KINH NGHIỆM
“Có chúng tôi đây! Xin sai chúng tôi!”
Anh chị có đang nghĩ đến việc mở rộng thánh chức bằng cách chuyển tới nơi có nhu cầu lớn hơn, có lẽ ở một nước khác không? Nếu có, hẳn anh chị sẽ nhận được lợi ích từ kinh nghiệm của vợ chồng anh Jack.
Anh Jack và chị Marie-Line cùng nhau phụng sự trọn thời gian từ năm 1988. Họ có khả năng thích nghi tốt và đã nhận nhiều nhiệm sở ở Guadeloupe và Guiana thuộc Pháp. Cả hai nơi này hiện tại đều nằm dưới sự giám sát của chi nhánh Pháp. Giờ đây, chúng ta sẽ phỏng vấn anh chị ấy.
Điều gì thôi thúc anh chị phụng sự trọn thời gian?
Chị Marie-Line: Từ khi còn nhỏ, tôi thường đi thánh chức cả ngày với mẹ ở quê nhà Guadeloupe. Mẹ tôi là một Nhân Chứng sốt sắng. Tình yêu thương thúc đẩy tôi làm tiên phong ngay từ khi tốt nghiệp cấp ba vào năm 1985.
Anh Jack: Từ bé, xung quanh tôi là các anh chị phụng sự trọn thời gian, họ rất yêu quý thánh chức. Tôi thường làm tiên phong phụ trợ trong kỳ nghỉ. Vào cuối tuần, đôi khi chúng tôi đi xe buýt đến gặp các anh chị tiên phong để cùng đi rao giảng. Chúng tôi rao giảng cả ngày, và cuối ngày thì đến bãi biển thư giãn. Những ngày ấy thật vui vẻ lắm!
Không lâu sau khi kết hôn với Marie-Line vào năm 1988, tôi tự nhủ: “Chúng tôi chẳng vướng bận gì, sao không mở rộng thánh chức?”. Thế là vợ chồng tôi bắt đầu làm tiên phong. Một năm sau, khi học xong trường tiên phong, chúng tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt. Chúng tôi phụng sự trong một vài nhiệm sở thú vị ở Guadeloupe trước khi được mời đến Guiana thuộc Pháp.
Trong những năm qua, anh chị nhận nhiều nhiệm sở khác nhau. Vậy điều gì giúp anh chị thích nghi với hoàn cảnh mới?
Chị Marie-Line: Các anh ở Bê-tên Guiana thuộc Pháp biết chúng tôi thích nhất là câu Ê-sai 6:8. Vì thế khi gọi điện cho chúng tôi, họ thường nói đùa: “Anh chị có nhớ câu Kinh Thánh yêu thích của mình không?”. Chúng tôi đoán ngay là mình sắp đổi nhiệm sở nên nói: “Có chúng tôi đây! Xin sai chúng tôi!”.
Chúng tôi không so sánh nhiệm sở hiện tại với những nhiệm sở trước đây, vì như thế thì
chúng tôi sẽ không quý trọng những gì mình đang có. Chúng tôi cũng cố gắng chủ động làm quen với các anh chị.Anh Jack: Trước đây, một số anh em có thiện ý cố khuyên chúng tôi ở lại vì họ không muốn xa chúng tôi. Tuy nhiên, khi chúng tôi rời khỏi Guadeloupe, một anh nhắc chúng tôi nhớ đến lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 13:38: “Ruộng là thế gian”. Vì thế khi đổi nhiệm sở, chúng tôi tự nhủ rằng mình đang làm việc chung một “ruộng” với các anh em ấy dù phụng sự ở bất cứ đâu. Suy cho cùng, việc rao giảng mới là điều quan trọng nhất.
Khi đến nhiệm sở mới và nhận thấy mọi người có thể sống thỏa lòng, chúng tôi cũng cố gắng sống như người địa phương. Dù thức ăn ở mỗi nơi có thể khác nhau, nhưng chúng tôi ăn uống giống như họ và có các biện pháp thích hợp để bảo vệ sức khỏe. Chúng tôi nỗ lực nói những điều tích cực về mọi nhiệm sở.
Chị Marie-Line: Chúng tôi cũng học được nhiều từ anh chị địa phương. Tôi nhớ một điều đã xảy ra khi chúng tôi mới chuyển đến Guiana thuộc Pháp. Lúc ấy trời mưa rất to, nên chúng tôi nghĩ là sẽ phải chờ hết mưa mới có thể đi rao giảng. Nhưng một chị nói với tôi: “Chúng ta đi thôi!”. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Sao đi được chị?”. Chị ấy đáp: “Có cái dù che mưa này, chúng ta sẽ đi bằng xe đạp”. Vì thế, tôi học được cách vừa cầm dù vừa đạp xe. Nếu không tập làm thế, chắc tôi sẽ không bao giờ rao giảng được trong mùa mưa!
