BÀI HỌC 18
Hãy khuyến khích nhau tại buổi nhóm họp
“Hãy quan tâm đến nhau,... hãy khuyến khích nhau”.—HÊ 10:24, 25.
BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha
GIỚI THIỆU a
1. Tại sao chúng ta bình luận tại buổi nhóm họp?
Tại sao chúng ta tham dự các buổi nhóm họp? Lý do chính là để ngợi khen Đức Giê-hô-va (Thi 26:12; 111:1). Chúng ta cũng tham dự các buổi nhóm họp để khuyến khích nhau trong thời kỳ khó khăn này (1 Tê 5:11). Khi giơ tay bình luận, chúng ta có thể đạt được cả hai mục tiêu đó.
2. Chúng ta có những cơ hội nào để bình luận tại buổi nhóm họp?
2 Mỗi tuần, chúng ta có cơ hội để bình luận tại buổi nhóm họp. Chẳng hạn, vào cuối tuần, chúng ta có thể bình luận trong Phần học Tháp Canh của hội thánh. Tại buổi họp giữa tuần, chúng ta có thể bình luận trong phần Những viên ngọc thiêng liêng, Phần học Kinh Thánh của hội thánh và những phần thảo luận khác.
3. Chúng ta có thể đối mặt với những thách đố nào, và Hê-bơ-rơ 10:24, 25 giúp chúng ta ra sao?
3 Tất cả chúng ta muốn ngợi khen Đức Giê-hô-va và khuyến khích anh em đồng đạo. Nhưng khi bình luận, có thể chúng ta phải đối mặt với thách đố. Chúng ta cảm thấy lo lắng về việc bình luận, hoặc chúng ta rất thích bình luận nhưng không được gọi nhiều như mình mong muốn. Làm thế nào để đương đầu với những thách đố này? Lời giải đáp được tìm thấy trong lá thư sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ người Hê-bơ-rơ. Khi thảo luận về tầm quan trọng của việc nhóm lại với nhau, ông nói rằng chúng ta nên tập trung vào việc “khuyến khích nhau”. (Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Chúng ta sẽ bớt sợ giơ tay bình luận nếu nhớ rằng chúng ta có thể khích lệ người khác ngay cả bằng một câu đơn giản nói lên đức tin của mình. Còn nếu như không được gọi nhiều lần, chúng ta có thể vui khi người khác trong hội thánh có cơ hội để bình luận.—1 Phi 3:8.
4. Bài này sẽ thảo luận ba điểm nào?
4 Trong bài này, trước hết hãy xem làm thế nào chúng ta có thể khuyến khích nhau trong hội thánh nhỏ có ít người bình luận. Rồi hãy xem làm sao để khuyến khích nhau trong hội thánh lớn có nhiều người giơ tay bình luận. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem những cách để làm cho nội dung lời bình luận của mình thật sự khích lệ người khác.
KHUYẾN KHÍCH NHAU TRONG HỘI THÁNH NHỎ
5. Làm thế nào để khuyến khích nhau nếu có ít người tham dự buổi nhóm họp?
5 Trong một nhóm hoặc hội thánh nhỏ, thường thì có ít người giơ tay để anh điều khiển có thể mời. Đôi khi, anh phải chờ một lúc trước khi có người giơ tay. Điều này có thể khiến cho buổi nhóm họp kéo dài lê thê, nếu thế thì sẽ không mấy khích lệ. Anh chị có thể làm gì? Hãy sẵn sàng giơ tay nhiều lần. Khi làm thế, có thể anh chị sẽ thúc đẩy người khác tham gia nhiều hơn.
6, 7. Làm thế nào để giảm bớt lo lắng về việc bình luận?
6 Nói sao nếu chỉ nghĩ đến việc bình luận cũng khiến anh chị sợ? Nhiều người cảm thấy như thế. Tuy nhiên, để khích lệ anh em đồng đạo nhiều hơn, hãy tìm những cách để giảm bớt lo lắng về việc bình luận. Bằng cách nào?
