Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 18

BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!

Các anh trẻ hãy noi gương Mác và Ti-mô-thê

Các anh trẻ hãy noi gương Mác và Ti-mô-thê

“Hãy dẫn theo Mác nữa, vì người rất có ích cho ta trong thánh chức”.2 TI 4:11.

TRỌNG TÂM

Xem làm thế nào gương của Mác và Ti-mô-thê có thể giúp các anh trẻ vun trồng những phẩm chất cần thiết để phục vụ người khác nhiều hơn.

1, 2. Những trở ngại nào có thể ngăn cản Mác và Ti-mô-thê phục vụ người khác nhiều hơn?

 Hỡi các anh trẻ, các anh có muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn và hữu ích hơn đối với các anh chị trong hội thánh không? Hẳn là có. Thật ấm lòng khi thấy rất nhiều anh trẻ sẵn sàng phục vụ người khác! (Thi 110:3). Tuy nhiên, có thể các anh đối mặt với những trở ngại. Chẳng hạn, anh có do dự mở rộng thánh chức vì không biết điều gì sẽ xảy ra không? Có bao giờ anh ngần ngại nhận một nhiệm vụ vì thiếu tự tin không? Nếu có, anh không phải là người duy nhất cảm thấy như vậy.

2 Mác và Ti-mô-thê đã gặp những trở ngại tương tự. Nhưng họ không để cho nỗi sợ không biết điều gì sẽ xảy ra hoặc sự thiếu kinh nghiệm ngăn cản mình phục vụ người khác nhiều hơn. Có lẽ Mác đang sống cùng với mẹ trong căn nhà tiện nghi khi được mời đi cùng sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến hành trình truyền giáo thứ nhất (Công 12:​12, 13, 25). Nhưng Mác đã rời xa gia đình để mở rộng thánh chức. Trước tiên, ông đến An-ti-ốt. Sau đó, ông đi cùng Phao-lô và Ba-na-ba đến những nơi xa xôi khác (Công 13:​1-5). Tương tự, rất có thể Ti-mô-thê đang sống với cha mẹ khi được Phao-lô mời cùng tham gia công việc truyền giáo. Là người trẻ và thiếu kinh nghiệm, Ti-mô-thê đã có thể do dự vì thiếu tự tin. (So sánh 1 Cô-rinh-tô 16:​10, 11 và 1 Ti-mô-thê 4:12). Tuy nhiên, Ti-mô-thê chấp nhận lời mời của Phao-lô và nhờ thế nhận được nhiều ân phước.—Công 16:​3-5.

3. (a) Phao-lô quý trọng Mác và Ti-mô-thê đến mức nào? (2 Ti-mô-thê 4:​6, 9, 11) (Cũng xem các hình). (b) Bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?

3 Mác và Ti-mô-thê đã học cách gánh vác những trọng trách trong hội thánh khi còn trẻ. Phao-lô quý trọng hai anh trẻ ấy nhiều đến mức sau này ông muốn họ ở bên cạnh khi biết mình sắp đối mặt với cái chết. (Đọc 2 Ti-mô-thê 4:​6, 9, 11). Phao-lô quý mến Mác và Ti-mô-thê vì những phẩm chất nào? Các anh trẻ có thể noi gương họ ra sao? Và làm thế nào các anh có thể nhận được lợi ích từ lời khuyên yêu thương của Phao-lô?

Phao-lô quý mến Mác và Ti-mô-thê vì họ gánh vác trách nhiệm khi còn trẻ (Xem đoạn 3) b


NOI GƯƠNG MÁC TRONG VIỆC SẴN SÀNG PHỤC VỤ

4, 5. Mác thể hiện tinh thần sẵn sàng phục vụ người khác như thế nào?

4 Theo một tài liệu tham khảo, phục vụ người khác nói đến việc sẵn sàng giúp đỡ họ “một cách siêng năng và kiên trì”. Mác nêu gương trong khía cạnh này. Khi Phao-lô nhất quyết không dẫn ông theo trong chuyến hành trình truyền giáo thứ hai, rất có thể Mác bị tổn thương và thất vọng (Công 15:​37, 38). Nhưng điều đó không cản trở ông phục vụ anh em.

5 Mác chấp nhận nhiệm vụ ở một nơi khác cùng với người anh họ là Ba-na-ba. Khoảng 11 năm sau, ông là một trong những người hỗ trợ Phao-lô khi sứ đồ này bị giam lần đầu ở Rô-ma (Phi-lê 23, 24). Thực tế, Phao-lô biết ơn sự hỗ trợ ấy nhiều đến mức ông gọi Mác là “nguồn an ủi lớn”.—Cô 4:​10, 11.