Anh chị đã chuyển nhà khoảng 15 lần. Vậy anh chị có thể chia sẻ bí quyết về việc này được không?
Chị Marie-Line: Việc chuyển chỗ ở có thể là một thử thách. Dù vậy, tôi nghĩ có được nơi ở sạch sẽ và thoải mái là điều quan trọng, nhất là khi trở về sau một ngày đi thánh chức.
Anh Jack: Tôi thích sơn lại chỗ ở mới. Đôi khi, các anh ở chi nhánh biết chúng tôi không ở lâu trong một nhiệm sở nên họ nói: “Anh Jack ạ, lần này đừng phí công sơn nhà nhé!”.
Marie-Line là chuyên gia đóng gói đồ đạc! Cô ấy sắp xếp mọi thứ vào thùng và dán nhãn, chẳng hạn “phòng tắm”, “phòng ngủ” hoặc “nhà bếp”. Vì thế khi đến chỗ ở mới, chúng tôi dễ sắp đồ đạc vào phòng thích
hợp. Cô ấy liệt kê các đồ trong mỗi thùng để chúng tôi có thể nhanh chóng tìm thứ mình cần.Chị Marie-Line: Vì biết cách sắp xếp mọi việc nhanh chóng nên chúng tôi có thể bắt đầu thánh chức ngay khi đến nhiệm sở mới.
Anh chị sắp xếp thời gian ra sao để ‘chu toàn thánh chức của anh chị’?—2 Ti 4:5.
Chị Marie-Line: Vào thứ hai, chúng tôi nghỉ ở nhà và chuẩn bị cho nhóm họp. Chúng tôi làm thánh chức từ thứ ba trở đi.
Anh Jack: Dù phải làm đủ số giờ quy định nhưng chúng tôi không quá tập trung vào điều đó. Thánh chức là quan trọng nhất. Từ lúc ra khỏi nhà đến khi trở về, chúng tôi cố gắng nói chuyện với mỗi người mình gặp.
Chị Marie-Line: Chẳng hạn khi đi dã ngoại, tôi luôn mang theo các tờ chuyên đề. Một số người đến xin ấn phẩm, dù chúng tôi chưa nói mình là Nhân Chứng. Vì thế, chúng tôi cũng để ý đến ngoại diện và cách cư xử của mình. Người ta chú ý đến những điều ấy.
Anh Jack: Chúng tôi cũng cố gắng làm chứng tốt bằng cách cư xử tử tế với hàng xóm. Tôi nhặt rác đem đổ và dọn dẹp sân vườn. Đôi khi, hàng xóm để ý và hỏi: “Anh chị cho tôi một cuốn Kinh Thánh được không?”.
Anh chị thường rao giảng ở những vùng hẻo lánh. Có chuyến đi nào ấn tượng không?
Anh Jack: Ở Guiana có một số khu vực rất khó đến. Đôi khi, chúng tôi phải đi 600km trong một tuần trên đường rất xấu. Chuyến đi đến Saint Élie, một ngôi làng nằm trong rừng Amazon, thật đáng nhớ. Phải mất hàng giờ đi bằng xe địa hình và xuồng để tới nơi. Hầu hết người dân sống bằng nghề đãi vàng. Vì quý trọng ấn phẩm nên một số người đóng góp bằng cách đưa cho chúng tôi ít vàng! Vào buổi tối, chúng tôi cho họ xem một video của tổ chức và có nhiều người đến xem.
Chị Marie-Line: Gần đây, anh Jack được mời làm bài giảng Lễ Tưởng Niệm ở Camopi. Để đến đó, chúng tôi phải mất bốn tiếng đi bằng xuồng trên sông Oyapock. Thật là một kinh nghiệm thú vị!
Anh Jack: Khi mực nước sông hạ thấp, ghềnh thác có thể khá nguy hiểm. Chắc chắn anh chị sẽ ấn tượng khi thấy những ghềnh thác ấy. Người chèo xuồng phải biết làm sao để vượt qua. Nhưng đó là trải nghiệm đáng nhớ! Dù chỉ có 6 Nhân Chứng nhưng khoảng 50 người, kể cả người Amerindia, tham dự Lễ Tưởng Niệm!
Chị Marie-Line: Những kinh nghiệm tuyệt vời như thế đang chờ đợi người trẻ nào muốn cống hiến nhiều hơn cho Đức Giê-hô-va. Trong những hoàn cảnh đó, một người phải tin cậy ngài, rồi đức tin của người ấy sẽ được củng cố. Chúng tôi thường cảm nghiệm được bàn tay của Đức Giê-hô-va giúp đỡ mình.
Anh chị đã học được một vài ngôn ngữ. Phải chăng anh chị có khiếu học ngoại ngữ?
