BÀI HỌC 49
BÀI HÁT 147 Sự sống vĩnh cửu được hứa trước
Anh chị có thể sống mãi mãi—Bằng cách nào?
“Ai nhận biết và thể hiện đức tin nơi Con thì có được sự sống vĩnh cửu”.—GIĂNG 6:40.
TRỌNG TÂM
Lợi ích mà những tín đồ được xức dầu và chiên khác nhận được từ sự hy sinh của Chúa Giê-su.
1. Nhiều người cảm thấy thế nào về việc sống mãi mãi?
Nhiều người ăn uống cẩn thận và cố gắng tập thể dục đều đặn để có sức khỏe tốt. Dù vậy, họ không mong được sống mãi mãi. Họ nghĩ rằng hy vọng ấy không thực tế. Họ cũng không muốn sống mãi mãi mà phải chịu những khốn khổ của tuổi già. Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói một cách tích cực về “sự sống vĩnh cửu”, như được thấy nơi Giăng 3:16 và Giăng 5:24.
2. Giăng chương 6 nói gì về sự sống vĩnh cửu? (Giăng 6:39, 40)
2 Ngày nọ, Chúa Giê-su làm phép lạ để cung cấp bánh và cá cho một đoàn dân gồm hàng ngàn người. a Điều đó thật đáng kinh ngạc, nhưng những gì ngài nói vào hôm sau còn đáng kinh ngạc hơn. Đoàn dân đã đi theo ngài đến Ca-bê-na-um thuộc Ga-li-lê, và tại đó ngài cho biết người ta có thể được sống lại và hưởng sự sống vĩnh cửu. (Đọc Giăng 6:39, 40). Hãy nghĩ đến bạn bè và người thân yêu đã qua đời của anh chị. Lời Chúa Giê-su cho thấy nhiều người đã chết sẽ được sống lại, và anh chị cùng những người thân yêu có thể hưởng sự sống vĩnh cửu. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy khó hiểu những lời tiếp theo của Chúa Giê-su nơi Giăng chương 6. Chúng ta hãy cùng xem xét những lời ấy.
3. Theo Giăng 6:51, Chúa Giê-su tiết lộ điều gì về ngài?
3 Đoàn dân ở Ca-bê-na-um thấy được sự liên kết giữa bánh Chúa Giê-su đã ban cho họ và ma-na mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho tổ phụ họ. Thật ra, Kinh Thánh gọi ma-na ấy là “bánh từ trời” (Thi 105:40; Giăng 6:31). Chúa Giê-su nhắc đến ma-na để dạy họ một điều quan trọng. Dù ma-na là sự cung cấp kỳ diệu từ Đức Chúa Trời, nhưng những ai ăn bánh ấy rồi cũng chết (Giăng 6:49). Trái lại, Chúa Giê-su gọi chính ngài là “bánh thật từ trời”, “bánh của Đức Chúa Trời” và “bánh sự sống” (Giăng 6:32, 33, 35). Chúa Giê-su cho thấy sự khác biệt quan trọng giữa ma-na với ngài. Ngài nói: “Tôi là bánh sự sống đến từ trời. Nếu ai ăn bánh này thì sẽ sống mãi mãi”. (Đọc Giăng 6:51). Những người Do Thái ấy cảm thấy bối rối. Tại sao Chúa Giê-su có thể nói ngài đến từ trời và là “bánh” tốt hơn ma-na mà Đức Chúa Trời đã dùng phép lạ để ban cho tổ phụ họ? Chúa Giê-su tiết lộ một chi tiết đáng chú ý khi nói: “Bánh mà tôi sẽ ban… chính là thịt tôi”. Ý của ngài là gì? Chúng ta muốn hiểu điều này vì câu trả lời cho biết làm thế nào chúng ta và những người thân yêu có thể nhận được sự sống vĩnh cửu. Hãy xem điều ngài nói có nghĩa gì.