7 Có lẽ anh chị thấy hữu ích để xem lại những gợi ý trong các số Tháp Canh trước. b Chẳng hạn, hãy chuẩn bị kỹ (Châm 21:5). Càng quen thuộc với tài liệu, anh chị sẽ càng thấy thoải mái để giơ tay. Ngoài ra, hãy bình luận ngắn gọn (Châm 15:23; 17:27). Một câu trả lời ngắn gọn sẽ giúp anh chị bớt căng thẳng hơn. Lời bình luận ngắn gọn, có lẽ chỉ một hoặc hai câu, thường dễ cho anh em hiểu hơn là lời bình luận dài có nhiều ý tưởng. Qua việc bình luận ngắn gọn bằng lời lẽ riêng, anh chị cho thấy mình đã chuẩn bị kỹ và hiểu rõ tài liệu.
8. Đức Giê-hô-va nghĩ gì về việc chúng ta nỗ lực hết sức?
8 Nói sao nếu anh chị thử một số gợi ý này nhưng vẫn cảm thấy sợ không dám bình luận hơn một hoặc hai lần? Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va quý việc anh chị nỗ lực hết sức để làm những gì có thể (Lu 21:1-4). Dâng điều tốt nhất không có nghĩa là gây áp lực quá nhiều lên bản thân (Phi-líp 4:5). Hãy xác định xem mình có thể làm gì, đặt mục tiêu để làm điều đó và cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình bình tĩnh. Ban đầu, mục tiêu đó có thể là đóng góp chỉ một lời bình luận ngắn gọn.
KHUYẾN KHÍCH NHAU TRONG HỘI THÁNH LỚN
9. Có thể có thách đố nào trong hội thánh lớn?
9 Nếu hội thánh của anh chị có nhiều công bố, có thể anh chị đối mặt với thách đố khác. Có lẽ nhiều người giơ tay đến mức anh chị thường xuyên bị bỏ qua. Chẳng hạn, chị Danielle luôn thích bình luận tại buổi nhóm họp. c Chị xem đó là một phần của sự thờ phượng, một cách để khích lệ người khác và cách để khắc ghi sự thật Kinh Thánh vào tâm trí. Nhưng khi chuyển đến hội thánh lớn hơn, chị không được gọi nhiều như trước, đôi khi chị không được gọi lần nào trong suốt buổi nhóm họp. Chị nói: “Tôi thấy bức xúc. Tôi cảm thấy như thể mình bị lấy mất đặc ân. Khi điều đó xảy ra nhiều lần, mình bắt đầu băn khoăn không biết đó có phải là do cố ý không”.
10. Anh chị có thể làm gì để có nhiều khả năng được gọi bình luận?
10 Anh chị đã bao giờ có cảm xúc giống như chị Danielle chưa? Nếu có, có thể anh chị cảm thấy muốn bỏ cuộc và chỉ ngồi nghe trong buổi nhóm họp. Nhưng hãy tiếp tục nỗ lực bình luận. Anh chị có thể làm gì? Có lẽ anh chị sẽ thấy hữu ích nếu chuẩn bị một vài lời bình luận cho mỗi buổi nhóm họp. Khi làm thế, nếu không được mời bình luận ở phần đầu buổi nhóm họp, anh chị vẫn có cơ hội bình luận ở những phần sau. Khi chuẩn bị cho Phần học Tháp Canh, hãy suy nghĩ xem mỗi đoạn liên kết thế nào với chủ đề của bài. Nếu làm thế, rất có thể anh chị sẽ có điều gì đó để bình luận trong suốt bài. Ngoài ra, anh chị có thể chuẩn bị để bình luận những đoạn nói đến các sự thật sâu sắc và khó giải thích hơn (1 Cô 2:10). Tại sao? Vì có lẽ sẽ có ít người giơ tay phần đó. Tuy nhiên, nói sao nếu đã áp dụng những gợi ý này nhưng sau vài buổi nhóm họp, anh chị vẫn không được mời bình luận? Trước buổi nhóm họp, anh chị có thể nói chuyện với anh điều khiển và cho anh ấy biết mình muốn trả lời câu nào.
