BÀI HỌC 50
BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’
Các bậc cha mẹ hãy giúp con củng cố đức tin
“[Hãy] chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”.—RÔ 12:2.
TRỌNG TÂM
Những gợi ý thực tế về cách cha mẹ trò chuyện với con và giúp con củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời và Kinh Thánh.
1, 2. Cha mẹ nên phản ứng thế nào khi con đặt câu hỏi về niềm tin của chúng ta?
Nhiều người đồng ý là việc nuôi dạy con cái đòi hỏi rất nhiều công sức. Nếu anh chị có con nhỏ, chúng tôi khen anh chị vì nỗ lực giúp con có đức tin mạnh (Phục 6:6, 7). Trong quá trình lớn lên, có thể con của anh chị bắt đầu đặt câu hỏi về niềm tin của chúng ta, bao gồm các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh.
2 Lúc đầu, có thể anh chị lo lắng về những câu hỏi của con, thậm chí nghĩ rằng con đang yếu đức tin. Nhưng thực tế, trẻ đang phát triển cần đặt câu hỏi để có niềm tin vững chắc (1 Cô 13:11). Vì thế, anh chị không cần lo sợ. Hãy xem tất cả các câu hỏi mà con nêu ra về niềm tin là cơ hội để giúp chúng phát triển khả năng suy xét.
3. Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Bài này sẽ xem xét cách cha mẹ có thể giúp con (1) vun trồng đức tin, (2) xây đắp lòng quý trọng đối với tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh và (3) bênh vực niềm tin của mình. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao việc con nêu ra câu hỏi là điều tốt và một số hoạt động nào giúp cha mẹ trò chuyện với con về niềm tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô.
GIÚP CON VUN TRỒNG ĐỨC TIN
4. Một đứa trẻ có thể có những thắc mắc nào, và tại sao?
4 Các bậc cha mẹ tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhận ra rằng đức tin nơi Đức Chúa Trời không phải là điều mà con được di truyền. Anh chị không được sinh ra mà đã có sẵn đức tin nơi Đức Giê-hô-va, và con của anh chị cũng thế. Theo thời gian, một đứa trẻ có thể thắc mắc: “Làm sao mình biết Đức Chúa Trời là đấng có thật? Có lý do chính đáng để tin những điều Kinh Thánh nói không?”. Thật ra, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta dùng “lý trí” và “xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không” (Rô 12:1; 1 Tê 5:21). Nhưng làm thế nào anh chị có thể giúp con củng cố đức tin?
5. Cha mẹ có thể làm gì để giúp con vun trồng đức tin nơi Kinh Thánh? (Rô-ma 12:2)
5 Khuyến khích con chứng minh chân lý cho chính mình. (Đọc Rô-ma 12:2). Khi con của anh chị nêu ra câu hỏi, hãy tận dụng cơ hội đó để giúp chúng biết cách tìm câu trả lời thông qua các công cụ nghiên cứu như THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh và Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Trong Cẩm nang tra cứu, dưới chủ đề “Kinh Thánh”, con có thể xem mục “Do Đức Chúa Trời soi dẫn” để tìm bằng chứng cho thấy Kinh Thánh không đơn thuần là cuốn sách bổ ích do con người viết. Thay vì thế, “đó là lời của Đức Chúa Trời” (1 Tê 2:13). Chẳng hạn, con có thể nghiên cứu về thành Ni-ni-ve của A-si-ri cổ xưa. Trước đây, một số nhà phê bình Kinh Thánh nói rằng thành Ni-ni-ve chưa bao giờ tồn tại. Nhưng đến những năm 1850, các tàn tích của thành này được khai quật, chứng tỏ lời tường thuật trong Kinh Thánh là chính xác (Xô 2:13-15). Để biết thông tin về việc thành Ni-ni-ve bị hủy diệt đã làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, con của anh chị có thể xem bài “Bạn có biết?” trong Tháp Canh tháng 11 năm 2021. Hãy khuyến khích con so sánh những điều học được trong ấn phẩm của chúng ta với những điều con biết qua bách khoa từ điển và các tài liệu đáng tin cậy khác. Điều này sẽ giúp chúng gia tăng niềm tin nơi điều Kinh Thánh nói.
6. Cha mẹ có thể khơi dậy khả năng suy xét của con bằng cách nào? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem hình).
