ đến”.—Hê 13:14.
3. “Thành có nền móng thật” là gì, và tại sao chúng ta tìm kiếm thành ấy?
3 Khi quyết định rời khỏi Giê-ru-sa-lem và Giu-đê, rất có thể các tín đồ bị sỉ nhục và chế giễu. Nhưng quyết định ấy đã cứu sống họ. Ngày nay, chúng ta bị chế giễu vì không đặt lòng tin cậy nơi con người cũng như không theo đuổi đời sống sung túc và thoải mái trong thế gian này. Vậy tại sao chúng ta quyết định như thế? Vì chúng ta biết rằng thế gian này chỉ là tạm thời. Chúng ta đang tìm kiếm “thành có nền móng thật”, đó là “thành sẽ đến”, tức Nước Trời a (Hê 11:10; Mat 6:33). Mỗi tiểu đề trong bài này sẽ xem xét: (1) lời khuyên của Phao-lô đã giúp các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất như thế nào để tiếp tục tìm kiếm “thành sẽ đến”, (2) Phao-lô giúp họ chuẩn bị ra sao cho các biến cố trong tương lai, và (3) lời khuyên của ông giúp chúng ta ngày nay như thế nào.
TIN CẬY ĐẤNG SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÌA BỎ ANH CHỊ
4. Tại sao thành Giê-ru-sa-lem quan trọng đối với các tín đồ thời đó?
4 Thành Giê-ru-sa-lem quan trọng đối với các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Hội thánh đầu tiên được thành lập ở đó vào năm 33 CN, và hội đồng lãnh đạo cũng sống ở thành ấy. Ngoài ra, nhiều tín đồ có nhà cửa và của cải ở đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ rằng họ sẽ phải ra khỏi Giê-ru-sa-lem và thậm chí ra khỏi Giu-đê.—Mat 24:16.
5. Làm thế nào Phao-lô giúp các tín đồ chuẩn bị cho điều sắp xảy đến?
5 Vì muốn các tín đồ chuẩn bị cho điều sắp xảy đến, Phao-lô giúp họ tập trung vào quan điểm của Đức Giê-hô-va về thành Giê-ru-sa-lem. Ông nhắc họ rằng theo quan điểm của ngài, đền thờ, chức tế lễ và các lễ vật dâng ở Giê-ru-sa-lem không còn thánh khiết và không được ngài chấp nhận nữa (Hê 8:13). Phần lớn dân của thành đã chối bỏ Đấng Mê-si. Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem không còn là trung tâm của sự thờ phượng thật và sẽ bị phá hủy.—Lu 13:34, 35.
6. Tại sao lời nhắc nhở của Phao-lô nơi Hê-bơ-rơ 13:5, 6 là đúng lúc cho các tín đồ?
6 Khi Phao-lô viết sách Hê-bơ-rơ, Giê-ru-sa-lem là một thành phồn thịnh. Một tác giả La Mã vào thời đó nói rằng Giê-ru-sa-lem “là thành nổi tiếng nhất Đông Phương”. Hằng năm, người Do Thái từ những xứ khác đến đó để tham dự các kỳ lễ, nhờ thế góp phần vào nền kinh tế vững mạnh. Hẳn một số tín đồ cũng nhận được lợi ích từ tình hình kinh tế thuận lợi này. Có lẽ đó là lý do mà Phao-lô nói với họ: “Hãy giữ lối sống không ham tiền, đồng thời thỏa lòng với những gì mình hiện có”. Rồi ông trích một lời đảm bảo mạnh mẽ từ Kinh Thánh, là lời đảm bảo của chính Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:5, 6; Phục 31:6; Thi 118:6). Các tín đồ sống ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê cần lời đảm bảo này. Tại sao? Vì không lâu sau khi nhận lá thư ấy, họ sẽ phải từ bỏ nhà cửa, công việc làm ăn và hầu hết những thứ mình có. Rồi họ sẽ phải đối mặt với một đời sống mới không mấy dễ dàng.
7. Tại sao chúng ta nên củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va ngay bây giờ?
7 Bài học cho chúng ta: Điều gì sắp xảy ra? Đó là sự kết thúc của thế gian này trong “hoạn nạn lớn” (Mat 24:21). Giống như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cần tỉnh thức và sẵn sàng (Lu 21:34-36). Trong hoạn nạn lớn, có thể chúng ta phải từ bỏ một số hoặc tất cả tài sản của mình, hoàn toàn tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ lìa bỏ dân ngài. Thậm chí ngay bây giờ, trước khi hoạn nạn lớn diễn ra, chúng ta có cơ hội để cho thấy mình đặt lòng tin cậy nơi đâu. Hãy tự hỏi: “Hành động và mục tiêu của mình có cho thấy mình tin cậy Đức Chúa Trời, đấng hứa sẽ chăm sóc cho mình, thay vì tin cậy nơi sự giàu sang không?” (1 Ti 6:17). Dĩ nhiên, dù chúng ta có thể rút ra bài học từ những điều xảy ra vào thế kỷ thứ nhất, nhưng “hoạn nạn lớn” trong tương lai sẽ là biến cố chưa từng có. Vậy làm thế nào chúng ta biết chính xác mình cần làm gì khi hoạn nạn ấy bắt đầu?