6. Mác nhận được lợi ích nào nhờ kết hợp với các tín đồ thành thục? (Xem chú thích).

6 Mác nhận được lợi ích nhờ kết hợp chặt chẽ với các tín đồ thành thục. Sau khi ở cùng Phao-lô tại Rô-ma trong một thời gian, Mác đã kết hợp với sứ đồ Phi-e-rơ ở Ba-by-lôn. Họ trở nên thân thiết đến mức Phi-e-rơ gọi Mác là “con trai tôi” (1 Phi 5:13). Khi họ làm việc cùng nhau, rất có thể Phi-e-rơ đã kể cho người bạn trẻ này nhiều điểm đáng chú ý về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su mà sau này Mác ghi lại trong Phúc âm mang tên mình. a

7. Anh Seung-Woo noi gương Mác như thế nào? (Cũng xem hình).

7 Mác luôn bận rộn phụng sự Đức Giê-hô-va và thân thiết với các anh thành thục. Một anh trẻ có thể noi gương Mác như thế nào? Nếu anh chưa hội đủ điều kiện để nhận đặc ân mà mình muốn, hãy kiên nhẫn với bản thân và tiếp tục tìm những cách khác để phụng sự Đức Giê-hô-va và phục vụ hội thánh. Hãy xem kinh nghiệm của một trưởng lão tên là Seung-Woo. Khi còn trẻ, anh thường so sánh mình với các anh trẻ khác. Một số anh trẻ đó nhận được đặc ân trước anh. Anh Seung-Woo cảm thấy mình bị bỏ quên. Một thời gian sau, anh tâm sự với các anh thành thục. Một trưởng lão gợi ý là anh nên làm những gì có thể để phục vụ người khác dù đôi khi việc tốt đó không được ai để ý. Lời khuyên ấy thúc đẩy anh Seung-Woo sẵn sàng đưa đón các anh chị lớn tuổi và những người khác cần được giúp để tham dự buổi nhóm họp. Nhìn lại, anh cho biết: “Khi giúp đỡ anh em, tôi hiểu được việc phục vụ người khác nhiều hơn có nghĩa gì. Tôi cảm thấy rất vui khi giúp người khác một cách thực tế”.

Các anh trẻ nhận được lợi ích nào khi thường xuyên kết hợp với những anh thành thục? (Xem đoạn 7)


NOI GƯƠNG TI-MÔ-THÊ TRONG VIỆC QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

8. Tại sao Phao-lô chọn Ti-mô-thê làm bạn đồng hành? (Phi-líp 2:​19-22)

8 Phao-lô cần những bạn đồng hành can đảm ở bên cạnh khi ông trở lại các thành mà mình từng bị chống đối. Lúc đầu, Phao-lô chọn một tín đồ giàu kinh nghiệm là Si-la đi cùng (Công 15:​22, 40). Sau đó, ông cũng chọn Ti-mô-thê làm bạn đồng hành. Tại sao Phao-lô chọn Ti-mô-thê? Một lý do là vì chàng trai này có danh tiếng tốt (Công 16:​1, 2). Ti-mô-thê cũng thật lòng quan tâm đến người khác.—Đọc Phi-líp 2:​19-22.

9. Ti-mô-thê đã thật lòng quan tâm đến anh em đồng đạo như thế nào?

9 Từ lúc bắt đầu tham gia thánh chức cùng Phao-lô, Ti-mô-thê cho thấy mình quan tâm đến người khác hơn chính bản thân. Vì lý do đó, Phao-lô có thể yên tâm để Ti-mô-thê ở lại Bê-rê nhằm khích lệ các môn đồ mới tại đó (Công 17:​13, 14). Vào dịp ấy, hẳn Ti-mô-thê học được nhiều từ Si-la, là người cũng ở lại Bê-rê. Nhưng sau đó Phao-lô phái Ti-mô-thê một mình đến Tê-sa-lô-ni-ca để làm vững mạnh các tín đồ ở thành ấy (1 Tê 3:2). Trong khoảng 15 năm sau đó, Ti-mô-thê đã học cách “khóc với người đang khóc”, thể hiện lòng đồng cảm với những ai gặp đau khổ (Rô 12:15; 2 Ti 1:4). Các anh trẻ có thể noi gương Ti-mô-thê như thế nào?

10. Làm thế nào anh Woo Jae học cách quan tâm đến người khác nhiều hơn?

10 Một anh tên là Woo Jae đã học cách thể hiện lòng quan tâm đến người khác nhiều hơn. Khi còn trẻ hơn, anh Woo Jae thấy khó để nói chuyện với các anh chị lớn tuổi. Vì thế, tại Phòng Nước Trời, anh chỉ chào hỏi họ đơn giản, rồi đi chỗ khác. Một trưởng lão gợi ý là anh Woo Jae nên bắt chuyện bằng cách cho anh em đồng đạo biết anh quý trọng điều gì nơi họ. Trưởng lão ấy cũng khuyến khích anh nghĩ đến những điều mà người khác có thể quan tâm. Anh Woo Jae đã áp dụng lời khuyên này. Hiện nay là một trưởng lão, anh nói: “Giờ đây, tôi thấy dễ hơn để trò chuyện với những người thuộc độ tuổi khác nhau. Tôi cảm thấy vui vì bây giờ mình hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của người khác. Điều này rất hữu ích để tôi có thể giúp đỡ anh em đồng đạo”.

