Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 46

Hỡi các cặp vợ chồng mới cưới—Hãy đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu

Hỡi các cặp vợ chồng mới cưới—Hãy đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu

“Đức Giê-hô-va là sức mạnh tôi... Chính ngài là đấng lòng tôi tin cậy”.—THI 28:7.

BÀI HÁT 131 Cuộc hôn nhân do Chúa tác hợp

GIỚI THIỆU *

1, 2. (a) Tại sao các cặp vợ chồng mới cưới nên tin cậy Đức Giê-hô-va? (Thi thiên 37:3, 4) (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

Có phải anh chị sắp kết hôn, hay anh chị mới kết hôn gần đây? Nếu thế, hẳn anh chị trông mong được sống hạnh phúc bên người mà mình rất yêu thương. Dĩ nhiên, đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng dễ và có những quyết định quan trọng mà các cặp vợ chồng cần đưa ra. Cách anh chị đương đầu với thử thách và quyết định mà anh chị đưa ra sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của mình nhiều năm về sau. Nếu nương cậy Đức Giê-hô-va, anh chị sẽ đưa ra quyết định khôn ngoan, hôn nhân của anh chị sẽ ngày càng vững bền và anh chị sẽ hạnh phúc hơn. Nếu không làm theo lời khuyên của Đức Chúa Trời, rất có thể anh chị sẽ gặp những vấn đề gây căng thẳng trong hôn nhân và dẫn đến không hạnh phúc.—Đọc Thi thiên 37:3, 4.

2 Dù bài này hướng đến các cặp vợ chồng mới cưới, nhưng bài cũng sẽ thảo luận những thử thách mà tất cả các cặp vợ chồng có thể phải đối mặt. Bài sẽ xem xét những điều chúng ta có thể học được từ gương của một số người nam và nữ trung thành trong Kinh Thánh. Các gương này dạy chúng ta bài học mà mình có thể áp dụng vào những khía cạnh khác nhau của đời sống, trong đó có hôn nhân. Cũng hãy xem mình học được gì từ kinh nghiệm của một số cặp vợ chồng ngày nay.

CẶP VỢ CHỒNG MỚI CƯỚI CÓ THỂ PHẢI ĐỐI MẶT VỚI THỬ THÁCH NÀO?

Những quyết định nào có thể cản trở các cặp vợ chồng mới cưới nới rộng việc phụng sự Đức Giê-hô-va? (Xem đoạn 3, 4)

3, 4. Các cặp vợ chồng mới cưới có thể đối mặt với những thử thách nào?

3 Một số người có thể khuyến khích cặp vợ chồng mới cưới sống một đời sống mà người ta cho là bình thường. Chẳng hạn, cha mẹ và những người thân khác có lẽ gây áp lực để cặp vợ chồng ấy có con càng sớm càng tốt. Hoặc bạn bè và người thân trong gia đình khuyến khích họ mua nhà và sắm sửa đồ đạc tiện nghi.

4 Nếu không cẩn thận, một cặp vợ chồng có thể đưa ra những quyết định khiến họ nợ nần chồng chất. Rồi rất có thể cả vợ lẫn chồng phải làm việc nhiều giờ để trả nợ. Công việc ngoài đời có thể chiếm lấy thời gian mà đáng lẽ họ nên dành cho việc học hỏi cá nhân, buổi thờ phượng của gia đình và thánh chức. Cặp vợ chồng ấy thậm chí có thể bỏ một số buổi nhóm họp để tăng ca nhằm kiếm thêm tiền hoặc để giữ được công việc. Hậu quả là họ bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời để nới rộng việc phụng sự Đức Giê-hô-va.

5. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Klaus và chị Marisa?

5 Kinh nghiệm cho thấy là việc theo đuổi của cải vật chất không mang lại hạnh phúc. Hãy xem một cặp vợ chồng tên Klaus và Marisa học được gì về điều này. * Lúc mới kết hôn, cả hai anh chị ấy đều làm công việc ngoài đời trọn thời gian để có đời sống thoải mái. Tuy nhiên, họ không cảm thấy thỏa nguyện trong lòng. Anh Klaus thừa nhận: “Chúng tôi có dư giả vật chất nhưng chẳng có mục tiêu nào về thiêng liêng. Thành thật mà nói, đời sống của chúng tôi rất phức tạp và căng thẳng”. Có lẽ anh chị cũng nhận thấy việc theo đuổi của cải vật chất không mang lại cho mình sự thỏa nguyện. Nếu thế, đừng nản lòng. Việc xem xét các gương tốt có thể giúp anh chị thực hiện những thay đổi cần thiết. Trước tiên, hãy cùng xem người chồng có thể học được gì từ gương của vua Giê-hô-sa-phát.