Anh Jack: Không phải vậy. Tôi học những ngôn ngữ ấy vì có nhu cầu. Tôi phải điều khiển Phần học Tháp Canh trong tiếng Sranantongo a ngay cả trước khi được giao phần đọc Kinh Thánh trong hội thánh! Tôi đã hỏi một anh là tôi làm có tốt không. Anh ấy trả lời: “Có khi chúng tôi không hiểu những gì anh nói, nhưng anh làm rất tốt”. Các em trẻ đã giúp tôi nhiều. Khi tôi nói sai, các em sẽ cho tôi biết chứ không phải người lớn. Nhờ những em ấy mà tôi học được nhiều.
Chị Marie-Line: Trong một khu vực, tôi có những học viên nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha và Sranantongo. Một chị gợi ý tôi nên điều khiển học hỏi trong ngôn ngữ khó trước, sau đó mới đến ngôn ngữ quen thuộc với tôi. Tôi sớm hiểu được lời khuyên khôn ngoan đó.
Ngày nọ, tôi học hỏi với một người trong tiếng Sranantongo, và sau đó với người khác trong tiếng Bồ Đào Nha. Khi học với
người thứ hai, một chị nói với tôi: “Chị Marie-Line ơi, hình như có gì đó không ổn”. Tôi nhận ra là mình đang nói tiếng Sranantongo với phụ nữ người Brazil nói tiếng Bồ Đào Nha!Anh chị được nhiều anh em đồng đạo yêu quý! Vì sao anh chị được yêu quý như vậy?
Anh Jack: Châm ngôn 11:25 nói: “Người nào rộng rãi sẽ được thịnh vượng”. Chúng tôi không ngại dành thời gian cho người khác và giúp đỡ họ. Khi có việc bảo trì Phòng Nước Trời, một số anh chị nói với tôi: “Hãy để các công bố làm đi anh!”. Nhưng tôi đáp: “Tôi cũng là một người công bố mà. Nếu có việc cần làm thì tôi cũng muốn góp sức”. Dù ai cũng có lúc cần chút riêng tư, nhưng chúng tôi thường tự nhủ rằng đừng để điều đó ngăn cản mình làm việc tốt cho người khác.
Chị Marie-Line: Chúng tôi cố gắng thể hiện sự quan tâm với anh em. Nhờ thế, chúng tôi biết được khi nào họ cần một người đến giúp trông con hoặc đón chúng lúc tan học. Chúng tôi sắp xếp lại thời gian biểu để có thể giúp họ. Vì sẵn lòng hỗ trợ khi anh em cần nên chúng tôi có được mối quan hệ gắn bó với họ.
Anh chị nhận được những ân phước nào khi phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn?
Anh Jack: Chúng tôi được ban phước dồi dào khi phụng sự trọn thời gian. Chúng tôi sống gần gũi với thiên nhiên và vui hưởng công trình sáng tạo đa dạng của Đức Giê-hô-va. Dù gặp đôi chút khó khăn nhưng chúng tôi có bình an tâm trí, vì biết mình được dân Đức Chúa Trời hỗ trợ bất kể chúng tôi ở đâu.
Khi còn trẻ, tôi bị ngồi tù ở Guiana thuộc Pháp vì giữ lập trường trung lập. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng một ngày nào đó tôi trở lại nơi ấy với tư cách là giáo sĩ và được phép thăm cũng như chia sẻ Kinh Thánh cho các tù nhân. Quả thật, Đức Giê-hô-va là đấng rộng rãi ban phước!
Chị Marie-Line: Niềm vui lớn nhất của tôi là dành thời gian cho người khác. Chúng tôi rất hạnh phúc vì được phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhờ đó, hôn nhân của chúng tôi được củng cố. Thỉnh thoảng, anh Jack đề nghị chúng tôi mời một cặp vợ chồng đang nản lòng đến nhà dùng bữa. Có lúc tôi đáp: “Em cũng đang nghĩ như thế!”. Chúng tôi rất tâm đầu ý hợp.
Anh Jack: Gần đây, tôi được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt. Marie-Line không thích nghe câu này nhưng tôi đã nói với cô ấy: “Em à, giả sử anh phải ‘ngủ’ trước, thì ít ra cũng không phải vì ‘tuổi cao tác lớn’. Anh biết mình đã dành trọn đời để làm điều có ý nghĩa nhất là phụng sự Đức Giê-hô-va và anh thật sự hạnh phúc!”.—Sáng 25:8.
Chị Marie-Line: Đức Giê-hô-va đã mở ra những cơ hội bất ngờ và cho chúng tôi làm nhiều điều mà mình chưa bao giờ hình dung. Đời sống của chúng tôi tràn ngập điều tốt đẹp. Vì hết lòng tin cậy Đức Chúa Trời nên khi tổ chức của ngài bổ nhiệm chúng tôi đi đâu thì chúng tôi sẽ đi đó!
a Tiếng Sranantongo là sự pha trộn giữa tiếng Anh, Hà Lan, Bồ Đào Nha và các ngôn ngữ Phi châu, bắt nguồn từ những người nô lệ.