11. Làm thế nào các anh trẻ học cách quan tâm đến người khác trong hội thánh? (Cũng xem hình).

11 Tương tự, các anh trẻ có thể học cách quan tâm đến người khác. Tại các buổi nhóm họp, hãy quan tâm đến những anh chị có độ tuổi và gốc gác khác nhau. Hãy hỏi thăm tình hình của họ, rồi lắng nghe. Theo thời gian, các anh có thể nhận ra cách để giúp họ. Có lẽ các anh sẽ biết được một cặp vợ chồng lớn tuổi cần sự giúp đỡ để dùng ứng dụng JW Library® hoặc họ chưa hẹn đi thánh chức cùng ai. Các anh có thể giúp những anh chị ấy biết cách dùng thiết bị điện tử hoặc hẹn đi thánh chức cùng họ không? Khi chủ động giúp đỡ người khác, các anh nêu gương cho mọi người.

Các anh trẻ có thể giúp hội thánh qua nhiều cách thực tế (Xem đoạn 11)


NHẬN LỢI ÍCH TỪ LỜI KHUYÊN YÊU THƯƠNG CỦA PHAO-LÔ

12. Làm thế nào các anh trẻ có thể nhận được lợi ích từ lời khuyên của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê?

12 Phao-lô đưa ra lời khuyên thực tế để giúp Ti-mô-thê thành công trong đời sống và thánh chức (1 Ti 1:18; 2 Ti 4:5). Các anh trẻ cũng có thể được lợi ích từ lời khuyên yêu thương của ông. Bằng cách nào? Hãy đọc hai lá thư của Phao-lô gửi cho Ti-mô-thê như thể chúng được viết cho mình, và xem các anh có thể áp dụng điểm nào vào đời sống. Hãy xem vài ví dụ.

13. Điều gì giúp các anh gắn bó với Đức Giê-hô-va?

13 “Hãy rèn luyện bản thân, với mục tiêu là vun đắp lòng sùng kính” (1 Ti 4:7b). Lòng sùng kính là gì? Đó là sự gắn bó với Đức Giê-hô-va với ước muốn làm những điều khiến ngài vui lòng. Vì không có sẵn lòng sùng kính khi sinh ra nên chúng ta cần vun trồng phẩm chất ấy. Bằng cách nào? Từ Hy Lạp được dịch là “rèn luyện bản thân” thường được dùng để miêu tả sự khổ luyện của các vận động viên khi chuẩn bị cho một cuộc thi đấu. Các vận động viên này cần tính kỷ luật. Chúng ta cũng cần tính kỷ luật để vun trồng những thói quen giúp mình đến gần Đức Giê-hô-va hơn.

14. Chúng ta nên có mục tiêu nào khi đọc Kinh Thánh? Hãy nêu ví dụ.

14 Khi vun trồng thói quen đọc Kinh Thánh, hãy ghi nhớ mục tiêu là đến gần Đức Giê-hô-va hơn. Chẳng hạn, các anh có thể học được gì từ cuộc gặp giữa Chúa Giê-su và vị quan trẻ tuổi giàu sang? (Mác 10:​17-22). Người thanh niên đó tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, nhưng anh ta lại không có đủ đức tin để theo ngài. Dù vậy, Chúa Giê-su “cảm thấy yêu thương người”. Cách ngài nói chuyện với người thanh niên này thật tử tế phải không? Rõ ràng Chúa Giê-su muốn anh ta đưa ra quyết định khôn ngoan. Ngoài ra, tình yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho người ấy phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va (Giăng 14:9). Khi các anh suy ngẫm lời tường thuật này và hoàn cảnh của mình, hãy tự hỏi: “Mình cần làm gì để đến gần Đức Giê-hô-va hơn và phục vụ người khác nhiều hơn?”.

15. Tại sao một anh trẻ cần chú ý đến việc nêu gương? Hãy nêu ví dụ. (1 Ti-mô-thê 4:​12, 13)

15 “Hãy làm gương cho những người trung tín”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:​12, 13). Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê không chỉ cải thiện những kỹ năng như đọc và dạy dỗ mà còn trau dồi các phẩm chất như tình yêu thương, đức tin và sự trong sạch. Tại sao? Vì gương mẫu quan trọng hơn lời nói. Giả sử anh được giao trình bày một bài giảng về cách gia tăng lòng sốt sắng trong thánh chức. Anh sẽ tự tin hơn để nói về đề tài ấy nếu chính mình đang cố gắng hết sức trong công việc rao giảng. Gương mẫu sẽ làm cho lời nói của anh có trọng lượng hơn.—1 Ti 3:13.