6 Khơi dậy khả năng suy xét của con. Các bậc cha mẹ hãy tìm cơ hội để có những cuộc trò chuyện thú vị với con về Kinh Thánh hoặc về đức tin nơi Đức Chúa Trời. Những cơ hội này có thể đến khi đi thăm bảo tàng, vườn bách thảo hoặc một triển lãm tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng hạn, khi thăm bảo tàng trực tiếp hay qua trực tuyến, anh chị có thể hướng sự chú ý của con đến những sự kiện lịch sử hoặc những hiện vật có thể củng cố niềm tin về sự chính xác của Kinh Thánh. Anh chị có thể dạy con về Bia đá Mô-áp, là bia đá 3.000 năm tuổi và có danh của Đức Giê-hô-va. Bản gốc của bia đá này được trưng bày ở bảo tàng Louvre tại Paris, Pháp. Ngoài ra, bản sao của Bia đá Mô-áp được trưng bày tại triển lãm “Kinh Thánh và danh Đức Chúa Trời” tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Warwick, New York. Bia đá Mô-áp cho biết là vua Mê-sa của Mô-áp đã phản nghịch Y-sơ-ra-ên. Điều này phù hợp với những gì Kinh Thánh nói (2 Vua 3:4, 5). Khi con của anh chị tận mắt thấy bằng chứng về sự chân thật và chính xác của Kinh Thánh, đức tin của con sẽ gia tăng.—So sánh 2 Sử ký 9:6.
7, 8. (a) Chúng ta có thể học được gì từ vẻ đẹp và sự thiết kế trong tự nhiên? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem hình). (b) Những câu hỏi nào có thể giúp con của anh chị càng tin chắc là có một Đấng Tạo Hóa?
7 Khuyến khích con suy ngẫm về thế giới tự nhiên. Khi đi dạo ở nông thôn hoặc làm vườn, hãy hướng sự chú ý của con đến những hoa văn đáng chú ý trong tự nhiên. Tại sao? Những hoa văn này là bằng chứng cho thấy có ai đó rất thông minh đã thiết kế chúng. Chẳng hạn, hoa văn xoắn ốc được các nhà khoa học nghiên cứu suốt nhiều năm. Nhà khoa học Nicola Fameli giải thích rằng khi đếm số xoắn ốc của các vật trong tự nhiên, chúng ta có thể tìm thấy một dãy số nhất định. Dãy số này được gọi là dãy Fibonacci. Hoa văn xoắn ốc có thể được thấy trong nhiều vật, chẳng hạn như hình dạng của một số dải thiên hà, hoa văn trên vỏ ốc anh vũ, lá cây và nhụy của hoa hướng dương. a
8 Khi học về khoa học ở trường, con của anh chị sẽ tìm hiểu các luật trong tự nhiên, chẳng hạn như trọng lực. Trọng lực giữ cho tầng khí quyển ở gần trái đất và kiểm soát thủy triều cũng như các đại dương. Trọng lực cũng góp phần làm nên sự trật tự thiết yếu cho sự sống trên đất. Nhưng ai đã tạo ra luật này? Ai đứng đằng sau sự trật tự mà chúng ta thấy trong tự nhiên? Càng suy ngẫm những câu hỏi như thế, rất có thể con của anh chị càng tin chắc Đức Chúa Trời tạo ra muôn vật (Hê 3:4). Đến một thời điểm, anh chị có thể hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta, chẳng phải điều hợp lý là ngài cũng ban sự hướng dẫn về đạo đức để chúng ta hạnh phúc sao?”. Rồi anh chị có thể giải thích rằng sự hướng dẫn quý báu đó được tìm thấy trong Kinh Thánh.
XÂY ĐẮP LÒNG QUÝ TRỌNG ĐỐI VỚI TIÊU CHUẨN ĐẠO ĐỨC TRONG KINH THÁNH
9. Điều gì có thể khiến con của anh chị nêu nghi vấn về tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh?
9 Nếu con của anh chị nêu nghi vấn về tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh, hãy cố gắng hiểu nguyên nhân nằm sau các câu hỏi của chúng. Con có thật sự không đồng ý với các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh, hay chỉ đơn giản là không biết cách bênh vực niềm tin của tín đồ đạo Đấng Ki-tô? Dù là trường hợp nào, anh chị có thể giúp con quý trọng các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh bằng cách học với con sách Vui sống mãi mãi!. b
10. Anh chị có thể giúp con quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va bằng cách nào?
10 Khuyến khích con quý trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Khi học Kinh Thánh với con, hãy cố gắng múc lấy lòng con bằng cách dùng những câu hỏi thăm dò quan điểm và các minh họa trong sách Vui sống mãi mãi! (Châm 20:5). Chẳng hạn, bài 8 ví Đức Giê-hô-va với một người bạn đầy lòng quan tâm đưa ra những lời nhắc nhở để bảo vệ và mang lại lợi ích cho chúng ta. Sau khi thảo luận 1 Giăng 5:3, anh chị có thể hỏi con: “Khi biết Đức Giê-hô-va là người bạn tốt như thế, chúng ta nên nghĩ gì về những điều ngài bảo chúng ta làm?”. Đây có vẻ là câu hỏi đơn giản, nhưng có thể giúp con xem những điều luật của Đức Chúa Trời là bằng chứng về tình yêu thương của ngài.—Ê-sai 48:17, 18.