BÁNH SỰ SỐNG VÀ THỊT NGÀI
4. Tại sao một số người sửng sốt trước những điều Chúa Giê-su nói?
4 Một số người nghe Chúa Giê-su đã sửng sốt khi ngài nói “bánh mà [ngài] sẽ ban để thế gian được sống chính là thịt [ngài]”. Có phải họ nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ đưa thịt ngài theo nghĩa đen cho họ ăn, tức là một dạng ăn thịt người không? (Giăng 6:52). Chúa Giê-su còn nói thêm một điều khác khiến họ sửng sốt hơn: “Nếu không ăn thịt và uống huyết của Con Người thì không có sự sống trong anh em”.—Giăng 6:53.
5. Tại sao có thể tin chắc Chúa Giê-su không có ý nói rằng người ta phải uống huyết ngài theo nghĩa đen?
5 Vào thời Nô-ê, Đức Chúa Trời cấm con người ăn huyết (Sáng 9:3, 4). Đức Giê-hô-va lặp lại mệnh lệnh đó trong Luật pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Bất cứ ai ăn huyết “phải bị diệt trừ” (Lê 7:27). Chúa Giê-su dạy người ta vâng theo Luật pháp ấy (Mat 5:17-19). Vì thế, không thể nào ngài khuyến khích đoàn dân người Do Thái ăn thịt và uống huyết ngài theo nghĩa đen. Nhưng qua những lời đáng chú ý đó, Chúa Giê-su đang dạy người ta cách để có sự sống, tức “sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 6:54.
6. Những lời của Chúa Giê-su về việc ăn thịt và uống huyết ngài phải được hiểu theo nghĩa nào?
6 Ý của Chúa Giê-su là gì? Rõ ràng, Chúa Giê-su đang nói theo nghĩa bóng, như ngài đã làm trước đó khi nói chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri: “Ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa, nhưng nước tôi cho sẽ trở thành một suối nước trong người ấy, tuôn ra để mang lại sự sống vĩnh cửu” (Giăng 4:7, 14). b Chúa Giê-su không có ý nói rằng người phụ nữ ấy sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu chỉ qua việc uống một loại nước nào đó theo nghĩa đen. Tương tự, ngài không có ý nói rằng đoàn dân ở Ca-bê-na-um sẽ được sống đời đời nếu họ ăn thịt và uống huyết ngài theo nghĩa đen.
NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT GIỮA HAI TRƯỜNG HỢP
7. Một số người hiểu thế nào về lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 6:53?
7 Một số người sùng đạo nghĩ rằng lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 6:53 về việc ăn thịt và uống huyết ngài cho thấy những điều cần làm trong Bữa Ăn Tối Của Chúa, vì vào dịp đó, ngài đã dùng những từ ngữ tương tự (Mat 26:26-28). Họ cho rằng mọi người tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa nên dùng bánh và rượu được chuyền trong buổi lễ. Điều đó có đúng không? Câu trả lời rất quan trọng vì mỗi năm, hàng triệu người trên khắp thế giới cùng nhóm lại với chúng ta trong sự kiện đó. Chúng ta sẽ xem một số điểm khác biệt giữa điều Chúa Giê-su nói nơi Giăng 6:53 với điều ngài nói trong Bữa Ăn Tối Của Chúa.
8. Có những sự khác biệt nào giữa hai trường hợp đang thảo luận? (Cũng xem các hình).
8 Hãy lưu ý hai sự khác biệt giữa hai trường hợp trên. Thứ nhất, Chúa Giê-su nói những lời nơi Giăng 6:53-56 khi nào và ở đâu? Ngài nói những lời này vào năm 32 CN ở Ga-li-lê. Đó là khoảng một năm trước khi ngài thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa ở Giê-ru-sa-lem. Thứ hai, ngài nói những lời ấy với ai? Phần lớn những người nghe ngài ở Ga-li-lê quan tâm đến nhu cầu vật chất tạm thời hơn là nhu cầu thiêng liêng (Giăng 6:26). Thực tế, khi Chúa Giê-su nói một điều mà họ thấy khó hiểu, họ liền mất đức tin nơi ngài. Thậm chí một số môn đồ không theo ngài nữa (Giăng 6:14, 36, 42, 60, 64, 66). Những người ấy khác hẳn với 11 sứ đồ trung thành có mặt khi Chúa Giê-su thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa khoảng một năm sau, tức vào năm 33 CN. Dù các sứ đồ ấy không hiểu hết những gì ngài dạy, nhưng khác với những người ở Ga-li-lê, họ tin chắc Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời đến từ trời (Mat 16:16). Ngài khen họ: “Anh em là những người đã gắn bó với tôi khi tôi gặp thử thách” (Lu 22:28). Chỉ riêng hai sự khác biệt này cũng đủ để chứng tỏ Giăng 6:53 không nói đến những điều cần làm trong Bữa Ăn Tối Của Chúa. Nhưng còn bằng chứng khác nữa.