11. Phi-líp 2:4 khuyến khích chúng ta làm gì?
11 Đọc Phi-líp 2:4. Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để khuyến khích tín đồ đạo Đấng Ki-tô quan tâm đến lợi ích của người khác. Chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này như thế nào trong buổi nhóm họp? Đó là nhớ rằng giống như chúng ta, người khác cũng muốn tham gia.
12. Một trong những cách tốt nhất để khuyến khích người khác tại buổi nhóm họp là gì? (Cũng xem hình).
12 Hãy suy nghĩ điều này. Khi trò chuyện với bạn bè, anh chị có nói nhiều đến mức họ không có cơ hội để nói không? Dĩ nhiên là không! Anh chị muốn họ tham gia cuộc trò chuyện. Tương tự, tại buổi nhóm họp, chúng ta muốn cho càng nhiều người càng tốt có cơ hội bình luận. Thật thế, một trong những cách tốt nhất để khuyến khích anh em đồng đạo là cho họ cơ hội bày tỏ đức tin của mình (1 Cô 10:24). Hãy xem chúng ta có thể làm điều đó như thế nào.
13. Làm thế nào để nhiều người hơn có cơ hội bình luận?
13 Một điều chúng ta có thể làm là bình luận ngắn gọn, nhờ thế có nhiều thời gian hơn để người khác tham gia. Các trưởng lão và những công bố giàu kinh nghiệm khác có thể nêu gương về điều này. Ngay cả khi bình luận ngắn gọn, hãy tránh nói quá nhiều điểm. Nếu anh chị bình luận hết cả đoạn thì người khác sẽ không còn gì để nói. Chẳng hạn, đoạn này đưa ra hai gợi ý là bình luận ngắn gọn và tránh nói quá nhiều điểm. Nếu là người đầu tiên được mời bình luận đoạn này, hãy cố gắng chỉ nói một trong hai điểm.
14. Điều gì có thể giúp chúng ta quyết định sẽ giơ tay bao nhiêu lần? (Cũng xem hình).
14 Hãy dùng óc suy xét để quyết định sẽ giơ tay bao nhiêu lần. Nếu giơ tay quá nhiều lần, có thể chúng ta sẽ làm cho anh điều khiển cảm thấy áp lực phải gọi mình thường xuyên, ngay cả khi người khác chưa có cơ hội. Điều này có thể khiến người khác không muốn giơ tay.—Truyền 3:7.
15. (a) Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu không được mời bình luận? (b) Làm thế nào các anh điều khiển cho thấy họ quan tâm đến mọi người? (Xem khung “ Nếu anh là người điều khiển”).
15 Khi nhiều công bố giơ tay trong buổi nhóm họp, có lẽ chúng ta không được mời bình luận nhiều như mình mong muốn. Có lúc anh điều khiển không thể mời chúng ta bình luận lần nào. Điều đó có thể khiến chúng ta thất vọng, nhưng chúng ta không nên cảm thấy bị xúc phạm khi không được gọi.—Truyền 7:9.
16. Làm thế nào để khích lệ những anh chị bình luận?
16 Nếu không thể bình luận nhiều như mình mong muốn, hãy chăm chú lắng nghe khi người khác bình luận và sau buổi nhóm họp, hãy khen họ. Có lẽ lời khen của anh chị cũng sẽ khích lệ anh em không kém gì những lời bình luận mà anh chị định chia sẻ (Châm 10:21). Việc khen anh em cũng là một cách để khuyến khích nhau.
