BÀI HỌC 49
“Có kỳ định” để làm việc và nghỉ ngơi
“Hãy đi riêng đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút”.—MÁC 6:31.
BÀI HÁT 143 Hãy luôn bận rộn, thức canh và trông đợi
GIỚI THIỆU a
1. Nhiều người có quan điểm nào về công việc?
Hầu hết người ta ở nơi anh chị sống có quan điểm nào về công việc? Tại nhiều nước, người ta làm việc vất vả và nhiều giờ hơn bao giờ hết. Những người đầu tắt mặt tối thường không có thì giờ để nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình hoặc thỏa mãn nhu cầu tâm linh (Truyền 2:23). Ngược lại, một số người không thích làm việc chút nào và viện cớ để không phải làm việc.—Châm 26:13, 14.
2, 3. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nêu gương nào về công việc?
2 Nhiều người trong thế gian có quan điểm không thăng bằng về công việc. Nhưng hãy xem Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có quan điểm nào về điều này. Chắc chắn Đức Giê-hô-va yêu thích làm việc. Chúa Giê-su cho thấy rõ điều đó khi nói: “Cha tôi vẫn làm việc cho đến nay, và tôi cũng vậy” (Giăng 5:17). Hãy nghĩ đến tất cả những công việc mà Đức Chúa Trời làm khi ngài tạo ra vô số tạo vật thần linh và vũ trụ bao la. Chúng ta cũng nhìn thấy công trình sáng tạo tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va tạo ra trên đất. Người viết Thi thiên nói thật đúng: “Lạy Đức Giê-hô-va, các công việc ngài nhiều thay! Ngài làm hết thảy một cách khôn ngoan. Trái đất chứa đầy tạo vật của ngài”.—Thi 104:24.
3 Chúa Giê-su noi gương Cha ngài. Con Người đã cùng Đức Chúa Trời “chuẩn bị các tầng trời”. Ngài đã ở bên Đức Giê-hô-va “làm thợ cả” (Châm 8:27-31). Sau này khi ở trên đất, Chúa Giê-su đã làm việc rất xuất sắc. Chúa Giê-su nói công việc Đức Giê-hô-va giao giống như thức ăn của ngài, và mọi việc ngài làm trên đất chứng tỏ Đức Chúa Trời đã phái ngài đến.—Giăng 4:34; 5:36; 14:10.
4. Chúng ta học được gì từ Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su về việc nghỉ ngơi?
4 Phải chăng gương siêng năng làm việc của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su cho thấy chúng ta không cần phải nghỉ ngơi? Hoàn toàn không. Đức Giê-hô-va không bao giờ mệt, vì thế ngài không cần nghỉ ngơi về thể chất. Đúng là Kinh Thánh nói rằng sau khi Đức Giê-hô-va dựng nên trời đất, “ngài ngưng công việc và nghỉ ngơi” (Xuất 31:17). Nhưng dường như điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va nghỉ công việc sáng tạo và chiêm ngưỡng những gì ngài tạo ra. Chúa Giê-su siêng năng làm việc khi ở trên đất, dù vậy ngài vẫn dành thời gian để nghỉ ngơi và dùng bữa với bạn của mình.—Mat 14:13; Lu 7:34.
5. Nhiều anh chị đối mặt với khó khăn nào?
5 Kinh Thánh khuyến khích dân Đức Chúa Trời vui thích làm việc. Tôi tớ của ngài nên làm việc siêng năng, không nên lười biếng (Châm 15:19). Có lẽ anh chị phải làm việc ngoài đời để chu cấp cho gia đình. Và tất cả môn đồ của Đấng Ki-tô đều có trách nhiệm rao giảng tin mừng. Dù vậy, anh chị cũng cần nghỉ ngơi đầy đủ. Có khi nào anh chị thấy khó phân bổ thời gian cho công việc ngoài đời, thánh chức và nghỉ ngơi không? Làm thế nào để biết mình nên làm việc và nghỉ ngơi bao nhiêu?