NHƯ VUA GIÊ-HÔ-SA-PHÁT, HÃY TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

6. Phù hợp với lời khuyên nơi Châm ngôn 3:5, 6, vua Giê-hô-sa-phát đã làm gì khi đối mặt với một thử thách lớn?

6 Hỡi người chồng, đôi khi anh có cảm thấy choáng ngợp vì những trách nhiệm không? Nếu có, anh có thể nhận được lợi ích từ gương của vua Giê-hô-sa-phát. Là vua, Giê-hô-sa-phát có trách nhiệm lo sao cho cả nước được an toàn. Ông đã chu toàn trách nhiệm lớn lao đó bằng cách nào? Giê-hô-sa-phát đã làm những điều có thể để bảo vệ những người dưới quyền mình. Ông củng cố các thành của Giu-đa và tập hợp một đội quân hùng mạnh gồm hơn 1.160.000 lính (2 Sử 17:12-19). Sau này, Giê-hô-sa-phát đối mặt với một thử thách lớn. Một đạo quân đông đảo từ Am-môn, Mô-áp và vùng núi Sê-i-rơ đe dọa ông cùng gia đình và dân chúng (2 Sử 20:1, 2). Giê-hô-sa-phát đã làm gì? Ông hướng đến Đức Giê-hô-va để được trợ giúp và có sức mạnh. Điều này phù hợp với lời khuyên khôn ngoan nơi Châm ngôn 3:5, 6. (Đọc). Lời cầu nguyện khiêm nhường của Giê-hô-sa-phát, được ghi nơi 2 Sử ký 20:5-12, cho thấy ông tin cậy Cha yêu thương trên trời đến mức nào. Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời cầu nguyện của Giê-hô-sa-phát như thế nào?

7. Đức Giê-hô-va đáp lại thế nào trước lời cầu nguyện của Giê-hô-sa-phát?

7 Đức Giê-hô-va phán như sau với Giê-hô-sa-phát qua một người Lê-vi tên Gia-ha-xi-ên: “Hãy vào vị trí và đứng yên mà xem sự giải cứu của Đức Giê-hô-va vì các con” (2 Sử 20:13-17). Chắc chắn, đó không phải là cách đánh trận thông thường! Tuy nhiên, chỉ dẫn ấy không đến từ con người mà đến từ Đức Giê-hô-va. Hoàn toàn tin cậy nơi ngài, Giê-hô-sa-phát đã làm những điều ông được bảo. Khi ông và dân chúng đối đầu với kẻ thù, ông đặt những người ca hát không cầm vũ khí đi trước đạo quân, chứ không phải những người lính tinh nhuệ nhất. Đức Giê-hô-va đã không làm Giê-hô-sa-phát thất vọng. Ngài đã đánh bại kẻ thù.—2 Sử 20:18-23.

Các cặp vợ chồng mới cưới có thể đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống bằng cách cầu nguyện và học hỏi Lời ngài (Xem đoạn 8, 10)

8. Người chồng có thể học được gì từ gương của Giê-hô-sa-phát?

8 Hỡi người chồng, anh có thể học từ gương của Giê-hô-sa-phát. Anh có trách nhiệm chăm lo cho gia đình nên anh nỗ lực để bảo vệ và hỗ trợ gia đình mình. Khi gặp thử thách, có thể anh nghĩ mình tự giải quyết được vấn đề. Tuy nhiên, hãy kháng cự khuynh hướng dựa vào sức của mình. Thay vì thế, trong lời cầu nguyện riêng, hãy nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Ngoài ra, hãy cùng vợ cầu nguyện tha thiết với ngài. Tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va bằng cách học hỏi Kinh Thánh và các ấn phẩm, rồi áp dụng lời khuyên anh tìm được. Có thể người khác không đồng ý với quyết định của anh, và thậm chí nói là anh dại dột. Có thể họ nói rằng tiền bạc và những thứ mà tiền mua được sẽ mang lại sự bảo vệ tốt nhất cho gia đình anh. Nhưng hãy nhớ gương của Giê-hô-sa-phát. Ông đã tin cậy Đức Giê-hô-va và chứng tỏ điều đó qua hành động. Đức Giê-hô-va không bỏ mặc người đàn ông trung thành ấy, và ngài sẽ không bỏ mặc anh (Thi 37:28; Hê 13:5). Các cặp vợ chồng có thể làm gì để có một đời sống hạnh phúc?