VÂNG LỜI NHỮNG NGƯỜI DẪN ĐẦU
8. Chúa Giê-su đưa ra chỉ dẫn nào cho các môn đồ?
8 Vài năm sau khi nhận được lá thư ấy của Phao-lô, các tín đồ thấy quân La Mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem. Đó là dấu hiệu đã đến lúc phải chạy trốn; thành Giê-ru-sa-lem sắp bị hủy diệt (Mat 24:3; Lu 21:20, 24). Nhưng họ sẽ chạy đi đâu? Chúa Giê-su chỉ nói đơn giản: “Ai ở trong xứ Giu-đê hãy chạy trốn lên núi” (Lu 21:21). Ở vùng đó có nhiều núi, thế thì làm sao họ biết nên chạy tới núi nào?
9. Tại sao có lẽ các tín đồ khó biết nên chạy tới núi nào? (Cũng xem bản đồ).
9 Các tín đồ đã có thể chạy đến những núi như các núi ở Sa-ma-ri, các núi ở Ga-li-lê, núi Hẹt-môn và các núi ở Li-băng cũng như các núi bên kia sông Giô-đanh. (Xem bản đồ). Một số thành ở những vùng núi đó có vẻ như là nơi trú náu an toàn. Chẳng hạn, thành Gam-la nằm trên một ngọn núi cao gồ ghề và hiểm trở khó đi. Một số người Do Thái xem thành ấy là nơi lý tưởng để trú náu. Tuy nhiên, cuối cùng Gam-la là nơi diễn ra trận chiến khốc liệt giữa người Do Thái và quân La Mã, và nhiều người dân đã bị thiệt mạng. b
Có nhiều núi mà các tín đồ thời ban đầu có thể chạy đến, nhưng không phải nơi nào cũng an toàn (Xem đoạn 9)
10, 11. (a) Có thể Đức Giê-hô-va đã cung cấp sự hướng dẫn bằng cách nào? (Hê-bơ-rơ 13:7, 17) (b) Các tín đồ nhận được lợi ích nào khi vâng theo những người dẫn đầu? (Cũng xem hình).
10 Rất có thể Đức Giê-hô-va đã hướng dẫn các tín đồ qua những người dẫn đầu trong hội thánh. Sau này, sử gia Eusebius viết: “Theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời, những người nam được chọn trong hội thánh ở Giê-ru-sa-lem nhận được mặc khải và truyền lại cho các tín đồ. Họ được lệnh… ra khỏi thành trước khi chiến tranh diễn ra và trú ngụ ở một thành thuộc Pê-rê gọi là Pê-la”. Dường như Pê-la là lựa chọn lý tưởng. Thành này không xa Giê-ru-sa-lem nên không khó để đến đó. Đa số dân trong thành là người thuộc dân ngoại nên thành hầu như không bị ảnh hưởng bởi những người Do Thái nổi dậy hoặc các cuộc xung đột của họ với La Mã.—Xem bản đồ.
11 Các tín đồ chạy trốn lên núi đã áp dụng lời khuyên của Phao-lô là “vâng lời những người đang dẫn đầu” trong hội thánh. (Đọc Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Nhờ thế, dân Đức Chúa Trời được sống sót. Lịch sử xác nhận rằng Đức Chúa Trời đã không lìa bỏ những người “chờ đợi một thành có nền móng thật”, tức là Nước Trời.—Hê 11:10.
Pê-la là nơi an toàn để các tín đồ chạy đến và không ở quá xa (Xem đoạn 10, 11)
12, 13. Đức Giê-hô-va hướng dẫn dân ngài như thế nào trong thời kỳ khó khăn?
12 Bài học cho chúng ta: Đức Giê-hô-va dùng những anh dẫn đầu để cung cấp chỉ dẫn cụ thể cho dân ngài. Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp Đức Giê-hô-va dấy lên những người chăn để hướng dẫn dân ngài trong thời kỳ khó khăn (Phục 31:23; Thi 77:20). Và ngày nay, chúng ta có rất nhiều bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va tiếp tục dùng những anh dẫn đầu.
13 Chẳng hạn, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, “những người… dẫn đầu” đã đưa ra những chỉ dẫn cần thiết. Các trưởng lão nhận được sự hướng dẫn để đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của anh em. Không lâu sau khi đại dịch bùng nổ, chúng ta đã tổ chức một hội nghị mang tính lịch sử trong hơn 500 ngôn ngữ qua Internet, TV và radio. Chúng ta vẫn nhận được thức ăn thiêng liêng cần thiết, nhờ thế tiếp tục hợp nhất. Chúng ta có thể tin chắc rằng dù mình gặp bất cứ thử thách nào trong tương lai, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục giúp những anh dẫn đầu đưa ra quyết định khôn ngoan. Bên cạnh việc tin cậy Đức Giê-hô-va và vâng theo mệnh lệnh của ngài, chúng ta cần những phẩm chất nào khác để chuẩn bị cho hoạn nạn lớn và hành động khôn ngoan trong giai đoạn đầy biến động đó?
YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ ANH EM VÀ THỂ HIỆN LÒNG HIẾU KHÁCH
14. Theo Hê-bơ-rơ 13:1-3, các tín đồ cần thể hiện những phẩm chất nào trong những ngày sau cùng của hệ thống Do Thái?
14 Khi hoạn nạn lớn bắt đầu, chúng ta sẽ cần thể hiện tình yêu thương với nhau hơn bao giờ hết. Lúc đó, chúng ta cần noi theo gương của các tín đồ sống ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Họ đã luôn thể hiện tình yêu thương với nhau (Hê 10:32-34). Nhưng trong những năm trước khi hệ thống Do Thái bị hủy diệt, các tín đồ cần “yêu thương nhau như anh em” và thể hiện “lòng hiếu khách” nhiều hơn nữa. c (Đọc Hê-bơ-rơ 13:1-3). Chúng ta cũng cần làm thế trong hoạn nạn lớn.
15. Tại sao các tín đồ cần thể hiện tình yêu thương anh em và lòng hiếu khách sau khi chạy trốn?
15 Khi quân La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem rồi bất ngờ rút lui, các tín đồ đã chạy trốn và chỉ mang theo được vài thứ (Mat 24:17, 18). Họ phải nương tựa lẫn nhau trên đường đi lên núi và khi bắt đầu sống ở nơi mới. Hẳn nhiều anh em “có nhu cầu khẩn cấp”, và đó là cơ hội để các tín đồ thể hiện tình yêu thương anh em chân thật và lòng hiếu khách. Họ làm thế bằng cách hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ những gì mình có.—Tít 3:14.
16. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương với những anh em cần sự giúp đỡ? (Cũng xem hình).
16 Bài học cho chúng ta: Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta hỗ trợ anh em đồng đạo khi họ cần sự giúp đỡ. Nhiều người trong vòng dân Đức Chúa Trời sẵn lòng chăm lo cho nhu cầu thiêng liêng và vật chất của những anh chị phải tị nạn vì những cuộc chiến và thảm họa thiên nhiên gần đây. Một chị người Ukraine phải từ bỏ nhà cửa vì chiến tranh cho biết: “Chúng tôi cảm nhận bàn tay của Đức Giê-hô-va đang hướng dẫn và trợ giúp mình qua các anh em đồng đạo. Họ chào đón và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều tại Ukraine, Hung-ga-ri và giờ là tại Đức”. Khi thể hiện lòng hiếu khách với anh em và chăm lo cho nhu cầu của họ, chúng ta trở thành công cụ trong tay Đức Giê-hô-va để giúp đỡ anh em.—Châm 19:17; 2 Cô 1:3, 4.
Các anh em phải tị nạn cần sự hỗ trợ của chúng ta (Xem đoạn 16)
17. Tại sao điều thiết yếu là vun trồng tình yêu thương anh em và lòng hiếu khách ngay bây giờ?
17 Trong hoạn nạn lớn, chắc chắn chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau nhiều hơn so với bây giờ (Ha-ba 3:16-18). Hiện nay, Đức Giê-hô-va đang huấn luyện chúng ta vun trồng tình yêu thương anh em và lòng hiếu khách, là những phẩm chất không thể thiếu vào lúc đó.
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA?
18. Chúng ta có thể noi theo các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất như thế nào?
18 Như lịch sử cho thấy, các tín đồ chạy trốn lên núi đã tránh được thảm họa xảy ra với Giê-ru-sa-lem. Họ lìa bỏ thành, nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ lìa bỏ họ. Còn thời chúng ta thì sao? Chúng ta không biết chính xác những biến cố trong tương lai sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng chúng ta có lời cảnh báo của Chúa Giê-su là cần sẵn sàng hành động (Lu 12:40). Chúng ta cũng có lời khuyên của Phao-lô trong sách Hê-bơ-rơ, là lời khuyên thiết thực cho thời nay giống như vào thế kỷ thứ nhất. Và chúng ta có lời đảm bảo của chính Đức Giê-hô-va là ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ mình (Hê 13:5, 6). Mong sao chúng ta tha thiết tìm kiếm thành sẽ tồn tại mãi là Nước Trời, và nhận được ân phước vĩnh cửu mà thành ấy mang lại.—Mat 25:34.
BÀI HÁT 157 Bình an mãi mãi!
a Vào thời Kinh Thánh, các thành thường có một vua cai trị. Một thành như thế có thể được xem là vương quốc hay nước.—Sáng 14:2.
b Biến cố này xảy ra vào năm 67 CN, không lâu sau khi các tín đồ chạy khỏi Giu-đê và Giê-ru-sa-lem.
c Từ được dịch là “yêu thương nhau như anh em” có thể nói đến tình yêu thương dành cho người thân ruột thịt, nhưng Phao-lô dùng từ này để nói đến tình yêu thương gắn bó dành cho anh em trong hội thánh.