LỜI CỦA CHÚA GIÊ-SU LIÊN QUAN ĐẾN ANH CHỊ
9. Những lời của Chúa Giê-su trong Bữa Ăn Tối Của Chúa áp dụng cho nhóm nào?
9 Trong Bữa Ăn Tối Của Chúa, Chúa Giê-su chuyền bánh không men cho các sứ đồ và nói với họ rằng bánh ấy tượng trưng cho thân thể ngài. Rồi ngài đưa rượu cho họ và nói rằng rượu ấy tượng trưng cho “huyết của giao ước” (Mác 14:22-25; Lu 22:20; 1 Cô 11:24). Đây là điểm quan trọng. Giao ước mới được lập với “nhà Y-sơ-ra-ên [thiêng liêng]”, là những người sẽ ở “trong Nước Đức Chúa Trời”, chứ không được lập với nhân loại nói chung (Hê 8:6, 10; 9:15). Dù các sứ đồ chưa hiểu vào lúc đó, nhưng họ sẽ sớm được xức dầu bằng thần khí thánh và được đem vào giao ước mới để có một chỗ với Chúa Giê-su ở trên trời.—Giăng 14:2, 3.
10. Có điểm khác biệt nào khác giữa điều Chúa Giê-su nói ở Ga-li-lê với điều ngài nói trong Bữa Ăn Tối Của Chúa? (Cũng xem hình).
10 Hãy lưu ý rằng trong Bữa Ăn Tối Của Chúa, Chúa Giê-su tập trung vào “bầy nhỏ”. Nhóm nhỏ đó bắt đầu với các sứ đồ trung thành có mặt với ngài trong căn phòng ấy (Lu 12:32). Họ và những người khác thuộc nhóm này sẽ được dùng hai món biểu tượng là bánh và rượu. Nhóm nhỏ này là những người sẽ nhận được một chỗ với ngài ở trên trời. Những gì Chúa Giê-su nói với các sứ đồ trong trường hợp này khác hẳn những gì ngài nói với đoàn dân ở Ga-li-lê. Lời ngài nói trong Bữa Ăn Tối Của Chúa chỉ áp dụng cho một nhóm nhỏ. Còn lời ngài nói ở Ga-li-lê áp dụng cho vô số người.
11. Chúa Giê-su nói gì ở Ga-li-lê cho thấy ngài không nói đến một nhóm người giới hạn?
11 Khi Chúa Giê-su ở Ga-li-lê vào năm 32 CN, ngài chủ yếu nói với những người Do Thái muốn ngài cho họ bánh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su hướng họ chú ý đến điều mang lại lợi ích vượt trội so với thức ăn theo nghĩa đen. Ngài cho biết về sự cung cấp có thể mang lại sự sống vĩnh cửu cho họ. Chúa Giê-su cũng nói rằng những ai đã chết có thể được sống lại trong “ngày sau cùng” và sống mãi mãi. Khác với ân phước mà ngài nói đến trong Bữa Ăn Tối Của Chúa chỉ dành cho một nhóm người giới hạn, ân phước mà ngài nói nơi Giăng chương 6 dành cho tất cả mọi người. Thật vậy, ngài nói: “Ai ăn bánh này thì sẽ sống mãi mãi… Bánh mà tôi sẽ ban để thế gian được sống chính là thịt tôi”.—Giăng 6:51.