GIỮ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG
6. Mác 6:30-34 cho thấy Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng nào về công việc và sự nghỉ ngơi?
6 Có quan điểm thăng bằng về công việc là điều quan trọng. Vua Sa-lô-môn được soi dẫn để viết: ‘Mọi hoạt động đều có kỳ’. Ông nói đến việc trồng trọt, xây dựng, khóc lóc, vui cười, nhảy múa và những hoạt động khác (Truyền 3:1-8). Rõ ràng, làm việc và nghỉ ngơi là hai khía cạnh thiết yếu của đời sống. Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng về hai điều này. Vào một dịp nọ, các sứ đồ trở về sau một chuyến rao giảng. Họ bận rộn đến độ “không có thì giờ để thư giãn, thậm chí ăn uống”. Chúa Giê-su bảo họ: “Nào, hãy đi riêng đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút”. (Đọc Mác 6:30-34). Dù Chúa Giê-su và các môn đồ không luôn có thời gian nghỉ ngơi như mong muốn, nhưng ngài biết rằng tất cả họ cần được nghỉ ngơi.
7. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi tìm hiểu về luật ngày Sa-bát?
7 Đôi khi, chúng ta cần được nghỉ ngơi hoặc thay đổi không khí. Chúng ta có thể thấy điều này qua một sắp đặt mà Đức Chúa Trời ban cho dân ngài thời xưa, đó là ngày Sa-bát hằng tuần. Dù không còn ở dưới Luật pháp Môi-se, nhưng chúng ta vẫn có thể nhận được lợi ích khi tìm hiểu về luật ngày Sa-bát. Những điều học được có thể giúp chúng ta xem xét quan điểm của mình về công việc và sự nghỉ ngơi.
NGÀY SA-BÁT—THỜI ĐIỂM ĐỂ NGHỈ NGƠI VÀ THỜ PHƯỢNG
8. Theo Xuất Ai Cập 31:12-15, mục đích của ngày Sa-bát là gì?
8 Kinh Thánh nói rằng sau sáu “ngày” sáng tạo, Đức Chúa Trời ngưng công việc của ngài trên đất (Sáng 2:2). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va yêu thích công việc, và ngài “vẫn làm việc” trong những khía cạnh khác (Giăng 5:17). Sắp đặt về ngày Sa-bát hằng tuần dựa trên khuôn mẫu ngày nghỉ ngơi của Đức Giê-hô-va được nói đến trong sách Sáng thế. Đức Chúa Trời nói rằng ngày Sa-bát là một dấu hiệu giữa ngài và dân Y-sơ-ra-ên. Đó là “một ngày nghỉ ngơi trọn vẹn,... một điều thánh đối với Đức Giê-hô-va”. (Đọc Xuất Ai Cập 31:12-15). Không ai được làm bất cứ công việc gì, dù là trẻ em, nô lệ hay ngay cả súc vật (Xuất 20:10). Ngày Sa-bát là thời gian để người ta tập trung nhiều hơn vào những điều thiêng liêng.
9. Một số người có quan điểm không thăng bằng nào về ngày Sa-bát vào thời Chúa Giê-su?
9 Ngày Sa-bát mang lại nhiều lợi ích cho dân Đức Chúa Trời; tuy nhiên, nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời Chúa Giê-su có quan điểm khắt khe và cứng nhắc về ngày này. Họ cho rằng vào ngày Sa-bát, ngay cả việc bứt bông lúa hoặc chữa lành bệnh cho người khác cũng vi phạm luật pháp (Mác 2:23-27; 3:2-5). Những quan điểm như thế không phản ánh lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời; Chúa Giê-su cho những người lắng nghe ngài thấy rõ điều này.