NHỮNG CÁCH KHÁC ĐỂ KHUYẾN KHÍCH NHAU
17. (a) Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con chuẩn bị lời bình luận thích hợp? (b) Theo video, có bốn bước nào để chuẩn bị một lời phát biểu? (Cũng xem chú thích).
17 Chúng ta có thể khuyến khích nhau tại buổi nhóm họp qua cách nào khác? Nếu là cha mẹ, hãy giúp con nhỏ chuẩn bị lời bình luận phù hợp với độ tuổi của chúng (Mat 21:16). Đôi khi có những bài xem xét các đề tài hệ trọng, chẳng hạn vấn đề trong hôn nhân hoặc vấn đề đạo đức, nhưng có lẽ có một hoặc hai đoạn mà em nhỏ có thể bình luận. Ngoài ra, hãy giúp con hiểu tại sao không phải lúc nào chúng giơ tay cũng sẽ được gọi. Việc giải thích điều này có thể giúp con không bị thất vọng khi chúng không được gọi phát biểu.—1 Ti 6:18. d
18. Làm thế nào để tránh thu hút sự chú ý đến bản thân khi bình luận? (Châm ngôn 27:2)
18 Tất cả chúng ta có thể chuẩn bị những lời bình luận xây dựng để tôn vinh Đức Giê-hô-va và khích lệ anh em đồng đạo (Châm 25:11). Dù đôi khi có thể bình luận ngắn gọn về kinh nghiệm cá nhân, nhưng chúng ta nên tránh nói quá nhiều về bản thân. (Đọc Châm ngôn 27:2; 2 Cô 10:18). Thay vì thế, chúng ta cố gắng tập trung vào Đức Giê-hô-va, Lời ngài và dân ngài nói chung (Khải 4:11). Dĩ nhiên, nếu câu hỏi của đoạn mời chúng ta phát biểu cảm nghĩ riêng thì làm thế là thích hợp. Một ví dụ về điều này là câu hỏi của đoạn kế tiếp.
19. (a) Việc thể hiện lòng quan tâm đến mọi người tại buổi nhóm họp mang lại kết quả nào? (Rô-ma 1:11, 12) (b) Cá nhân anh chị quý trọng điều gì về việc bình luận tại buổi nhóm họp?
19 Không có quy định khắt khe về việc bình luận như thế nào, nhưng tất cả chúng ta có thể cố gắng để khuyến khích nhau. Điều này có thể bao gồm bình luận thường xuyên hơn một chút; hoặc bằng lòng với những cơ hội mình có để bình luận và vui khi người khác cũng quý đặc ân này giống như chúng ta. Bằng cách chú tâm vào lợi ích của người khác tại buổi nhóm họp, tất cả chúng ta có thể “khích lệ lẫn nhau”.—Đọc Rô-ma 1:11, 12.
BÀI HÁT 93 Xin Cha ban phước cho buổi nhóm họp
a Chúng ta khuyến khích nhau khi bình luận tại buổi nhóm họp. Tuy nhiên, một số anh chị cảm thấy lo lắng về việc bình luận. Số khác thì thích bình luận nhưng mong là mình được gọi nhiều hơn. Trong cả hai trường hợp, làm thế nào để thể hiện lòng quan tâm lẫn nhau hầu mọi người được khích lệ? Làm sao để lời bình luận của chúng ta khuyến giục anh em biểu lộ tình yêu thương và làm việc lành? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.
b Để biết thêm gợi ý, xem lại Tháp Canh tháng 1 năm 2019, trg 8-13, và Tháp Canh ngày 1-9-2003, trg 19-22.
c Tên đã được thay đổi.
d Xem video Trở thành bạn Đức Giê-hô-va—Hãy chuẩn bị lời phát biểu của em trên jw.org.
f HÌNH ẢNH: Trong một hội thánh lớn, một anh đã bình luận rồi nên không giơ tay để người khác có cơ hội tham gia vào buổi nhóm họp.