12. Một người cần làm gì để nhận được sự sống vĩnh cửu?
12 Chúa Giê-su không nói với những người Do Thái ở Ga-li-lê rằng tất cả mọi người đã từng sống hoặc sẽ được sinh ra đều nhận ân phước ấy. Chỉ những ai “ăn bánh này”, tức là thể hiện đức tin nơi ngài, mới nhận lợi ích. Nhiều người tự nhận là tín đồ đạo Đấng Ki-tô nghĩ rằng chỉ cần “tin [Chúa Giê-su]” và xem ngài là đấng cứu thế của mình thì sẽ được cứu (Giăng 6:29, Bản Truyền thống). Tuy nhiên, một số người trong đoàn dân lúc đầu tin Chúa Giê-su nhưng đã từ bỏ ngài. Tại sao?
13. Một người cần làm gì để trở thành môn đồ chân chính của Chúa Giê-su?
13 Phần lớn những người trong đoàn dân được Chúa Giê-su ban thức ăn sẵn lòng theo ngài, miễn là ngài cung cấp điều họ muốn. Họ muốn được chữa bệnh bằng phép lạ, thức ăn miễn phí và những sự dạy dỗ phù hợp với quan điểm của mình. Nhưng Chúa Giê-su nói rõ rằng ngài xuống thế không phải để ban điều họ muốn, mà để dạy họ điều cần làm để trở thành môn đồ chân chính của ngài. Họ phải hưởng ứng lời mời “đến với [ngài]” bằng cách chấp nhận và vâng theo mọi điều ngài dạy.—Giăng 5:40; 6:44.
14. Chúng ta cần làm gì để nhận lợi ích từ thịt và huyết của Chúa Giê-su?
14 Chúa Giê-su nhấn mạnh với đoàn dân rằng họ cần thể hiện đức tin. Nơi điều gì? Nơi quyền lực cứu chuộc của thịt và huyết mà ngài sẽ hy sinh. Đức tin như thế là thiết yếu đối với những người Do Thái ấy, và cũng thiết yếu với chúng ta ngày nay (Giăng 6:40). Thật vậy, để nhận lợi ích từ thịt và huyết của Chúa Giê-su, như được nói nơi Giăng 6:53, chúng ta cần thể hiện đức tin nơi giá chuộc. Vô số người có cơ hội nhận được điều đó.—Ê-phê 1:7.
15, 16. Chúng ta học được những điều quan trọng nào từ Giăng chương 6?
15 Điều Kinh Thánh nói nơi Giăng chương 6 rất có ý nghĩa đối với chúng ta và những người thân yêu của mình. Chúng ta học được rằng Chúa Giê-su rất quan tâm đến người ta. Khi ở Ga-li-lê, ngài chữa lành người bệnh, dạy dân chúng về Nước Trời và đáp ứng nhu cầu về thực phẩm của họ (Lu 9:11; Giăng 6:2, 11, 12). Quan trọng hơn, Chúa Giê-su dạy rằng ngài là “bánh sự sống”.—Giăng 6:35, 48.
16 Những người mà ngài gọi là “chiên khác” không dùng bánh và rượu trong Bữa Ăn Tối Của Chúa, và đó là điều thích hợp (Giăng 10:16). Tuy nhiên, họ vẫn ăn “bánh sự sống” theo nghĩa bóng. Họ làm thế bằng cách thể hiện đức tin nơi quyền lực cứu rỗi của giá chuộc của Chúa Giê-su (Giăng 6:53). Còn những người dùng bánh và rượu là những người thuộc về giao ước mới và có triển vọng cai trị trong Nước Trời. Vì thế, dù chúng ta là người được xức dầu hoặc chiên khác, những điều được ghi lại nơi Giăng chương 6 rất có ý nghĩa với chúng ta. Chương này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thể hiện đức tin, và nhờ đó nhận được sự sống vĩnh cửu.
BÀI HÁT 150 Hãy tìm kiếm Đức Chúa Trời để được cứu rỗi
a Giăng 6:5-35 được thảo luận trong bài trước.
b Nước mà Chúa Giê-su nói đến tượng trưng cho những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va để mang lại sự sống vĩnh cửu.