NHƯ Ê-SAI VÀ VỢ ÔNG, HÃY TẬP TRUNG VÀO VIỆC PHỤNG SỰ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

9. Chúng ta có thể nói gì về nhà tiên tri Ê-sai và vợ ông?

9 Nhà tiên tri Ê-sai và vợ ông đã đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống. Ê-sai là nhà tiên tri, và rất có thể vợ ông cũng làm công việc tiên tri vì bà được gọi là “nữ tiên tri” (Ê-sai 8:1-4). Rõ ràng, vợ chồng Ê-sai đã tập trung vào việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Họ quả là gương mẫu tuyệt vời cho các cặp vợ chồng ngày nay!

10. Làm thế nào việc học hỏi lời tiên tri giúp các cặp vợ chồng quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều nhất có thể?

10 Các cặp vợ chồng ngày nay có thể đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống bằng cách làm mọi điều có thể để phụng sự ngài. Họ có thể củng cố lòng tin cậy Đức Giê-hô-va qua việc cùng nhau học lời tiên tri trong Kinh Thánh và xem lời tiên tri ấy luôn được ứng nghiệm như thế nào * (Tít 1:2). Họ có thể nghĩ đến điều mình có thể làm để góp phần vào sự ứng nghiệm của lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, họ có thể góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa Giê-su là tin mừng sẽ được rao truyền khắp đất trước khi sự kết thúc đến (Mat 24:14). Càng tin chắc lời tiên tri trong Kinh Thánh đang được ứng nghiệm, họ sẽ càng quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều nhất có thể.

NHƯ BÊ-RÍT-SIN VÀ A-QUI-LA, HÃY ĐẶT NƯỚC TRỜI LÊN HÀNG ĐẦU

11. Dù gặp khó khăn, Bê-rít-sin và A-qui-la vẫn làm gì, và tại sao họ làm thế?

11 Các cặp vợ chồng trẻ có thể học từ Bê-rít-sin và A-qui-la, một cặp vợ chồng người Do Thái sống ở thành Rô-ma. Sau khi nghe tin mừng về Chúa Giê-su, họ trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Chắc hẳn, họ thỏa nguyện với đời sống của mình. Tuy nhiên, đời sống họ bất ngờ thay đổi khi hoàng đế Cơ-lo-đi-ô lệnh cho tất cả người Do Thái phải rời Rô-ma. Hãy xem điều đó ảnh hưởng thế nào đến A-qui-la và Bê-rít-sin. Họ phải rời nơi thân thuộc, tìm chỗ ở mới và bắt đầu lại công việc may lều. Sự đảo lộn này có cản trở họ đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu không? Hẳn anh chị biết câu trả lời. Tại chỗ ở mới trong thành Cô-rinh-tô, A-qui-la và Bê-rít-sin đã giúp đỡ hội thánh địa phương và cùng làm việc với sứ đồ Phao-lô để củng cố anh em ở đó. Sau này, họ chuyển đến những thị trấn khác, nơi có nhu cầu lớn hơn về người rao giảng (Công 18:18-21; Rô 16:3-5). Hẳn họ đã có một đời sống phong phú và đầy ân phước.