11. Anh chị có thể giúp con quý trọng các nguyên tắc Kinh Thánh bằng cách nào? (Châm ngôn 2:10, 11)
11 Thảo luận xem việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh mang lại lợi ích nào cho chúng ta. Khi cùng nhau đọc Kinh Thánh hoặc phần tra xem Kinh Thánh mỗi ngày, hãy thảo luận xem các nguyên tắc Kinh Thánh giúp gia đình anh chị như thế nào. Chẳng hạn, anh chị có thể giúp con hiểu những lợi ích của tính siêng năng và lương thiện (Hê 13:18). Anh chị cũng có thể nhấn mạnh việc áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh bảo vệ chúng ta ra sao cả về thể chất lẫn tinh thần (Châm 14:29, 30). Việc thảo luận các nguyên tắc đó rất có thể sẽ giúp con càng quý trọng lời khuyên trong Kinh Thánh.—Đọc Châm ngôn 2:10, 11.
12. Vợ chồng anh Steve giúp con hiểu lợi ích của việc làm theo nguyên tắc Kinh Thánh bằng cách nào?
12 Anh Steve, một người cha ở Pháp, cho biết cách vợ chồng anh giúp con trai ở tuổi thiếu niên là Ethan thấy được tình yêu thương nằm sau các điều luật của Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Chúng tôi hỏi cháu những câu như: ‘Tại sao Đức Giê-hô-va đòi hỏi chúng ta vâng theo nguyên tắc này? Tại sao điều đó cho thấy ngài yêu thương chúng ta? Điều gì xảy ra nếu con không vâng theo nguyên tắc đó?’”. Các cuộc nói chuyện như thế đã giúp Ethan tin chắc tiêu chuẩn đạo đức của Đức Giê-hô-va là đúng. Anh Steve nói thêm: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp con thấy được Kinh Thánh chứa đựng sự khôn ngoan vượt trội so với sự khôn ngoan của con người”.
13. Hãy nêu ví dụ về cách cha mẹ có thể huấn luyện con áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.
13 Huấn luyện con áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh. Một dịp để làm thế là khi con được giáo viên giao cho đọc trước một tác phẩm. Tác phẩm đó có thể đề cao những nhân vật có hành động vô luân hoặc hung bạo. Anh chị có thể khuyến khích con suy nghĩ xem hành động của các nhân vật ấy có phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh không (Châm 22:24, 25; 1 Cô 15:33; Phi-líp 4:8). Điều này có thể trang bị cho con để làm chứng cho giáo viên và bạn học khi được hỏi về tác phẩm đó.
CHUẨN BỊ CHO CON ĐỂ BÊNH VỰC NIỀM TIN
14. Đề tài nào có thể khiến các tín đồ trẻ lo sợ, và tại sao?
14 Đôi khi các tín đồ trẻ có thể thiếu tự tin để bênh vực niềm tin của mình. Các em có thể cảm thấy lo sợ khi đề tài thuyết tiến hóa được thảo luận trên lớp. Tại sao? Các giáo viên có thể trình bày thuyết tiến hóa như một sự thật hiển nhiên. Nếu là cha mẹ, làm thế nào anh chị có thể giúp con tự tin để bênh vực niềm tin?
15. Điều gì có thể giúp một tín đồ trẻ tin chắc nơi niềm tin của mình?
15 Giúp con tin chắc nơi niềm tin của mình. Con của anh chị không cần xấu hổ vì tin có Đấng Tạo Hóa (2 Ti 1:8). Tại sao? Thực tế, nhiều nhà khoa học cũng hiểu là sự sống không xuất hiện ngẫu nhiên. Họ nhận ra rằng sự sống rất phức tạp nên hẳn phải có ai đó thông minh đã tạo ra. Vì thế, họ không chấp nhận thuyết tiến hóa thường được dạy ở trường học trên khắp thế giới. Một điều giúp con của anh chị củng cố đức tin và lòng can đảm là xem xét những lý do đã thuyết phục các anh chị khác tin chắc sự sống là do sáng tạo. c
16. Cha mẹ có thể giúp con bênh vực niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa bằng cách nào? (1 Phi-e-rơ 3:15) (Cũng xem hình).