16. (a) Các tín đồ trẻ có thể nêu gương trong năm khía cạnh nào? (b) Một anh trẻ có thể nêu gương “trong cách nói năng” ra sao?

16 Nơi 1 Ti-mô-thê 4:​12, Phao-lô nhắc đến năm khía cạnh mà một anh trẻ có thể nêu gương. Khi học hỏi cá nhân, hãy suy ngẫm về mỗi khía cạnh ấy. Giả sử anh muốn nêu gương “trong cách nói năng”. Hãy nghĩ đến những cách anh có thể dùng lời nói để khích lệ người khác. Nếu vẫn sống cùng với cha mẹ, anh có thể bày tỏ lòng biết ơn thường xuyên hơn về những gì họ làm cho mình không? Sau các buổi nhóm họp, anh có thể cho một anh chị biết về điểm mà mình thích trong phần bài của người đó không? Anh cũng có thể cố gắng bình luận bằng lời lẽ riêng. Nỗ lực của anh để nêu gương trong cách nói năng sẽ cho thấy anh đang tiến bộ về thiêng liêng.—1 Ti 4:15.

17. Điều gì sẽ giúp một anh trẻ đạt được các mục tiêu thiêng liêng? (2 Ti-mô-thê 2:22)

17 “Hãy chạy trốn những đam mê của tuổi trẻ; nhưng hãy theo đuổi sự công chính”. (Đọc 2 Ti-mô-thê 2:22). Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê kháng cự những đam mê có thể cản trở các mục tiêu thiêng liêng và gây hại cho mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Có lẽ một anh trẻ nhận ra rằng một số hoạt động vốn không có gì sai nhưng có thể khiến anh không còn nhiều thời gian cho các hoạt động thiêng liêng. Chẳng hạn, hãy xem anh dành bao nhiêu thời gian để chơi thể thao, lướt mạng hoặc chơi trò chơi điện tử. Anh có thể dành một phần thời gian đó cho các hoạt động thiêng liêng không? Chẳng hạn, anh có thể giúp bảo trì Phòng Nước Trời ở địa phương hoặc tình nguyện giúp trong các dự án xây cất. Nếu tham gia những hoạt động như thế, rất có thể anh sẽ có những người bạn mới giúp mình đặt ra và đạt được các mục tiêu thiêng liêng.

PHỤC VỤ NGƯỜI KHÁC MANG LẠI ÂN PHƯỚC

18. Tại sao có thể nói Mác và Ti-mô-thê có đời sống hào hứng và thỏa nguyện?

18 Mác và Ti-mô-thê đã hy sinh nhiều điều để phục vụ người khác nhiều hơn, nhờ thế họ có đời sống hào hứng và thỏa nguyện (Công 20:35). Để phục vụ anh em đồng đạo, Mác đã đi đến nhiều nơi xa xôi. Ông cũng viết lời tường thuật sống động về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su. Còn Ti-mô-thê thì giúp Phao-lô thành lập các hội thánh và khích lệ anh em đồng đạo. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va hài lòng về tinh thần hy sinh của Mác và Ti-mô-thê.

19. Tại sao các anh trẻ nên chú ý đến lời khuyên của Phao-lô dành cho Ti-mô-thê, và kết quả sẽ là gì?

19 Tình yêu thương mà Phao-lô dành cho Ti-mô-thê được thấy rõ trong các lá thư ông viết cho người bạn trẻ này. Những lá thư được soi dẫn ấy cũng cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương các anh trẻ rất nhiều. Ngài muốn các anh thành công. Vì thế, hãy ghi nhớ lời khuyên yêu thương của Phao-lô, và vun trồng ước muốn phục vụ người khác nhiều hơn. Khi làm thế, các anh sẽ có đời sống đầy ý nghĩa ngay bây giờ và “nắm chắc sự sống thật” trong tương lai.—1 Ti 6:​18, 19.

BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”

a Là người giàu cảm xúc, Phi-e-rơ có thể miêu tả sống động với Mác về cảm xúc, lời nói và việc làm của Chúa Giê-su trong các hoàn cảnh khác nhau. Có thể vì thế mà trong Phúc âm mang tên mình, Mác thường miêu tả về cảm xúc và hành động của ngài.—Mác 3:5; 7:34; 8:12.

b HÌNH ẢNH: Mác chăm lo cho nhu cầu của Phao-lô và Ba-na-ba trong chuyến hành trình truyền giáo của họ. Ti-mô-thê sẵn sàng đến thăm một hội thánh để làm vững mạnh và khích lệ anh em.