12. Tại sao một cặp vợ chồng nên đặt những mục tiêu thiêng liêng?

12 Các cặp vợ chồng ngày nay có thể bắt chước Bê-rít-sin và A-qui-la bằng cách đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Thời điểm tốt nhất để nói đến mục tiêu trong đời sống là khi hai người đang tìm hiểu nhau. Khi một cặp vợ chồng cùng nhau đưa ra quyết định và nỗ lực để đạt được mục tiêu thiêng liêng chung, họ sẽ có nhiều cơ hội hơn để thấy thần khí Đức Giê-hô-va hoạt động trong đời sống mình (Truyền 4:9, 12). Hãy xem kinh nghiệm của anh Russell và chị Elizabeth. Anh Russell cho biết: “Trong thời gian tìm hiểu, chúng tôi thảo luận về những mục tiêu thiêng liêng một cách cụ thể”. Chị Elizabeth nói: “Chúng tôi làm thế để sau này khi đứng trước các quyết định khác nhau, chúng tôi sẽ đưa ra lựa chọn sao cho không cản trở mình đạt được những mục tiêu ấy”. Hoàn cảnh của anh Russell và chị Elizabeth cho phép họ chuyển đến Micronesia, nơi có nhu cầu lớn hơn.

Các cặp vợ chồng mới cưới có thể đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống bằng cách đặt mục tiêu thiêng liêng (Xem đoạn 13)

13. Theo Thi thiên 28:7, kết quả là gì khi chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va?

13 Như anh Russell và chị Elizabeth, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định giữ đời sống đơn giản để dành nhiều thời gian nhất có thể cho việc rao giảng và dạy dỗ. Khi một cặp vợ chồng đặt mục tiêu trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va và cùng nhau nỗ lực đạt được mục tiêu đó, họ sẽ nhận được nhiều lợi ích. Họ sẽ thấy cách Đức Giê-hô-va chăm sóc họ, lòng tin cậy của họ nơi ngài sẽ lớn mạnh và họ sẽ thật sự hạnh phúc.—Đọc Thi thiên 28:7.

NHƯ PHI-E-RƠ VÀ VỢ ÔNG, HÃY TIN CẬY LỜI HỨA CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

14. Làm thế nào Phi-e-rơ và vợ ông cho thấy họ tin cậy lời hứa nơi Ma-thi-ơ 6:25, 31-34?

14 Các cặp vợ chồng cũng có thể học từ gương của sứ đồ Phi-e-rơ và vợ ông. Khoảng sáu tháng đến một năm sau khi gặp Chúa Giê-su lần đầu tiên, Phi-e-rơ phải đưa ra một quyết định quan trọng. Lúc ấy ông kiếm sống bằng nghề đánh cá. Vì thế, khi Chúa Giê-su mời Phi-e-rơ đi theo ngài trọn thời gian, ông phải nghĩ đến hoàn cảnh gia đình (Lu 5:1-11). Phi-e-rơ đã chọn đi theo Chúa Giê-su làm công việc rao giảng. Quyết định ấy thật khôn ngoan! Chúng ta có lý do để kết luận rằng vợ Phi-e-rơ đã ủng hộ quyết định của ông. Kinh Thánh cho biết sau khi Chúa Giê-su sống lại, bà đã đi cùng Phi-e-rơ ít nhất trong một số chuyến hành trình (1 Cô 9:5). Chắc hẳn bà là một người vợ tin kính nên Phi-e-rơ đã có thể dạn dĩ đưa ra lời khuyên cho những người chồng và người vợ đạo Đấng Ki-tô (1 Phi 3:1-7). Rõ ràng, cả Phi-e-rơ lẫn vợ ông đều tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va là ngài sẽ chăm sóc họ nếu họ đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống.—Đọc Ma-thi-ơ 6:25, 31-34.

15. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Tiago và chị Esther?

15 Nếu đã kết hôn vài năm, làm thế nào anh chị có thể tiếp tục vun trồng ước muốn nới rộng thánh chức? Một cách là xem kinh nghiệm của các cặp vợ chồng khác. Chẳng hạn, anh chị có thể đọc loạt bài “Họ tình nguyện đến”. Những bài ấy đã giúp anh Tiago và chị Esther, một cặp vợ chồng từ Brazil, vun trồng ước muốn mạnh mẽ được phụng sự tại nơi có nhu cầu lớn hơn. Anh Tiago nói: “Khi đọc những kinh nghiệm về cách Đức Giê-hô-va giúp tôi tớ ngài trong thời hiện đại, chúng tôi cũng muốn cảm nghiệm bàn tay của ngài hướng dẫn và chăm sóc mình”. Cuối cùng họ chuyển đến Paraguay và phụng sự trong cánh đồng tiếng Bồ Đào Nha kể từ năm 2014. Chị Esther nói: “Một câu Kinh Thánh mà cả hai chúng tôi rất thích là Ê-phê-sô 3:20. Nhiều lần chúng tôi thấy những lời ấy trở thành hiện thực trong đời sống phụng sự của mình”. Trong lá thư gửi cho các tín đồ ở Ê-phê-sô, Phao-lô đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp nhiều hơn điều chúng ta xin. Lời hứa ấy thật đúng thay!