16 Chuẩn bị cho con để bênh vực niềm tin nơi Đấng Tạo Hóa. (Đọc 1 Phi-e-rơ 3:15). Anh chị có thể thấy hữu ích khi cùng con xem các bài trong loạt bài “Giới trẻ thắc mắc—Sáng tạo hay tiến hóa?” trên jw.org. Rồi thảo luận về cách lý luận mà con thấy thuyết phục nhất để giúp người khác hiểu rằng có một Đấng Tạo Hóa. Hãy nhắc con nhớ rằng không cần tranh cãi với bạn học. Hãy khuyến khích con lý luận một cách hợp lý và đơn giản nếu có một người bạn sẵn sàng thảo luận về đề tài đó. Chẳng hạn, một bạn có thể nói: “Phải thấy thì mới tin được, nhưng mình chưa bao giờ nhìn thấy Đấng Tạo Hóa”. Một tín đồ trẻ có thể đáp lại: “Hãy hình dung khi cậu đi vào một khu rừng cách xa nơi con người sống và thấy một cái chòi. Cậu sẽ kết luận điều gì? Chắc chắn ai đó đã xây cái chòi ấy. Nếu cái chòi còn phải có người làm ra thì huống chi là vũ trụ!”.
17. Cha mẹ có thể giúp con thế nào để chia sẻ chân lý trong Kinh Thánh với người khác? Hãy nêu ví dụ.
17 Khuyến khích con tìm cách chia sẻ chân lý trong Kinh Thánh với người khác (Rô 10:10). Anh chị có thể so sánh việc con chia sẻ niềm tin với việc học chơi nhạc cụ. Lúc đầu, người học thường tập chơi những bản nhạc đơn giản. Dần dần việc chơi nhạc cụ trở nên dễ dàng hơn. Tương tự, lúc đầu một tín đồ trẻ có thể làm chứng một cách đơn giản. Chẳng hạn, em ấy có thể hỏi bạn học: “Cậu có biết là các kỹ sư thường bắt chước những sự thiết kế trong thiên nhiên không? Mình muốn cho cậu xem một video rất thú vị”. Sau khi cho xem một video từ loạt video Một sự thiết kế?, em ấy có thể nói: “Nếu một nhà khoa học được khen về việc sao chép một sự thiết kế đã có sẵn trong thiên nhiên thì ai xứng đáng được khen ngợi vì đã thiết kế bản gốc?”. Cách làm chứng đơn giản như thế có thể khơi dậy sự quan tâm của một người trẻ và khiến người đó sẵn sàng tìm hiểu thêm.
TIẾP TỤC GIÚP CON CỦNG CỐ ĐỨC TIN
18. Cha mẹ có thể tiếp tục giúp con củng cố đức tin nơi Đức Chúa Trời bằng cách nào?
18 Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy những người không có đức tin nơi Đức Giê-hô-va (2 Phi 3:3). Vì thế, khi thảo luận Kinh Thánh với con, các bậc cha mẹ hãy khuyến khích chúng đào sâu các đề tài giúp chúng gia tăng lòng quý trọng đối với Lời Đức Chúa Trời và tiêu chuẩn đạo đức của ngài. Hãy khơi dậy khả năng suy xét của con bằng cách chỉ ra những điểm kỳ diệu trong các công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Hãy giúp con hiểu về những lời tiên tri đáng kinh ngạc trong Kinh Thánh đã được ứng nghiệm. Trên hết, hãy cầu nguyện cùng con và cho con. Khi làm những điều đó, anh chị có thể tin chắc nỗ lực của mình trong việc giúp con củng cố đức tin sẽ được Đức Giê-hô-va tưởng thưởng.—2 Sử 15:7.
BÀI HÁT 133 Thờ phượng Đức Giê-hô-va trong thời thanh xuân
a Để biết thêm thông tin, xem video Kỳ công sáng tạo tôn vinh Đức Chúa Trời trên jw.org.
b Nếu con của anh chị đã học xong sách Vui sống mãi mãi!, anh chị có thể ôn lại với con một số bài trong phần 3 và 4 nói về các tiêu chuẩn đạo đức trong Kinh Thánh.
c Xem bài “Tại sao chúng tôi tin có Đấng Tạo Hóa?” trong Tỉnh Thức! tháng 9 năm 2006 (Anh ngữ), và sách mỏng Nguồn gốc sự sống—Năm câu hỏi quan trọng. Để biết thêm các ví dụ, xem loạt video Quan điểm về nguồn gốc sự sống.
d HÌNH ẢNH: Khi thấy bạn học thích máy bay điều khiển từ xa, một Nhân Chứng trẻ cho xem một video trong loạt video Một sự thiết kế?.