10. Theo Ma-thi-ơ 12:9-12, chúng ta học được gì từ quan điểm của Chúa Giê-su về ngày Sa-bát?
10 Chúa Giê-su và những môn đồ người Do Thái giữ ngày Sa-bát vì họ ở dưới Luật pháp Môi-se. b Nhưng qua lời nói và hành động, Chúa Giê-su cho thấy không có gì sai khi làm điều tốt và giúp đỡ người khác vào ngày Sa-bát. Ngài nói rõ: “Được phép làm điều tốt trong ngày Sa-bát”. (Đọc Ma-thi-ơ 12:9-12). Ngài không nghĩ rằng làm những việc tốt lành và nhân từ là vi phạm ngày Sa-bát. Những việc làm của Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu rõ lý do tại sao Đức Chúa Trời lệnh cho dân ngài nghỉ vào ngày Sa-bát. Vì nghỉ công việc thường ngày nên họ có thể tập trung vào những điều thiêng liêng. Chúa Giê-su lớn lên trong một gia đình hẳn đã dành ngày Sa-bát để thờ phượng Đức Chúa Trời. Điều này được thấy qua những gì chúng ta đọc về Chúa Giê-su khi ngài ở quê nhà Na-xa-rét: “Như thường lệ, [Chúa Giê-su] vào nhà hội trong ngày Sa-bát và đứng lên để đọc Kinh Thánh”.—Lu 4:15-19.
ANH CHỊ CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ CÔNG VIỆC?
11. Ai đã nêu gương tốt cho Chúa Giê-su về công việc?
11 Chắc chắn, Giô-sép đã dạy Chúa Giê-su quan điểm của Đức Chúa Trời về công việc trong khi hướng dẫn ngài làm nghề mộc (Mat 13:55, 56). Hẳn Chúa Giê-su đã nhìn thấy Giô-sép siêng năng làm việc hết ngày này qua ngày khác để chu cấp cho gia đình đông người. Điều đáng chú ý là sau này Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Người làm việc thì đáng được trả công” (Lu 10:7). Quả thật, Chúa Giê-su hiểu rõ công việc khó nhọc và làm việc siêng năng có nghĩa gì.
12. Những câu Kinh Thánh nào cho thấy quan điểm của Kinh Thánh về việc siêng năng làm việc?
12 Sứ đồ Phao-lô cũng có quan điểm như thế về công việc. Công việc chính của ông là làm chứng về danh Chúa Giê-su và thông điệp của ngài. Dù vậy, Phao-lô vẫn làm việc để tự chu cấp cho bản thân. Anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca biết Phao-lô ‘ngày đêm làm việc cực nhọc và vất vả’, vì thế ông “không tạo gánh nặng về tài chính” cho bất kỳ ai (2 Tê 3:8; Công 20:34, 35). Trong câu này, có lẽ Phao-lô đang nói đến việc ông làm nghề may lều. Khi ở thành Cô-rinh-tô, ông ở với A-qui-la và Bê-rít-sin và làm việc chung với họ “vì cùng nghề may lều”. Phao-lô làm việc “ngày đêm” không có nghĩa là ông không nghỉ ngơi. Chẳng hạn, ông không may lều vào ngày Sa-bát. Nhờ đó, ông có cơ hội để làm chứng cho người Do Thái, những người cũng được nghỉ vào ngày Sa-bát.—Công 13:14-16, 42-44; 16:13; 18:1-4.
13. Chúng ta học được gì từ gương của Phao-lô?
13 Sứ đồ Phao-lô đã để lại một gương tốt. Dù phải làm việc ngoài đời, ông vẫn đều đặn “tham gia công việc thánh là rao truyền tin mừng của Đức Chúa Trời” (Rô 15:16; 2 Cô 11:23). Ông khuyến giục người khác cũng làm thế. Do đó, A-qui-la và Bê-rít-sin là ‘các cộng sự của ông trong Đấng Ki-tô Giê-su’ (Rô 12:11; 16:3). Phao-lô khuyên các tín đồ ở Cô-rinh-tô “làm công việc Chúa một cách dư dật” (1 Cô 15:58; 2 Cô 9:8). Đức Giê-hô-va thậm chí còn soi dẫn sứ đồ Phao-lô viết những lời sau: “Nếu ai không chịu làm việc thì cũng đừng nên ăn”.—2 Tê 3:10.
14. Ý của Chúa Giê-su là gì khi nói những lời nơi Giăng 14:12?
14 Công việc quan trọng nhất trong những ngày sau cùng này là rao giảng và đào tạo môn đồ. Chúa Giê-su báo trước các môn đồ của ngài sẽ làm những việc còn lớn hơn việc ngài làm! (Đọc Giăng 14:12). Chúa Giê-su không có ý nói rằng chúng ta sẽ làm phép lạ giống như ngài. Thay vì thế, các môn đồ của ngài sẽ rao giảng và dạy dỗ trong phạm vi lớn hơn, cho nhiều người hơn và trong thời gian dài hơn.
15. Chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào, và tại sao?
15 Nếu anh chị đang làm công việc ngoài đời, hãy tự hỏi: “Ở chỗ làm, mình có được biết đến là người siêng năng không? Mình có hoàn tất công việc đúng hạn và làm hết khả năng không?”. Nếu câu trả lời là có, hẳn anh chị sẽ được chủ tin cậy. Và những người tại sở làm có lẽ cũng sẽ được thu hút đến với thông điệp Nước Trời. Liên quan đến việc rao giảng và dạy dỗ, hãy tự hỏi: “Mình có được biết đến là người siêng năng trong thánh chức không? Mình có chuẩn bị kỹ cho những lần gặp đầu tiên không? Mình có nhanh chóng thăm lại những người chú ý không? Và mình có đều đặn tham gia vào các khía cạnh khác nhau của thánh chức không?”. Nếu câu trả là có, anh chị sẽ tìm được nhiều niềm vui trong thánh chức.
ANH CHỊ CÓ QUAN ĐIỂM NÀO VỀ SỰ NGHỈ NGƠI?
16. Quan điểm của Chúa Giê-su và các sứ đồ về sự nghỉ ngơi khác với quan điểm của nhiều người ngày nay ra sao?
16 Chúa Giê-su biết đôi khi ngài và các sứ đồ cần nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nhiều người vào thời Chúa Giê-su lẫn thời nay giống với người giàu trong minh họa của ngài. Ông ta tự nhủ: “Hãy nghỉ ngơi, ăn uống và hưởng thụ” (Lu 12:19; 2 Ti 3:4). Ông xem việc nghỉ ngơi và hưởng thụ là trọng tâm của đời sống. Ngược lại, Chúa Giê-su và các sứ đồ không tập trung vào việc làm hài lòng chính mình.
17. Chúng ta tận dụng thời gian mình có khi không làm công việc ngoài đời như thế nào?
17 Ngày nay, chúng ta cố gắng noi gương Chúa Giê-su bằng cách dùng thời gian mình được nghỉ làm không chỉ để nghỉ ngơi, mà còn làm những điều tốt, như làm chứng cho người khác và tham dự các buổi nhóm họp. Chúng ta xem việc đào tạo môn đồ và tham dự nhóm họp là điều rất quan trọng; vì thế, chúng ta nỗ lực để tham gia đều đặn vào các hoạt động thiêng liêng ấy (Hê 10:24, 25). Ngay cả khi đi du lịch, chúng ta vẫn giữ nề nếp thiêng liêng bằng cách tham dự các buổi nhóm tại bất cứ nơi nào mình đến, và tìm cơ hội làm chứng cho những người mình gặp.—2 Ti 4:2.
18. Chúa Giê-su Ki-tô muốn chúng ta làm gì?
18 Chúng ta thật biết ơn vì Chúa Giê-su Ki-tô, Vua của chúng ta, là đấng phải lẽ và giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về công việc và sự nghỉ ngơi! (Hê 4:15). Ngài muốn chúng ta nghỉ ngơi khi cần. Ngài cũng muốn chúng ta siêng năng làm việc để chu cấp cho bản thân và tham gia vào công việc thỏa nguyện là đào tạo môn đồ. Bài tới sẽ thảo luận vai trò của Chúa Giê-su trong việc giải thoát chúng ta khỏi một hình thức nô lệ tàn nhẫn.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
a Kinh Thánh giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng về công việc và sự nghỉ ngơi. Bài này sẽ thảo luận về ngày Sa-bát hằng tuần được ban cho dân Y-sơ-ra-ên, qua đó giúp chúng ta xem xét quan điểm của mình về công việc và sự nghỉ ngơi.
b Các môn đồ rất tôn trọng luật ngày Sa-bát; điều này được thấy qua việc họ ngưng chuẩn bị việc chôn cất Chúa Giê-su cho đến hết ngày Sa-bát.—Lu 23:55, 56.