Các cặp vợ chồng mới cưới có thể đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống bằng cách tìm lời khuyên từ anh chị thành thục (Xem đoạn 16)

16. Các cặp vợ chồng trẻ có thể tìm lời khuyên của ai nếu đang xem xét các mục tiêu trong đời sống?

16 Các cặp vợ chồng trẻ ngày nay có thể nhận lợi ích từ kinh nghiệm của những người đã học cách nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Một số cặp vợ chồng đã phụng sự trọn thời gian hàng thập kỷ. Hãy xin họ lời khuyên nếu anh chị đang xem xét các mục tiêu của mình. Đó là một cách khác để cho thấy anh chị tin cậy Đức Giê-hô-va (Châm 22:17, 19). Trưởng lão cũng có thể giúp các cặp vợ chồng trẻ đặt ra và đạt được mục tiêu thiêng liêng.

17. Điều gì đã xảy ra với anh Klaus và chị Marisa, và chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của họ?

17 Nhưng đôi khi quyết định nới rộng việc phụng sự không có kết quả như mình mong đợi. Hãy xem kinh nghiệm của anh Klaus và chị Marisa được đề cập ở đầu bài. Sau khi kết hôn được ba năm, họ chuyển nhà và tình nguyện làm công việc xây cất tại chi nhánh Phần Lan. Tuy nhiên, họ được biết rằng họ chỉ được phép ở đó sáu tháng. Lúc đầu họ cảm thấy thất vọng. Nhưng không lâu sau, họ được mời tham dự khóa học tiếng Ả Rập, và giờ đây họ vui mừng phụng sự trong cánh đồng tiếng Ả Rập ở nước khác. Nhìn lại, chị Marisa thừa nhận: “Tôi thấy lo sợ khi bước ra khỏi môi trường thoải mái và phải hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va. Nhưng tôi đã thấy ngài luôn giúp đỡ chúng tôi qua những cách không ngờ. Sau trải nghiệm ấy, lòng tin cậy của tôi nơi Đức Giê-hô-va vững mạnh hơn”. Như kinh nghiệm này cho thấy, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn ban thưởng nếu anh chị hoàn toàn tin cậy ngài.

18. Điều gì có thể giúp các cặp vợ chồng tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va?

18 Hôn nhân là món quà từ Đức Giê-hô-va (Mat 19:5, 6). Ngài muốn các cặp vợ chồng vui thích món quà ấy (Châm 5:18). Hỡi các cặp vợ chồng trẻ, hãy xem xét mình đang dùng đời sống như thế nào. Anh chị có đang làm mọi điều có thể để cho Đức Giê-hô-va thấy mình rất biết ơn những món quà ngài ban không? Hãy trò chuyện với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Tìm các nguyên tắc trong Lời ngài áp dụng cho hoàn cảnh của mình. Rồi làm theo lời khuyên mà Đức Giê-hô-va ban cho. Anh chị có thể tin chắc rằng mình sẽ có một đời sống hạnh phúc và ý nghĩa nếu đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va làm trọng tâm trong đời sống hôn nhân!

BÀI HÁT 132 Từ nay chúng ta là một

^ đ. 5 Một số quyết định mà chúng ta đưa ra có thể ảnh hưởng đến thời gian và sức lực mà mình có để phụng sự Đức Giê-hô-va. Đặc biệt các cặp vợ chồng mới cưới phải đối mặt với những quyết định có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống họ. Bài này sẽ giúp họ đưa ra những quyết định khôn ngoan mang lại một đời sống hạnh phúc và ý nghĩa.

^ đ. 5 Một số tên đã được thay đổi.